Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
08:20 (GMT +7)

Nghĩ về cuộc khởi nghĩa oanh liệt và bi tráng

KỶ NIỆM 80 NĂM KHỞI NGHĨA NAM KỲ (23/11/1940 - 23/11/2020)

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, có những sự kiện - dù không thành công - nhưng thời gian càng lùi xa lại càng khẳng định tầm vóc và giá trị. Một trong những sự kiện ấy chính là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23 tháng 11 năm 1940.

Xâm lược Việt Nam từ năm 1858, đến Hòa ước Giáp Thân 1884, thực dân Pháp gần như đã hoàn tất cuộc xâm lăng và đặt ách thống trị lên đất nước ta. Sau sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với nhiều phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, đặc biệt tháng 9/1939, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp càng điên cuồng đàn áp các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Không những vậy, trước sự xâm lăng của phát xít Nhật, thực dân Pháp tìm cách thỏa hiệp và dâng nước ta cho phát xít Nhật. Tình hình này đã đặt ra cho dân tộc Việt Nam một thử thách sống còn.

Từ 6 đến 8 tháng 11 năm 1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Bà Ðiểm (Hóc Môn - Gia Ðịnh) đã xác định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Sau rất nhiều các bước chuẩn bị, giữa tháng 11/1940, trước tình hình phong trào cách mạng sục sôi, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Lệnh khởi nghĩa được ban ra và thông báo cho các địa phương đồng loạt cùng nổi dậy. Nhận thấy tình hình chưa chín muồi, Hội nghị Trung ương Ðảng khi ấy đang họp ở Bắc Ninh đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa. Đặc phái viên của Đảng là Phan Ðăng Lưu tức tốc trở về Nam Bộ truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng đến nơi, lệnh tổng khởi nghĩa đã được ban hành và nhiều lãnh đạo chủ chốt đã bị địch bắt.

Mái đình Long Hưng, nơi cơ quan tỉnh Mỹ Tho đóng trong những ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ

Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng 23/11/1940. Khởi nghĩa nổ ra ở hầu khắp các tỉnh từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ, ở Biên Hòa, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, đặc biệt quyết liệt ở Hóc Môn (Bà Điểm, Gia Định), Cai Lậy (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long). Cả vùng nông thôn rung chuyển trước sức mạnh tiến công của quần chúng cách mạng. Nhiều đồn bốt, công sở, đường giao thông... của địch bị phá. Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng. Một phong trào quần chúng nổi dậy đã làm rung chuyển cả đất Nam Kỳ kéo dài từ đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9 năm 1945 trên 20/21 tỉnh thành. Ở nhiều nơi, chính quyền cách mạng đã được thiết lập. Ở Mỹ Tho, khoảng thời gian ngắn ngủi 40 ngày dưới chính quyền cách mạng, nhiều chính sách tiến bộ đã được ban hành và thực hiện. kể từ các phong trào của các nghĩa binh Nam Bộ chống Pháp, khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất cho đến lúc bấy giờ.

Cũng sách Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết: Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp kịp thời đối phó. Chúng lập tức huy động các lực lượng tiến hành một chiến dịch khủng bố trắng cực kỳ tàn khốc. Hàng chục xe chở đầy lính được tung đi săn lùng quân du kích, càn quét các vùng khởi nghĩa. Hai mươi máy bay được huy động đi ném bom các vùng có quần chúng nổi dậy như Năm Thôn, Cai Lậy, Chợ Giữa, Càng Long (Mỹ Tho). Chúng còn dùng dây thép xuyên qua bàn tay hoặc bắp chân người, xâu thành từng chuỗi rồi quẳng xuống biển. Trong thời gian từ ngày 23/11/1940 đến ngày 31/12/1940, ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp bắt 5.848 người. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo, đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá.

Cuộc khởi nghĩa thất bại, hàng nghìn đồng bào đã bị thực dân Pháp giết hại; rất đông những con người kiên trung bất khuất đã bị đày ra nơi chốn lao tù địa ngục trần gian; nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng bị bắt trước và sau đó đã nhân cơ hội này bị thực dân Pháp khép tội và xử tử như các Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Võ Văn Tần, các đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu... Chưa bao giờ trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam chịu tổn thất quá lớn lao như lúc này.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã thất bại, thế nhưng có những thất bại “là mẹ thành công” thì đây, chính đây cuộc khởi nghĩa này là minh chứng hùng hồn nhất. Đây là cuộc khởi nghĩa thể hiện đầy đủ nhất tinh thần đoàn kết, sức mạnh dân tộc Việt Nam kể từ khi thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa khẳng định niềm tin tưởng của nhân dân vào Đảng Cộng sản Đông Dương, vào thắng lợi của dân tộc. Những cán bộ, đảng viên tham gia cuộc khởi nghĩa này đã được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào cách mạng rộng lớn của các tầng lớp nhân dân để rồi sẽ trở thành ngọn cờ tập hợp sức mạnh nhân dân trong cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là kiểm nghiệm thực tiễn về chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Đông Dương khi ấy là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu đã được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1939 với phương pháp đấu tranh vũ trang. Thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ là cơ sở thực tiễn để Hội nghị Trung ương lần thứ VIII quyết định thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết cũng như hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trong cuộc khởi nghĩa này, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên ở Mỹ Tho đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân. Lá cờ đỏ thấm đẫm máu đào của biết bao anh hùng, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào đã được Ðảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Minh và sau đó đã được Quốc hội quyết định lấy làm quốc kỳ của Việt Nam.

Ghi nhận và đánh giá cao hy sinh của đồng chí, đồng bào Nam Kỳ trong cuộc khởi nghĩa này, ngày 14/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 163- SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Ðội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940 vì thành tích “đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với kẻ địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”.

80 năm đã trôi qua, những con người một thuở thi gan bền chí với quân thù nay số đông đã “về với thế giới người hiền”. Nhưng khúc ca oanh liệt và bi tráng của cuộc khởi nghĩa vẫn vang lên vẹn nguyên, hào hùng và lắng đọng trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Hồng Phúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy