Nghiêm túc phòng, chống dịch, nhưng không để “hổng” kiến thức
VNTN - Gần một tháng đi học trở lại sau 4 tuần nghỉ phòng, chống dịch Covid-19, ngày 27/3 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, học sinh THPT toàn tỉnh lại bước vào đợt nghỉ tiếp theo, dự định kéo dài đến hết ngày 12/4. Tuy nhiên, sau gần một tháng đi học trở lại (từ 2/3 - 26/3) đã cho thấy những nỗ lực của các trường THPT trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 cũng như công tác dạy và học, nhất là đối với khối 12 khi kỳ thi THPT Quốc gia chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra.
Tính đến hết ngày 26/3, tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã không ghi nhận trường hợp nào mắc dịch bệnh Covid-19. Tổng số học sinh khối THPT là 35.606 em, trong đó tỷ lệ học sinh đi học bình quân tuần đầu tiên trên 96%, 3 tuần về sau tỷ lệ tăng dần lên 98%.
Tất cả 32 trường THPT trên toàn tỉnh đều trang bị máy đo thân nhiệt để hàng ngày kiểm tra thân nhiệt của học sinh và khách ra vào trường (ít nhất 2 máy/trường; có 10 trường có trên 4 máy). Hầu hết các em học sinh đều cảm thấy yên tâm khi đến trường bởi được các thầy cô hướng dẫn thực hiện kĩ càng các biện pháp phòng chống dịch; các pa nô, áp phích tuyên truyền về phòng, chống dịch được các nhà trường đặt ở nhiều vị trí; các bồn nước rửa tay, vòi nước được lắp thêm ở nhiều nơi với đầy đủ xà phòng, nước sát khuẩn và hướng dẫn rửa tay theo 6 bước của Bộ Y tế.
Với tinh thần chủ động, quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, nhiều biện pháp phòng chống dịch được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đại Từ) triển khai quyết liệt và hiệu quả. Công tác tuyên truyền được nhà trường đặc biệt chú trọng. Việc tuyên truyền trên lớp thông qua giáo viên chủ nhiệm và cán sự lớp được thực hiện vào các giờ sinh hoạt đầu tuần và giờ sinh hoạt lớp. Nhiều băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền với nội dung dễ ghi nhớ được bố trí ở những không gian học sinh dễ quan sát. Đồng thời trong 10 phút đầu giờ và các giờ ra chơi, nhà trường phát bài tuyên truyền trên loa phát thanh, nhằm giúp thầy cô và các em học sinh có được nhận thức đầy đủ, chính xác nhất về dịch bệnh, tránh tư tưởng chủ quan hoặc hoang mang, lo lắng, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Trường THPT Nguyễn Huệ thực hiện đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường
Còn đối với Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Thái Nguyên) để đảm bảo cho 30 lớp với hơn 1.300 học sinh đi học trở lại, nhà trường đã cho lắp đặt thêm 30 vòi nước rửa tay chia làm 3 khu vực cho 3 khối: 10, 11, 12. Đồng thời, sử dụng 6 máy đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường. Sau mỗi buổi học, các lớp đều phân công học sinh ở lại vệ sinh, lau chùi, khử khuẩn lớp học. Toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và người lao động trong nhà trường đều tích cực thực hiện theo tờ danh mục “Những việc cần làm để phòng tránh mắc bệnh Covid-19” đối với từng đối tượng: học sinh, giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ... do Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện.
Trong suốt một tháng học sinh đi học trở lại (từ 2/3 - 26/3), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã thành lập nhiều Đoàn đến kiểm tra quy trình thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các trường THPT. Qua đây thấy được 100% các nhà trường đều nhận thức cao về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh nên công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được quan tâm đẩy mạnh và nghiêm chỉnh thực hiện.
Đối với các trường THPT, ngoài việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn là công tác dạy và học. Dù sau một tháng gián đoạn, các em cũng không cảm thấy quá khó khăn khi bắt nhịp lại với việc học trên lớp. Bởi trong thời gian nghỉ, học sinh đã được thầy cô giao bài tập luyện ôn tại nhà cũng như chia sẻ những bài giảng trực tuyến liên quan đến nội dung ôn tập để các em tham khảo, nâng cao kiến thức. Bên cạnh đó, các nhà trường luôn sẵn sàng với tình huống diễn biến dịch bệnh phức tạp, học sinh tiếp tục phải nghỉ học, nên đều thực hiện theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo là tích cực, tăng cường sử dụng các phần mềm, ứng dụng tiện ích của mạng xã hội để củng cố, ôn tập kiến thức cho học sinh; đồng thời rà soát, chuẩn bị đủ hạ tầng công nghệ thông tin để sẵn sàng triển khai hoạt động dạy-học qua Internet, học qua truyền hình.
Tuy nhiên, việc học ôn đối với lớp 12 thực hiện qua truyền hình cũng gặp không ít khó khăn. “Dạy trên truyền hình là hình thức dạy một chiều nên các em tiếp thu cũng khó, nhất là đối với học sinh yếu, kém. Mặt khác, trang thiết bị của học sinh không đầy đủ, khối 12 của trường có tới 23 học sinh ở nhà không có mạng, số còn lại phải dùng chung, dùng nhờ hoặc mạng ở nhà của nhiều em rất chập chờn, khi học thường bị gián đoạn, gây rất nhiều khó khăn cho các em”, cô Phạm Thị Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền chia sẻ.
Còn em Phạm Thị Ly, học sinh lớp 12a4, Trường THPT Nguyễn Huệ cũng đầy tâm tư: “Khi học trực tuyến có những chỗ em không hiểu nhưng không thể hỏi trực tiếp được; đôi khi có nhiều chỗ thầy cô giảng khá nhanh em không kịp ghi lại kiến thức. Bên cạnh đó, học sinh chúng em không phải ai cũng có điện thoại riêng để học online liên tục, mượn điện thoại của bố mẹ, người thân cũng chỉ được chốc lát vì họ cũng phải dùng điện thoại để liên lạc. Hơn nữa, có điện thoại trong tay mà ngồi nghe giảng những môn mình học kém em thấy không hiệu quả vì bất cứ lúc nào cũng có thể thoát ra để lướt facebook, tik tok, chơi game”.
Ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng chia sẻ: “Hiện nay, việc học trực tuyến hay các hình thức giao bài tập qua các ứng dụng công nghệ chỉ là giải pháp tình thế, nó không thể đảm bảo chất lượng như học trên lớp được. Nên rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh trong việc quản lý, hướng dẫn và giám sát việc học của các em. Nhất là trong đợt nghỉ học thứ hai kéo dài 2 tuần (từ 27/3 - 12/4) này rất cần ý thức tự học của mỗi em để tiếp tục tích lũy, không bị “hổng” kiến thức”.
Đến nay tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận có trường hợp mắc Covid-19 nên sau đợt nghỉ thứ hai học sinh có được đi học trở lại hay không chưa thể dám chắc, song các em học sinh nhất là khối 12 không nên quá lo lắng, thay vào đó hãy nhìn theo hướng tích cực như chia sẻ của em Lưu Mai Anh, lớp 12a4, Trường THPT Chu Văn An (thành phố Thái Nguyên): “Em có thêm thời gian để vạch rõ hơn kế hoạch và định hướng cho bản thân. Đồng thời, việc tự học giúp em có nhiều thời gian tập trung vào khối thi của mình khi kho tài liệu và các bộ đề thi thầy cô chia sẻ cũng như em tự tìm kiếm trên mạng khá phong phú. Em nghĩ mình và các bạn không nên quá lo lắng mà hãy coi đây là cơ hội để nâng cao ý thức tự học của bản thân”
BÍCH HỒNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...