Người lặng thầm tìm ra đáp số của lịch sử
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên(7/1987 - 7/2017)
VNTN - Người dân Đông Cao (T.X Phổ Yên) vẫn gọi ông Nguyễn Hữu Khánh (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên), xóm Việt Lâm, thôn Việt Hùng là “bốn nhà trong một”: nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu và ... nhà nghèo! Cả đời bình dị, hết lòng với công tác nghiên cứu lịch sử địa phương, ông lặng lẽ sống và cống hiến, chẳng hề đòi hỏi một phần thưởng, tấm giấy khen, chỉ với mong muốn duy nhất: “Tôi muốn thế hệ sau hiểu và trân trọng hơn lịch sử quê hương”.
Đau đáu nỗi niềm về quê hương của Lý Nam Đế
Căn nhà rộng chưa đầy 30m2 của ông Nguyễn Hữu Khánh nằm sâu tít trong một con ngõ nhỏ gần khu chợ Đông Cao. Ngôi nhà xây dựng từ năm 1984, có 2 chiếc giường nhỏ, cạnh đó kê một chiếc tủ cũ chứa tư liệu cả đời nghiên cứu lịch sử của ông. Ngước nhìn lên trên mái nhà, chúng tôi thấy ngói viên lệch viên xô, thỉnh thoảng có chỗ ánh sáng lọt qua kẽ, lạc xuống bàn nước. Ông Khánh năm nay 84 tuổi, người gầy gò, những quầng đen dưới mắt dày đặc tạo nên một khuôn mặt khắc khổ. Tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng ông vẫn minh mẫn. Nhất là khi nói chuyện về nghiên cứu lịch sử, ông rất say sưa. Dường như những tri thức về lịch sử quê hương tiếp thêm sức mạnh cho ông.
Ông mở đầu câu chuyện: Từ khi học phổ thông đến khi vào chuyên nghiệp, chưa khi nào tôi thôi thắc mắc về quê hương của Lý Nam Đế. Trong sách giáo khoa, các tài liệu không hề nhắc đến quê của vị Hoàng đế này. Chẳng như nhiều nhân vật lịch sử khác đều được chú thích rõ ràng, ví dụ bà Trưng quê ở Châu Phong. Câu hỏi ấy theo tôi suốt mấy chục năm, nhất là lúc còn làm giáo viên lịch sử, tôi không biết phải trả lời ra sao khi học sinh hỏi. Tôi tự nhủ, phải quyết tâm tìm hiểu để thỏa mãn trí tò mò của bản thân, cũng như giải đáp cho học sinh. Nhưng bận rộn nhiều công việc, tận đến lúc nghỉ hưu (năm 1988) tôi mới có thời gian thực hiện.
Chỉ vào chiếc xe đạp cũ kỹ dựng ở góc nhà, ông Khánh nói thêm: Gần đây, tôi không đi được xe đạp nữa, chứ trước, con chiến mã này đã cùng tôi phiêu lưu khắp nơi cùng chốn, trên hành trình khám phá lịch sử.
Nhiều năm trước, người dân ở Phổ Yên đã quen thuộc với hình ảnh một nhà giáo già ngày ngày đạp chiếc xe cọc cạch, lang thang khắp các địa điểm Gò Ngựa, Gò Pháo, Đồng Tiến... sang Hà Châu, Hiệp Hòa, Đa Phúc, Phù Lỗ... để hỏi han nhân chứng và lụi cụi ghi chép vào cuốn sổ nhỏ các thông tin có được. Ông cũng dành nhiều thời gian đến thư viện huyện để tìm hiểu các tư liệu. Bà Ngọc Thị Lan Thái, hiện là Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật T.X Phổ Yên cười nhớ lại: Thời điểm những năm 1990, tôi là thủ thư ở thư viện huyện Phổ Yên. Tôi thấy hầu như hôm nào ông Khánh cũng đến, tra cứu các tài liệu liên quan đến vị vua Lý Nam Đế. Nhiều tài liệu cũ quá thư viện không còn lưu được, tôi còn bị cụ mắng cho một trận rằng không làm tốt nhiệm vụ.
Trong quá trình tự mày mò các tư liệu, ông Khánh tình cờ tìm được bài báo của một giáo sư đăng trên Tạp chí nghiên cứu khoa học của Viện sử học Việt Nam bàn về vị vua Lý Nam Đế. Điều ấy càng thôi thúc ông làm rõ về quê hương của Ngài khi có chút manh mối liên quan đến vùng đất Phổ Yên xưa. Sau nhiều năm tìm tòi, ông đã gửi, được đăng bài báo đầu tiên có tên “Tìm hiểu thêm về Châu Dã Năng và ấp Thái Bình thời Lý Bí” trên Tạp chí Nghiên cứu của Viện Sử học (số VI-1997). Bài báo như tiếp thêm sức mạnh để ông tiếp tục tìm hiểu và công bố những nghiên cứu của mình như “Ấp Thái Bình thời Lý Bí trên đất Phổ Yên”; “Lý Bí và ấp Thái Bình, chùa Hương Ấp”... ở Tạp chí Văn hóa Thái Nguyên tháng 11+12/2007... Tổng cộng, ông có 8 bài báo nghiên cứu đăng ở các trang tạp chí chuyên ngành khẳng định quê hương của Lý Nam Đế ở là Tiên Phong, huyện Phổ Yên. Các bài báo của ông thể hiện chính kiến rõ ràng khi tranh luận với các tác giả khác về cùng một vấn đề: quê hương gốc của vị vua này chính là vùng Thái Bình - Cổ Pháp xưa thuộc châu Giã Năng, xứ Kinh Bắc; ngày nay thuộc thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Hành trang là tình yêu tha thiết với quê hương
Từ những nghiên cứu của mình, ông Khánh đã kiến nghị với nhiều thế hệ lãnh đạo huyện Phổ Yên về việc mở hội thảo lịch sử khẳng định quê hương của Lý Nam Đế ở Phổ Yên song ý kiến của ông cứ bị chìm vào quên lãng. Nhiều người biết còn ngăn ông và bảo, máu nghệ sĩ thích thì cứ tìm hiểu thôi chứ mọi việc chả đi đến đâu đâu. Kể đến đây, ông Hữu Khánh dừng lại, nén một tiếng thở dài…
Rất nhiều lần gặp và trò chuyện cùng nhà giáo Hữu Khánh, tôi luôn thấy ẩn sâu trong đôi mắt ông là cả một bầu trời trĩu nặng biết bao tâm trạng, nỗi niềm khó ngỏ cùng ai. Có chút băn khoăn sau tiếng thở dài nén lại, có chút chạnh lòng về số phận của mình, lại có sự lạc quan của một nhà giáo truyền lửa cho học sinh tình yêu lịch sử thuở nào. Đến năm 2010, 2011, lãnh đạo huyện đã lắng nghe nguyện vọng của ông, quan tâm, xúc tiến việc tổ chức Hội thảo, làm việc với các nhà khoa học ở Viện Sử học. Người ở Viện Sử học sau đó hẹn làm việc với Huyện ủy Phổ Yên, có mời ông cùng đi điền dã ở Tiên Phong, thăm đền Mục, chùa Hương Ấp. Thế nhưng khi ông lên huyện thì được biết đoàn đang làm việc trên tỉnh, bảo ông đợi đến chiều. Ông ngồi lặng lẽ ở cổng huyện chờ tận hơn 12 giờ trưa, đói quá mới rẽ vào một người bạn dạy học cùng hồi ông ở Trường THPT Lê Hồng Phong để ăn tạm bát cơm nguội. Chiều, sau khi gặp và làm việc cùng đoàn xong, ông lại lạch cạch đạp xe về. Đi đến đầu làng, không may ông vướng ống quần vào xe, bị ngã dập bánh chè, phải đi Viện C chụp chiếu. Vợ ông vừa chăm ông vừa khóc, “mắng” ông hâm, cứ mua dây buộc mình. Xuất viện, ông lên đắp thuốc nam ở nhà một lương y gần đền Mục, xã Tiên Phong hàng tháng mới khỏi. Trong những ngày nằm viện, ông vẫn cắp theo sách bút để nghĩ thêm điều gì bổ sung được về tư liệu lịch sử phòng ngừa có lúc bị quên. Ông bảo, làm khoa học có khi mất hàng trăm, nghìn thí nghiệm mới có thể thành công, mình làm những điều này, vừa để thỏa mãn trí tò mò, say mê với lịch sử của mình, cũng là thể hiện tình yêu và trách nhiệm với quê hương giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử. Sau đó, giáo sư Nguyễn Minh Tường có gọi điện yêu cầu ông viết thêm bài viết mới khẳng định quê hương Lý Nam Đế ở Phổ Yên, hơn 100 trang viết tay được ông nhanh chóng hoàn thiện, gửi về Viện Sử học.
Nghe ông nói, tôi thấm thía hơn một điều, dạy sử, nghiên cứu về lịch sử không chỉ đòi hỏi trí tuệ tỉnh táo mà còn là tình cảm chân thật dồi dào và ông Hữu Khánh đã có một tấm lòng thiết tha với quê hương, nguồn cội và thế hệ trẻ như thế.
Cùng với các bài viết của ông, sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo huyện Phổ Yên và các nhà khoa học, năm 2012, Hội thảo khoa học về quê hương của Lý Nam Đế đã được tổ chức thành công. 33 bài đăng trong kỷ yếu thì có 4 bài của nhà giáo Hữu Khánh. Hội thảo đã khẳng định chính xác các cứ liệu cho thấy quê hương của Lý Bí chính là ở Tiên Phong, Phổ Yên.
Ngoài các bài nghiên cứu về quê hương của Lý Nam Đế, ông Khánh còn viết hàng trăm bài báo, tìm hiểu và có tư liệu dày dặn về nhiều di tích lịch sử quê hương như Đền Giá, Đền Đồng Thụ (cầu Đa Phúc), Đình Phúc Duyên (Tân Hương), chùa Đôi Cao, Đình đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu (Tân Hương), đình Xuân Trù... Những tư liệu của ông đã giúp các địa phương có thêm căn cứ làm dầy dặn hồ sơ đề nghị các địa danh được công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh.
Mới đây nhất, tháng 12 năm 2016, diễn ca lịch sử “Vạn Xuân” của ông đã được thị xã Phổ Yên đầu tư, giao cho Hội Văn học nghệ thuật thị xã phối hợp với Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên xuất bản. Diễn ca gồm 5 chương, khắc họa sâu sắc tiểu sử, thân thế sự nghiệp của đức vua Lý Nam Đế từ thuở nhỏ đến lúc thành danh, trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách mang tính giáo dục truyền thống lịch sử đối với các thế hệ.
Cần một sự tôn vinh xứng đáng
Nhiều năm tìm hiểu, ông Khánh có vốn tri thức dày dặn về lịch sử quê hương, với tinh thần lao động không biết mệt mỏi biểu thị niềm đam mê, hoài bão lớn và một nghị lực phi thường vượt lên trên bệnh tật. “Có lúc, sức khỏe yếu, bà nhà tôi ngăn cản lắm, sợ tôi không trụ được nhưng tôi vẫn cố gắng, trồng cây sắp đến ngày được hái quả rồi. Nếu mình không cố, những gì đã làm thời gian qua lại trở về con số không”. Ông nhìn sang vợ, cười tủm tỉm.
Vợ ông, bà Lê Thị Hà Bắc, sinh năm 1940, nguyên là giáo viên trường cấp 2 Tuyên Quang, cán bộ giảng dạy khu Việt Bắc. Bà tiếp lời ông: “Đến nay thì người ta đã khẳng định quê hương của Lý Nam Đế chính là ở Phổ Yên. Di tích liên quan đến Ngài cũng đã được công nhận là di tích Quốc gia. Không ít người đã hỏi tôi, công lao ông nhà tôi như thế, chắc phải được thưởng mấy chục triệu đồng kèm theo bằng khen, giấy khen thật oách của tỉnh, huyện. Vậy nhưng sự thực thì...”. Bà bỏ lửng câu nói. Ông cười xòa, lần tìm tay bà, và bảo: “Lương hưu giáo viên của hai vợ chồng tôi cũng đủ để trang trải cuộc sống. Tôi không làm những điều ấy để được thưởng một tấm huân, huy chương, bằng khen, giấy khen. Tất cả là do sự say mê, thôi thúc của bản thân để tìm ra ẩn số của lịch sử. Tôi không muốn lịch sử chìm vào quên lãng, tôi muốn thế hệ sau hiểu và trân trọng hơn lịch sử quê hương mình. Nếu có mong, chỉ là tôi muốn các nhà chức năng quan tâm và biên soạn lại lịch sử địa phương, thêm phần chi tiết về quê hương của vị vua Lý Nam Đế để các thế hệ sau không còn phải thắc mắc như tôi thuở trước. Vậy là tôi vui rồi”.
Là ông nói vậy thôi, chứ đằng sau đôi mắt đã có phần mờ đục vì tuổi tác và bệnh tật sau bao năm lăn lộn, cống hiến, tôi vẫn thấy một nỗi buồn sâu thẳm.
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Cao nói: Công lao của cụ Khánh ở đây bà con ai cũng biết và khâm phục. Vợ chồng hai cụ sống giản dị, hòa đồng với bà con lối xóm. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, có thể vinh danh cụ, để cụ sống thanh thản những năm cuối đời.
Chia tay nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh, tôi cứ suy nghĩ mãi về số phận nhỏ bé, lẻ loi một nhà giáo, nhà nghiên cứu lặng lẽ, âm thầm sống và đã có nhiều cống hiến cho quê hương nhưng chưa được tôn vinh thật sự xứng đáng. Bởi thời gian rồi sẽ cuốn mọi thứ vào cát bụi, chìm vào quên lãng như những mảng kí ức của con người hàng ngày tiếp nhận biết bao bộn bề của cuộc sống. Trân trọng quá khứ, trân trọng những con người lưu giữ quá khứ cũng là cách để chúng ta khiến sự lãng quên đến chậm hơn mỗi ngày.
Khi tôi ngồi viết bài này, thì được biết sức khỏe của ông dạo này rất giảm sút, di chứng của hai lần tai biến đã khiến ông không còn tự đi lại được nữa, tuy đầu óc vẫn minh mẫn lạ thường. Trong tôi dâng trào sự xót xa. Tôi thầm nghĩ, giá như thời gian tới, các cấp chính quyền quan tâm đến người đã có công lớn đối với lịch sử quê hương này một cách cụ thể, thiết thực để tuổi già đỡ đi gánh nặng… Chẳng hạn như, cho lập ở đền Mục, chùa Hương Ấp - di tích lịch sử Quốc gia một tấm biển nhắc nhớ về nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh, người đã có công lao tìm ra nguồn gốc quê hương của vị vua Lý Nam Đế thì tốt biết bao. Và nên chăng, trong các cuốn lịch sử địa phương, bộ phận biên soạn đưa ra những thông tin bổ sung về tâm huyết của người thầy giáo này. Đó không chỉ là sự tri ân với những đóng góp của một nhà giáo già mà là việc làm của người đi sau biết giữ gìn, trân trọng lịch sử và con người ưu tú của quê hương...
Nhà giáo Nguyễn Hữu Khánh sinh năm 1933; hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Văn nghệ dân gian, Hội VHNT tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, ông đã viết hàng trăm bài báo và xuất bản trên 10 đầu sách gồm các thể loại như văn xuôi, thơ, diễn ca lịch sử, trong đó có 8 bài viết về tìm hiểu nguồn gốc, thân thế, sự nghiệp vua Lý Nam Đế đăng trên tạp chí nghiên cứu lịch sử của Viện khoa học lịch sử Việt Nam. Ông là người có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, khẳng định Phổ Yên là quê hương của vua Lý Nam Đế. |
Mai Linh Lan
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...