VNTN - Ối trời cao đất dày ơi! Sao con nỡ bỏ mẹ mà đi?... Con ơi…!” Tiếng khóc nỉ non thảm thiết như từ nơi xa thẳm vọng tới làm bà Nụ chợt tỉnh. Phải gắng gượng lắm, bà mới khẽ mở được cặp mắt mờ đục. Làn sương trắng mỏng manh bủa vây. Không gian vắng lặng. Một lát cắt thẳng từ trên cao chọc xuống. Cố dướn hai mí mắt nặng trĩu chực sụp lại, bà nhận ra tia nắng quen thuộc từ viên ngói vỡ lâu nay trên nóc nhà. Thì ra đang là giữa trưa. Không khí oi bức ngột ngạt, bất chợt lại se lạnh làm bà rùng mình, lẩy bẩy đưa tay đỡ vòm ngực quặn lên cơn ho khan. Cố hết sức, bà định ngồi dậy nhưng lại đổ vật xuống, đầu nặng như chì, toàn thân tê dại, nhói buốt, có lúc nhẹ bẫng bập bềnh như đang trôi.
Khẽ trở mình, các thanh giường mục ruỗng kêu cọt kẹt như sắp gãy giập. Bà biết mình chưa chết. Tiếng khóc vẫn rưng rức từ nơi xa thẳm mơ hồ vọng lại. Hình như là tiếng khóc của mẹ bà. Ngày bà đi, mẹ bà đã già yếu. Giờ bà đã già hơn mẹ ngày ấy. Lẽ nào mẹ còn sống để khóc bà? Không thể! Vậy thì ai đang khóc?
Mấy chục năm nay, bà sống bằng nghề khóc mướn. Trước gia đình tang chủ, bà đã vắt cạn mình khóc than, tỏ bày niềm tiếc thương thảm thiết vô bờ bến người quá cố. Kiếm bát cơm manh áo để sống bằng cái chết của người khác, những giọt nước mắt và tiếng khóc cho bà tồn tại. Xót xa tủi phận bà nấc nghẹn, mặc nước mắt mình ầng ậng chảy giàn giụa trên gương mặt già nua, tái sạm.
* * *
Bà Nụ không rõ đã nằm liệt giường và chìm trong mộng mị bao lâu. Một mình đơn độc trong căn nhà khuất nẻo quạnh quẽ tận cuối làng, chả nhờ vả cầu cạnh ai, nếu không có ông Thực hàng xóm, bà đã như ở một thế giới khác. Người ta chỉ nhớ đến bà khi trong nhà có người nằm xuống. Bà biết mình đang sắp chết. Một khi sống đã dựa vào người chết như bà, thì chết hay sống cũng vậy. Nhưng giờ phút này, bà lại khao khát sống thêm để có người đến bên cạnh. Giá mà được nói đôi lời trước lúc ra đi thì quý hóa quá. Bao năm khốn khó cõi nhân gian, người đời vớt lên từ cõi chết, được chòm xóm cưu mang, sẻ chia miếng trầu, bát cơm manh áo, ra đi mà không một lời từ biệt trăng trối, quả là bất nhã.
Ngày ấy, giữa đận mưa bão sầm sập, nước sông cuồn cuộn đục ngầu từ thượng nguồn đổ về, bờ đê nước lên mấp mé. Trong cơn bấn loạn, bà ôm bọc tã lót quấn đứa con không có hình hài lao xuống dòng nước xiết. Ông trời không nỡ tước đi số phận người đàn bà bất hạnh, quăng bà vào gốc cây cổ thụ trôi trên sông. Những người vớt củi phía hạ lưu vớt bà lên cùng gốc cây ấy. Nhìn thân thể bà bầm tím rã rượi, tưởng xác chết, ai nấy đều hoảng sợ. Bà tỉnh dậy trong trạm y tế xã như một cái xác đang nằm trong huyệt mộ. Khi biết mình chưa chết, bà hoảng loạn gào thét, đập đầu vào tường nhất định quyên sinh. Đó là những ngày đau khổ cùng cực nhất trong cuộc đời bà. Khi không còn tin vào con người, người ta thường tìm đến với thần thánh. Với bà, ngay cả ông giời bà cũng còn không tin chứ nói gì đến thần thánh. Nếu ông giời có mắt sao bọn khốn nạn, đểu giả cứ nhởn nhơ phè phỡn, nhiều người tử tế và những kẻ hèn mọn như bà lại thường hay gặp tai ương bất trắc? Bà sống làm gì cho thêm tủi nhục giữa cõi đời này?
Giữa dòng nước xiết bà không chết, thì khi đã nằm trong trạm y tế không ai để cho bà chết. Sau những ngày điều trị, khi sức khỏe và tinh thần tạm ổn, biết bà từ bỏ quê hương bản quán lưu lạc quê người, không có anh em họ hàng thân thích, đôi vợ chồng già, thân sinh ông Thực bố cháu Hạnh bây giờ đón về nhà, coi bà như người thân trong gia đình. Dù đã được chăm sóc cưu mang, nhiều đêm bà vẫn nghĩ về cái chết và muốn quyên sinh một lần nữa. Bà không muốn sống như một kẻ mất gốc, vô gia cư đi ăn nhờ ở đậu, tâm tưởng bầm dập.
Nếu không có một sự việc bất thường, chắc chắn bà đã không còn tồn tại đến hôm nay trên cõi đời này. Hôm đó vừa đi làm đồng về, bà thấy cả làng náo loạn bởi một người đàn ông không mảnh vải che thân vác gậy đuổi đánh một phụ nữ. Người phụ nữ đó là Mến, cũng trạc tuổi bà. Số phận của bà Mến thật éo le, quanh năm đầu tắt mặt tối nuôi người chồng bị điên và đứa con bại não phải nằm liệt giường. Hễ lên cơn điên bất luận lúc nào, anh chồng cũng xé quần áo đánh đập vợ không thương tiếc. Lần nào dân làng cũng phải kéo đến quây bắt anh chồng không còn bản năng làm người giải cứu cô vợ. Những tưởng Mến sẽ phải cam chịu cảnh cùng quẫn bên người chồng điên và đứa con bại liệt ương dở thì đùng một cái, chỉ vừa sau hôm hứng trận đòn thập tử nhất sinh của chồng, giữa cơn giông, bà đang cố cấy nốt mấy đon mạ thì tia sét oan nghiệt đánh trúng. Người bà cháy đen, chân tay co quắp, mặt còn phảng nét ngơ ngác. Khi khâm liệm, dù bằng mọi cách kể cả đổ rượu vuốt, mắt bà Mến vẫn trợn trừng không thể khép. Mọi người đang làm thủ tục cho bà Mến nhập quan, không rõ từ đâu, anh chồng điên chạy về múa may hát hò ầm ĩ. Thằng con trai nằm trên giường thấy bố hát, thích chí vỗ tay hò reo tán thưởng. Không cầm lòng được, bà Nụ khụy xuống bên thi hài bà Mến òa khóc nức nở. Tiếng khóc như bật ra từ gan ruột với những lời lẽ xót thương thảm thiết. Tất cả những người có mặt lặng người. Tiếng khóc của bà như có ma lực từ sợi dây vô hình nào đó trói buộc làm không ai cầm được nước mắt, ngay cả anh chồng điên cũng đứng ngây người há hốc mồm như trúng tà. Chẳng rõ có phải bởi thần giao cách cảm giữa người sống và người chết, hay nguyên do nào khác, đôi mắt bà Mến đang trợn trừng bỗng từ từ khép lại. Lúc hạ huyệt, thấy chung quanh lặng phắc, một ông trong hội hiếu bảo: “Nhà nó chồng con như thế, anh em thân thích chả có ai, cô khóc được thì khóc một tiếng cho nó đỡ tủi.” Không câu nệ, bà Nụ châm nén nhang, quỳ xuống vừa vái vừa cất tiếng nghẹn ngào, mê hoặc: “Ới chị ơi! Phận đời đen bạc, ông giời sao nỡ đang tâm….” .
Mấy ngày sau, người làng còn kháo nhau: “Ông giời không lấy đi của ai tất cả. Người ta mất cái này thì được bù đắp bằng cái khác. Bà Nụ phúc phận chả ra gì, nhưng vẫn được giời cho tiếng khóc. Bao đời nay, chưa có ai khóc hay được như thế.” .
* * *
Lại một đêm đi qua với bà cùng nỗi đau vật vã âm ỉ. Lúc mê lúc tỉnh, đầu óc quay cuồng như trôi vào một cõi mơ hồ nào đó. Bao sự việc trong đời như thước phim đứt đoạn chắp nối chạy lướt qua trước mặt. Bà Nụ chợt thấy mình tỉnh táo lạ thường. Sao từ hôm nào rồi mà con bé Hạnh không tới chơi? Hay có chuyện gì xảy ra với nó!... Hạnh là bé gái con ông Thực nhà phía đầu ngõ, năm nay mới học lớp hai. Nếu biết bà có nhà, hễ đi học về nó lại chạy sang với bà. Bà yêu quý Hạnh như con đẻ. Vậy mà từ lúc bà tỉnh dậy không thấy Hạnh đâu. Sốt ruột bà ghé mặt qua cửa sổ nhưng chỉ một lát, bà đã phải chống đỡ bằng một hơi thở dốc ra oằn oặt.
Cái chết đang đến với bà thật gần. Mấy chục năm làm nghề khóc mướn, bà cũng đã chứng kiến nhiều giờ phút lâm chung của rất nhiều người đủ mọi lứa tuổi. Dường như các bậc cao niên bao giờ trước khi chết cũng có một đôi lần bất chợt hoàn toàn tỉnh táo, như ngọn đèn dầu trước khi lụi bấc vụt sáng lóe lên rồi mới chịu tắt. Bà Nụ cảm thấy hoang hoải, cô đơn khủng khiếp. Bà muốn ngồi nhổm dậy, muốn gào thật to nhưng không thể cảm nhận được sự tồn tại và điều khiển nổi chân tay mình, cổ họng tắc nghẹn, vòm ngực như đặc quánh bởi một lớp vữa lỏng.
Ký ức một thời tuổi trẻ lại chập chờn hiện về, lập lòe như ma chơi. Mười bảy tuổi, được thôi thúc bởi không khí náo nức của trang lứa. Bà Nụ tình nguyện xin đi thanh niên xung phong. Nụ ngày ấy ngốc nghếch và non dại lắm. Cô chỉ biết hăm hở làm lụng, ca hát cùng chúng bạn và lạ lẫm trước mọi điều. Đại đội của Nụ làm nhiệm vụ mở đường ngay cạnh doanh trại của một đơn vị quân đội đang huấn luyện chuẩn bị đi chiến trường. Tình yêu của Nụ và Nhuần, người chiến sỹ trẻ nảy nở và đẹp như bao mối tình khác. Khi Nhuần ra mặt trận, đơn vị của Nụ cũng được điều động vào Trường Sơn xây dựng căn cứ cho một binh trạm. Bao nhiêu nhớ nhung khôn xiết sau những ngày xa cách thì giữa Trường Sơn, Nụ bất ngờ gặp Nhuần, anh đang làm nhiệm vụ đưa đón các đoàn cán bộ giữa các binh trạm. Một tuần sau cuộc gặp gỡ ấy, Nhuần quay ra đón đoàn cán bộ khác. Nụ không ngờ cuộc gặp gỡ lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng của hai người lại bi thảm và khủng khiếp như vậy. Để gặp người yêu, cô bịa lý do cảm sốt xin đại đội trưởng nghỉ làm việc và cắt rừng ra điểm hẹn. Khi Nụ đang ngây ngất trong vòng tay siết chặt đón nhận những cái hôn nồng nàn thì những cú đánh như trời giáng làm Nụ không biết gì nữa. Khi tỉnh lại, Nụ thấy mình trần truồng, bị trói giật cánh khuỷu giữa lòng hang đá lạnh lẽo. Bên cạnh người yêu cô cũng bị trói chặt chân tay, miệng bị bịt kín bằng mớ giẻ. Thấy Nụ tỉnh lại, một người đứng tuổi bước lại gần, sau khi ngắm nghía thân thể lõa lồ và nắn bóp cặp vú thây lẩy, hắn văng tục: “Đù mẹ, con Việt cộng này ngon quá ta!” Vừa nói hắn vừa cởi phăng quần áo. Nụ co rúm người vì sợ hãi. Cô biết mình đã sa vào tay bọn thám báo đóng giả bộ đội ta. Vừa giãy giụa la hét, Nụ đã nhận một cái tát nảy đom đóm mắt. Hai tên còn lại nhảy bổ tới giữ chặt chân tay Nụ cho tên đứng tuổi cưỡng hiếp. Bên cạnh, Nhuần bất lực mở trừng mắt nhìn ba tên thay phiên nhau hãm hiếp Nụ. Suốt cả ngày và đêm hôm đó, Nụ trở thành món đồ chơi cho ba tên thám báo ngay bên người yêu của mình. Phát hiện gần đó có một chiếc hố sâu, một tên xọc lưỡi lê vào ngực Nhuần và đạp anh xuống hố. Nụ cầm chắc mình cũng sẽ bị chúng giết. Chập tối, bọn lính dẫn Nụ ra suối tắm rửa và bịt mắt dẫn cô tới một căn chòi hoang. Tại đây, lại một đêm Nụ bị ba tên thay nhau hành hạ. Sáng hôm sau, bọn lính kéo nhau ra ngoài giở bản đồ bàn bạc. Hồi lâu, một tên quay vào chằm chằm nhìn Nụ. Bên ngoài cửa, tiếng một tên cau có: “Đù mẹ! Lâu dữ vậy. Mày định… nữa hả?” Tên lính rút dao găm, ngần ngừ cắt nút dây trói, hắn nói khẽ: “Tui không nỡ giết người. Nấp vào kia lẹ lên. Bọn tui đi xa rồi hãy trốn…” Thì ra bọn chúng định giết Nụ, nhưng tên lính này còn chút nhân tính không nghe lời đồng bọn, tha chết cho cô.
Một mình rã rượi mò mẫm giữa rừng. Nụ nghĩ mình sẽ bỏ xác tại một xó xỉnh nào đó trong hẻm núi. Khi toàn bộ sức lực đã cạn kiệt, bất chợt những tiếng nổ dữ dội của một trận bom vọng tới. Biết chắc đó chính là máy bay địch oanh tạc vị trí của quân ta, Nụ gắng hết sức lực lê lết tìm đến.
Ê chề nhục nhã trong tay bọn thám báo, về đại đội Nụ lại bị đối xử tồi tệ. Người đại đội trưởng đùng đùng nổi giận khi nghe cô trình bày. Ông ta không tin, cho rằng cô sợ chết, ngại gian khổ, viện lý do ốm để lợi dụng đảo ngũ, chiêu hồi. Và rằng bộ đội ta án ngữ khắp nơi, không có chuyện biệt kích thám báo. Những lời cô nói và chuyện Nhuần bị giết chỉ là bịa đặt nhằm che giấu mưu đồ xấu xa nào đó. Nụ bị bắt viết bản tường trình, bị nhốt vào hầm cách ly như một tù nhân để không làm lung lạc, dao động tinh thần của những đồng đội khác. Khi có xe trở về tuyến sau nhận hàng, cô bị dẫn giải trả về tổng đội ở hậu phương với một văn bản đút trong phong bì niêm phong đóng dấu mật.
Dường như tử thần không nỡ ra tay với người con gái vừa chịu nỗi đau kiệt cùng và sự oan khuất. Giữa đường chiếc xe chở Nụ bị trúng bom cháy rụi, những người ngồi trên xe đều hy sinh. Nụ được nhóm dân công hỏa tuyến tìm thấy trên miệng một hố bom và đưa tới bệnh viện dã chiến..
Ra viện không giấy tờ, không biết địa chỉ người ta gửi cô về đâu, nhưng Nụ không dám trở về quê. Cô không muốn mẹ và anh em trong gia đình phải tủi hổ, mang tiếng vì miệng lưỡi thế gian. Cô thà chết để giữ thanh danh cho gia đình. Một mình lang thang giữa thị xã nhỏ bé bị bom giặc tàn phá, cô lại vô tình lọt vào cặp mắt của những kẻ đê tiện. Gã lái xe chở hàng thương nghiệp lợi dụng lúc cô khốn khó, xin cho cô chân xếp dỡ hàng mậu dịch và đòi cô trả ơn huệ bằng những đêm thỏa mãn thú tính. No xôi chán chè, hắn bày kế đẩy Nụ cho những tên đồng bọn lái xe đường dài khác. Khi biết Nụ có thai, tất cả rũ bỏ trách nhiệm và đuổi Nụ khỏi nơi cô đang kiếm sống. Lang thang vô định, bụng mang dạ chửa, sức khỏe kiệt quệ, cô được những người ăn mày cưu mang bằng những miếng cơm thừa người khác đã bố thí. Dẫu cái thai là tế bào của những kẻ khốn nạn, cô vẫn nhất quyết giữ lại. Cô không thể giết bỏ một sinh linh, không thể như bọn độc ác đã giết người yêu thương nhất của cô.
Sự đời thật éo le. Ngày cô sinh, trái với niềm khao khát mong đợi, đứa bé chỉ là cục thịt dị dạng không tồn tại sự sống. Dòng sông đã không cướp đi mạng sống của cô…
* * *
Dù cơ thể của người sắp chết đã rất yếu, bà Nụ vẫn nhớ rõ ngày đầu tiên nhận những đồng tiền nhỏ nhoi và chính thức bước chân làm nghề khóc mướn. Quả là tiền không mang lại cho con người ta hạnh phúc, nhưng nó đem đến cho người ta niềm vui, dẫu là cái niềm vui nhỏ nhoi nhất khi thấy công sức mình bỏ ra được trả công, chứ không phải ngửa tay nhận tiền bố thí. Hôm ấy, một ông sếp không may qua đời. Nghe nói ông ta sống chẳng ra gì. Bất ngờ ông bị đột tử khi đang hành lạc cùng cô gái điếm. Bọn chân tay cánh hẩu lặn mất tăm. Vợ con ông không hề xót thương vẫn phải tổ chức tang lễ cho phải phép. Đám tang vắng bặt tiếng khóc. Thấy vậy, ông bác họ liền nhờ phường bát âm khóc cho mấy bài. Khổ nỗi, phường bát âm chỉ toàn các tay trống phách và đàn ca sáo nhị, chả ai biết khóc. Ông trưởng phường bát âm liền nhớ ngay đến bà Nụ. Lâu nay, bà vẫn đi khóc giúp những gia đình neo đơn không hề lấy công. Ông ta nói thế nào bà cũng nhất quyết không chịu tham gia cùng phường bát âm. Những ngày vất vưởng đầu đường xó chợ, bà đã chứng kiến nhiều cảnh xâu xé tranh giành miếng ăn. Cứ hễ có vài người trở lên, chỉ thiếu minh bạch, được mấy đồng ăn chia không sòng phẳng là y như có chuyện, đôi khi đánh nhau sứt đầu mẻ chán. Bà đã từng bị tổn thương, bị rẻ rúng trước nhiều kẻ phi nhân tính. Ngay cả khi đã trôi dạt dưới đáy của sự túng quẫn vẫn bị bòn rút trắng trợn của bọn thực dụng. Bà chưa biết phường bát âm thế nào nên tốt nhất là tránh xa. Ở đời, sẻ chia nhường nhịn và yêu thương nhau, nói thì dễ nhưng làm thì sao mà khó thế!… Bất quá, ông bác nọ liền trực tiếp gặp gỡ bà đặt thẳng vấn đề thuê mướn. Bà nhận lời và đã không làm tang gia thất vọng. Tiếng lành đồn xa, từ đó hễ nhà nào có đám, dù con đàn cháu đống vẫn mời bà tới khóc.
Tiếng khóc của bà như được chắt ra từ gan ruột, biểu lộ tình cảm tiếc thương thống thiết, thê lương đầy huyền cảm. Phận đời người phụ nữ chân quê éo le đen bạc đã cho bà những ngôn từ, thanh âm hàm súc, não nề thê thảm có một không hai.
Bất luận người chết già hay trẻ, có chức sắc hay dân thường, bà cũng vận vào tiếng khóc lời lẽ như những tứ thơ phù hợp với thân thế họ. Cháu khóc ông bà, cô dì chú bác, con khóc mẹ cha, anh chị khóc em… tất tật bà đều có những bài khóc dành riêng cho họ. Nhiều đám, bà có thể khóc liên tục trọn cả ba ngày quàn áo quan trước khi đưa về huyệt mộ. Dù nhà giàu hay nghèo, khi có người thân nằm xuống, mọi người đều mời bằng được bà đến khóc. Sự có mặt của bà tại đám tang trở thành niềm vinh hạnh của tang chủ. Ngay cả con cháu còn sống đang túc trực bên áo quan vẫn mướn bà khóc thay, bởi họ có khóc cạn nước mắt, có cố nặn cũng chỉ thốt lên được mấy từ cố hữu. Có ngày, bà phải thuê xe ôm chạy sô hai ba đám và lên lịch để con cháu người thân tế lễ phúng viếng. Nhiều lần, bà thực sự vui khi ngoài những bài khóc đã nhập tâm, như người lên đồng, bà bỗng dưng nghĩ được những câu, những từ làm gia chủ chả biết buồn thật hay cố tạo ra vẻ mặt ủ rũ, cũng không giấu được vẻ đắc chí. Thì ra không phải cứ cho nhau tiền bạc hay cái này cái nọ mới cho nhau niềm vui, bà chỉ cho người chết tiếng khóc cũng làm người sống hởi lòng hởi dạ.
Dẫu phải đi khóc mướn để mưu sinh, nhưng với bà tiền không phải là tất cả. Nhiều đám nhà quá nghèo, khóc xong và nhận tiền công họ thuê mướn, bà đặt lên ban thờ toàn bộ số tiền vừa nhận giúp đỡ gia chủ và thắp hương vái lạy người quá cố…
Bà Nụ thoáng chút rùng mình rồi lên cơn co giật. Một thoáng, cái lạnh lần dần chạy từ chân lên ngực. Bà biết cái chết đã đến rất gần. Mẹ ơi! Đứa con bất hiếu sắp được trở về tạ lỗi với mẹ rồi đây! Lát cắt thẳng đứng của tia nắng từ viên ngói vỡ cũng dần nhòa trong làn sương. Mấy chục năm qua trong kiếp người, bà đã đi trong sương gió của cuộc đời. Đôi mắt nhiều lần vắt cạn nước để khóc, nhiều năm nay mờ đục làm bà nhìn vạn vật chỉ còn mờ ảo như sương. Giờ trở về bên kia ăn gió nằm sương, há cũng chẳng phải là lẽ thường sao? Bà nở nụ cười mãn nguyện và hực lên hơi thở cuối cùng.
* * *
Bé Hạnh thấy cửa đóng im ỉm nhưng không khóa, biết bà có nhà, nó bèn đẩy cửa bước vào. Trên giường, bà Nụ nằm im lặng. Mấy hôm nay, nó đi dự trại hè cháu ngoan Bác Hồ của tỉnh. Hôm bố nó đưa ra thành phố, nó chạy sang khoe thì bà đang đi khóc cho đám tang nào đó. Như thường lệ thấy bà đang ngủ, nó nhào tới ôm lấy bà. Chợt nó hoảng hốt rụt tay. Người bà cứng ngắc, lạnh toát. Không hiểu chuyện gì, nó sợ hãi khóc ré lên….
Mọi người đang làm lễ động quan cho bà thì bé Hạnh cầm phong bì chạy tới đưa cho ông Trưởng ban Mặt trận. Tháng trước, linh cảm thấy mình hơi khó ở, bà nhờ nó cầm hộ bì thư này, bà nói nếu bà có mệnh hệ gì thì đưa cho ông ấy. Trong phong bì là một mảnh giấy nhỏ viết nghệch ngoạc mấy dòng: “Tôi có năm chỉ vàng để trong bát hương, một cuốn sổ tiết kiệm để trong cơi trầu và mảnh đất đang ở. Khi tôi chết, nhờ ông Thực bố cháu Hạnh lo ma chay. Trừ chi phí, số tiền còn lại tôi giao cho xã để trợ giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mảnh đất giao ông Thực sử dụng lo cho cháu Hạnh ăn học”.
Nghe ông Trưởng ban Mặt trận đọc di chúc bà Nụ, tất cả lặng người rưng rưng. Trên ban thờ chỉ có bát hương nghi ngút khói vì bà không để lại tấm hình nào. Bà nằm xuống, nhang khói như sương đưa bà về miền cực lạc.
Đám tang của bà rất đông người đến phúng viếng đưa tiễn, nhưng tuyệt nhiên không có tiếng khóc. Chỉ có tiếng vật vã non nớt khản giọng của bé Hạnh: Bà ơi...!Bà ơi...!
Truyện ngắn. Phan Thái
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...