Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
17:23 (GMT +7)

Người Anh hùng ở xã Phấn Mễ

Gần Tết, chúng tôi lên thăm bạn ở Thái Nguyên. Già rồi nên hẹn hò mãi mới khớp được kế hoạch, khỏi được ông này vắng mất ông kia. Ngồi trên xe ô tô, các cựu chiến binh gọi nhau ời ời. Đầu dây bên kia bạn hỏi có mấy thằng? Đến Tân Long chưa? Người gọi là đồng đội Trần Xuân Thiện người Phấn Mễ. Tôi điểm danh cho Thiện biết từ Hà Nội có Trọng Luân và Khuất Duy Hoan. Đến thành phố Thái Nguyên thì đón Ngô Thịnh và Nguyễn Mạnh Tiêu rồi kéo nhau lên Phấn Mễ. Thiện cười ha ha. Toàn lính trinh sát lên thăm xạ thủ B40.

Quê Thiện có cái tên xóm Cọ Một nghe thấy ngộ ngộ. Con đường vào nhà Thiện qua một cái ngầm cứ vào mùa mưa nước đỏ ngầu ứ lên cuốn rạp lau sậy hai bên bờ. Đến cổng gọi Thiện ơi, cả vợ và con chạy ra trước. Thiện chống gậy đứng trong nhà. Tuy mới qua một đợt ngã xe gẫy chân mà dáng tuổi bảy mươi vẫn tráng kiện. Từ sáng sớm Thiện đã báo với vợ con là mấy anh em lính D76 - E64 lên thăm, thế là vợ Thiện đã chuẩn bị cơm. Gà nhà, cá nhà, rau măng cũng nhà ngon ơi là ngon. Nhất là món rượu men lá Phấn Mễ trong veo như nước suối xóm Cọ.

Cơm vừa dọn lên thì trời mưa. Uống rượu trong căn nhà mát mẻ, thức ăn ngon khiến cuộc rượu thật tưng bừng. Ngồi trong nhà nhìn ra vườn đồi lâm thâm trong mưa lại nhắc nhau chuyện mưa Tây Nguyên, nhắc nhau những ngày hành quân đoàn đi chiến trường, những đêm trú quân rúc rích tán gái ở chân núi Nhồi Đông Sơn Thanh Hóa, rồi những ngày Cự Nẫm Quảng Bình giáp Tết. Nhoáng cái đã năm mươi năm. Cả tiểu đội cùng huấn luyện quân ở Phú Bình ngày xưa nay còn lại mấy thằng, thằng nào tuổi cũng bảy mươi. Gặp nhau lần nào cũng vui như Tết. Chả phân biệt ai về quê ai thành phố, ai cán bộ ai dân thường. Bạn lính chỉ cốt trở về cái thuở binh Nhì, ở đấy ai cũng trong veo như ai, quãng đời ấy luôn là nơi để những người lính già soi mình trở lại để tìm lại chính mình.

Chúng tôi ngồi bên nhau chỉ kể về vợ con và hay nhắc đến những đồng đội đã hi sinh không trở về. Thi thoảng nhắc đến những trận đánh xa rồi lại trầm ngâm rồi khẽ gọi tên đứa đã chết trận. Chưa bao giờ đồng đội ngồi bên nhau mà kể chiến công của mình bao giờ. Trận đánh trở thành anh hùng của Thiện Phấn Mễ cũng chả ai còn nhớ. Cứ như đó là sự bình thường đi bộ đội thì phải thế. Vì thế trong bữa cơm ngày giáp Tết của tiểu đội tôi khiến vợ con của Thiện cứ ngồi ngây mà nghe chuyện.

***

….sáng 18/3/1975

Chỉ có một khoảng đường số 7 dài 4 cây số mà có đến hàng ngàn quân địch và hàng trăm xe ô tô, xe tăng thiết giáp địch vừa nổ súng vừa hành quân. Đầu cầu sông Bờ cách trận địa Tiểu đoàn 7 của chúng tôi 4 cây số là Tiểu đoàn 9 đánh cắt cầu tiêu diệt cả chục xe tăng và hơn một trăm tên địch. Quân Ngụy chạy về gần đến cầu Cây Sung để lên đèo Tu Na thì gặp C3 của Thiện nổ súng. Trận đánh quá chênh lệch về lực lượng ta và địch nhưng quân Ngụy hoang mang và hoảng sợ nên chúng cứ đổ đạn bắn ào ào. Phía ta đã thương vong một số chiến sĩ cần phải chuyển ngay về tuyến sau. Trần Xuân Thiện đang chiến đấu thì anh Thái C phó gọi đi khiêng thương binh về tuyến sau. Thế là vừa khiêng thương binh thi thoảng lại dừng lại chiến đấu. Hai tai Thiện ù lên vì tiếng pháo xe tăng, tiếng bom tiếng đạn.

Xe tăng địch vừa chạy vừa bắn rầm trời. Cây cối đổ rào rào, đạn đại liên ràn rạt. Bị đánh ngoài đường 7 từ thị xã Cheo Reo về khiến quân địch chạy bổ vào rừng vì phía trước mắc cầu Cây Sung. Suốt đêm qua khi vừa leo qua ngọn núi Chư Pa, Tiểu đoàn 7 đã kịp ra đường số 7 và kịp bố trí đánh chặn địch, chưa ai có miếng cơm vào bụng. Mắt cứ đỏ kè nhem nhuốc. Vừa chạy cáng thương vừa thở vừa buồn ngủ. Chỉ có một khúc đường từ cầu Sông Bờ đến cầu Cây Sung dài 4km mà hàng chục nghìn lính và hàng trăm xe, cả xe tăng thiết giáp bị vây kín. Bộ phận được cử đi khiêng thương binh tử sĩ về đến C24 ở gần Sở chỉ huy Trung đoàn trong rừng khộp phía tây nam thị xã Cheo Reo. Đại đội phó Thái dẫn một tổ khiêng thương đang quay trở ra trận địa thì xe tăng địch hàng chục chiếc ào vào đè lên Sở chỉ huy Trung đoàn. Gọi là tổ đi vận tải nhưng toàn là lính đang chiến đấu nên vũ khí của ai người ấy mang. Thiện vẫn đeo khẩu B40 và 4 quả đạn của mình. Tổ chiến đấu bất thường do C phó Thái chỉ huy đã bẻ gẫy đợt ào ào của địch đánh qua Trung đoàn bộ. Thiện bắn hết 4 quả đạn của mình. Trước khi khẩu súng trở thành ống thổi lửa thì đã diệt 3 xe tăng và 1 thiết giáp. Hết đạn B40 Thiện dùng AK của một chiến sĩ quân y diệt gần chục tên địch. Đại đội phó Thái vừa chỉ huy vừa bắn cháy 1 xe tăng. Sở chỉ huy Trung đoàn 64 được giữ vững.

Một trận đánh tao ngộ chiến mà hiệu suất chiến đấu xuất sắc như Trần Xuân Thiện thật là đặc biệt. Giữ vững được Sở chỉ huy lại bảo vệ được một đơn vị quân y đang cứu chữa rất nhiều thương binh trong một cái khe cạn.

Những câu chuyện chiến tranh nó như chuyện vô lí nhưng thực ra lại rất hợp lí. Hôm ấy bọn xe tăng địch không gặp đúng những người lính thiện chiến như Thiện như Thái thì nó sẽ làm tổn thất cho Sở chỉ huy Trung đoàn 64 đến mức nào? Trận địa ở ngoài đường không hề biết địch đã tràn vào đến Sở chỉ huy mà ứng cứu. Đánh nhau xong rồi Đại đội phó Thái và tổ của Thiện lại lao ra đường cùng chiến đấu với Đại đội của mình ở cầu Cây Sung cho đến hết chiều hôm ấy. Những người ở Sở chỉ huy Trung đoàn hôm ấy chỉ thấy Trần Xuân Thiện và tổ cáng thương C3 hôm ấy xuất hiện như những thiên thần và biến mất cũng như một cơn gió.

Cũng phải 3 năm sau, vào năm 1978 chiến công của Thiện và đồng đội mới được tôn vinh. Trần Xuân Thiện được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Chiến trường là một nơi có vô vàn công việc cấp bách diễn ra trong một thời gian tức thời. Mật độ công việc và độ căng thẳng của chiến trường lớn hơn bất kì một hình thức xã hội nào tính cho một đơn vị thời gian. Sự tích anh hùng của Thiện hay của chiến sĩ nào cũng không thể lãng quên. Chỉ có điều lâu hay mau mà thôi. Thiện bảo với bọn tôi, đi đánh nhau với kẻ địch chả ai mong làm anh hùng. Chỉ mong lành gáo mà về với xóm Cọ này thôi. Vợ Thiện ngồi bền cười rúm má. Thiện cất tiếng hát ê a.

...Kìa ngọn Chư Pông nơi mờ xa… rừng chập chùng núi non huy hoàng trong chiều êm vầng trăng lên.

Chúng tôi lặng ngắt. Phấn Mễ trời đang mưa xuân. Thiện hát tiếp:

…Nghe xa xa nhịp tiếng chiêng ngân, đây sông Ba còn kia ngọn Chư Pa, sông Sa Thày vùi thây bọn cướp Mỹ gãy cánh lũ kị binh bay, rực sáng trời Tây Nguyên…

Thiện ngừng hát quay sang bọn tôi hỏi, chúng mày biết ai viết lời bài hát này không? Im lặng. Nó chỉ vào Luân đen đang lặng lẽ nhìn ra trời mưa. Đấy nó đấy. Thằng lính trinh sát D8, E64 nó viết đấy. Những bài hát, bài thơ của mình là do chúng mình viết nên chứ ai? Chiến công chói lọi cũng bắt đầu từ những người lính tầm thường như chúng mình đấy thôi.

Chúng tôi ngồi bên nhau, nhìn vào mắt nhau, nhìn vào mái tóc hoa râm của nhau mà bồi hồi nhớ về gần nửa thể kỉ trước chúng tôi đã sống bên nhau hào hoa dũng cảm. Thiện quay sang Nguyễn Mạnh Tiêu, Phó Giám đốc Sở Công Thương đã nghỉ hưu. Tiêu đang cười tủm tỉm nhìn những đứa cháu của Thiện há hốc mồm nghe các ông nói chuyện tao mày.

Anh Tiêu ơi, anh không kể về trận anh bị thương khi đi trinh sát ở Củng Sơn đi.

Tiêu cười:

- Bọn mình ngồi đây thằng nào chả có mảnh đạn trong người. Chiến công của bọn mình thấm gì với chúng nó đã hi sinh. Rồi Tiêu nói lớn: Hôm nay uống và hát những bài về Trường Sơn đi. Nào hát. Thế là hát. Thằng Luân đen hát:

…Bao la đêm Trường Sơn, cheo leo đường dốc đá mưa trơn suối reo vang rừng ơ… núi…. ta đi theo Trường sơn hướng về tiền phương….

Trong một ngày mưa xuân Thái Nguyên, chúng tôi tựa vào vai nhau và hát. Hát cho tuổi xuân của mình, hát cho nỗi niềm mà chỉ chúng tôi mới có. Nỗi niềm lính trận.

Chia tay gia đình Thiện, tạm biệt Phấn Mễ đang vào xuân. Đi ra đến ngõ Nguyễn Mạnh Tiêu quay lại nhắc Thiện, sang năm kỉ niệm 50 năm nhập ngũ mày nhớ chuẩn bị 25 lít rượu nhé. Phải ngon, phải đúng là rượu men lá Phú Lương đấy nhé.

Hai vợ chồng Thiện giơ hai tay khua lên trời cười ngất ngả…

Nguyễn Trọng Luân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước