Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
19:06 (GMT +7)

Người đồng tính cần lắm sự cảm thông, chia sẻ

VNTN - Qua các tài liệu và sách báo, tôi ít nhiều đã hiểu về người đồng tính. Nhưng phải đến khi trực tiếp gặp gỡ và trò chuyện cùng họ, tôi mới thật sự vỡ lẽ nhiều điều. Họ có những mặc cảm, những nỗi đau đến tột cùng, mà chủ yếu là do sự kỳ thị của xã hội. Hơn ai hết, họ luôn khao khát được sống một cuộc sống bình thường như những người khác.


Dằn vặt với nỗi đau

Tôi quen anh Nam từ thuở nhỏ. Với tôi, Nam là một người anh tốt. Anh đã giúp đỡ, chỉ bảo tôi rất nhiều. Nam đẹp trai, thân thiện và khá thành đạt (là giám đốc một công ty máy tính ở Hà Nội). Nhưng ít ai ngờ, đằng sau con người có vẻ ngoài đầy mạnh mẽ đó lại chất chứa bao nhiêu nỗi niềm, gánh chịu sự đau khổ tột cùng trong nhiều năm qua.

Lờ mờ nhận ra một điều gì đó không ổn từ hồi học cấp hai, khi đó anh thích chơi với bạn trai nhiều hơn là bạn gái, anh đã rất hoang mang và lo sợ, không hiểu sao mình lại như vậy. “Thời gian đó internet chưa phát triển, tài liệu, sách báo về người đồng tính không có nhiều, mọi thông tin đều mù mịt. Tôi như đứa trẻ sống trong bóng tối, không nhìn thấy ai và không thấy một chút ánh sáng nào”. Anh Nam tâm sự.

Mỗi lần đến trường, anh thường bị bạn bè gọi là “bê đê”, điều đó làm anh rất khổ sở. Vốn bản tính hiền lành cộng với nỗi sợ hãi về sự khác biệt của mình, anh Nam đã sống ngày càng khép kín: “Ngày đó tôi thường xuyên xin nghỉ học, bố mẹ rất lo lắng nhưng tôi chỉ nói là bị ốm, đau bụng. Được nghỉ ở nhà dù chỉ một, hai ngày, tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ, nhưng tôi lại cảm thấy nhẹ nhõm bởi đã tránh được những ánh mắt soi mói, chế nhạo của bạn bè”.

Lên cấp 3, bước vào một môi trường mới, suy nghĩ chín chắn hơn, anh Nam quyết định thay đổi. Anh thường xuyên chơi thể thao, chơi game, đi uống nước và trò chuyện cùng bạn bè. Anh cởi mở hơn, thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Nhưng có một điều anh không thể thay đổi được đó là cảm xúc của bản thân. “Tôi vẫn chỉ thích chơi và nhìn các bạn trai. Ngày đó tôi đặc biệt chú ý tới một cậu bạn ngồi bàn trên, chỉ cần nhìn bạn ấy là tôi cảm thấy hạnh phúc. Rồi sau đó chúng tôi chơi thân với nhau, có cảm giác như tôi có thể sống chết vì cậu ấy. Đã có lúc tôi định thổ lộ tình cảm của mình nhưng rồi lại quyết định không nói ra, vì tôi biết, nếu nói ra, quan hệ của chúng tôi sẽ thay đổi. Lúc đó chúng tôi sẽ không còn là bạn bè nữa và bí mật lớn nhất mà tôi luôn muốn giấu kín sẽ bị mọi người biết. Tôi chỉ có thể chôn sâu cảm xúc của mình trong lòng. Trớ trêu hơn nữa, có nhiều khi, tôi còn phải lắng nghe và làm cố vấn bất đắc dĩ cho cậu ấy về việc thích một cô gái, trái tim tôi đã đau nhói”.

“Ngày đó, tôi rất đau khổ và luôn sống trong sự dằn vặt. Hàng ngàn câu hỏi luôn ám ảnh trong đầu: Tôi là ai? Tôi thuộc thế giới nào? Tại sao ông trời lại chọn tôi là gay? Tại sao tôi lại không thể bình thường như bao người khác?…, nhưng tôi không biết hỏi ai và không biết ai có thể trả lời giúp tôi. - Nam buồn bã, tiếp - Tôi sợ, thật sự rất sợ, nếu ai đó biết, chắc tôi chỉ có đường chết quách đi cho đỡ nhục nhã với bản thân và gia đình. Đã nhiều lần tôi muốn tìm đến cái chết do cuộc sống quá bế tắc, nhưng nghĩ tới bố mẹ, tôi lại tự động viên, an ủi mình để tiếp tục sống”.

Những ngày học đại học, Nam tiếp tục chạy trốn chính bản thân. Anh học cách làm quen và yêu thương những người con gái nhưng rồi chuyện tình cảm không kéo dài được lâu vì anh không muốn lừa dối mình và lừa dối người khác: “Tôi được bạn gái cầm tay, được hôn nhưng dù cố gắng đến đâu cũng không có một chút cảm xúc nào. Tôi cảm thấy mình không khác gì một kẻ lừa đảo”.

Tập trung vào học tập để quên đi bản thân, thấm thoắt 4 năm đại học cũng trôi qua. Anh được nhận vào làm việc tại một công ty sửa chữa phần mềm máy tính và tình cờ quen một người đồng tính giống như mình. “Đó là bước ngoặt lớn trong đời. Tôi đã yêu và được yêu. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng quãng thời gian đó không kéo dài được lâu, chúng tôi không thể vượt qua được rào cản định kiến xã hội nên đã chia tay. Tôi chìm trong đau khổ và tự nhủ với bản thân sẽ phải mang bộ mặt giả dối cho đến cuối cuộc đời. Tôi lao đầu vào các mối quan tâm khác, cố gắng phấn đấu kiếm thật nhiều tiền để quên đi bản thân…”. Giọng Nam rầu rĩ.

Ảnh minh họa ( nguồn internet)

Mong ước nhỏ bé

Những người đồng tính đều có chung một ước muốn đó là được xã hội công nhận. Họ muốn có một cuộc sống bình thường như bao người khác. Tuy nhiên, sự kỳ thị của xã hội vẫn là một rào cản lớn đối với họ.

Sau nhiều năm vật lộn với sự đau khổ, anh Nam quyết định đi tìm hiểu về chính bản thân mình. Anh tìm các tài liệu trên internet, tham gia vào các diễn đàn người đồng tính. Rồi anh gặp được những người “lạ” giống như mình. “Khi đó tôi cứ nghĩ rằng, đồng tính như tôi đều là biến thái như mọi người vẫn thường nói, nhưng rồi mọi cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Tôi biết rằng tôi “là gay” chứ không phải là “bị gay” tôi đã biết được rằng tại sao bề ngoài tôi rất nam tính nhưng tôi lại thích nam giới. Lúc đó tôi muốn hét lên thật to với mọi người rằng: Đồng tính không phải là bệnh, tôi là người bình thường, tôi muốn xây dựng tương lai, đắp xây hạnh phúc với người tôi yêu…”

Sau đó, anh Nam quyết định thú thật với bố mẹ về tình trạng giới tính của mình: “Bố mẹ tôi rất sốc và tuyệt vọng. Trong nhiều năm, ông bà tìm mọi cách chữa trị cho tôi nhưng đều không có kết quả, các bác sĩ đều khẳng định tình trạng sức khỏe của tôi bình thường như bao người đàn ông khác. Thậm chí họ còn tìm đến nhiều biện pháp tâm linh như mời thầy cúng, đưa tôi lên chùa…, nhưng rồi đều thất vọng. Mặc dù sau đó họ đã tìm hiểu về đồng tính rồi cảm thông với tôi. Có điều chính bản thân tôi lại cảm thấy mình có lỗi với họ, cảm thấy mình thật bất hiếu, tôi đã làm bố mẹ tôi xấu hổ. Tôi đã chùn chân ngay từ bước đầu trên hành trình công khai giới tính của mình bởi người thân mình cũng rất khó để chấp nhận thì với người ngoài sẽ ra sao?”.

Quả thật, trên thực tế có rất nhiều người đồng tính bị chính gia đình kỳ thị và ruồng bỏ sau khi họ công khai giới tính thật của mình. Bạn Minh (Võ Nhai) thậm chí còn bị bố mẹ dọa đưa đến bác sỹ thần kinh để “tẩy não”. Bố mẹ bạn cho rằng bạn đang có những suy nghĩ lệch lạc về giới tính. Minh bị bố mẹ cấm cửa không cho giao lưu với bất kì ai, đặc biệt là những người con trai. Bố Minh từ đó thường xuyên uống rượu rồi trút lên anh những trận đòn, chửi rủa không thương tiếc. Quá đau đớn và tuyệt vọng. Minh bỏ nhà xuống thành phố, đoạn tuyệt với người thân. Anh ở nhờ nhà người bạn và xin bán hàng tại một shop quần áo nhỏ để mưu sinh qua ngày.

Minh nghẹn ngào: “Có nỗi đau nào bằng nỗi đau bị chính bố mẹ ruồng bỏ, căm ghét. Bố tôi thẳng thừng chỉ vào mặt tôi và nói: Tao không bao giờ chấp nhận một thằng con đồng tính như mày ở nhà. Mày là nỗi sỉ nhục lớn nhất trong đời tao. Tôi đã rất buồn và chán ghét mọi thứ. Cho đến tận bây giờ, những trận đòn, những câu nói, ánh mắt cay nghiệt của gia đình vẫn luôn ám ảnh tôi, nhưng dù sao tôi vẫn yêu quý bố mẹ và luôn ao ước đến một ngày họ sẽ hiểu và chấp nhận tôi”.

Tôi biết có rất nhiều người đồng tính cũng đang có hoàn cảnh giống như Minh, tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn được con đường đi đúng đắn như vậy. Tương lai của rất nhiều người đồng tính - những con người thiếu may mắn phải gánh chịu sợ trớ trêu của tạo hóa đang bị gia đình ruồng bỏ, xã hội kì thị ngày càng trở nên mù mịt hơn. Có người chọn nghề làm bạn tình với người đồng tính, sống buông thả để rồi sau đó bị mắc các bệnh xã hội như HIV - AIDS; Các bạn đồng tính nữ thì rất có nguy cơ bị xâm hại; thậm chí có những người do khủng hoảng tâm lí dẫn đến lạm dụng các chất gây nghiện, làm tổn thương cơ thể hoặc tự tử…

Đồng tính không phải là bệnh

Gặp được người đồng tính không khó, nhưng để nhận được những lời sẻ chia tâm sự của họ thì thật sự khó khăn.

Tuyết và Nhung - đôi bạn đồng tính nữ tỏ ra khá dè chừng và từ chối tâm sự với tôi. Phải mất rất nhiều thời gian, tôi mới có thể trò chuyện cùng hai bạn trong sự cảnh giác cao độ của họ.

Hai người quen nhau trong một dịp đi chơi chung với nhóm bạn, họ nhanh chóng cảm thấy sự thu hút của người kia rồi yêu nhau đến nay đã gần 3 năm. Cả hai đã cùng trải qua nhiều thăng trầm, giận dỗi, có những lần cuộc tình tưởng như đã kết thúc mãi mãi, nhưng rồi họ lại vượt qua để rồi nắm tay nhau bước tiếp. “Chúng tôi biết ngày nay mọi người đã có cái nhìn thoáng hơn, nhưng chắc chắn vẫn còn rất nhiều người kì thị, họ thậm chí xem chúng tôi như một căn bệnh dịch cần tránh càng xa càng tốt. Có thể chúng tôi sẽ công khai nhưng chưa phải bây giờ. Chắc chắn khi công khai, chúng tôi sẽ trở thành trò cười cho mọi người, thành tiêu điểm của những lời bàn tán, bình luận ác ý”.

Tuyết đột ngột hỏi tôi: “Tình cờ bắt gặp hai người cùng giới tay trong tay nói cười vui vẻ, hoặc có cử chỉ thân mật, chắc chắn rất nhiều người sẽ có suy nghĩ: bê đê kìa, biến thái, bệnh hoạn kìa… kèm theo đó là những ánh mắt soi mói, xem thường, thậm chí họ sẽ coi tất cả người đồng tính là xấu mặc dù họ không biết gì về chúng tôi mà chỉ là a dua theo nhau. Còn bạn, bạn nghĩ sao?”. Câu hỏi của Tuyết khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Phải chăng chính cách ứng xử của xã hội đã đẩy những người đồng tính ra xa chứ không phải họ cố tình lẩn tránh và che giấu con người thật của mình?

Bà Nguyễn Thị Dưỡng - Trưởng Ban Công tác xã hội, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Đồng tính không phải là bệnh, họ cũng giống như chúng ta tuy có khác là xu hướng tính dục, nhưng đó là vấn đề của tự nhiên và nó thuộc về thiểu số vì thế họ không thể nào lựa chọn được tính dục cho mình. Có thể bạn không động chạm, bạn không làm gì đau thể xác những người đồng tính, nhưng từng việc bạn làm, từng lời nói của bạn có thể đang giết dần, giết mòn tinh thần của họ”.

Ngày nay khi xã hội, trình độ dân trí phát triển, có nhiều tài liệu, sách báo và cả những bộ phim hay về đề tài người đồng tính thì người dân đã nhìn nhận đồng tính một cách thoáng hơn, nhất là trong giới trẻ. Có người lên án hành động kì thị, phân biệt đối xử với người đồng tính và sẵn sàng ra mặt ủng hộ, giúp đỡ họ nhận được sự công bằng, có cuộc sống hạnh phúc. Đã xuất hiện nhiều hơn các tổ chức, diễn đàn, là nơi giao lưu, kết bạn và lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người đồng tính. Tuy nhiên, đó chỉ là ở những thành phố lớn, còn ở Thái Nguyên gần như không có. Nhóm Family thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên là một tổ chức hiếm hoi.

Được thành lập từ 2 năm trước từ một dự án của Mỹ về các nhóm có nguy cơ cao, CLB có chức năng kết nối cộng đồng người đồng tính từ đó bảo vệ quyền lợi, tuyên truyền, giáo dục kiến thức để phòng tránh các nguy cơ về bệnh đặc biệt là HIV - AIDS cho họ. CLB thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, tạo môi trường cho người đồng tính gặp mặt, sẻ chia với nhau. Anh Hoàng, trưởng nhóm Family nhận định: “Để xã hội có thể chấp nhận người đồng tính, cần cả một quá trình. Bởi những quan niệm về tình yêu nam nữ từ lâu đã in sâu vào mỗi con người chúng ta. Cuộc sống là tự nhiên vì thế nó không thể phụ thuộc mãi vào những quan niệm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần hơn nữa sự mở lòng của các bạn đồng tính, bởi nếu chúng tôi không hiểu được các bạn thì rất khó giúp các bạn hòa nhập với cộng đồng, hay đơn giản là tìm được tiếng nói chung với gia đình, bạn bè”. 

Cuộc sống là nơi hàng vạn trái tim cùng hòa chung nhịp đập, là sự sẻ chia, đùm bọc, nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều trái tim cô đơn, cơ cực nghèo khổ đang rất cần nhận được sự thương cảm của mọi người và theo tôi có lẽ đáng thương nhất là những trái tim không thể nào hòa chung nhịp đập với xã hội, những trái tim luôn khao khát sự cảm thông, đồng cảm của mọi người - những trái tim của người đồng tính. Sống chậm lại, lắng lòng và suy ngẫm, ta sẽ thấy người đồng tính cũng như bạn, như tôi và ta không khác gì họ. Người đồng tính, họ vẫn đang lao động, cống hiến hết mình cho xã hội, họ luôn tôn trọng quyền lợi của chúng ta vậy thì tại sao chúng ta lại không thể lắng nghe họ. Hãy bắt đầu từ sự tôn trọng, bạn nhé!

(Vì lí do cá nhân nên tên các nhân vật đã được tác giả thay đổi)

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước