Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
15:50 (GMT +7)

Người đảng viên cộng sản làm cảnh sát trưởng Sài Gòn – Gia Định

VNTN - Những ngày cuối tháng 4/1975,có một đảng viên cộng sản đã được bổ nhiệm là Chỉ huy trưởng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định của chính quyền Sài Gòn. Trên cương vị đặc biệt này, ông đã ra lệnh thả tù chính trị, giải giáp và làm tê liệt bộ máy cảnh sát đô thành Sài Gòn - Gia Định, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn cũng như góp phần duy trì trật tự trong những ngày khốc liệt ấy. Người cảnh sát trưởng đặc biệt đó là Luật sư Triệu Quốc Mạnh.

Ba chọn một

Luật sư Triệu Quốc Mạnh tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn và theo học Ban Tiến sĩ kinh tế. Sau đó, ông thi đỗ và được bổ nhiệm làm thẩm phán khi vừa 23 tuổi, trở thành thẩm phán trẻ nhất trong ngành tư pháp Sài Gòn-Gia Định. Trong thời gian công tác, ông được phía cách mạng tìm cách liên lạc, móc nối và ông tham gia lực lượng thanh niên vũ trang thuộc Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định. Năm 1966, Triệu Quốc Mạnh được bổ nhiệm làm thẩm phán hàng thứ ba trong tổng số 9 thẩm phán của tổ chức ngành Tư pháp. Cũng trong năm này, ông được tổ chức quyết định kết nạp vào Đảng, để kết nạp Đảng phải ra khu căn cứ cách mạng Gò Đen tỉnh Long An. Nhớ về sự kiện này, Luật sư Triệu Quốc Mạnh cho biết: “một thẩm phán của chính quyền Sài Gòn đâu có thể tự do đi về vùng cách mạng, huống hồ là vô khu”. Sau đó, ông phải tìm cách thể hiện năng lực đặc biệt của mình để được nghỉ phép vài ngày và vào khu. Kết nạp Đảng xong, ông được đưa vào chiến khu Phong Thạnh, Bến Tre của phía cách mạng, từ đó ông thuộc đường dây liên lạc của Ban Trí vận. Ở tuổi 30, Triệu Quốc Mạnh được vinh thăng Đệ nhất Phó biện lý của Tòa Sài Gòn - Gia Định, một chức vụ đầy quyền uy.

Tác giả và Luật sư Triệu Quốc Mạnh (người đứng bên trái)

Khi Dương Văn Minh dự liệu sẽ trở thành Tổng thống chế độ Sài Gòn, ông có ý định đi kiếm người nắm cảnh sát chế độ. Điều kiện người mà ông Dương Văn Minh muốn tìm phải là “người trong sạch, không tai tiếng, nắm vững luật và cho ông Minh đích thân… coi tướng trước”. Năm 1970, khi từ Thái Lan về nước, nhằm tạo cho mình một hậu thuẫn chính trị về sau, Dương Văn Minh đã tập hợp xung quanh mình nhiều lực lượng để làm hậu thuẫn về sau, trong đó có Luật sư Trần Ngọc Liễng, Chủ tịch Lực lượng quốc gia tiến bộ, Chủ tịch Tổ chức nhân dân đòi thi hành hiệp định Paris. Tổ chức Lực lượng quốc gia tiến bộ có 3 Phó Tổng thư ký, trong đó có Luật sư Triệu Quốc Mạnh. Từ mối quan hệ này nên sau khi biết ông Dương Văn Minh có ý định đi tìm người nắm giữ lực lượng cảnh sát, Luật sư Trần Ngọc Liễng đã giới thiệu Triệu Quốc Mạnh với Dương Văn Minh, chỉ hai tuần trước khi ông Minh làm Tổng thống. Về việc nhận chức này, Luật sư Triệu Quốc Mạnh cho biết: “Tôi còn nhớ khi đang ngồi ở tòa Gia Định, giáo sư An Cư dạy Văn khoa Cần Thơ đến nói với tôi rằng “chắc chắn trong tình hình này sẽ thay Tổng thống (ông Hương), ông Minh muốn mời anh Mạnh giữ vị trí chỉ huy cảnh sát…”. Tôi nói ngay: “Không, không đâu bác Cư, không bao giờ tôi nhận”. Nhưng sau đó tôi chạy ra nhà ông Liễng, nói với ổng là “Tôi không tin ai hết, ngoài ông ra, những người khác tôi ngại lắm, cho nên ông làm ơn nói với Đại tướng là tôi nhận”.

Ngày ông Dương Văn Minh nhận chức Tổng thống, ông đã tới trình diện tại Dinh Hoa Lan của Dương Văn Minh. Luật sư cho biết buổi trình diện vào ban đêm, ở đó đã có khoảng 25 người trong phòng họp. Ông Dương Văn Minh đã kêu ông Triệu Quốc Mạnh qua ngồi gần, rồi ông lấy tay che trước mặt viết một mảnh giấy gồm 3 dòng: Bộ Tư lệnh Cảnh sát, Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, Đô trưởng. Triệu Quốc Mạnh nhanh trí và khoanh ngay dòng chữ Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định (tên chính thức là Cảnh sát Thủ đô và Gia Định - NV). Ông Dương Văn Minh nói “hay nhứt, hay nhứt” rồi lấy bút gạch nhẹ dòng chữ “Bộ Tư lệnh Cảnh sát”. Ông Triệu Quốc Mạnh cho biết khi ấy ông cũng không hiểu ý của ông Dương Văn Minh, mãi sau này ông mới biết là trong suy nghĩ của ông Dương Văn Minh khi ấy, vị trí Bộ Tư lệnh Cảnh sát không cần nữa, vì Quân Giải phóng đã gần vào tới cửa ngõ Sài Gòn.

Vô hiệu hóa bộ máy cảnh sát

Triệu Quốc Mạnh bắt đầu với nhiệm vụ Chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định (chức vụ này khi ấy thuộc Tổng thống chế độ Sài Gòn). Việc đầu tiên của ông là trấn an mấy “hung thần” cảnh sát. Ông thông báo với những người dưới quyền rằng ông được lệnh Tổng thống đến chỉ huy và báo cho các anh biết khả năng thương thuyết tại trại Davis là 60% và yêu cầu nhất cử nhất động phải nghe lệnh ông, vì đây là thời chiến. Sau đó, ông đã ra lệnh giải tán các lực lượng cảnh sát đặc biệt và ra lệnh từ giờ phút ấy, bắt được bất kỳ một cán binh Việt cộng nào phải giao cho ông giải quyết vì lý do: nhu cầu thương lượng. Công việc tiếp theo của ông là thả tù chính trị. Ông yêu cầu cấp dưới lập danh sách tất cả tù chính trị “không được thiếu một người”. Triệu Quốc Mạnh đã ra lệnh cho cấp dưới không được nổ súng với lý do để bảo toàn lực lượng. Ông khôn khéo cho phép các chỉ huy dưới quyền được về nhà thăm gia đình vì ông nghĩ khi về họ sẽ “chuồn luôn”. Khi nắm đài chỉ huy, ông cho biết toàn bộ lực lượng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định khi ấy còn rất lớn, khoảng 17 nghìn. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ, ông ra lệnh cho các cận vệ bịt sao mang cấp hàm tướng của chiếc xe riêng “chớ lúc này bị bắn một quả thì chết tui”. Sau đó, ông đã về báo cáo lại với ông Dương Văn Minh. Đêm 29/4, ông không dám về nhà và tá túc trong một ngôi nhà ở đường Kỳ Đồng vì sợ cảnh sát thuộc quyền ông bực bội có thể “thịt” và cũng sợ phía cách mạng không nhận ra cũng có thể “thịt” luôn cảnh sát trưởng.

Sau khi đất nước thống nhất, Luật sư Triệu Quốc Mạnh tham gia thành lập Khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh và là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nhiều khóa. Tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, Luật sư Triệu Quốc Mạnh tiếp tục được hiệp thương tham gia Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khóa 11 nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Trong một dịp may mắn gặp ông Mạnh, tôi nói với ông: Lịch sử sau này sẽ nhắc tới Nguyễn Hữu Hạnh và Triệu Quốc Mạnh. Ông nói: Không! Phải là Dương Văn Minh trước. Tôi tròn mắt! Như hiểu ý tôi, ông Mạnh nói: nhiều vấn đề thuộc về lịch sử, phải rất lâu sau mới được làm rõ… Nhân thể tôi hỏi ông rằng năm ông Dương Văn Minh từ Pháp sang thăm con gái và mất tại Mỹ, chú có sang viếng ông Dương Văn Minh hay không. Ông nhìn tôi và nói với những người xung quanh: “Ông này ổng chả biết gì!...”. Rồi ông nói luôn, ông thuộc diện cấm nhập cảnh vào Mỹ. Tôi hỏi ông chi tiết về việc có lần đoàn cán bộ Ban Trí vận - Mặt trận Sài Gòn - Gia Định được Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp, khi nghe các thành viên trong đoàn báo cáo về thành tích của Luật sư Triệu Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch nước đã rất ngạc nhiên và nói thành tích vậy phải được phong Anh hùng lực lượng vũ trang mới phải, làm thủ tục đưa lên bà ký ngay. Trả lời với người viết, ông cười: chúng tôi tham gia cách mạng không phải để nhận danh hiệu anh hùng. Ông bảo: vợ tôi đã mất gần 20 năm, bây giờ tôi sống vui vẻ cùng con cháu, chứ không màng gì danh lợi…

VŨ TRUNG KIÊN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy