Người đánh thức cây “giảm nghèo” ở Bàn Đạt
Đã từng có thời gian làng nghề chè Phú Lợi, xã Bàn Đạt (huyện Phú Bình) hoạt động trầm lắng. Thế nhưng đến làng nghề chè Phú Lợi bây giờ, không khó để bắt gặp cảnh người dân phấn khởi livestream trực tiếp giới thiệu sản phẩm trên đồi chè xanh tươi mơn mởn. Và người trực tiếp góp phần đánh thức loài cây “giảm nghèo” này chính là nữ thủ lĩnh Dương Thị Thanh Long - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Trồng và chế biến chè Phú Lợi.
Những đơn hàng cứ tự nhiên mà đến
Chúng tôi gặp chị Long đúng lúc chị đang chuẩn bị đóng gói các sản phẩm trà để tham dự Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc - Thái Nguyên và Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm “Gà đồi Phú Bình” và nông sản tỉnh Thái Nguyên 2024 được tổ chức tại Quảng trường trung tâm huyện Phú Bình. Đôi bàn tay thoăn thoắt, những gói trà đủ các kích cỡ, màu sắc như đang múa trước mắt chúng tôi. Chị Long chia sẻ: Để quảng bá sâu rộng sản phẩm của mình, tôi thường tham gia các hội chợ do tỉnh, huyện tổ chức. Thông tin bây giờ được cập nhật thường xuyên qua các kênh nên rất thuận lợi cho bà con trong làng nghề chè nắm được. Bây giờ ngoài điện thoại, ti vi, chúng tôi hái chè trên đồi cũng được cập nhật tin tức từ hệ thống loa truyền thanh thông minh của xã.
Vừa nói chuyện chị Long vừa chỉ tôi xem cụm loa truyền thanh ở đầu ngõ. Tiếng loa phát thanh nghe rõ mồn một những thông tin hữu ích cho người dân. Lâu không về cơ sở, đặc biệt về các xã miền núi, chúng tôi không thể hình dung sự đổi thay nhanh chóng của một xã miền núi, đông đồng bào dân tộc như xã Bàn Đạt, với gần 50% là dân tộc Sán Dìu. Như hiểu được thắc mắc của tôi, chị Long giải thích: Là xã miền núi, nhưng những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của người dân, diện mạo xã đã có nhiều thay đổi. Một trong những bí quyết giúp đời sống người dân được nâng lên đó là việc phát huy hiệu quả từ cây chè. Nhờ chè mà nhiều hộ xây được nhà mới, mua được xe, cho con cái ăn học đầy đủ.
Nhấp chén trà thơm ngát do chị Long trực tiếp pha, tôi hỏi:
- Với nhiều người sản xuất chè thường lo nhất khâu tiêu thụ, nhưng đây không hẳn là khó khăn với chị phải không?
- Thật ra, trong các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, khâu nào cũng vất vả. Nhưng với người làm chè, khi họ đã đam mê thì sẽ tìm ra giải pháp. Trong khâu tiêu thụ chè cũng vậy, đôi khi cũng là cái “duyên”, những đơn hàng cứ tự nhiên mà đến.
Những câu chuyện về sản xuất và tiêu thụ chè của chị Long khiến tôi thích thú. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức trà ngay tại làng nghề chè. Và thú vị hơn khi chị coi tôi là khách quý nên cẩn thận chọn loại chè ngon nhất ra pha. Nước chè xanh tự nhiên, hương thơm, vị đậm, đọng mãi trong cuống họng. Ở làng nghề chè này, loại ngon nhất là chè nõn, có giá 400 - 500 nghìn đồng/kg. Vừa rồi, chị Long và các thành viên trong HTX mới đi học tập ở các làng nghề chè nổi tiếng của tỉnh cách làm chè đinh rồi về thực hiện tại HTX. Trước đây, người dân trong làng nghề chè sản xuất ra nhiều chè nhưng rất khó bán vì thị trường tiêu thụ hẹp. Chè chủ yếu được bán tại các chợ truyền thống nên mức tiêu thụ chậm, giá thấp dẫn đến nhiều người không mặn mà với cây chè. Thậm chí có hộ phá cây chè thay thế bằng cây trồng khác. Còn bây giờ, chè sản xuất ra đến đâu, cơ bản tiêu thụ hết ngay đến đấy.
Trong quá trình tiêu thụ sản phẩm, chị Long cùng các thành viên tăng cường áp dụng, phát huy tối đa hiệu quả mạng xã hội. Chị thường xuyên kết nối với bạn bè, nhờ giới thiệu sản phẩm. Lúc đầu sử dụng mạng xã hội, chị Long cũng gặp khá nhiều khó khăn, qua một vài lần rồi cũng quen. Sử dụng mạng xã hội giúp chị và các thành viên HTX được giao lưu bạn bè, giới thiệu sản phẩm và mang lại thu nhập cho gia đình cũng như các thành viên trong HTX. Đến nay, chị đã duy trì được lượng lớn khách hàng quen trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong quá trình sản xuất cũng như giới thiệu sản phẩm, ngoài việc chụp đăng giới thiệu trên zalo, facebook, chị Long và các thành viên HTX còn tiến hành live stream trực tiếp, nhờ vậy mọi người được tận mắt chứng kiến sản phẩm. Có những buổi live stream, khách hàng đặt tới gần 1 tạ chè búp khô. Nhiều khách hàng chỉ quen trên mạng xã hội giờ trở thành khách hàng quen thuộc ở các tỉnh, thành như: Nghệ An, Hải Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Hưng Yên, Lạng Sơn,… Chị chủ yếu đóng hàng gửi bưu điện hoặc trực tiếp gửi theo xe khách đến khách hàng. Họ thanh toán qua chuyển khoản nên rất tiện lợi.
Nỗ lực xây dựng và phát triển hợp tác xã
Cây chè phát triển trên đồng đất Bàn Đạt từ lâu. Tuy nhiên, năm 2011, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai Dự án trồng chè cành tại xóm. Từ khi xóm được công nhận là làng nghề (năm 2015), Nhà nước đã đầu tư hệ thống đường điện, bê tông hóa tuyến đường trục chính vào xóm rất thuận tiện cho người dân chế biến chè và tạo điều kiện cho các thương lái đến thu mua chè của các hộ dân. Tháng 11/2019, HTX Trồng và Chế biến chè Phú Lợi được thành lập. Với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, trách nhiệm với công việc, chị Long được các xã viên tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX. Lúc đầu HTX chỉ có 7 hộ tham gia. Đến nay đã tăng lên 17 hộ, 40 thành viên, trực tiếp quản lý trên 7ha chè.
Ngay sau khi tiếp quản công việc, chị Long cùng một số thành viên trong HTX chủ động đến các HTX sản xuất chè trên địa bàn tỉnh học tập kinh nghiệm về áp dụng tại địa phương. Bản thân chị gương mẫu, đi đầu trong việc đầu tư máy sản xuất, đóng gói chè. Gia đình chị đã mua 3 máy sao chè, 4 máy vò chè và 1 máy hút chân không, 1 máy dán với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng. Cùng với đó, chị tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, HTX đã được đầu tư lắp đặt giàn tưới nước tự động cho chè trị giá trên 200 triệu đồng. Nhờ vậy chè của HTX luôn phát triển đảm bảo tăng năng suất và chất lượng. Đặc biệt, làng nghề chè đã được lắp đặt Trạm Quan trắc thời tiết thông minh iMetos thuộc dự án Phát triển mở rộng ứng dụng công nghệ iMetos hỗ trợ sản xuất nông nghiệp do Sở Khoa học và công nghệ tỉnh làm chủ dự án. Nhờ vậy, chỉ cần cài đặt ứng dụng, người dân trong xã sẽ chủ động nắm bắt được thời tiết để chăm sóc, phát triển cây chè cũng như các loại cây trồng khác.
Bà Nguyễn Thị Hiền, thành viên HTX Trồng và Chế biến chè Phú Lợi chia sẻ: Trong quá trình làm chè, chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật nhiệt tình từ chị Long. Trước đây, sản phẩm chè của gia đình tiêu thụ rất chậm. Từ khi vào HTX, được sự giúp đỡ của chị Long nên gia đình tôi yên tâm tập trung sản xuất và mở rộng diện tích chè, không còn phải lo lắng khâu tiêu thụ chè nữa. Vào các lứa thu hái chè, các thành viên trong HTX lại đổi công, giúp đỡ nhau thu hái chè đảm bảo kịp thời vụ, tăng thêm tinh thần đoàn kết giữa các gia đình với nhau.
Có chung suy nghĩ như bà Hiền, bà Đào Thị Lan, xóm Phú Lợi xã Bàn Đạt cho biết: Chị Long thường xuyên hướng dẫn chúng tôi cách vào mạng xã hội, chia sẻ thông tin. Nhờ đó, có rất nhiều khách từ nơi xa yêu thích đặt hàng. Chúng tôi được tiếp cận sản xuất chè theo quy trình VietGAP, được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đồi chè nhà tôi được đầu tư dàn tưới nước tự động nên chè duy trì nhiều lứa hơn so với trước, chất lượng chè ngày càng được nâng lên.
Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm trà của HTX, ngoài việc giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội, chị Long còn tích cực tham gia hội chợ triển lãm,... Không chỉ liên kết, xây dựng thương hiệu chè cho quê hương, chị Long còn thường xuyên hướng dẫn, tư vấn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè nhằm mang lại hiệu quả kinh tế. Năm 2024, sản lượng chè búp khô ổn định ở mức 1,4 - 1,7 tấn/lứa, giá bán từ 150 đến 300 nghìn đồng/kg. Với 9 lứa chè, bình quân mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 12 tấn chè búp khô, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng.
Bên cạnh vai trò là giám đốc HTX chè, chị Long còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã. Hơn 10 năm gắn bó với công việc này, chị đã chắp nối giúp đỡ được hàng trăm hộ dân khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, chị cũng luôn gương mẫu tham gia các phong trào chung của địa phương như ủng hộ 3 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa xóm Phú Lợi,... Với sự nỗ lực cố gắng, chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, UBND huyện Phú Bình. Năm 2021, chị được Trung ương Hội Chữ thập đỏ chứng nhận là cán bộ chữ thập đỏ xuất sắc toàn quốc giai đoạn 2016 - 2020.
Ông Phạm Văn Bảy, Bí thư Đảng uỷ xã Bàn Đạt cho biết: Vừa đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, vừa là Giám đốc HTX chè, chị Long luôn sắp xếp công việc hài hòa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ khi thành lập, HTX đã tập hợp những hộ làm chè, hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, chế biến chè, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho các xã viên. Bản thân chị Long không chỉ tiên phong, gương mẫu trong các phong trào chung mà còn sẵn sàng giúp đỡ người dân phát triển kinh tế bằng chính những hiểu biết, kinh nghiệm của mình.
Chia tay chị Long, xe chúng tôi bon bon qua cổng làng nghề. Và tôi chợt nhớ câu nói đầy tâm huyết của chị: Mỗi lần đi qua cổng làng nghề, mình lại thấy phải trách nhiệm hơn nữa để đời sống người dân làng nghề chè ngày một được nâng lên.
Phú Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...