Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:57 (GMT +7)

Người dám khắt khe với bản thân để yêu chè

Nhiều người biết đến chị là một Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) chè có tiếng, một Nghệ nhân làng nghề Việt Nam xuất sắc, thế nhưng ít ai biết về những chông gai mà chị đã phải trải qua trên hành trình chạm tới vinh quang ấy. Chị là Trần Thị Tuyết, sinh năm 1975, thủ lĩnh của HTX Tuyết Hương, có địa chỉ tại xóm Na Long, xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ.

“Lửa thử vàng”

Chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở xã Tân Đức, huyện Phú Bình. Những công việc đồng áng như cấy lúa, trồng rau chị Tuyết đều thành thạo từ khi còn nhỏ. Hồi đó, nhà chị cũng có chè, nhưng là một diện tích rất nhỏ, chỉ đủ để gia đình uống.

Ngoài 20 tuổi, chị về làm dâu ở huyện Đồng Hỷ. Nhà chồng chị không làm nông nghiệp mà kinh doanh một cây xăng. Để phục vụ khách vào đổ xăng, đặc biệt là các lái xe chạy đường dài, nhà chồng chị có thêm một tủ hàng nho nhỏ bán vài mặt hàng lặt vặt, trong đó có chè. Chị nhận thấy, khách ngoại tỉnh rất thích chè Thái Nguyên, khi tiếp cận việc của gia đình chồng, chị bắt đầu tìm hiểu và đi tìm kiếm những người làm chè ngon để nhập hàng. Cách chị làm có chút khác biệt, không đơn thuần chỉ là thực hiện “tiền trao cháo múc”, người ta giao chè, chị giao tiền là xong một giao dịch. Chị cất công tìm tới tận các bãi chè ngon, đồng hành trong suốt quá trình thu hái, rồi chị nhẫn nại đợi chủ nhà sao sấy từ chè tươi thành thành phẩm để mua được những mẻ chè ngon.

Chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HĐQT HTX Tuyết Hương

Nhờ đó mà chè của gia đình chồng chị bán ngày càng được nhiều khách hàng ưa thích. Lúc bấy giờ, chè tuy ngon nhưng hầu hết vẫn chỉ đóng gói trong những chiếc túi bóng. Một vài khách hàng nói với chị rằng chè nhà chị bán uống rất ngon, nhưng họ sẽ thích hơn nếu mua được chè có bao bì ghi là chè Tân Cương Thái Nguyên. Điều đó đã khiến chị nhiều đêm mất ngủ. Bởi chị biết chất chè ở khu vực Sông Cầu và Trại Cài của Đồng Hỷ không hề thua kém chè ở bất kỳ nơi nào khác. Thế nhưng lại không mấy người biết đến và nhất là giá bán thấp hơn nhiều so với chè ở nơi đã có tiếng sẵn.

Từ trăn trở ấy đã thôi thúc chị có ý tưởng thành lập HTX. Chị mang suy nghĩ của mình chia sẻ với một số người tâm huyết với chè, và cũng là những người làm chè lâu nay cung cấp cho chị, đều được mọi người ủng hộ. Năm 2012 chị quyết định thành lập HTX Tuyết Hương, với ngành nghề kinh doanh là sản xuất, chế biến, kinh doanh chè búp khô. Vốn là người “quen tay cày chứ không quen tay bút”, các công đoạn và thủ tục để hoàn thiện hồ sơ thành lập HTX khiến chị mất nhiều thời gian và công sức hơn chị tưởng. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải khó khăn lớn nhất mà chị phải đối mặt. Mặc dù trước đó, khi nghe chị chia sẻ về những trăn trở, hoài bão muốn gây dựng và lan toả thương hiệu chè cho vùng đất này, rất nhiều người tỏ ra đồng tình với chị. Nhưng đến khi chị bắt tay vào thực hiện, thì không ít người lại tỏ ý nghi ngờ về khả năng hiện thực hoá mơ ước đó.

Nhớ lại thời điểm ấy, trên gương mặt xinh đẹp của chị phảng phất chút buồn: Cũng không trách được họ, bởi mình không phải là người địa phương, cũng không có thời gian làm chè lâu như họ, làm sao họ có thể tin tưởng đưa tiền của họ (góp vốn) cho mình kinh doanh được. Lúc ấy, tôi đã quyết tâm mình phải làm để bà con thấy, thấy rồi ắt mọi người sẽ tin tưởng và đi theo mình.

Cuối cùng sau rất nhiều nỗ lực, HTX Tuyết Hương được thành lập với 9 xã viên. Nhưng ngay cả khi ấy, nhiều xã viên vẫn nói với chị rằng: Chỉ hy vọng thành lập HTX, Tuyết Hương sẽ mua được chè cho họ với giá cả ổn định, để họ không còn phải mang hàng ra chợ bán nữa là họ mừng lắm rồi. Còn lại, họ cũng không dám nghĩ tới chè của mình làm ra được “bay” đến trong Nam ngoài Bắc hay được sang trời Tây, trời Tàu gì cả. Chính sự “bán tín, bán nghi” của các xã viên càng thôi thúc chị Tuyết phải thành công để những người đã chọn tin chị không phải hối hận về quyết định của mình.

Điều kiện để HTX đi vào hoạt động đã đủ nhưng khi đó, chị Tuyết lại phải đối mặt với những khó khăn mang tính “sống còn”, đó là làm sao có được sản phẩm đạt chất lượng như mong muốn. Trước đây, số lượng chị tiêu thụ mỗi tháng rất ít nên nếu chè của người này không ngon chị có thể chọn mua của nhà khác. Nhưng nay những người đã là thành viên HTX, sản phẩm tạo ra mang tên của Tuyết Hương thì không thể có sản phẩm đạt yêu cầu và sản phẩm chưa đạt.

Tôi có thể hiểu cho những nỗi lo của chị bởi tuy Sông Cầu là vùng chè ngon có tiếng nhưng trước đây, sản phẩm chè làm ra đều được bán cho Nông trường Chè Sông Cầu xuất sang nước ngoài. Việc thu hoạch lúc đó chủ yếu là dùng máy cắt. Khi Nông trường không còn hoạt động, người làm chè phải loay hoay tự tìm nơi tiêu thụ, mạnh ai lấy làm, giá cả bấp bênh khiến nhiều người không còn mặn mà với cây chè.

Trong khi đó, sản phẩm của HTX bán nội tiêu cho người tiêu dùng, bắt buộc phải hái bằng tay và yêu cầu cao về kỹ thuật chế biến. Việc thay đổi thói quen và nhận thức trong sản xuất, chế biến của người dân là không dễ. Lúc này HTX còn quá non nớt, một mặt chị Tuyết vừa phải lo vốn để phát triển hoạt động của HTX, một mặt chị không thể “rời mắt” khỏi từng khâu trong việc chăm sóc, thu hái và chế biến sản phẩm của xã viên. Bởi thế mà chị cứ như con thoi, hết ở trên nương chè lại về túc trực tận lò sao sấy mỗi khi có mẻ chè được thu hoạch.

Nói đến đây, tôi nghĩ chắc hẳn sẽ có người cho rằng chị không tin tưởng vào xã viên của mình. Nhưng tâm tư của chị thì không mấy người biết được. HTX khi đó có 9 xã viên, là chị Tuyết và 8 chị em khác. Hiềm nỗi, các thành viên trong gia đình các xã viên còn lại chưa tin và dường như không hề quan tâm đến việc vợ, mẹ mình đã gia nhập HTX. Nếu chị Tuyết không sát sao, vừa nhắc nhở vừa nhẹ nhàng tuyên truyền, thuyết phục “mưa dầm thấm lâu” thì rất có thể những quy trình chăm sóc, chế biến sản phẩm một lúc nào đó sẽ bị “phớt lờ”.

Phải quên mình nếu muốn yêu chè

Sản phẩm làm ra tạm yên tâm, nhưng làm sao để tiêu thụ được nhiều nhất sản phẩm cho xã viên thì lại cần phải có khách hàng. Khách hàng của chị trước đây đều là khách hàng nhỏ, lượng tiêu thụ không đáng là bao. Chị Tuyết bắt đầu đăng ký tham gia các hội chợ, các sự kiện giới thiệu nông sản. Những chuyến đi ấy, tính ra hầu hết đều lỗ, lại thêm bao nỗi nhọc nhằn. Chị Tuyết chia sẻ: Hàng tham gia hội chợ thường bán được rất ít. Mục tiêu khi đó chỉ là làm sao giới thiệu được sản phẩm của mình, đưa được tên HTX của mình tới nhiều người biết nhất mà thôi. Mỗi lần tham gia hội chợ là mỗi lần “cơm đường cháo chợ”. Lúc thì hộp cơm lạnh ngắt, cố lắm cũng chỉ nuốt được một phần ba. Có lần đang ngủ tại gian hàng ở hội chợ thì mưa to ập xuống, nước dâng lên chẳng mấy đã đến chỗ nằm. Một mình lúi húi kê dọn hàng để không bị ướt, vừa làm nước mắt vừa chảy ra vì tủi cực. Nhưng không có sự cố gắng nào là vô ích, sau đó, chúng tôi đã có những khách hàng mới thông qua những gói sản phẩm mẫu chúng tôi trao đi. Theo địa chỉ, số điện thoại trên bao bì họ đã kết nối mua hàng.

Cứ bước đi từng bước một, sản phẩm chè Tuyết Hương ngày càng nhiều người biết đến. Tuy vậy, khó khăn không phải đã hết. Thị trường luôn đòi hỏi những sản phẩm mới, có chất lượng cao hơn. Đó cũng là tất yếu nếu muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới. Không quản ngại vất vả, Chị Tuyết vừa đi học vừa tìm cách kết nối mời các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất, chế biến chè về dạy cho xã viên của mình. Cùng với đó, chị phổ biến cho xã viên và những người HTX liên kết thêm những kiến thức mới chị thu nạp được trong quá trình đi học. Những tưởng cứ trao đi giá trị sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp. Nhưng là người nhạy cảm, không khó để chị Tuyết nhận ra, bên cạnh những người đặt niềm tin tuyệt đối và biết ơn những kiến thức mới mà chị trao tặng, vẫn còn những người không phục. Họ không phục vì những lý do khiến chị không trách cứ họ. Đó là vì, chị không phải là người địa phương, không hiểu cây chè bằng họ. Nhà họ đã mấy đời làm chè, họ sao chè từ bé trong khi chị mới đặt chân vào lĩnh vực này...

Chị nhận ra, muốn dẫn dắt được người khác thì bản thân họ phải làm họ tin chị trước. Chẳng có lời nói nào thuyết phục bằng hành động cụ thể. Chị bắt tay vào trồng chè và trở thành người nông dân thứ thiệt. Dựa trên những kiến thức chị có được, từ chọn giống chè phù hợp với chất đất, chế độ chăm sóc, bắt bệnh cho chè chị đều thành thục. Thành quả đầu tiên HTX Tuyết Hương có được đúng một năm sau khi HTX được thành lập, đó là cup Bạc giải Búp chè vàng tại Festival Trà lần thứ hai của tỉnh Thái Nguyên năm 2012. Chị mỉm cười với thành quả ấy của tập thể, nhưng điều làm chị Tuyết vui hơn cả là những người trước đó còn nghi ngờ chị, nghi ngờ về hoạt động của HTX nay đều tự nguyện “chìa tay” ra cho chị dẫn dắt.

Thành công nối tiếp thành công, sản phẩm Tuyết Hương Trà được Chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2014. Tại Festival trà lần thứ ba của tỉnh năm 2015, sản phẩm chè của HTX Tuyết Hương đã giành cúp Vàng giải Búp chè Vàng… Niềm vui lớn lao khác là năm 2017, sản phẩm “Tuyết Hương trà” được lựa chọn làm quà tặng các nguyên thủ Quốc gia, các chính khách và thương gia của nhiều nước trên thế giới tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu á, Thái Bình Dương (Hội nghị cấp cao APEC).

Hoạt động của HTX ngày càng khởi sắc, các đơn hàng lớn khắp trong Nam ngoài Bắc cũng ngày một nhiều hơn. Đến nay số thành viên của HTX tăng lên 13 hộ thành viên, với số vốn điều lệ là 1,3 tỷ đồng. Nói đến đây cả gương mặt xinh đẹp của chị Tuyết ánh lên niềm vui rạng ngời. Số xã viên HTX không chênh nhiều so với khi thành lập, nhưng nếu khi xưa thành viên thực sự chỉ là 9 chị em thì nay chúng tôi đã có 13 hộ gia đình.

Nhờ tinh thần làm việc nghiêm túc và luôn tâm huyết với chè của chị Tuyết nên các sản phẩm của HTX Tuyết Hương luôn được khách hàng đón nhận và đánh giá cao.

Đến nay, HTX đã có 25ha chè. Trong đó, 15ha chè nguyên liệu được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 150 tấn/năm và 10ha chè sản xất theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, với 8 dòng sản phẩm của HTX đã đưa ra thị trường, Tuyết Hương đã có 5 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 và 4 sao. Với việc tích cực cải tiến mẫu mã bao bì và cho ra thị trường những sản phẩm chè sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng, sản phẩm chè Tuyết Hương ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng với nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Dù là khi khởi nghiệp với vô vàn khó khăn hay là khi đã giành được những thành tựu nhiều người ao ước thì chị Tuyết vẫn khắt khe với bản thân để nâng niu chè. Chị không cho phép bản thân được trang điểm và mặc những bộ trang phục có mùi thơm quá của bột giặt, nước xả vải, hay nước hoa khi bước vào xưởng chế biến chè. Bởi theo chị, trà là thức uống tinh khiết, trong khi đó, chè lại rất dễ bắt mùi, chỉ cần bàn tay, quần áo hay tóc có bất kỳ mùi thơm của mỹ phẩm hay hương liệu gì đến gần, chè cũng sẽ ít nhiều hấp thụ mùi hương đó.

Sẽ là không quá lời khi ví chè với người con gái đang yêu đầy nũng nịu, cần thường xuyên quan tâm, chăm sóc. Chè sau khi hái, không phải cứ tưới nước, bón phân rồi đợi đến lứa sau mà người làm chè phải thường xuyên lui tới, nếu không sẽ không thể kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh hại chè, cũng không biết chè thiếu gì để bổ sung. Còn khi hái, cũng không được nắm chặt các búp chè trong tay để tránh làm dập búp chè. Chè hái về phải để thời gian cho chè “thở” vừa đủ trước khi chế biến. Nhưng nếu để quá lâu chè cũng sẽ bị ôi. Bởi thế mà những ngày thu hoạch, việc thức thâu đêm với người làm chè như chị Tuyết là chuyện thường xuyên. Tình yêu chị Tuyết dành cho chè, nhất là vùng chè Sông Cầu, Trại Cài (Đồng Hỷ) - quê hương của chồng chị không dễ gì kể hết. Gom hết thảy mọi yêu thương với chè, chị đặt cho cháu gái đầu lòng một cái tên thật đẹp - “Mộc Trà”.

Tôi cảm thán, là phụ nữ phải gánh trên vai rất nhiều trọng trách, vất vả bươn chải trên thương trường, hơn nữa lại phải thức đêm nhiều như chị (điều mà người ta vẫn gọi là kẻ thù của sắc đẹp) mà chị vẫn giữ được nét tươi trẻ, làn da trắng hồng. Chị cười hiền, năng lượng mình có được là nhờ uống trà thường xuyên đó. Có lẽ đúng là như thế, nhờ trà, nhờ tình yêu với chè mà người phụ nữ nhỏ bé ấy đã làm được những điều thật lớn lao. Chị đã góp phần không nhỏ để thương hiệu của chè Sông Cầu, chè Trại Cài (Đồng Hỷ) toả hương và không ngừng bay xa, bay cao.

Một vài danh hiệu mà chị Trần Thị Tuyết đã được nhận: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh chè góp phần quảng bá thương hiệu Chè Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2013; Bằng Khen trong phong trào “Phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên” nhiều năm liên tiếp; Bằng khen trong công tác Phát triển Hiệp hội làng nghề Việt Nam; Bằng Khen của UBND tỉnh Thái Nguyên trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020; Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng chị danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam; vinh dự là người Thái Nguyên duy nhất góp mặt trong Hội nghị tôn vinh 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy