Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:30 (GMT +7)

Người cựu chiến binh viết 2.000 lá thư gửi đến thân nhân liệt sĩ

VNTN - 30 năm, ông viết 2.000 lá thư gửi cho thân nhân liệt sĩ; thực hiện hơn 40 hành trình trở lại nơi đồng đội nằm lại tại mặt trận miền Nam và Cam Pu Chia; phát hiện gần 100 khu mộ đồng đội nơi rừng sâu. Qua ông, hơn 400 gia đình liệt sĩ tìm được cốt nhục; gần 1.000 liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang và được người thân đón về quê hương. Ông là cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết, ở số nhà 246, tổ 8, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên).


Vào một sớm tháng sáu, lúc mặt trời vén mây buông xuống vùng đất thành phố Thái Nguyên từng quầng nắng vàng như mật, ông Quyết vội giục vợ chuẩn bị trà, nước đón tiếp người thân. Vợ ông, bà Nguyễn Thị La đã quen với công việc này. Bà mau mải rửa lại bộ ấm chén, mang phích nước vừa được đun sôi lên phòng khách, cẩn thận pha trà giúp chồng.

Khách đến nhà ông Quyết không phải để thưởng trà, vịnh thơ, luận nhân tình thế thái. Họ ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh và từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Họ là thân nhân của những người lính tham gia chiến trường miền Nam, người thân của họ đã nằm lại đâu đó trên mảnh đất này. Ngày đất nước thống nhất, những người lính ấy đã trở về với gia đình bằng tấm giấy báo tử, trong đó có ghi: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết (ngồi giữa) trao đổi cùng lãnh đạo Hội Cựu Chiến binh T.P Thái Nguyên và Hội Cựu Chiến Binh phường Phan Đình Phùng về công tác tìm mộ liệt sĩ.

Chén trà ấm nóng, đắng ngắt như có nước mắt. Bởi câu chuyện giữa ông Quyết và những thân nhân liệt sĩ có nội dung mất mát, đau thương. Hơn thế, đã 40 năm đất nước thống nhất, nhiều gia đình chưa tìm được cốt nhục người thân, nhiều gia đình dày công đi hàng chục chuyến vào các tỉnh miền Nam - nơi năm xưa người thân mình tham gia chiến đấu để tìm mộ chí. Song rừng núi bao la, biết nơi nao mà tìm. Không ít gia đình đã tìm mộ phần liệt sĩ thông qua nhà ngoại cảm hoặc đặt niềm tin vào việc xem bói, gọi hồn. Ông Nguyễn Huy Hoạnh, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội), một trong hàng trăm vị khách của gia đình ông Quyết đã bảo: Tôi có hai người anh trai ruột hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1972, hiện gia đình chưa tìm được mộ chí. Hôm 8/6/2015, gia đình tôi nhận được lá thư do ông Quyết gửi đến. Trong thư ghi rõ: Tên, tuổi, quê quán, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh của anh Nguyễn Huy Hoanh, nơi hy sinh, nơi đặt mộ chí... Ngay khi nhận được thư, gia đình chúng tôi đã lên Thái Nguyên tìm gặp ông Quyết để cảm ơn, đồng thời nhờ ông hướng dẫn làm các thủ tục xin chuyển mộ chí anh tôi về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Cựu chiến binh Nguyễn Duy Quyết cung cấp thông tin về phần mộ liệt sĩNguyễn Huy Hoanh cho ông Nguyễn Huy Hoạnh là em ruột liệt sĩ.

Ông Quyết lật mở cuốn sổ tay, từng trang, từng dòng, trong đó là những thông tin mất mát. Tôi biết, mỗi dòng tên là một liệt sĩ chưa được gia đình đón về quê hương. Nên linh hồn bao liệt sĩ mỗi đêm thôi thúc, nhắc nhở ông cần phải làm một công việc gì đó, giúp vong linh người thiên cổ an giấc ngàn thu, và tinh thần người sống được thảnh thơi. 4 cuốn sổ ông lưu giữ, bảo quản như vật báu trong suốt hàng chục năm nay, gồm: Danh sách liệt sĩ E44/F1 hy sinh năm 1972-1973; danh sách liệt sĩ Sư đoàn I, hy sinh tháng 1 đến tháng 5-1973; danh sách liệt sĩ E46/F1 hy sinh năm 1972 khu vực Cam Pu Chia và Kiên Giang; danh sách liệt sĩ E101, Quân khu 9 hy sinh ở khu vực An Giang, Kiên Giang năm 1973-1975. Hơn 2.000 tử sĩ được ông ghi chép lại cẩn thận về tên, tuổi, địa chỉ, ngày nhập ngũ, ngày hy sinh, nơi mai táng. Những dòng địa chỉ được ông chép lại bằng nước mắt và máu thịt của đồng đội.

Tôi đã rất ngạc nhiên nên thảng thốt hỏi: Thưa ông, tại sao ông lại ghi chép được đầy đủ chi tiết về số phận của hơn 2.000 liệt sĩ? Ông lặng lẽ nhìn vào từng hàng tên được ghi chép nắn nót, ngay ngắn theo thứ tự trên trang sổ. Vẻ nghĩ suy, rồi điềm đạm kể về lý do công việc ông làm mà hiếm có người lính nào làm được.

Tháng 11 năm 1966, ông nhập ngũ, khi đó ông vừa 16 tuổi. Sau một năm huấn luyện, ông được bổ sung vào Sư đoàn I. Do viết chữ đẹp, Chỉ huy Sư đoàn sắp xếp ông vào bộ phận Quân lực, làm nhiệm vụ quản lý sổ sách, giấy tờ, ghi chép quân số đến và đi. Ông kể: Tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận thuộc các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, các tỉnh Tây Nam bộ và bên nước bạn Cam Pu Chia, nhưng chưa từng trực tiếp đối súng với kẻ thù, vì nhiệm vụ của tôi là phục vụ bộ đội chiến đấu. Sau mỗi trận đánh, tôi nhận báo cáo về những thiệt hại của bộ đội ta, cụ thể là các trường hợp tử sĩ (tại thời điểm đó gọi là tử sĩ), rồi tổng hợp, ghi chép cẩn thận. Vì mỗi dòng tên, là một đồng đội tôi đã vĩnh viễn không có ngày về.

Để không bị nhầm lẫn, ông có thói quen viết nháp trước vào 1 cuốn sổ rồi mới ghi chép vào sổ chính. Cuốn sổ chính ông niêm phong, giao nộp lại cho Sư đoàn; cuốn sổ viết nháp, ông cất dưới đáy ba lô. Ông thở dài: Chiến tranh, hy sinh, mất mát nhiều, nhưng tiếc là tận năm 1972 cho tới năm 1975 tôi mới có suy nghĩ tự mình cần phải ghi chép vào một cuốn sổ riêng về tên, địa chỉ của liệt sĩ và những thông tin cần thiết liên quan đến liệt sĩ. Dù bản thân có suy nghĩ rằng: Những cuốn sổ ghi danh các anh hùng liệt sĩ đã được lưu giữ tại đơn vị, còn những cuốn sổ mình tự lưu giữ chỉ là cuốn viết nháp. Là nghĩ thế, song suốt những năm tham gia làm nhiệm vụ tại mặt trận phía Nam, những cuốn sổ ấy với tôi là một khối tài sản quý giá, nặng hơn cả bạc tiền, vì đó là hơn 2.000 anh hùng liệt sĩ. Nên qua rất nhiều lần chuyển quân, chuyển đơn vị công tác, có thể bỏ bớt vật dụng này nọ, nhưng những cuốn số ấy là vật bất ly thân đối với tôi.

Năm 1985, nghe mục: “Nhắn tìm đồng đội” phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, thấy có nhiều thân nhân liệt sĩ chưa tìm được phần mộ người thân. Một điểm chung là hầu hết các lá thư nhắn tìm đồng đội của thân nhân liệt sĩ gửi đến chương trình của Đài đều được ghi: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam”. Mà mặt trận phía Nam thì mênh mông rừng, bể, biết nơi nao tìm. Làm cán bộ quân lực, ông từng viết rất nhiều Giấy báo tử cho thân nhân liệt sĩ, nhưng bấy giờ có một thống nhất chung, Giấy báo tử của các đơn vị đều được ghi chung như vậy, bản thân ông cũng ghi như vậy.

Những đêm dài không ngủ, ông trở mình liên tục bởi nghĩ suy về công việc mình và đồng nghiệp đã làm chưa tới nơi, tới chốn. Để ngày đất nước thống nhất, nhân dân hai miền chung niềm vui chiến thắng, nhiều gia đình được sum họp trong nụ cười ấm áp, thì còn bao người mẹ, người vợ đứng bên ban thờ khóc chồng, khóc con, với mong mỏi được đón cốt nhục của mình về quê nhà an táng, tiện bề khói hương. Ông nói nhỏ như nói với chính mình: Chắc những người phụ nữ vĩ đại ấy đã tìm gặp động đội của chồng, con; hoặc đến tỉnh đội, huyện đội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để hỏi tin tức, nhưng đã phải trở về tay không và bắt đầu trông đợi, hy vọng nhờ vào lá thư gửi mục: “Nhắn tìm đồng đội” của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi nghe Đài, ghi chép lại một số địa chỉ của thân nhân liệt sĩ, những liệt sĩ trước đó là cán bộ, chiến sĩ chiến đấu trong hàng ngũ của Sư đoàn I. Lận đáy ba lô, tôi lấy những cuốn sổ ghi chép tên liệt sĩ, mang đối chiếu. Cảm giác như vừa trút đi một gánh nặng khi thấy tên, tuổi, địa chỉ thân nhân liệt sĩ đang tìm. Tôi bắt đầu ngồi vào bàn để viết những dòng thư, gửi đến thân nhân đồng đội. Những lá thư tôi viết ngắn, gọn, không dùng mỹ từ, không mô tả lại cuộc chiến đấu, không kể lể về tình đồng chí keo sơn, vì tôi biết thân nhân liệt sĩ đã đau đáu bao năm trời đi tìm di cốt người thân, bao nhiêu lần niềm hy vọng vừa lóe lên lại vụt tắt, vì... mò kim đáy bể. Thư tôi viết chưa đầy trang, nhưng phải bao gồm đầy đủ những thông tin về liệt sĩ, như họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; ngày nhập ngũ; ngày hy sinh; địa chỉ mai táng và gửi đến cho thân nhân liệt sĩ. Mỗi lá thư, ở phần người nhận tôi còn mở đóng ngoặc, ghi thêm: (Hoặc người thân của gia đình liệt sĩ). Và tôi cũng ghi rõ địa chỉ của mình để thân nhân liệt sĩ tiện liên hệ, kiểm tra lại thông tin do tôi cung cấp, và lấy thêm thông tin về liệt sĩ - nếu cần.

Những lá thư đầu được ông viết, gửi đi từ năm 1985. Và ông nhận lại được những lá thư cảm tạ của thân nhân liệt sĩ, có lá thư dài năm, bảy trang, có lá thư nhạt nhòe nước mắt, nét chữ nghiêng đổ, chưa đầy nửa trang vở học trò. Ông cảm động, vừa mừng, vừa tủi. Mừng vì ở đâu đó trên đất nước Việt Nam, có thêm người mẹ, người vợ đã đón được di cốt thân nhân về quê hương mai táng ở nghĩa trang liệt sĩ. Tủi vì ông cảm nhận mơ hồ rằng đâu đó, tiếng khóc chồng, con của những người đàn bà được xã hội tôn vinh là Mẹ Việt Nam Anh hùng, là vợ liệt sĩ còn thảng thốt, vọng vào thinh không mỗi đêm vắng, và bản thân họ đang phải sống trong cô đơn, khó khăn, thiếu thốn.

Năm 1986, ông trở ra miền Bắc nhận nhiệm vụ mới. Ngoài quân tư trang đựng trong ba lô, còn có 4 cuốn sổ ngả màu ố vàng, nhưng hơn 2.000 dòng tên liệt sĩ còn ngay ngắn, không bị mất nét. Ông đặt 4 cuốn sổ ngay ngắn ở 1 góc bàn, ví đó như một nghĩa trang liệt sĩ. Dù không hương khói, song thiêng liêng, còn ông là một “người quản trang”, lặng lẽ lau đi những bụi hồng trần vương lên dòng tên của các anh linh liệt sĩ. Ông làm công việc đó nhẹ nhàng, như sợ làm đau hương hồn đồng đội. Ông cặm cụi viết, cặm cụi đạp xe ra bưu điện, mua tem thư, dán bì thư và gửi thư cho thân nhân liệt sĩ. Ông bảo: Cũng có những lá thư tôi gửi đi nhưng không nhận lại được hồi âm, có thể người thân của đồng đội tôi bận, cũng có thể gia đình đồng đội tôi bị bom vùi chẳng còn ai, cũng có thể thân nhân liệt sĩ đã chuyển đi nơi khác làm ăn nên không bao giờ nhận được. Nhưng tôi vẫn viết, viết với nghĩ suy giúp anh linh các liệt sĩ được trở về gần gũi với gia đình. Đó là một niềm an ủi lớn đối với gia đình thân nhân liệt sĩ, và là một niềm giải tỏa tâm hồn đối với chính tôi.

Từ đâu đó, thoảng về làn gió khiến trời tháng sáu dịu lại. Tôi đọc từng dòng tên: Nguyễn Khắc Cường (Hải Phòng), Vũ Văn Thiết (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Vận (Ninh Giang)..., nhờ qua ông đã được gia đình đón về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Và những dòng tên: Đỗ Văn Huyến (Hải Dương), Lê Xuân Lâm (Hà Nội), Mai Xuân Dung (Thanh Hóa)..., mới được ông viết thư gửi cho thân nhân. Nhưng tất cả những dòng tên, như từng bia mộ sắp hàng, ngay ngắn trong cuốn sổ của người cựu chiến binh làm công tác quân lực của Sư đoàn I năm xưa.

Chiến tranh đã lùi xa, vết thương đạn bom trên quê hương Việt Nam được hàn gắn, những phố xá, công trường được dựng lên trên hố bom, và cả nơi năm xưa cán bộ, chiến sĩ giải phóng nằm lại. Nhiều liệt sĩ được quy tập về nghĩa trang địa phương, có bia mộ ghi danh tính, cũng còn nhiều bia mộ ghi liệt sĩ vô danh. Trên những hành trình trở lại nơi đồng đội nằm lại, thấy bạn mình nằm ở nghĩa trang mà chẳng có danh tính, ông buồn lắm. Nhớ năm 2010, ông vào Quân khu 9 và Quân khu 7, gặp lãnh đạo, ông tự giới thiệu và trình ra bốn cuốn sổ ghi chép tên liệt sĩ, các đồng chí cán bộ lãnh đạo Quân khu xúc động lắm, đã tạo điều kiện, cho phép ông được sao chép lại những tấm sơ đồ mộ chí của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn I, giai đoạn từ 1972 đến 1975. Có sơ đồ mộ chí trong tay, ông tiếp tục những cuộc hành trình đi tìm đồng đội. Đó là những chuyến đi tự tâm ông giục giã, những chuyến đi tri ân với đồng đội nằm lại chiến trường xưa. Ông đã trang trải cho những chuyến đi ấy bằng đồng tiền lương của một trung tá nghỉ hưu, và bằng tiền lương giáo viên nghỉ hưu của vợ. Phương tiện ông lựa chọn là tàu Bắc - Nam, là xe ô tô vận chuyển hành khách, ngang đường nghỉ nhà trọ bình dân, ăn cơm bình dân. Gần 100 khu mộ chôn cất cán bộ, chiến sĩ ông tìm được còn nằm lại trong rừng già, hiện đã được Đội quy tập hài cốt liệt sĩ làm thủ tục đưa các anh vào yên nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ. Với tổng số gần 1.000 ngôi mộ, vì các anh nằm lại lâu ở rừng xanh, khe sâu, mưa - nắng bào mòn, mộ chí mọc đầy cỏ dại. Ông nghẹn ngào kể: Một lần đưa thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt, khi qua vùng Bảy Núi (An Giang), tôi phát hiện khu mộ liệt sĩ bị cây dại che phủ, khi dùng dao phát tìm đường vào, thấy mộ cao, mộ thấp, có mộ không còn hình hài, tủi lắm, về báo cho Đội quy tập hài cốt liệt sĩ An Giang, sau này các anh báo lại là tìm được hơn 50 liệt sĩ ở địa điểm này. Một lần khác, tôi tìm được 80 mộ liệt sĩ ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), mỗi anh nằm một nơi, bên bìa rừng, dưới kênh rạch, trên ruộng, dưới bãi, khi ấy tôi bật khóc.

Công tác khâm liệm, chôn cất tử sĩ vào những năm chiến tranh chống Mỹ rất đơn giản. Tử sĩ được gói ghém, khâm liệm vội vã trong cái áo mưa, tên các anh được ghi vào giấy, đút trong chiếc lọ pê- ni- xi- lin, bia mộ khắc vội bằng thân cây, nhiều trường hợp đồng đội không kịp ghi tên vào giấy cho vào lọ để chôn cùng, nên sau này không xác định được danh tính, các anh trở thành liệt sĩ vô danh. Nhưng chí ít cũng được quy tập, sắp hàng ngay ngắn cùng đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ, hằng ngày ấm áp nén trầm thơm của cháu con đời đời.

Giây lát nghĩ suy, ông Quyết tiếp tục câu chuyện: Tháng 10 năm 2012, day dứt nghĩ về 9 chiến sĩ được đơn vị chôn cất tại khu Bãi Ớt, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang), chưa biết các anh đã được quy tập vào nghĩa trang hay vẫn nằm lạnh trong rừng hoang. Mất nửa năm mới dành dụm đủ tiền để tàu xe cho chuyến hành trình này. Vào đến nơi, thấy rừng hoang phủ che mộ lạnh, ông buồn lắm, mắt nhòe ướt. Vừa khi đó, từ chân rừng, một người dân bản địa tay cầm dao phăm phăm tiến lại, đó là ông Tám Y. Ông Tám Y vung dao phạt đứt lùm cây chắn ngang đường, bảo: Hơn 10 năm trước, khi phát rẫy trồng tiêu, thấy có nhiều mộ xếp thành hàng, tôi đoán chắc là mộ của bộ đội, người ngoài Bắc vào, nên không động chạm đến.

Ông Quyết mở sổ ghi tên liệt sĩ, đối chiếu sơ đồ mộ chí rồi cùng ông Tám Y đào thử một mộ, thấy tăng, bạt, bi đông, mảnh vải ni lông khâm liệm tử sĩ, ông trở về huyện đội Kiên Lương báo cáo lại tình hình với Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ rồi trở ra Bắc. Về đến nhà, ông ngồi vào bàn viết chín lá thư gửi cho thân nhân liệt sĩ. Những lá thư ướt mèm nước mắt của người thân dành cho người thân. Có trường hợp thân nhân đã đi lấy di cốt liệt sĩ thông qua đường ngoại cảm, nay nhận được thư ông, đối chiếu các thông tin thấy đúng 100% nên trăn trở, băn khăn. Nhưng không đi cũng chẳng đành. 9 gia đình liệt sĩ đã hẹn ông ở Ga Hà Nội, đó là một ngày đầu tháng 12 năm 2012, ông Quyết có hành trình đưa chín gia đình thân nhân liệt sĩ về khu Bãi Ớt nhận mộ người thân. Ông Quyết cẩn trọng đặt tấm sơ đồ mộ chí xuống nền cỏ, đối chiếu lại tên liệt sĩ (vì không còn bia mộ). Chín gia đình, nhận chín nấm mồ xanh và thực hiện xét nghiệm ADN.Tất cả đều trùng khớp.

Ông lấy những cuốn sổ đã ngả màu ố vàng, đánh dấu vào đó tên của những liệt sĩ đã được trở về với nghĩa trang quê hương. Ông gạch một đường thẳng dưới chân hàng tên, và ghi rõ: Xác định đúng ADN bằng mực đỏ. Hơn 400 trường hợp liệt sĩ do ông cung cấp thông tin cho thân nhân, khi lấy được cốt nhục đều xác định đúng ADN. Nhìn ông cặm cụi viết tiếp những dòng thư, tôi tin trong năm 2015 và những năm sau này, sẽ còn nhiều trường hợp gia đình thân nhân liệt sĩ tìm được hài cốt người thân của mình thông qua trang thư ông viết

Phóng sự. Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước