Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
05:24 (GMT +7)

Nghiêm trị tham nhũng, trăn trở bảo vệ người dám nghĩ dám làm

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp thứ 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, cả Chánh án Toà án nhân dân Tối cao (TANDTC) Nguyễn Hoà Bình và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí đều đề cập yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế để vừa ngăn chặn được tham nhũng, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng, song cũng bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của Nhân dân và cử tri cả nước. Các nhóm vấn đề thuộc 2 lĩnh vực được lựa chọn chất vấn là đúng và trúng, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng, gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri và dư luận xã hội quan tâm.

Cần cơ chế căn cơ

Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là án hình sự về kinh tế, tham nhũng là một trong các vấn đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chọn để chất vấn Chánh án Nguyễn Hoà Bình.

Thông tin từ Chánh án cho thấy, với án hình sự về kinh tế, tham nhũng, năm 2022, các Tòa án đã thụ lý 3.405 vụ với 7.653 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 2.926 vụ với 6.421 bị cáo. Các vụ án kinh tế, tham nhũng mà Tòa án đã xét xử chủ yếu là phạm các tội về “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”, “Tham ô tài sản”, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”...

Quá trình giải quyết, các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đồng thời, chú trọng quyết định tịch thu tài sản do phạm tội mà có, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, các biện pháp tư pháp và các hình phạt bổ sung nhằm đảm bảo thu hồi tài sản của Nhà nước đã bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại. Đã xử lý nghiêm các vụ án, nhất là những vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm; đồng thời chú trọng tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với các bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Tuy nhiên, chất vấn trực tiếp, một số vị đại biểu cho rằng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn ít, chưa được như kỳ vọng của Nhân dân.

Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình

Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, tổng kết 10 năm qua, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 40% số tài sản thất thoát do tham nhũng. Đây là con số rất đáng ghi nhận.

Nhưng, theo quy định của Việt Nam, chỉ thu hồi được những tài sản mà chứng minh được có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng.

“Nhưng đối với thế giới, tham nhũng là tội đặc thù, cho nên, bên cạnh nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tham nhũng của tài sản, thì người ta còn có một cơ chế khác là tăng nghĩa vụ giải trình của những nghi can là tham nhũng. Nếu có tài sản mà không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó thì cũng xem là tài sản tham nhũng và bị tịch thu”, Chánh án nêu kinh nghiệm quốc tế và cho đây là giải pháp căn cơ.

Ông cũng cho rằng "Nếu chúng ta làm được điều này thì tỷ lệ thu hồi tài sản trong tương lai, tôi nghĩ sẽ rất cao”. Song, Chánh án cũng giải thích, “việc này phụ thuộc vào luật lệ, giải pháp căn cơ thì chỉ có thay đổi luật chứ không có cách nào khác".

Kiên trì kiến nghị điều chỉnh chính sách

Chiều cùng ngày, chất vấn Viện trưởng Lê Minh Trí, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) hỏi về giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chất vấn

Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là vấn đề đã "khiến tôi trăn trở suy nghĩ và cũng từng phát biểu một số lần ở các hội nghị khác nhau" - ông Trí trả lời đại biểu.

Trước đó, trong báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội, Viện trưởng kiến nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung.

Đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.

Viện trưởng nêu thực tế hiện nay, cán bộ vi phạm pháp luật không chỉ là tội phạm tham nhũng mà nhiều trường hợp là tội phạm kinh tế, chức vụ nhưng không có yếu tố vụ lợi (cụ thể Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng). Vì thế, trong chính sách hình sự cần cân nhắc sửa đổi mức hình phạt, mức tính hậu quả thiệt hại hiện nay và tăng chế tài phạt tiền, giảm chế tài phạt tù để có chính sách xử lý hiệu quả hơn, vừa nghiêm trị, vừa nhân văn, thuyết phục.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí

Nhấn lại nội dung trên trước Quốc hội, ông Trí đề nghị có đối tượng thì phải xử nghiêm để răn đe giáo dục, nhưng cái nào cần nhân văn thì phải nhân văn để phát huy sự năng động sáng tạo của cán bộ để ổn định phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Tham gia trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm qua thực tế chỉ đạo điều tra các vụ án kinh tế tham nhũng. Ngoài việc điều tra, chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục. Qua đó góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng.

Điển hình qua một số vụ án ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế, giáo dục… Đã góp phần minh bạch vấn đề này với mục tiêu một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực.

Làm sao cho những đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, nhưng những người đang có kiểu cách làm việc như những đối tượng đó, các đơn vị, công ty đang có phương thức làm việc kiểu như vậy phải chấm dứt ngay và khắc phục hậu quả nếu không sẽ bị xử lý, Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu.

Theo ông, một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính doanh nghiệp thể hiện rất rõ như vậy. "Thực ra, những vụ án, vụ việc đó không nhiều, chứng khoán 1 vụ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp 2 vụ, nhưng đã để lại cho chúng ta những bài học rõ ràng là phải rút kinh nghiệm và phải chấn chỉnh kể cả những quy định từ thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí là cả luật.  Có thể nói ở hầu hết những vụ án, cơ quan điều tra cũng đã có kiến nghị về công tác quản lý cơ chế, chính sách để phòng ngừa tội phạm. Đây là vấn đề chúng tôi tiếp tục phải chỉ đạo trong thời gian tới", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Nghiêm trị chủ mưu, cầm đầu

Phát biểu cuối phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành hữu quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trong công tác xét xử, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp, chấp hành nghiêm thời hạn xét xử được luật định.

Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế; tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.

"Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tham nhũng chức vụ. Theo đó, nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu; có hành vi khoan hồng theo quy định của pháp luật đối với những người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Với Viện trưởng VKSNDTC, yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội là phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án gây bức xúc trong dư luận xảy ra thời gian gần đây trong các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, đăng kiểm, tín dụng đen, mua bán người, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tội phạm trên không gian mạng... Qua đó chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Cán bộ tự sống bằng lương hết sức khó khăn

Trả lời chất vấn về giải pháp để cán bộ không muốn tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí nói, với chế độ, chính sách hiện hành hiện nay thì cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình hết sức khó khăn. Còn lại một tỷ lệ sống được là cũng nhờ vào các nguồn khác, "có khi cũng nhờ cha mẹ, nhờ anh em, có khi anh này có vợ nhờ bên vợ, chị có chồng là nhờ bên chồng. Tức là có sự hỗ trợ cho nhau để thực hiện công việc, chứ còn nếu nói chế độ chính sách hiện hữu là hết sức khó khăn".

Viện trưởng cho rằng phải nghiên cứu để có lộ trình để có được chế độ chính sách có thể đảm bảo được mức tối thiểu cho cán bộ an tâm công tác, ít nhất cũng giảm bớt khó khăn cho những người tâm huyết, nhiệt huyết mà đang muốn làm, muốn giữ gìn đạo đức trong sáng, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp trong công việc của mình.

Yêu cầu chung cả hai ngành (Tòa án và Viện Kiểm sát), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước đối với các biện pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Chú trọng đề xuất, kiến nghị, hoàn thiện hệ thống pháp luật để phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, ông Vương Đình Huệ yêu cầu.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy