Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
10:41 (GMT +7)

Nghị trường “nóng” những vấn đề bức xúc từ cuộc sống

Quốc hội vừa qua 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhiều bức xúc từ cuộc sống đều đã được các đại biểu chất vấn và các thành viên Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ có câu trả lời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Cung ứng đủ xăng dầu trong mọi tình huống

Báo cáo giải trình trước khi trả lời chất vấn trực tiếp chiều 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập những vấn đề nóng nhất của nền kinh tế: cung ứng và điều hành giá xăng dầu, bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...

Về xăng dầu, Thủ tướng nói, thời gian gần đây, do giá và nguồn cung xăng dầu tiếp tục biến động nhanh, chu kỳ ngắn, khó dự báo, chi phí đầu vào tăng; trong khi đó các cơ quan chức năng chậm điều chỉnh định mức chi phí, sử dụng Quỹ Bình ổn giá chưa thật sự hiệu quả, dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, gây thiếu nguồn cung tại một số địa phương. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời ứng phó hiệu quả với diễn biến nhanh, phức tạp của thị trường quốc tế, trong nước.

Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan phản ứng chính sách kịp thời, phối hợp hiệu quả để khắc phục bằng được hạn chế, yếu kém nêu trên, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong mọi tình huống - Thủ tướng khẳng định.

Với vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ sớm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh tham mưu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan sẽ đề cao trách nhiệm, đạo đức công vụ người đứng đầu và cán bộ liên quan; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát; bảo đảm đấu thầu công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nêu thực tế thời gian gần đây các thị trường chứng khoán, trái phiếu tăng trưởng nóng, tiềm ẩn rủi ro, lãnh đạo Chính phủ cho biết: Chính phủ tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, trước hết là đề xuất Quốc hội sửa đổi pháp luật về chứng khoán, doanh nghiệp và sửa một số nghị định, thông tư liên quan. Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tính tuân thủ của các doanh nghiệp, đối tác tham gia thị trường. Rà soát, có giải pháp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đầu tư, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực này.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) chất vấn

Trực tiếp chất vấn Thủ tướng, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) dẫn nhận định trong báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trong giai đoạn 2016 - 2021, có một nhận định là trong thời gian qua, việc thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu các cơ quan hành chính một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng, kéo dài.

Đại biểu đề nghị Thủ tướng có giải pháp gì để khắc phục dứt điểm tình trạng trên?

Trả lời, Thủ tướng cho rằng thứ nhất cần rà soát lại xem các quy định hiện hành còn phù hợp hay không phù hợp, tại sao lại xảy ra tình trạng đại biểu nêu? Thứ hai là phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành phải tiếp công dân, phải giải trình, phải thể hiện chức trách, nhiệm vụ của mình trước Nhân dân.

"Chỗ này chúng ta cần phải tập trung làm, né tránh tôi thấy không được", Thủ tướng nêu quan điểm.

Nêu rõ là hiện đã có quy định người đứng đầu tiếp công dân một tháng bao nhiêu lần, ông đề nghị các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát việc này.

Cạnh đó, theo Thủ tướng, cấp trên phải nắm được kế hoạch tiếp công dân và tăng cường giám sát, kiểm tra, không những giám sát, kiểm tra theo chuyên đề, theo định kỳ mà có thể phải giám sát, kiểm tra đột xuất việc thực hiện của cấp dưới.

Giải pháp nào hạn chế những "điển hình" đường Lê Văn Lương?

Ngay từ phiên chất vấn đầu tiên, đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Theo chủ trương chiến lược về quy hoạch quản lý xây dựng đô thị là phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Thực trạng hiện nay việc quy hoạch xây dựng nhà ở các khu chung cư cao tầng có nhiều bất cập. Điển hình như nhiều bài báo viết về sai phạm trong quy hoạch xây dựng nhà hai bên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) phá vỡ quy hoạch tầm chiến lược và mất cảnh quan đô thị. Vậy, Bộ trưởng có giải pháp gì khắc phục tồn tại này trong thời gian tới.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, đúng như ý kiến của đại biểu Lý Văn Huấn, trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch thì cũng có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không tuân thủ quy định của pháp luật và yêu cầu của quy chuẩn về quy hoạch, dẫn đến có thể phá vỡ quy hoạch.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của tình trạng này là công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện quy hoạch còn chưa kịp thời. Bên cạnh nội dung đánh giá chưa đầy đủ, chưa thấu đáo thì việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong điều chỉnh quy hoạch cũng chưa được quan tâm đúng mức, còn nặng tính hình thức. Cạnh đó còn có tình trạng điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch cục bộ, do mong muốn thu hút đầu tư hoặc cũng có thể là do áp lực từ nhà đầu tư, dẫn đến không tính đến sự phù hợp, khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, trường hợp cụ thể như đại biểu vừa đề cập.

Trách nhiệm trước hết là thuộc về các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng khẳng định.

Đại biểu Lý Văn Huấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên chất vấn

Cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm trong việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát, phát hiện cũng như hướng dẫn các địa phương trong việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Các cơ quan này cũng chưa kịp thời rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo các quy định chặt chẽ hơn, trong nhất là quy định đối với việc điều chỉnh quy hoạch và cũng chưa kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm - Bộ trưởng nhìn nhận.

Giải pháp trong thời gian tới được ông Nghị cho biết là Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật để đảm bảo quy định chặt chẽ hơn trong việc điều chỉnh quy hoạch cũng như quy định rõ trong công tác xử lý vi phạm, tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Nhân diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng "đề nghị các địa phương cũng thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch theo đúng quy định".

Không đủ nhân tài thì đất nước rất khó phát triển

Đăng đàn sau Bộ trưởng Xây dựng là Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, và đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) nêu hai chất vấn.

Thứ nhất, Bộ trưởng nhiều lần phát biểu về vai trò và tầm quan trọng của nền tảng số, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là giải pháp đột phá để thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian tới Bộ trưởng có những giải pháp gì thúc đẩy xây dựng nền tảng số để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Câu hỏi thứ hai, đại biểu Huấn đặt vấn đề, tình trạng chảy máu chất xám những nhân tài lập trình, quản trị vì nhiều lý do, trong đó có lý do về thu nhập, các doanh nghiệp nước ngoài trả 5 đến 7 lần, thậm chí 10 lần. Trong nước thì môi trường công tác, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu phát triển không đáp ứng.

Vậy Bộ trưởng có những giải pháp gì để thu hút và giữ chân những nhân tài này? Câu hỏi này đại biểu Huấn cũng dành cho Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực. Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, dữ liệu bị thu thập. Cho nên Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số. Năm 2022, đã công bố ở mức quốc gia 52 nền tảng số phải xây dựng xong, phải đưa vào hoạt động khai thác. Đây là các nền tảng số dùng chung quốc gia. Đến giờ phút này cơ bản đã xong 52 nền tảng số này và đưa vào vận hành - Bộ trưởng thông tin.

Quang cảnh phiên chất vấn

Ông cũng nhấn mạnh một tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 đã có 50 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và con số này đang tăng lên.

Về giải pháp đột phá tiếp theo, Bộ trưởng bày tỏ: "Tôi nghĩ thế này, có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại. Người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Chúng ta đã chọn cách này, bằng cách công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia. Các bài toán này cả mức trung ương và cả mức các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một trang web để công bố các bài toán cần lời giải, bài toán chuyển đổi số Việt Nam và cũng có một trang web chuyên về các giải pháp số để giải quyết các bài toán số Việt Nam, mỗi một năm chúng ta tổ chức công bố, đánh giá, trao thưởng, gọi là Viet Solutions, đã được 2 năm rồi".

Với chất vấn chảy máu chất xám, nhân tài công nghệ thông tin, Bộ trưởng hồi âm: Rất nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản của quốc gia, coi nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhưng theo Bộ trưởng, nhân tài vẫn có câu chuyện của thị trường. Theo Bộ trưởng, đã có khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đã trả mức lương tương đương như các doanh nghiệp nước ngoài, đã bắt đầu xuất hiện những học sinh, sinh viên, những người lao động đang làm cho công ty nước ngoài ở nước ngoài về Việt Nam và cũng có cả những người nước ngoài đang làm việc trong các công ty công nghệ của Việt Nam.

"Vấn đề ở đây là các doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận cao không, có những việc tạo ra giá trị gia tăng cao không để có thể thuê được nhân tài? Đảng và Nhà nước ngoài câu chuyện thị trường thì cũng có những chính sách để thu hút nguồn nhân lực. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm nhiều hơn nữa ở khía cạnh này, vì nếu không có nhân tài, không đủ nhân tài thì đất nước rất khó phát triển", Bộ trưởng Hùng trả lời đại biểu Thái Nguyên.

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy