Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
19:34 (GMT +7)

Ngôi trường như “công viên xanh” giữa miền sơn cước

VNTN- Đến thăm Trường PTDT nội trú THCS Đại Từ một ngày đầu đông mà ngỡ như lạc vào một “công viên”. Nằm giữa một vùng sơn cước, khuôn viên lớp lớp cây xanh, những hàng cây đại thụ như: xà cừ, mít, phượng tán lá sum suê rợp bóng che chở sân trường.

Ơ “mẹ Dung” kìa, các bạn ơi!

Giờ ra chơi đến, bằng tiếng trống dài báo hiệu, hàng trăm cô cậu học trò ùa ra sân vui đùa. Dưới bóng cây từng tốp học sinh rủ nhau chơi đuổi bắt, trốn tìm, đá cầu, đá bóng. Bên ghế đá ở những chiếc chòi lá cọ, có tốp thì tranh thủ chơi cờ carô, hoặc rủ rỉ ôn bài. Thoáng thấy bóng cô hiệu trưởng cũ trở về, không ai bảo ai, “các con” nhất loạt ùa ra đón. Những bước chân bay tung, chúng tôi đứng sững chứng kiến thời khắc đàn con thơ hào hứng đón “mẹ” về.

Giờ ra chơi trong “khuôn viên xanh”

Cô ơi cô có khỏe không… Cô ơi, sao lâu thế cô mới về... Con nhớ cô... Cô ơi... Các em sà vào vòng tay “mẹ Dung” líu tíu tíu biết bao là chuyện. Niềm vui như vỡ òa trên gương mặt cô giáo Triệu Thị Mai Dung - Hiệu trưởng cũ. Không cầm nổi lòng, những giọt nước mắt xúc động cứ lăn dài trên má chị. Mọi người đều ngạc nhiên vì chưa bao giờ chứng kiến một người hiệu trưởng với công việc chính là quản lý lại giành được nhiều tình cảm của học sinh như thế.

Gặp cô sau thời gian xa cách (cô giáo Triệu Thị Mai Dung áo xanh)

Sau thời gian dài nghỉ phòng chống dịch, rồi mấy tháng nghỉ hè… vào năm học mới bọn trẻ cảm thấy hẫng hụt khi cô Hiệu trưởng không còn ở trường nữa… Theo quy định, hết 10 năm ở trường Nội trú, chị Dung chuyển đi nhận công tác ở trường khác đã gần một học kỳ, nhưng đến giờ học sinh vẫn chưa quen với sự vắng mặt của chị.

Học sinh tại Trường PTDT nội trú THCS Đại Từ là con em đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Dìu, Sán Chay,… đến từ các vùng khó khăn, xa xôi của huyện. Khác với nhiều bạn đồng trang lứa, các em sớm phải xa gia đình, rời bản làng để tới học nội trú, tìm kiếm “cái chữ”. Lạ lẫm, bỡ ngỡ vì môi trường mới, nhiều em khóc ròng vì nhớ nhà, nhớ gia đình. Cũng như bao giáo viên trong trường, ngoài giờ lên lớp cô Dung là “bảo mẫu”, như người mẹ, người cha chỉ bảo, lo miếng ăn giấc ngủ hằng ngày cho “đàn con” - đông hơn 300 đứa trẻ đang tuổi thơ ngây, nghịch ngợm.

Nụ cười luôn thường trực

Chị Dung nhớ lại: 10 năm trước, khi cầm quyết định về trường, tất cả chỉ là một khoảng đất trống không với những bãi cây xấu hổ giữa vùng đất khô cằn. Thế rồi từng dãy nhà cũng được dựng lên khá khang trang. Chị Dung về nhận công tác, cũng là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nhà trường. Là một cán bộ quản lý chị luôn trăn trở: Làm sao để cho học sinh của mình “Mỗi ngày đến trường là mỗi ngày vui - Mỗi ngày ở trường là mỗi ngày hạnh phúc”, làm sao để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy và học? Và ý tưởng nảy ra trong đầu chị: Phải củng cố cơ sở vật chất, nhất là cải tạo cảnh quan nhà trường để xây dựng môi trường dạy học thân thiện. Học sinh thoải mái, học và chơi, có như thế mới nâng cao chất lượng dạy và học.

Khuôn viên xanh

Thế là bắt tay vào quy hoạch, chọn cây trồng, cải tạo đất. Mỗi năm một ít, khuôn viên trường thay đổi từng ngày, đến nay trường đã có một không gian rộng, “môi trường xanh” thoáng đãng để “các con” có thể chơi bóng chuyền, cầu lông, bóng đá... Ngoài ra khu khu ký túc xá, phòng học nhà ăn, nhà kho, bếp nấu cùng hệ thống các công trình phụ trợ khác khá khang trang, hiện đại càng tôn thêm vẻ đẹp tự nhiên của ngôi trường.

Trong ngôi trường ấy, các thầy cô ngoài giờ lên lớp dạy học lại cùng học sinh chăm sóc cây cối, trồng rau, vui đùa. Yêu trẻ, trẻ tự gần, “các con” coi các thầy cô như người cha người mẹ thứ hai. Chia sẻ, chăm lo khi “các con” ốm đau, ngày đông giá rét cô trò đốt lửa sưởi, mua ngô, mua khoai sắn nướng; rồi những chuyến thực tế trải nghiệm, tổ chức các trò chơi, các hoạt động văn hóa văn nghệ mang màu sắc dân gian... mà các thầy cô tổ chức thật sự là khoảng trời lung linh của “các con”.

Gần gũi và nhân văn, trong môi trường ấy “các con” phát triển toàn diện, có ý thức sinh hoạt nhóm, giữ gìn vệ sinh chung, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, tự tin và dần trưởng thành.

Chúng mình như một gia đình

Vừa tròn 10 năm tuổi Trường PTDT nội trú THCS Đại Từ đã hoàn thành tốt nhất sứ mệnh “trồng người” và đạt nhiều thành tích đáng tự hào: đạt chuẩn Quốc gia từ năm 2017, liên tục là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được UNBD Tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng cờ thi đua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen.

10 năm xây dựng và phát triển, cùng “môi trường giáo dục xanh”, Trường đã thật sự xứng đáng là “ngôi nhà thứ hai” của học sinh dân tộc ở địa phương.

Giáo viên trường nội trú

(Bài thơ của cô giáo Triệu Thị Mai Dung tâm sự về nỗi lòng của người giáo viên dạy nội trú và viết tặng các thầy cô giáo Trường PTDT nội trú THCS Đại Từ nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam – 20/11/2017).

Em đi trực, anh, hôm nay em trực

Cơm nấu xong rồi, mì gói đã mua

Anh gọi con rồi quét nhà đun nước

Nấu thêm cho con chút gì đó... nha anh!

 

Anh, anh ơi, trong trường có việc

Buổi chiều nay cần gieo hạt, trồng rau

Học sinh nhỏ, công việc không giao được

Không có em, trò lại muộn cơm chiều...

 

Anh đâu rồi, có việc trường gấp quá

Học sinh em sốt vi rút... đang chờ

Sang viện rồi, bố mẹ xa chưa tới...

Chắc đêm nay mười rưỡi vẫn chưa về...

 

Anh anh ơi, chiều nay anh đi họp

Em cùng trò đi trải nghiệm... hai ngày

Vui lắm nhé, mỗi lo con đi học

Họp phụ huynh không có mặt, cô phê...

 

Anh, anh ơi hôm nay trường ngoại khóa

Việc hôm qua dang dở chưa xong

Tan học xong em còn bận họp

Cùng phụ huynh lo mấy việc, không về...

 

"Sớm, trưa, chiều, đêm... em về chi cho khổ

Ở lại luôn đi... ngày mốt hẵng về,

Con anh đón, áo quần anh đã giặt

Chỉ xin em dành một buổi về quê!

 

Bố mẹ ốm, hàng xóm mời đám cưới

Thêm ngày mai chú thím về chơi

Anh thông cảm, nhưng họ hàng đâu hiểu

Em, em ơi... anh rất khó phân bày..."

...

Có vợ, có chồng là giáo viên nội trú

Bao nỗi lòng chẳng ai biết, ai hay!

Chồng vợ giận, con dỗi hờn đành chịu

Họ hàng, anh em dành lỗi hẹn, vắng mình

 

Ấm lạnh, nỗi nhà nén lòng mỗi bận

Giở giấc mẹ cha, khuya chẳng dám gọi nào.

Mỗi ngày nghỉ lại ngóng trông, chờ đợi

Bố mẹ hiểu cho, xong việc con về...

 

Chuyến này qua, lại thêm nhiều chuyến khác

Đò qua rồi, ân nghĩa nặng hai vai

Sang bến mới gửi theo bao lưu luyến

Đón chuyến sau... hy vọng gió thuận chèo!!!

 

Quang Khải

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy