Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
09:02 (GMT +7)

Người biết tạo ra sự may mắn cho mình

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Bãi chè mướt xanh đang kỳ thu hái, nhãn sai trĩu quả, bưởi đã kết trái phổng phao, cá nhàn nhã ẩn mình sau trận mưa đêm, lợn gà kêu ụt ịt…, tất cả đã vẽ nên bức tranh đồng quê trù phú, yên lành. Trong ngôi nhà mới đang hoàn thiện có mức đầu tư gần tỷ đồng, chàng thanh niên ưu tú Hoàng Ngọc Vũ ở xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai lưng đẫm mồ hôi vừa từ đồi rừng về, hoạt bát pha trà, rổn rảng nói chuyện làm giàu, nhẹ tênh…


Ngọt lành sản nghiệp sinh sôi

“Nhà vừa xây xong, vẫn còn thiếu nhiều thứ lắm. Nhưng em sẽ sắm dần, gắng sức nỗ lực thì ắt sẽ đủ đầy” - Vũ kéo chiếc quạt cây ra hiên nhà, đưa tay lau mồ hôi ướt đầm trên mặt, khảng khái nói.

- Đi rừng xa không Vũ?

- Gần ngay đây thôi, cả khu vườn đồi bao quanh nhà đấy, tổng cả là 12ha, chị ạ. Riêng diện tích trồng chè, cây ăn quả, khu chăn nuôi và ao cá, khoảng hơn 3 ha. Rừng năm nay cho thu rồi, em đang túc tắc bán.

Phong cách nông dân đậm đặc, giản dị trong bộ đồ đặc trưng kiểu nhà binh, vóc dáng có phần đậm đà, nhưng bước đi thì nhanh, giọng nói khỏe khoắn, Hoàng Ngọc Vũ gây ấn tượng với chúng tôi bằng sự thật thà, vô tư như thế. Làm được, thì nói được. Làm giàu trên đất quê hương, đi lên bằng năng lực bản thân, có gì phải giấu giếm. Chàng trai sinh năm 1988 có phần chững chạc trước tuổi, hỏi ra thì đã một vợ ba con. Vũ kết hôn sớm (20 tuổi) cùng chị Nông Ngọc Ánh ở cùng xóm. Luôn ủng hộ và vững vàng là hậu phương, “lăn xả” cùng chồng đầu tắt mặt tối, chị Ánh thuộc tuýp người tháo vát, khéo léo. Thấy nhà có khách, các con của anh chị tự bảo ban nhau không gây ồn ào. Chị Ánh vui vẻ bảo: “tất bật cả ngày, nhưng bù lại kinh tế đi lên, có được thứ gì cũng đều là của mình làm ra cả, vui lắm”.

Khởi nghiệp, tính đến nay đã được 8 năm với mô hình kinh tế tổng hợp VAC, quy mô trang trại của Vũ luôn được anh tính toán chuyển đổi sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường và tiềm lực bản thân. Tính sơ sơ, bình quân mỗi năm 3 lứa lợn, mỗi lứa từ 50 - 100 con; gà mía một năm nuôi 4 lứa, cao điểm lên đến 4000 con/lứa; cá 1 lứa/ năm, thu khoảng 6 - 7 tấn; chè chăm sóc tốt, thu hái 7 - 8 lứa/ năm, mỗi lứa đạt 2 tạ chè khô… Mỗi năm, trừ chi phí, Vũ thu về hơn 500 triệu đồng. Khu vườn trù phú trồng các loại cây ăn quả đang sinh trưởng tốt, hứa hẹn sẽ cho những vụ mùa năng suất. Sau bốn năm gieo giống (2013), 50 gốc nhãn trồng xen canh chè nay đã cho thu; 500 gốc bưởi Diễn và cam Vinh cũng bắt đầu bói quả. Thổ nhưỡng tốt, nguồn nước đầy đủ, ấy cũng là “thiên thời, địa lợi” góp sức cho đất sinh sôi, giúp người có công khai phá thu về quả ngọt.

Hơn 500 gốc cây ăn quả gồm bưởi Diễn, cam Vinh và nhãn đã bắt đầu cho quả

Tự tin, không ngại thay đổi, mô hình trang trại của Vũ không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động tại địa phương, với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Có lúc thuê nhân công theo thời vụ lên đến 20 người. Ở Tràng Xá nói riêng, Võ Nhai nói chung, nhiều người nghe danh Vũ, biết đến anh như một tấm gương sáng của lớp thanh niên trẻ mà “gan dạ”. Trong những buổi sinh hoạt chi đoàn, Vũ chẳng ngại ngần chia sẻ kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ cho đoàn viên về khoa học kỹ thuật, cây, con giống… cùng giúp nhau làm giàu. Cứ vô tư, cởi mở mà cho đi như thế, “xởi lởi thì trời cởi cho”, Vũ thấy mình xênh xang mọi thứ. Năm 2013, anh vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của - phần thưởng cao quý của Đoàn Thanh niên trao cho những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và xây dựng nông thôn mới.

Có chí thì nên

Tìm đến trang trại của Vũ, chúng tôi phải hỏi đường nhiều lần, lòng vòng, lắt léo, càng đi càng thấy xa. Khu đất anh đang sở hữu rộng mênh mông, mướt một màu xanh mát mắt, được mua với giá 300 triệu khi anh chàng mới 20 tuổi (2008), bằng số vốn vay ngân hàng, cộng thêm sự trợ lực ít ỏi từ gia đình. Ở xa dân và có phần biệt lập, thuở chưa có điện, đường đất khó đi, nhờ chương trình hỗ trợ giống của Hạt Kiểm lâm huyện, Vũ mạnh dạn trồng rừng, chủ yếu là keo và bồ đề. Vài năm sau đường bê tông được mở, giao thông thuận lợi, anh chuyển hướng bắt đầu chiến lược chăn nuôi.

Vũ vẫn bảo mình may mắn, vì dù gia đình thuần nông nghèo, bản thân chỉ học hết cấp 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng cánh cửa tương lai mở ra cho anh không hề chật hẹp. Gia đình bán vật liệu xây dựng, sau khi tốt nghiệp Vũ chuyên tâm đi học lái xe, ở nhà phụ giúp bố mẹ giao hàng. Sau đó cũng lân la đi lái xe thuê các tuyến vùng lân cận như Bắc Giang, Hà Tây; gặp gỡ được nhiều người trẻ, biết nhiều mô hình kinh tế phát triển, anh nhen nhóm ý định làm giàu trên đất quê hương. Liều mạng vay tiền mua đất, trồng rừng trên những khoảng đồi cằn cỗi nhiều sỏi đá. Như người “vừa chạy vừa xếp hàng”, Vũ hoạch tính phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cứ làm rồi học hỏi. Cái hay của mô hình kinh tế tổng hợp là tận dụng được lẫn nhau, cái này san sẻ cho cái kia. Nguyên liệu chăn nuôi tự túc, chất thải của lợn thì dùng chăn cá, bón chè… nên tận thu, tiết kiệm.

Ngôi nhà mới khang trang - tổ ấm của Vũ sắp được hoàn thành 

Chăn nuôi cái khó nhất là phụ thuộc vào thị trường. Số vốn đầu tư ban đầu ít ỏi, anh cũng nhiều phen trầy trật. Lứa lợn đầu tiên mắc dịch bệnh, Vũ mất trắng 20 triệu đồng. Không nhụt chí, anh liều mạng lần nữa, đem toàn bộ đất đai, vườn tược thế chấp ngân hàng vay 200 triệu, tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Rút kinh nghiệm sâu sắc, lứa lợn tiếp theo đã xuôi chèo mát mái, anh thu lãi cả trăm triệu đồng. Rồi anh nuôi vịt, ngan, lặn lội đem thành phẩm đi tận Bắc Giang, Hà Nội rao bán. Cuối năm 2010, Vũ chuyển sang nuôi gà vì nhận thấy thị trường này đang phát triển mạnh. Nhưng lứa gà đầu tiên cũng bị ăn “quả lừa”, vì chủ ý đi mua giống gà mía nhưng lại mua phải gà Tàu. Chỉ 500 con nhưng bán rất chật vật. Năm 2011, tìm được đúng giống gà, anh ăn chắc nuôi 2 lứa/năm, mỗi lứa 1.000 con. Từ đó đến cuối năm 2014, Vũ duy trì, mở rộng, cao điểm 4 lứa/ năm, với số lượng 4 nghìn con/lứa. Quay lại chăn nuôi lợn khi thị trường gà “thoái trào” (2015), Vũ nhanh nhạy nắm bắt thông tin, chủ động chuyển đổi nên không rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Thế nên, trong những ngày người dân lao đao vì giá lợn thấp vừa qua, trang trại lợn của Vũ cũng chẳng thất thiệt là bao. Cái tài xoay xở ấy, quả là đáng nể.

Nói chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi, Vũ hào hứng kể: em tự đi, xách hai con gà xuống tận chợ Hà Vỹ (Hà Tây) chào hàng; rồi sang Bắc Giang tìm gặp các chủ trang trại quen biết tìm hiểu quy cách giao bán, đấu mối cho hàng hóa của mình. May mắn là khi làm gì cũng định lượng được nhu cầu thị trường nên tiêu thụ khá thuận lợi.

Chăn nuôi luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phải biết kỹ thuật chăm sóc mới trụ được. Vũ tích lũy kinh nghiệm từ việc thường xuyên học tập và tự mày mò tìm hiểu qua sách, báo, ti vi… Xác định sẽ đầu tư và phát triển lâu dài mô hình kinh tế VAC hiện có, từ năm 2016 anh theo học lớp Trung cấp thú y vào mỗi cuối tuần tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Phú Lương. Bên cạnh đó, Vũ còn tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi trong và ngoài tỉnh về Vệ sinh an toàn thực phẩm; vệ sinh an toàn lao động; kiến thức kinh doanh cho chủ trang trại…

Mô hình trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động tại địa phương

Nghe chuyện Hoàng Ngọc Vũ làm kinh tế cứ nhàn tênh thế, thì rõ là thấy anh nhiều phần may mắn. Nhưng trong suy nghĩ của anh, muốn có được may mắn thì cũng phải biết cách tạo ra nó. Chàng trai này chưa khi nào chịu bằng lòng với những điều đã, đang làm được, bởi anh luôn hành động và nghĩ xa hơn ở “thì tương lai”. Với diện tích chè khá lớn, Vũ nghĩ đến việc trồng, chế biến chè sạch, tạo thương hiệu riêng. Đầu tư chăn bò và tiếp tục nuôi gà là ý định mà anh sẽ thực hiện trong nay mai. Vũ khoe rằng đã đi thăm mô hình chăn gà Huỳnh đế, một giống gà mới đang rất hút hàng hiện nay, anh đặt mua 1.000 con giống để nuôi trong thời gian tới.

Vinh dự là một trong 300 thanh niên tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành trong cả nước nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VIII năm 2013, Vũ cũng ý thức về trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng nhiều hơn. Không chỉ nghĩ kế tích lũy cho bản thân và gia đình, Vũ luôn mở lòng chia sẻ với những người có chí hướng vươn lên làm giàu trên đất quê hương. Giọng cười của Vũ cứ hồ hởi tỏa lan tinh thần lạc quan, hứng khởi cho những ai tiếp xúc. Anh vẫn khiêm tốn vô cùng khi nghe lời ngợi khen, chỉ cười hiền bộc bạch, rằng “điều khiến bản thân thích thú nhất, chính là được làm giàu một cách chính đáng trên đất quê hương. Chỉ cần hành động, và kiên trì, đích đến sẽ thênh thang ngay thôi”.

Cái hay, cái làm người ta nhớ Vũ, chính là điểm ấy - trẻ người, nhưng không non dạ.

Kim Việt

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước