Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
19:55 (GMT +7)

Người kể chuyện về đồng đội

KỶ NIỆM 65 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2019)

VNTN - 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2019) gần kề. Suốt 65 năm qua, nhiều tác giả và nhiều tác phẩm viết về chiến thắng này với độ dày hàng nghìn trang sách.

Mỗi trang sách đều có những góc nhìn khác nhau, nổi bật lên là tinh thần chiến đấu hăng hái của người chiến sĩ Điện Biên Phủ. Song mỗi cuộc đời của người lính đều có nhiều những ô kí ức khác nhau mà nếu mở cánh cửa vào các ô kí ức đó, chúng ta sẽ có những kho chuyện vô cùng sinh động và phong phú. Tôi đã may mắn khi tiếp cận với một ô cửa như thế từ một người lính Điện Biên Phủ năm xưa. Đó là Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, nguyên giảng viên khoa Tiếng Nga trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Ông Đỗ Ca Sơn, nguyên là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1. (Sau này, ông Đỗ Ca Sơn trở thành một trong những chiến sĩ Điện Biên được học tiếng Nga do thầy N. Kolesnicov, vốn là đại úy thương binh của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh vệ quốc truyền thụ).

Người lính già của Điện Biên năm xưa, tuổi gần 90, đã kể cho tôi nghe về những giờ phút chiến đấu của mình 65năm trước, khi người lính ấy mới 22 tuổi.

Chiến thắng Điện Biên Phủ

 

- Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch, mà tôi kể những mẩu chuyện những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào trong 56 ngày đêm ấy. Cuộc chiến đấu qua 56 ngày đêm rất sinh động mà nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống, không thể kể được nữa. Những người còn sống không muốn kể về mình, cũng có khi không biết kể về mình, mặc dù họ thực sự là những dũng sĩ – những dũng sĩ thực sự trên đồi A1 và xung quanh đồi A1.

Ông tự nhận mình không có thành tích gì đặc biệt, không có chiến công gì đặc biệt mà chỉ là người lính luôn làm tròn nhiệm vụ.

Những ngày làm việc cùng ông, nghe ông kể lại về tâm tư, tình cảm của người lính, lần nào ông Đỗ Ca Sơn cũng xúc động.

- Mỗi lần chuẩn bị kỉ niệm và trong những ngày kỉ niệm Điện Biên Phủ tôi đều có những cảm xúc mạnh. Chưa bao giờ cảm xúc, tình cảm của tôi với đồng đội phai mờ. Tôi luôn nói với niềm xúc động như những chuyện mới xảy ra gần đây.

Khi ông Đỗ Ca Sơn được mời đi nói chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ trong các dịp kỉ niệm, nhiều thanh thiếu niên từng đến thăm Điện Biên đã hỏi:

- Thưa bác, chúng cháu đến Điện Biên Phủ, đến thăm đồi A1, chúng cháu biết ở trên này chiến đấu rất ác liệt, quân ta hi sinh rất nhiều. Chúng cháu muốn thắp hương nhưng ở đó chưa có chỗ bác ạ. Có lẽ phải xây miếu thờ các liệt sĩ đồi A1 để có nơi cắm hương.

 

Ông đã trả lời các bạn trẻ  trong nỗi ưu tư của mình:

- Nguyện vọng của các cháu thanh thiếu niên cũng là nguyện vọng của người cựu chiến binh chúng tôi. Rất cần có một miếu thờ nào đó, một bát hương để thắp hương cho các liệt sĩ. Nhưng bây giờ chưa có bát hương thì các cháu đứng ở đâu, các cháu có thể cắm nén hương ở ngay đấy, chỗ ấy nhất định có một liệt sĩ, chắc chắn có một liệt sĩ. Bất kì chỗ nào trên đồi A1 cũng có hơn một liệt sĩ.

Ông Đỗ Ca Sơn nhìn xuống dưới, thấy những đôi mắt trong veo giờ đã đỏ hoe. Nhiều em quay đi gạt nước mắt. Nhiều em nước mắt chảy dài trên khuôn mặt. Điều ấy làm cho ông tin rằng, tuổi trẻ luôn trân trọng lịch sử, tuổi trẻ luôn biết ơn và ghi nhớ công lao của thế hệ đi trước.

Nếu ai đó nói rằng, thế hệ trẻ ngày nay không quan tâm đến quá khứ, đến lịch sử, ông không đồng ý. Nếu có một bộ phận tuổi trẻ không quan tâm đến quá khứ, đến lịch sử, theo ông, lỗi là tại người lớn. Những dịp kỉ niệm 40 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm và 65 năm, mỗi lần ông được mời đi nói chuyện Điện Biên Phủ, ông đều thấy các em thiếu nhi, thanh niên rất quan tâm và im lặng lắng nghe những câu chuyện ông kể. Đó là những chuyện của người chiến sĩ chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ, trên đồi A1, mà chưa hề có trong sách vở.

***

Nỗi đau thịt trộn bùn non

Nhiều người đã hỏi ông Đỗ Ca Sơn:

- Chiến sĩ Điện Biên chiến đấu trên đồi A1 sợ nhất điều gì?

Ông nói:

- Chiến đấu 38 ngày đêm trên đồi A1, rất đói, rất khát nhưng mà điều chúng tôi sợ hơn cả là di chuyển trên chiến hào.

Vì sao vậy?

Vì hai lí do như sau:

Thứ nhất, di chuyển trên chiến hào tức là đi từ điểm này đến điểm khác ở trên đồi A1 ấy thì dễ bị lộ. Đứng một chỗ, ngồi một chỗ thì lính Pháp không thấy nhưng khi chúng tôi đi lại nhấp nhô thì quân Pháp bắn, khiến nhiều người thương vong.

Nhưng lí do thứ nhất đó không đáng sợ bằng lí do thứ hai:

Khi di chuyển trong chiến hào, chúng tôi rất dễ dẫm vào đồng đội của mình, những người bị thương chưa kịp đưa đi cứu chữa hoặc đã hi sinh chưa kịp mai táng, tất cả còn đang nằm dưới chiến hào. Mà khi di chuyển trong chiến hào, chúng tôi không có cách nào vượt qua mà không phải dẫm vào các đồng đội.

Tôi hỏi ông Đỗ Ca Sơn: Nhà thơ Tố Hữu đã viết về chiến dịch Điện Biên Phủ với những câu thơ đã được nhiều thế hệ người Việt Nam ghi nhớ:

Năm mươi sáu ngày đêm

Khoét núi

Ngủ hầm

Mưa dầm

Cơm vắt

Máu trộn bùn non”.

Ông Đỗ Ca Sơn cho tôi biết:

- Máu trộn bùn non chưa đáng sợ bằng thịt trộn bùn non!

Tiết trời Điện Biên từ tháng 4 trở ra, nắng bắt đầu gay gắt. Gió tây rít ào ào đem về cái nóng của gió Lào đến quắt người đi. Cùng với đó là những trận mưa xối xả. Nước từ trên đồi chảy dồn xuống cuốn theo đủ thứ: đất sỏi, cành cây gãy, và rác rưởi. Các giao thông hào ở sườn núi bỗng chốc trở thành những con mương dẫn nước đục ngầu. Tất cả nổi lều bều, cản trở việc đi lại của bộ đội. Nước rút, để lại trong giao thông một thứ bùn sệt sệt. Những người lính bị bom đạn sát thương chưa kịp mang đi vì hai bên vẫn đang trong những giờ phút chiến đấu căng thẳng. Sau 2-3 ngày, xác thịt người chết bắt đầu phân hủy.

- Di chuyển trong chiến hào, những đôi dép lốp, dép râu của các chiến sĩ ta dẫm lên bùn đất, không chỉ có máu, mà còn dính thịt của các đồng đội mình. Thịt và máu của các chiến sĩ trộn bùn non, thứ bùn nhão nhoét. Anh em dẫm lên mà nước mắt tuôn trào. Khi trở về hầm của mình để nghỉ, có khi chúng tôi phải tháo chiếc dép ra, lấy que gạt bùn đất dính máu và thịt của đồng đội. Vừa làm như thế mà nước mắt chảy ròng.

Tôi lại hỏi:

- Vậy ông suy nghĩ ra sao về câu thơ “Đạp lên xác thù mà tiến”?

Ông Đỗ Ca Sơn trả lời không một chút do dự:

- Tôi xin nói ngay, tâm trạng của người lính không phải như của nhà văn, nhà thơ đâu. “Đạp lên xác thù mà tiến”, chỉ có trong văn thơ. Còn trong thực tế đạp lên xác thù không sung sướng gì. Trong chiến tranh, họ là kẻ thù, họ là những người lính chiến đấu không cho chính nghĩa, nhưng họ cũng là con người. Người lính bên này đạp lên xác người lính bên kia, cả hai bên đều không sung sướng gì. Tôi đã chứng kiến những người lính Pháp khi hấp hối, tiếng cuối cùng của anh ta là gọi “Mẹ ơi”, hay gọi tên một người thân nào đó, mà chính tôi cũng lại ứa nước mắt.

Suýt bị kỉ luật trong ngày Chiến thắng

 Sáng sớm ngày 7 tháng 5 năm 1954, Trung đoàn 174 đã chiếm được đồi A1, hoàn toàn làm chủ cửa ngõ phía đông. Khối bộc phá gần một tấn, được chiến sĩ Tiểu đoàn 249 chia thành những gói hai mươi ki-lô-gam đặt dưới hầm ngầm của địch, sau khi điểm hỏa đã thổi bay lô cốt bên trên và cuốn theo phần lớn đại đội dù 2 của Edme đóng ở đây. Đồi A1 bị tiêu diệt đã tạo điều kiện cho các đơn vị khác vượt sông Nậm Rốm tiến vào khu Mường Thanh –trung tâm Sở chỉ huy của tướng De Castries .

Ông Đỗ Ca Sơn tủm tỉm kể lại một kỉ niệm riêng của mình về kết thúc chiến dịch. Một kỉ niệm không bao giờ ông quên được ở đời quân ngũ. Trong niềm vui hân hoan, khi cờ chiến thắng tưng bừng trên trời, ông suýt… bị kỉ luật.

17h30’ chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, tướng De Castries ra lệnh đầu hàng chính thức bằng văn bản. Nhưng trên thực tế, từ 15-16h chiều, lác đác ở các đồn bốt, các vị trí của Pháp, đã có binh lính ra đầu hàng.

- Tôi đang ở chiến hào với nhiều anh em thì có một tiếng gọi: “Sơn ơi, nhìn kìa, nó ra”.

Cách chúng tôi chừng 100 mét, 5-6 người lính Pháp lóp ngóp bước ra khỏi chiến hào. Một lính Tây trắng đi đầu mặc quần dài, cởi trần, cầm một lá cờ trắng bằng mảnh dù xé ra, buộc trên một cái que. Vừa đi, anh ta vừa vẫy vẫy để ra hiệu cho chúng tôi khỏi bắn.

Tôi sướng quá, nhảy vọt lên khỏi hầm, chạy về phía đó. Đằng sau tôi, mấy anh em khác cũng chạy theo. Đến giáp chỗ lính Pháp, anh chàng đi đầu cầm cờ thấy tôi liền giơ tay ra bắt. Theo phản xạ tự nhiên, tôi cũng giơ tay bắt lại. Xong rồi, tôi chỉ về phía quân ta, nói tiếng Pháp “Các anh hãy đi về phía này”. Còn tôi tiếp tục đi tới xem có ai ra hàng tiếp thì mình tiếp nhận.

- Tối hôm đó, đại đội đưatôi ra kiểm điểm. Ban chỉ huy đại đội cho biết tôi phạm ba tội. Tội thứ nhất là vô kỉ luật, không có lệnh của cấp trên, tôi tự động vọt lên chạy về phía địch. Tội thứ hai là mất cảnh giác. Lỡ binh lính Pháp giơ cờ trắng trá hàng, tôi và các anh em khác chạy ra, họ làm một băng tiểu liên thì chúng tôi chết hết tất cả. Tội thứ ba là mất lập trường, tôi bắt tay kẻ thù. Ban chỉ huy đại đội đề nghị kỉ luật tôi trước toàn đơn vị.

Tôi đứng lên trả lời Ban chỉ huy:

- Tôi xin nhận hai khuyết điểm trên. Về khuyết điểm thứ nhất, đúng là chưa có lệnh mà tôi nhảy vọt lên là vô kỉ luật. Về khuyết điểm thứ hai là mất cảnh giác, ngộ Tây trá hàng. Tôi xin nhận hai khuyết điểm nhưng các đồng chí hiểu cho, lúc đó tôi vui quá. Bao nhiêu gian khổ, bao nhiêu chết chóc mà bây giờ Tây ra hàng, sướng quá, cho nên tôi bày tỏ cái niềm vui của tôi quá mức chứ không phải tôi cố tình vô kỉ luật, cố tình mất cảnh giác đâu. Xưa nay các đồng chí đã biết rồi, tôi rất có kỉ luật, rất có tinh thần cảnh giác.

Nhìn vào ánh mắt Ban chỉ huy đại đội, Đỗ Ca Sơn thấy dường như anh em cũng đồng tình với mình.

- Riêng cái điểm thứ ba thì tôi không nhận. Tôi thấy là phải nói lại. Tôi không bắt tay kẻ thù, tôi bắt tay kẻ thù đã đầu hàng. Nếu bắt tay kẻ thù thì sai. Tôi bắt tay kẻ chiến bại. Giữa bắt tay kẻ thù và bắt tay kẻ chiến bại là khác nhau hoàn toàn. Họ thua trận, họ đưa tay ra thì tôi có một phản xạ tự nhiên là có người đưa tay ra thì mình bắt lại. Đó cũng là để cho họ yên tâm quân đội này không có gì thù hằn các anh, các anh yên tâm đi về phía sau. Cái bắt tay của tôi có tính chất trấn an họ và cũng là để bày tỏ sự độ lượng với những người chiến bại.

Cuối cùng anh em yêu cầu Đỗ Ca Sơn ngồi viết kiểm điểm. Nhưng đêm hôm ấy, nhận được tin tại phân khu Hồng Cúm, Đại đoàn 304 đã truy kích và bắt sống toàn bộ quân địch đang chạy trốn. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc sau 56 ngày đêm chiến đấu. Những người lính Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 cùng cả mặt trận vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

- Thế là tôi không còn phải viết kiểm điểm gì nữa.

 Cộng hòa Pháp – Quốc gia duy nhất kỉ niệm chiến bại

Suốt 34 năm gắn bó dạy tiếng Nga, năm 1993 nhà giáo Đỗ Ca Sơn nghỉ hưu. Hưu nhưng chưa nghỉ, ông lại tiếp tục tham gia ban liên lạc Trung đoàn 174, phụ trách truyền thống của đơn vị. Đồng thời, ông tham gia hợp tác văn hóa với nước Pháp và các nước nói tiếng Pháp. Suốt hơn hai mươi năm, ông đã đóng góp được một số việc với khối Cộng đồng Pháp ngữ, thúc đẩy tình hữu nghị giữa các dân tộc cùng nhau khép lại quá khứ - một quá khứ đau thương, để hướng về tương lai. Điều này, ngay từ năm 1994, thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, vị Tổng thống đầu tiên của Pháp thăm chính thức Việt Nam, đã mong muốn “khép lại dĩ vãng, nhìn vào hiện tại và tương lai”.

Nhà giáo Đỗ Ca Sơn trao đổi thêm một số vấn đề về văn hóa. Có một điều mà tôi thấy ông đặc biệt nhấn mạnh. Đó là Cộng hòa Pháp là quốc gia duy nhất trên thế giới này kỉ niệm chiến bại.

- Kỉ niệm 40 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm thất bại ở Điện Biên Phủ, người Pháp đều tổ chức trọng thể. Nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà làm phim của nước Pháp sang Việt Nam gặp tôi, để phỏng vấn về Điện Biên Phủ. Có dân tộc nào, có một nền văn minh, một nền văn hóa nào kỉ niệm chiến bại không? Ngoài nước Pháp, tôi chưa thấy có quốc gia thứ hai nào làm được điều này! Vậy thì phải có một nền văn hóa nào, một trình độ dân trí nào, nước Pháp mới dám kỉ niệm chiến bại.

Kiều Mai Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy