Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
23:30 (GMT +7)

Nghĩ về nền văn minh xe máy

VNTN - Theo thống kê, ở thời điểm dân số 90,5 triệu người thì nước ta đã có đến 42.818.527 chiếc xe máy được đăng ký, nghĩa là bình quân 460 xe/ 1.000 dân. Với số lượng "khủng" và mật độ lưu thông dày đặc nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi có người ngoại quốc đến Việt Nam đã nói rằng, nước ta đã chuyển từ nền văn minh lúa nước sang nền "văn minh xe máy ".

Còn nhớ một thời, báo tỉnh ta đăng bài phóng sự “Những người đi xe Dream”, có thể thấy việc ai đó được sở hữu một chiếc xe máy đúng là "giấc mơ". Nhưng cũng chính ở thời điểm đó, Thái Nguyên đã được coi như đô thị có nhiều xe máy nhất miền Bắc, chỉ sau Hà Nội và Hải Phòng. Cho đến thời điểm hiện tại, có vẻ như ngôi vị đó vẫn không thay đổi.

Ngoại trừ góc độ thể hiện "đẳng cấp", ngày nay tuyệt đại đa số người dân đều chỉ coi xe máy như một phương tiện giao thông thiết yếu và trong rất nhiều trường hợp, nó cũng là phương tiện mưu sinh. Tiếc rằng, dân đi xe máy lại có một điểm giống nhau là vô số người đã và đang khinh gương trọng còi. Ai đã từng mua xe máy "đập hộp" hoặc có dịp đến những nơi bán xe máy hẳn đều thấy rằng, nhiều loại xe nguyên bản không có "võng", không có giỏ xe hoặc không có cả móc treo hành lý... Nhưng tất cả các mẫu xe từ bình dân đến cao cấp đều được trang bị đủ hai gương chiếu hậu. Điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của chính cặp gương này đối với người điều khiển. Dĩ nhiên, gương chỉ có tác dụng khi được lắp đặt và điều chỉnh đúng góc độ theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Vậy mà trong thực tế hầu như chẳng mấy ai để tâm. Trái lại, chỉ thấy rất nhiều người tháo cả hai gương "để khỏi vướng" hoặc lắp chiếu lệ chẳng theo góc độ nào nhằm... đối phó với cảnh sát giao thông. Lại cũng có không ít trai thanh gái lịch cố tình điều chỉnh gương để có thể vừa lái xe vừa ngắm dung nhan mình, biến gương chiếu hậu thành gương... trang điểm (!).

Việc sử dụng còi thì từ lâu đã được dân tình nói nhiều, thậm chí vấn đề này còn được "lên báo nước ngoài". Hình  như người ta quên mất rằng tiếng còi chỉ là tín hiệu âm thanh phát ra để biết phản ứng của người cùng tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn chứ không phải là tín hiệu... đe doạ. Vì vậy mà thường xuyên có chuyện còn 5-6 giây nữa mới hết tín hiệu đèn đỏ ở ngã tư nhưng đã có tiếng còi thúc inh ỏi từ phía sau. Cũng không hiếm người đi trái đường, thậm chí đi lên vỉa hè nhưng vẫn ngang nhiên bấm còi để bắt người khác phải nhường đường. Trong lúc đó thì cũng khối người đi xe ở chỗ tầm nhìn bị che khuất vẫn không chịu phát tín hiệu âm thanh để rồi khi gặp xe đi ngược chiều thì trở nên lúng túng hoặc gây tai nạn. Chưa kể đến chuyện các thanh niên đầu xanh đỏ, không chịu đội mũ bảo hiểm, chạy xe vít ga, lạng lách giữa dòng xe đang tấp nập, khiến nhiều người được phen hú vía.

Hẳn có ai đó cho rằng, xe máy của tôi tôi muốn làm gì thì làm, miễn sao không bị cảnh sát tuýt còi là được. Đúng vậy nhưng xin thưa: dù không kể đến trường hợp độ lại xe làm thay đổi thiết kế ban đầu hoặc lắp loại còi phát ra âm thanh kinh dị… là những việc phạm luật, thì ngay cả những việc làm vô cùng chính đáng như lắp lưới bảo vệ đèn hậu, "bao bọc" phần thân xe ga... rồi thì trang bị khoá càng, khoá dây hay khoá xích... cũng thể hiện một điều gì đó không bình thường. Bởi nếu sống ở xã hội trật tự văn minh, chẳng ai dại gì phải bỏ tiền rước thêm những phụ kiện vừa làm mất đi nét đẹp nguyên thuỷ của chiếc xe, lại vừa gia tăng không gian bị nó chiếm chỗ.

Có lẽ không sai nếu nói rằng, nhìn cung cách sử dụng, điều khiển chiếc xe máy cũng biết được chủ nó là người thế nào. Qua đó, nếu để ý đến cách "vận hành" xe máy của đám đông sẽ biết được nấc thang dân trí của một cộng đồng hay cả một quốc gia

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy