“Ngọt ngào” mùa ớt Phú Bình
Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”
VNTN - Những năm gần đây cây ớt đã dần là cây màu chủ đạo của bà con nông dân một số xã của huyện Phú Bình. Có lẽ người làm nông nghiệp nơi đây cũng không thể ngờ đến một ngày thứ quả nhỏ bé, cay xé lưỡi ấy lại có vị thế quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng và đang mang lại vị “ngọt ngào” cho họ.
Được mùa
Năm nay giá ớt từ 20 nghìn đồng/kg bỗng tăng vùn vụt, có lúc giá ớt 50 - 60 nghìn đồng/kg, tháng cao điểm nhất tới hơn 90 nghìn đồng/kg. Nhiều nhà ở chỉ cần một sào ớt là một ngày đã thu vài triệu đồng. Một số hộ thu gần trăm triệu đồng/tháng… Dù đã tàn vụ ớt nhưng đến Tân Đức, Thanh Ninh là vùng trọng điểm cây ớt của Phú Bình những ngày này câu chuyện về cây ớt được giá vẫn xôn xao. Những cây ớt khô đen được bó lại mang về hoặc xếp gọn gàng ở bờ ruộng. Các thửa ruộng sĩnh nước đang ngâm ải đất để xử lý sạch sâu bệnh, chuẩn bị cho một mùa ớt mới.
Ông Nguyễn Văn Chất, xóm Thanh Ninh, người đầu tiên có công đưa cây ớt về Phú Bình vừa đón khách vừa cười khảng khái thông báo: Ông vừa xuất 12 vạn cây ớt giống cho bà con trồng vụ mới. Trong vườn nhà hiện đang còn 60 triệu tiền giống ông mới gieo và bà con đã đăng ký mua hết. Người dân trồng ớt ngày một nhiều hơn. Dự báo mùa ớt tiếp theo diện tích ớt Thanh Ninh phải tăng gấp rưỡi mùa trước. Thị trường ớt ngày một lớn, nhất định sẽ lại được giá. Lời nói của một nông dân tâm huyết và sống chết với cây ớt như ông Chất khiến chúng tôi hoàn toàn tin tưởng.
Thu hoạch ớt ở Thanh Ninh
Còn nhớ một tháng trước đây về Tân Đức, Dương Thành, Thanh Ninh những xã trọng điểm trồng nhiều ớt ở Phú Bình dù “cơn bão” lợn rớt giá vẫn chưa qua nhưng hầu như người dân không mấy mảy may về điều đó, mặc dù còn rất nhiều hộ đang đỉnh đương “găm” cả đàn lợn ở trong chuồng. Niềm vui với cây ớt được mùa, được giá lan tỏa khắp cánh đồng khiến người nông dân như quên hết mệt mỏi. Những bàn tay thoăn thoắt như múa trên dàn ớt trải dài lúc lỉu những quả xanh, quả đỏ to bằng đầu ngón tay út chổng ngược đít, tăm tắp lên trời. Người hái, người khiêng thùng về, đổ ớt ra chất đống ở các nhà cân, gom hàng thương lái đánh xe đến chở đi.
Nhắc lại vụ ớt vừa rồi Bà Tạ Thị Hạnh 50 tuổi ở xã Thanh Ninh nói như cởi tấm lòng: “Ớt năm nay được giá, chỉ hái một sào là được 2 tạ quả thì chú bảo là bao nhiêu tiền. Mà trồng cái giống mới GM 40 cũng vượt trội hơn hẳn, cây cao hơn, năng suất hơn, chống sâu bệnh tốt, lại dài ngày hơn giống cũ. Tiếc là nhà tôi trồng muộn nên lúc ớt được giá cao lại không có mà bán”.
Giống như bao gia đình khác trong xã có mức thu trung bình, nhà bà Hạnh có 2 sào ớt mỗi năm thu về được hơn 40 triệu đồng. Vài năm trồng ớt kinh tế gia đình đi lên rõ rệt, 2 con gái đã lấy chồng, vừa rồi nhà bà lại nộp cho cậu con trai 130 triệu đồng để con đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan.
Anh Hoàng Văn Bảo ở xóm Phú Yên xã Thanh Ninh khẳng định đầy tự hào: “Cây ớt cho thu nhập cao hơn tất cả các loại cây trồng khác. Thời gian hái quả nhanh, cứ như gà đẻ trứng vậy, vài ngày lại được một món tiền. Lúc ớt rẻ cũng gấp ba lần trồng lúa, lại ăn chắc, không thể cãi được”.
Quả đúng như lời anh Bảo, nhờ cây ớt vài năm gần đây kinh tế các hộ gia đình trong xã tăng lên rõ rệt. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đình làng bà con cũng vừa đóng góp 70 triệu đồng để xây dựng. Toàn xã Thanh Ninh hiện có tổng diện tích đất trồng ớt là 39,5ha chiếm gần hết diện tích đất trồng cây hoa mầu. Trước đây ở Thanh Ninh cây ớt chỉ được trồng nhỏ lẻ xen kẽ với dưa chuột, thời điểm đó cây dưa chuột ở Thanh Ninh chiếm tới 40ha. Sau này cây ớt phát triển mạnh hơn đến nay diện tích dưa chuột ở đây giảm xuống chỉ còn gần 10ha.
Không chỉ ở Thanh Ninh, xã Tân Đức ngay bên cạnh ngoài diện tích cây hoa mầu như dưa bở, dưa hồng, dưa lê… thì diện tích trồng cây ớt cũng đã chiếm tới hơn 40ha, trong đó có tới 20 ha ớt được Công ty TNHH Kibaco (trụ sở ở Quế Võ, Bắc Ninh) thông qua Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt của bà con. Theo đó, gần 200 hộ dân thuộc các xã: Tân Đức, Tân Hòa, Lương Phú cũng được công ty cấp giống để gieo trồng, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc. Khi thu hoạch công ty sẽ đứng ra thu mua toàn bộ ớt của bà con với giá thấp nhất là 16 nghìn đồng/kg, giá thị trường tăng, công ty sẽ điều chỉnh lên 10%.
Cả làng trồng ớt
Nói về những ưu điểm của cây ớt, ông Đào Văn Khương, Phó Chủ tịch xã Tân Đức phân tích: Cây ớt tuy quả nhỏ nhưng lại có nhiều điểm mạnh và mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với những loại cây hoa mầu trước. Cây ớt rất phù hợp với ruộng chân vàn (ruộng có vị trí cao chỉ trồng một mùa lúa và một mùa màu) là những thửa đất xấu, nhiều chỗ còn bỏ hoang thì nay bà con đã tận dụng triệt để để trồng ớt. Có gia đình còn sẵn sàng đổi ruộng cấy lúa lấy ruộng chân vàn để trồng ớt. Vụ vừa rồi xã đã đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty Kibaco “bảo hộ” về giá cho một số hộ trồng ớt trong xã để bà con yên tâm tăng gia phát triển cây ớt. Vụ mùa tiếp theo xã và công ty đã có kế hoạch để cùng bà con mở rộng diện tích cây ớt.
Người dân Tân Đức đang cân ớt bán cho công ty Kibacô
Sản xuất ớt theo mô hình được công ty bao tiêu sản phẩm, tuy giá ớt không cao nhưng lúc nào cũng ổn định, ông Nguyễn Văn Bình - một hộ nông dân tăng gia sản xuất giỏi của xã Tân Đức cho biết: Có công ty “bảo hộ” nên rất yên tâm để phát triển kinh tế. Nhà ông đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, ngoài chăn nuôi lợn thì ông còn trồng thêm các loại cây ăn quả như bưởi, cam, thanh long… và trồng thêm 2 sào ớt cung cấp cho công ty. Năm vừa rồi chính tiền bán ớt và thanh long đã cứu ông một bàn thua lớn khi lợn rớt giá (nhà ông Bình có 150 con lợn thịt, lúc lợn rớt giá ông lỗ khoảng 200 triệu đồng).
Cây ớt dễ trồng lại nhanh thu hoạch, ít bị sâu bệnh, chịu hạn tốt, lại sai quả. Lúc đã xong khâu cày ải, làm đất, lót phân, người trồng ớt chỉ việc dải những tấm ni lông to dọc các luống, sau đó lấy chiếc ống bơ nóng có đựng than đang cháy phía trong đi chấm lỗ rồi trồng cây ớt nhỏ qua lỗ tấm ni long. Trồng ớt xong chỉ cần đôi lần mồi đạm là cứ thế đợi đến ngày thu hoạch. Có tấm nilong phủ bề mặt chống cỏ hại cây ớt cứ lên thôi thổi.
Từ lúc trồng ớt (ớt thường được trồng vào rằm tháng 7) đợi 115 ngày khi ớt đã trưởng thành cho hoa trái lúc này mới phải phun phòng bệnh. Cây ớt rất ít sâu bệnh, chủ yếu chỉ có bệnh xoăn lá, thán thư hoặc chết rút. Những bệnh này nếu chú ý theo dõi và có phương pháp phòng tránh kịp thời sẽ không lo bị nhiễm bệnh.
Cây ớt rất phù hợp với người nông dân lại giải quyết được việc làm, tận dụng được thời gian nông nhàn của nông dân, kể cả người già và trẻ nhỏ hằng ngày cũng đều tham gia hái ớt. Khi cây ớt bắt đầu cho thu hoạch, người dân trồng ớt ở Phú Bình thường tranh thủ hái ớt vào sáng sớm hoặc chiều tối, lúc này trời mát mẻ. Vặt ớt rất nhàn, chỉ cần cầm quả bẻ nhẹ là quả ớt đã rời cuống. Ngày mùa người dân dậy hái ớt từ 4 - 5 giờ đến 7 giờ sáng, buổi chiều hái từ 16 - 17 giờ. Hái xong mang ớt đi cân bán cho các mỏ cân ở trong xã.
Với giá ớt bán được từ 15 - 25 nghìn/kg, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng trên dưới 20 triệu đồng/sào. Dễ trồng là vậy ngược lại ớt lại cho năng suất cao. Những năm gần đây giá ớt trung bình đều đạt cao hơn, nhất là vụ ớt vừa qua nhiều hộ dân thắng lớn. Ngày nào cũng bán ớt, người dân có thêm đồng ra đồng vào trang trải chi tiêu và yên tâm tăng gia sản xuất. Bình quân vụ ớt năm nay trừ tiền công, tiền giống, tiền phân thuốc, mỗi sào ớt cho thu từ 20 - 30 triệu, cải thiện đáng kể cho thu nhập cho người nông dân.
Tuy nhiên, còn một điều người dân vẫn trăn trở là về đầu ra của sản phẩm. Qua tìm hiểu các mỏ cân ớt ở địa phương chúng tôi được biết, hiện số lượng ớt ở Phú Bình vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường. Ớt ở đây chủ yếu bán sang các thị trường Đài Loan, Ma Cao và Trung Quốc. Ngoài ra còn cung cấp trực tiếp ra thị trường Việt Nam, bán cho nhà máy đông lạnh chế biến ớt khô và tương ớt ở Hải Dương và Bắc Ninh giá cũng được 10 - 12 nghìn/kg.
Trồng ớt lợi như vậy nên nhiều xã trong huyện Phú Bình đang trồng ớt để thay thế một số cây màu truyền thống. Và có lẽ xã trồng ớt lâu nhất, giỏi nhất chính là xã Thanh Ninh. 14 xóm của xã Thanh Ninh đều trồng ớt, với số lượng lên tới vài trăm hộ. Trong toàn xã, nói tới các hộ trồng ớt giỏi và có được cơ ngơi bề thế nhờ cây ớt thì nhiều vô kể trong đó phải nhắc đến những hộ đi đầu và mạnh dạn tăng diện tích trồng ớt như gia đình ông Ninh, chị Yến, ông Kim, ông Độ, ông Kỳ…Và Thanh Ninh còn có cả những tỷ phú ớt như gia đình ông Chất.
“Đại gia” ớt
Nhắc đến ông Nguyễn Văn Chất, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Ninh thì không chỉ có người dân trong xã mà cả những người trồng ớt ở huyện Phú Bình đều biết đến ông, một nông dân trồng ớt giỏi.
Sau nhiều năm chung thủy với cây ớt ông Chất đã thành “đại gia” ớt của huyện. Ngoài hơn 1 mẫu ruộng cấy lúa, nhà ông hiện còn có hơn 4 sào trồng ớt. Ngoài tiền thu hoạch ớt, để khép kín công đoạn ông còn mạnh dạn đầu tư mua máy cày bừa làm luống thuê cho bà con. Mùa cấp giống nhà ông gieo giống, cung cấp giống ớt cho người dân trong huyện, ngoài ra ông thu nhập thêm từ việc lập điểm cân thu mua ớt của bà con. Nhà ông Chất hiện có 4 nhân khẩu, để làm được hết việc mọi người đều phải cố gắng và công việc được phân công hết sức nhịp nhàng, khoa học. Ngày nào cũng vậy sau khi làm hết việc đồng áng cả nhà ông lại cân ớt từ chiều cho tới tối mịt, đợi xe chuyển ớt đi mới nghỉ ngơi. Bữa tối nhà ông thường bắt đầu lúc 9 - 10 giờ tối.
Nhớ những ngày đầu gian khó ông Chất xúc động kể, khoảng 15 năm trước, trong một lần về quê của vợ ở Bắc Giang, thấy ở đó trồng rất nhiều ớt thương phẩm, ông mang thử giống ớt về trồng. Thấy cây ớt mọc ở Thanh Ninh cho quả rất sai, ông mở rộng diện tích trồng. Sau khi ông tìm được đầu ra cho sản phẩm, ngay vụ thu hoạch đầu tiên, 1 sào ớt của ông Chất đã lãi gần 20 triệu đồng. Có tiền trong tay ông mạnh dạn tăng thêm diện tích để phát triển cây ớt, đồng thời cũng vận động bà con trong xóm cùng với gia đình mình phát triển cây trồng này.
Nói về chuyện trồng ớt ông Chất khẳng định khâu quan trọng nhất là làm giống ớt. Ông chậm rãi thận trọng: “Làm giống phải cẩn thận, giống không tốt dù bà con bỏ bao công sức có thể cả vụ mùa sẽ mất trắng. Anh thấy đấy, 200 triệu tiền hạt giống tương đương với 2000 sào, nên giống không đảm bảo bà con sẽ thiệt hại nặng nề, mình cũng chả có ớt để cân mà cũng mất uy tín vĩnh viễn”.
Trước khi gieo giống ông Chất phải tìm hiểu xem giống đó có đạt yêu cầu và thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng không, rồi mới gieo trồng một số mẫu trước, thấy mẫu nào đạt yêu cầu mới chọn gieo bán cho bà con.
Ông Chất thường lặn lội xuống Trường Đại học Nông nghiệp 1 để tìm hiểu giống ớt. Thấy ưng ý ông mới gọi điện thẳng cho Công ty giống cây trồng Trung ương lấy hạt về trồng. Mua nhiều hạt giống và làm đạt yêu cầu vậy công ty đã tin tưởng cung trực tiếp giống cho ông, vì thế ông Chất bớt một khoản tiền mua hạt qua trung gian, qua đại lý.
Gieo được cây ớt giống đâu phải dễ. Như ông Chất kể, ban đầu ông phải đi học nghề bằng cách xin đi gieo ớt thuê ở tận Bắc Giang, mãi mới học lỏm được bí quyết gieo hạt, làm đất.
Chỉ đống đất trước sân ông Chất thổ lộ: “Đấy là đất phù sa sông Hồng đã phơi ải từ năm trước. Đất vùng mình chỉ làm nền còn phù sa sông Hồng rải bề mặt. Cây ớt con rất mẫn cảm với bệnh nên phải theo dõi và che chắn cẩn thận. Khâu gieo hạt cũng phải đều tay, khâu tưới cũng đòi hỏi kỹ thuật, tưới không quá mạnh và quá võng nước là cây sẽ chết”.
Thấy khách ngạc nhiên về sức lao động và thu nhập của gia đình ông cười khiêm tốn: “Trừ chi phí nguyên tiền bán giống ớt thu về 200 triệu đồng/ năm, ngoài ra tổng các khoản thu khác một năm cũng được hơn nửa tỷ đồng”. Ông Chất và gia đình được Hội nông dân tỉnh trao danh hiệu, hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi năm 2017.
Tạm biệt nhà ông Chất, nhìn cơ ngơi bề thế và cách làm ăn tính toán của ông lại nhớ ánh mắt chứa bao niềm hạnh phúc của những người dân ở các xã Tân Đức, Thanh Ninh khi kể chuyện về cây ớt, thấy tin tưởng và cảm phục về cách nghĩ và cách làm của những người dân trồng ớt nơi đây. Bất chợt nhớ câu ca dao: “Đã ăn ớt chẳng sợ cay. Bây giờ khổ nhọc có ngày thảnh thơi”.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...