Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:44 (GMT +7)

Người “canh gác” ở ranh giới sinh tử

VNTN - Đứng sau tấm màn xanh, luôn phải tập trung cao độ trí lực và tinh thần sẵn sàng giành giật sự sống cho người bệnh, những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng quyết định thành công cho các ca phẫu thuật - đó là công việc của các bác sĩ gây mê hồi sức. 

Nỗ lực giành giật sự sống

Tôi gọi các bác sĩ gây mê hồi sức là những “thiên thần áo xanh”, bởi do đặc thù công việc, màu áo họ mặc cũng là màu của sự hi vọng, bình an. Họ - mỗi lần vào phòng phẫu thuật - như một người “nhạc trưởng” điều phối các loại thuốc khác nhau, giúp cho bệnh nhân có cuộc mổ an toàn. Không phải ngẫu nhiên mà họ được định danh là những người “canh gác” ở ranh giới sinh tử, vai trò và trọng trách mà họ nắm giữ, tuy lặng thầm nhưng vô cùng cao cả.

Khi kỹ thuật viên phẫu thuật, bác sĩ gây mê Nguyễn Thị Hải (giữa) phải luôn theo dõi sát dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân.

Lặng thầm, là “đi trước về sau”, lo liệu về sự sinh tồn của người bệnh. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ gây mê hồi sức phải tiến hành kiểm tra các thông số và các bệnh lý kèm theo (nếu có) của bệnh nhân, từ đó đưa ra chỉ định thuốc, đạt độ mê hợp lý, không làm ảnh hưởng đến các chức năng sinh tồn trong quá trình mổ. Trực tiếp đánh giá xem bệnh nhân có đủ điều kiện phẫu thuật không, lên phương án sử dụng phương pháp nào để vô cảm; tùy theo vị trí phẫu thuật và đặc thù của từng vùng mổ mà có thể gây tê tủy sống, gây mê toàn thân, hay gây tê đám rối thần kinh… Rồi phải xem bệnh nhân có những rối loạn gì cần điều chỉnh, có tiền sử mắc bệnh mãn tính nào không? Nếu có thì sử dụng thuốc trước khi phẫu thuật như thế nào, liều dùng bao nhiêu để đảm bảo cơ thể ổn định và không có những nguy cơ biến chứng khi gây mê. Phải dự liệu bệnh nhân có nguy cơ mất máu, có cần dự trù máu để truyền trong khi mổ hay không? Sau mổ thì thoát cuộc mê như thế nào để bệnh nhân “cai” được máy thở trở về nhịp thở tự nhiên, tri giác bình thường, và cần dùng thuốc gì để giảm đau cho họ…

Quan sát mọi diễn biến trong cuộc phẫu thuật, tất cả các biến động của bệnh nhân như: tụt huyết áp, thiếu oxy, mất máu nhiều, rối loạn đông máu, hạ nhiệt độ…, bác sĩ gây mê hồi sức đều phải có phương án kịp thời xử lý.

Đã 11 năm công tác ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bác sĩ Đặng Quang Dũng, Phó trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức luôn giữ phong thái điềm tĩnh, nhã nhặn. Dẫu rất vội vã nhưng không cuống quýt. Có lẽ điều đó được tôi rèn từ môi trường làm việc mà thành. Anh bảo, “mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 60 - 70 ca mổ, gồm mổ chủ động và mổ cấp cứu. Các bác sĩ có lịch trực sẽ phụ trách tất cả các ca mổ cấp cứu, bình quân 20 - 30 ca/ngày. Động lực để nuôi dưỡng tình yêu với nghề đến từ những lần “gác cửa” phẫu thuật thành công đấy”.

Có lần anh Dũng và kíp mổ tiếp nhận một bệnh nhân ở Bắc Kạn bị tai nạn giao thông nặng, được chẩn đoán vỡ tim, tổn thương tâm nhĩ phải và gốc động mạch chủ, hi vọng sống vô cùng thấp. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng với nguồn nhân lực, vật lực và các trang thiết bị hiện đại nhất, riêng Khoa Gây mê - Hồi sức huy động lực lượng hỗ trợ cứu chữa hơn 20 bác sĩ, điều dưỡng. Phải dẫn toàn bộ máu trong cơ thể bệnh nhân đi qua hệ thống máy móc, sau đó bơm ngược trở lại để nuôi các cơ quan thận, gan, não, vì tim bắt buộc phải ngừng đập để tiến hành phẫu thuật. “Trong tình huống như thế, bài toán đặt ra là phải sắp xếp công việc, điều phối ê-kíp gây mê hồi sức thế nào cho hợp lý. Bởi không phải điều dưỡng nào cũng thạo việc cho một cuộc phẫu thuật tim, không phải ai cũng có thể vận hành tốt máy tim phổi nhân tạo… Vì thế mà phải huy động tối đa để có sự hỗ trợ tốt nhất” - anh Dũng chia sẻ.

Là người giàu kinh nghiệm, gắn bó lâu năm trong nghề, bác sĩ Trần Đoàn Huy, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên cũng có không ít kỷ niệm để đời. Năm 2018 (lúc ấy công tác tại Bệnh viện Gang thép), anh trực tiếp gây mê, hồi sức cho một bệnh nhân mang thai ngoài tử cung, vào viện trong tình trạng trụy tuần hoàn. Trong quá trình phẫu thuật bị mất máu nhiều (khoảng 4 lít). Do là máu hiếm nên bệnh viện không còn, tại Trung tâm Huyết học truyền máu Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng không có. Ngay lập tức anh đã huy động các bác sĩ và kỹ thuật viên của Khoa tham gia hiến máu, rồi đăng thông tin nhờ trợ giúp trên trang facebook cá nhân. Nghe lời kêu gọi của anh, đã có nhiều người tìm tới hiến máu, cứu sống bệnh nhân.

Công việc của bác sĩ gây mê hồi sức, là luôn trong tâm thế sẵn sàng, phản ứng nhanh. Bác sĩ Nguyễn Thị Hải, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức Bệnh viện A Thái Nguyên có không ít lần phải bật dậy trong đêm trực, chạy nhanh sang phòng phẫu thuật vì có tình huống phát sinh cần bác sĩ xử lý. Chị dí dỏm bảo, bất kể lúc nào cũng có những ca cấp cứu đẩy thẳng, từ khi nhận điện báo đến khi nhận bệnh nhân chỉ chưa đầy 5 phút, phải thiết lập toàn bộ hệ thống máy mê, thuốc thang cần thiết ngay lập tức. Nhiều khi vội quá “chạy quên mất dép” đấy!

Chị Hải kể: có trường hợp bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên vô tình phạm phải động mạch nên bị chảy máu ồ ạt. Vì là nhóm máu hiếm (Rh+) nên chưa có để bù ngay. Tôi và ê-kíp đã phải hồi sức nhiều giờ liền, chạy động mạch xâm lấn, điều chỉnh rất nhiều tình trạng khác như huyết động rối loạn, đông máu rối loạn, thân nhiệt rối loạn, bù dịch, bù thuốc vận mạch và điều chỉnh thân nhiệt… cho bệnh nhân. Khi thấy họ qua cơn nguy kịch và giành lại được sự sống, cảm giác hạnh phúc vỡ òa vì nỗ lực của mình và đội ngũ đã được đền đáp xứng đáng.

Nghề nhiều rủi ro, lắm nhọc nhằn

Nghe chuyện của bác sĩ gây mê - hồi sức, cảm phục họ không chỉ ở sự nỗ lực cứu người, mà còn ở tinh thần thép để đối diện bất trắc. Các ca phẫu thuật được phân ra các cấp độ: tiểu phẫu, trung phẫu, đại phẫu, nhưng đối với bác sĩ gây mê thì không có cấp độ nào là nhỏ. Gây mê không được phép xảy ra lỗi, vì sai sót dù rất nhỏ cũng có thể xảy ra diễn biến nặng, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân.

Lực lượng gây mê hồi sức tham gia trong ê-kíp phẫu thuật, ngoài bác sĩ gây mê chính, có thêm một điều dưỡng phụ mê, một điều dưỡng dụng cụ và một điều dưỡng chạy ngoài. Điều dưỡng dụng cụ giúp chuẩn bị, sắp xếp và đưa dụng cụ chính xác cho phẫu thuật viên trong ca mổ; xử lý dụng cụ phẫu thuật, trang thiết bị và vật tư tiêu hao đã sử dụng. Điều dưỡng chạy ngoài có nhiệm vụ bổ sung dụng cụ phẫu thuật, vật tư tiêu hao và các phương tiện khác dùng cho phẫu thuật. Đồng thời, hỗ trợ điều khiển các dụng cụ như dao điện, máy hút, máy nội soi, máy chống rung… Phải chuẩn bị trước ca mổ, rồi hồi tỉnh cho bệnh nhân sau mổ, nên thời gian làm việc của các bác sĩ gây mê hồi sức thường dài hơn. Ngày làm việc có khi kết thúc đúng giờ hành chính, lắm khi lại kéo dài đến 20h, bởi dù hết giờ làm việc nhưng ca mổ chưa xong thì chưa được nghỉ. Có một số bệnh viện thực hiện hồi sức sau mổ như Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ chăm sóc, điều trị kéo dài cả tháng cho những trường hợp nặng như: chấn thương sọ não, đa chấn thương, người có vấn đề về phục hồi…, theo dõi bệnh nhân cần thở máy bao lâu, truyền dịch, bù khối lượng tuần hoàn như thế nào, xét nghiệm từng ngày…, nên khối lượng công việc tương đối nhiều.

 

Bác sĩ Trần Đoàn Huy (bên trái) đang tiến hành gây mê nội khí quản, chuẩn bị cho ca phẫu thuật.

Công việc với cường độ cao, giờ giấc phẫu thuật không tuân theo một quy định nào, sau ca mổ còn giúp ổn định cho bệnh nhân xong mới hoàn thành, bàn giao cho các khoa lâm sàng khác. Chuẩn bị phẫu thuật, bản thân người bệnh rất lo lắng và sợ hãi. Cùng với việc khám và gây mê trước mổ, điều trị đau sau mổ, nhiệm vụ của các bác sĩ gây mê hồi sức còn là củng cố tinh thần cho bệnh nhân. Phải động viên, trấn an, xoa dịu giúp bệnh nhân hiểu và chấp nhận cuộc mổ cũng như vượt qua ám ảnh tâm lý sau mổ. Bác sĩ Nguyễn Thị Hải chia sẻ nỗi niềm: Làm nhiều việc quan trọng nhưng rất thầm lặng, người ta thường chỉ biết đến bác sĩ phẫu thuật chứ ít khi quan tâm và đề cao vai trò, vị trí các bác sĩ gây mê hồi sức. Nhiều khi cảm thấy thiệt thòi về mặt tâm lý, tủi thân lắm!

Rủi ro trong y khoa liên quan đến sinh mạng con người, là áp lực rất lớn đối với bệnh viện nói chung, các bác sĩ làm công việc gây mê hồi sức nói riêng. Vì tất cả các loại thuốc gây mê (thuốc độc A, B) không nằm trong quy trình thử phản ứng, nên rất khó để biết bệnh nhân dị ứng với thuốc gì để tránh. Những phản ứng xảy ra trong quá trình gây mê như sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê, dị ứng kim luồn…, đều có thể gây ra biến chứng xấu.

Một trong những cái khó của gây mê hồi sức là đặt ống nội khí quản. Có nhiều yếu tố bên ngoài giúp các bác sĩ có thể nhìn thấy, tiên lượng được việc đặt nội khí quản khó như: người béo, cổ ngắn, sẹo bỏng, hàm dô…; nhưng cũng có những trường hợp nhìn bên ngoài không thấy được. Nếu không thể đưa ống vào trong khí quản bệnh nhân khi đã cho thuốc mê thì họ không thở được, sẽ nguy hiểm tính mạng. Ở các ca phẫu thuật lấy thai thì bệnh nhân luôn có nguy cơ dạ dày đầy, có thể trào ngược bất cứ lúc nào, nếu trào khí nôn vào đường thở thì tính mạng cũng vô cùng nguy hiểm. Người lớn thì có thể đặt sẵn ống vào dạ dày để hút, nhưng trẻ nhỏ thì không được vì dễ gây kích thích trầy xước, viêm phù nề. Nói chuyện rủi ro, bác sĩ Đặng Quang Dũng chia sẻ: Trong quá trình phẫu thuật có những tình huống phát sinh, biến chứng không lường trước được. Có trường hợp bệnh nhân mổ lấy thai, mọi thứ được chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng bất ngờ bị sự cố đờ tử cung (tử cung không co lại), máu chảy ồ ạt, bệnh nhân rơi vào tình trạng mất máu cấp. Việc chảy máu cấp tính trong thời gian ngắn dễ gây biến chứng như tim mạch, rối loạn đông máu… Tình huống như thế rất khó để giải thích rõ ràng với người nhà, vì đó là việc chuyên môn.

Làm công việc gây mê hồi sức, nếu không có máy gây mê kèm thở, các bác sĩ phải ngồi bóp bóng đảm bảo cung cấp oxy cho bệnh nhân. Quá trình đó khiến hàm lượng thuốc mê thoát ra ngoài, họ thụ động hít vào một lượng nhất định, gây tổn hại sức khỏe. Nhưng điều khiến họ lo lắng nhiều hơn là những tổn thương về mặt tinh thần. Anh Dũng kể: Có lần gây mê phẫu thuật xong cho một bệnh nhi, cháu bé đang trong trạng thái thoát mê nên có phản ứng giãy giụa, người nhà nhìn thấy đã to tiếng bảo, “chúng mày làm ăn kiểu gì mà để con tao thế kia”? Hay “chúng mày ăn học bao nhiêu năm mà làm ăn như thế à”?... Cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, nhưng chỉ im lặng và không tranh cãi, vì tranh cãi thì dễ xảy ra xô xát. Còn chị Hải thì vẫn ám ảnh mãi về lần mổ cấp cứu một em bé bị thoát vị nghẹt. Bác sĩ gây mê đã hỏi người nhà về tình trạng ăn uống của bé, mọi người nói không cho ăn uống gì. Nhưng khổ nỗi người cho bé uống sữa cách đó 4 tiếng lại không có mặt để khai báo. Khi gây mê vào thì lập tức em bé trào sữa trên đường thở. Các bác sĩ ngay lập tức đã nghiêng đầu và hút sạch được dịch trào. Tuy nhiên khi ra giải thích với người nhà tình trạng đó thì họ phản ứng gay gắt, khủng bố tinh thần bằng nhiều lời lẽ xúc phạm, thậm chí còn cầm cả dao uy hiếp…

Có những ngày trực 24/24 giờ, tiếp nhận khoảng 20 - 30 ca mổ, hôm sau về chẳng còn sức lực làm gì nữa. Bác sĩ Trần Đoàn Huy bộc bạch: ngày thì làm việc cấp tập, đêm vẫn phải tham gia 5 - 6 ca mổ, tôi thường tranh thủ trong khoảng thời gian 15 - 20 phút chờ bệnh nhân, mặc nguyên quần áo nằm chợp mắt ngay tại phòng phẫu thuật luôn. Có khi làm qua đêm mà hôm sau vẫn không được nghỉ, không có thời gian ăn sáng. Trước tôi hay phải trực thường trú, nhiều lúc đang tắm hoặc chuẩn bị ăn cơm, bệnh viện gọi báo là lại phải đi ngay. Có những đêm khuya giá rét phải bế cả con nhỏ đem theo. Mệt mỏi nhiều, nhưng niềm vui cũng rất to lớn. Mỗi một bệnh nhân được cứu sống, mình vui sướng vì thấy bản thân đang sống một cuộc đời vô cùng ý nghĩa!

***

Các bác sĩ gây mê hồi sức - họ làm nghề và say mê thứ cảm giác có thể nắm bắt được tình thế, điều chỉnh, giành giật được sự sống. Mỗi một bệnh nhân ra khỏi phòng mổ an toàn, họ lui về và vui với niềm vui tự mình gói ghém. Như lời chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Hải, rằng cảm giác hạnh phúc khi chứng kiến người bệnh vượt qua cửa tử, nó khiến chị và đồng nghiệp chẳng còn nghĩ gì đến việc cần ai đó nhìn nhận hay vinh danh nữa. Niềm vui của chị, của anh Dũng, anh Huy, đều mang nét giản dị và đầy sắc màu hi vọng, như chính màu áo xanh họ đang mặc mỗi ngày!

LÊ ĐÌNH

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước