Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
23:00 (GMT +7)

Nghị lực của Kiên

Trời vào thu, thời tiết se lạnh đã rõ dần, cũng là lúc Kiên cảm nhận rõ những nhức mỏi trong cơ thể. Mỗi ngày, khi ánh ban mai vừa kịp hé, trong khoảnh sân nhỏ trước nhà, Kiên buông đôi nạng gỗ, nhẫn nại bước những bước đi dù khó nhọc.

Ngôi nhà với đủ mọi chi tiết trang trí được Kiên làm trong vòng 3 tuần


Những ngày “giông tố”

Phạm Văn Kiên, sinh năm 1988, ở xóm Tân Tiến 3, xã Tân Dương, huyện Định Hóa. Lớn lên giữa xóm làng bình dị, cậu bé Kiên thông minh sáng dạ, nhanh nhẹn, mê bóng đá như bao cậu bé khác ở miền quê này. Nhưng rồi, cuối năm học lớp 5, trong buổi liên hoan lớp, bỗng Kiên thấy một cơn đau nhói xuất hiện ở bên hông khiến em choáng váng, cô giáo và các bạn trong lớp phải đưa Kiên về nhà. Kiên được bố mẹ đưa xuống bệnh viện tỉnh kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ cho biết Kiên bị bệnh liên quan đến xương khớp. Sau vài ngày điều trị, Kiên được xuất viện. Nhưng Kiên còn nhớ, kể từ năm đó, cứ đến kỳ nghỉ hè là bố mẹ đều lặn lội đưa em đi gặp các thầy lang bất kể gần, xa để chẩn đoán và điều trị bệnh cho con.

Sau lần nhập viện cuối năm học lớp 5 đó, cuộc sống của Kiên không có gì thay đổi nhiều. Những năm học sau đó của Kiên diễn ra bình lặng nhưng Kiên dần bị hạn chế về mặt vận động. Những tưởng không thể tiếp tục chơi bóng đá, không thể tham gia các tiết học thể dục đã là những thiệt thòi nhất của cậu bé Kiên. Nhưng, tai ương đã một lần nữa ập xuống. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, biết sức khỏe mình yếu hơn các bạn nên Kiên càng chăm chỉ học như một sự bù đắp những khiếm khuyết của bản thân. Kiên nỗ lực để thực hiện giấc mơ trở thành sinh viên trường Kiến trúc. Nhưng em chẳng thể ngờ, “bão tố” lại đang đợi mình ở phía trước.

Năm 2008, một cơn sốt cao khiến việc ôn luyện của Kiên bị gián đoạn. Một lần nữa Kiên phải nhập viện, được gia đình đưa về TP. Thái Nguyên chạy chữa. Sau một tháng điều trị, những cơn khó thở đã thuyên giảm, Kiên được xuất viện. Nhưng lúc ấy Kiên đã lờ mờ nghe được người lớn nói chuyện. Bệnh khớp nó ảnh hưởng đến tim. Việc chữa trị lần này chỉ điều trị được triệu chứng khó thở của Kiên mà thôi. Với một chàng trai trẻ, đang ấp ủ bao hoài bão thì đó thực sự là một cú sốc.

Giọng Kiên nghẹn tắc khi nhớ lại: Lần đi viện đó, lúc vào viện em còn tập tễnh đi được, nhưng trở về được một thời gian rất ngắn thôi là em phải đi bằng nạng. Em nhớ mãi, lúc ấy bác sĩ nói đại loại là, bệnh của em không ảnh hưởng đến tính mạng ngay nhưng việc điều trị rất khó khăn, phải lâu dài. Đến một lúc nào đó nếu để cơ teo hết thì em sẽ bị liệt, ngay cả dùng nạng em cũng không thể đi lại được nữa. Lúc ấy em sụp đổ hoàn toàn. Trước đó em từng nghĩ nếu bệnh tình chỉ khiến em không thể chơi đá bóng và thi thoảng chân em nhức mỏi thì em cũng cố chấp nhận. Nhưng nghĩ mình sẽ trở thành người tàn tật thì nó quá sức chịu đựng của em khi đó.

Một năm sau, những cơn đau ở lưng dồn dập kéo đến, làm cho lưng của Kiên cứ ngày một gập xuống. Các khớp chân cũng ngày càng cứng hơn khiến việc vận động, sinh hoạt của em gặp nhiều khó khăn. Buồn bã, chán nản và tự ti, Kiên tự giam mình trong nhà suốt 7 năm sau đó. Trừ những lần ngược xuôi cùng bố mẹ đi bệnh viện chạy chữa, Kiên không đi đâu ra khỏi nhà. Cái cảm giác mọi con mắt đều nhìn mình một cách dò xét xen chút thương hại khiến Kiên muốn lảng tránh tất cả.

Kiên kể: Khi ấy, mỗi khi thấy có người nhìn mình, em chỉ biết cúi mặt đi. Đến bây giờ nghĩ lại, em không hiểu sao mình lại có suy nghĩ tiêu cực ấy. Có thể người ta chỉ nhìn em một cách tình cờ và chẳng có ý gì là mỉa mai em hết, tất cả chỉ là do em tưởng tượng mà thôi. Vậy mà em mất tới gần 7 năm mới nhận ra được em đã lãng phí thời gian quý giá của mình như thế nào.

Cuộc sống của Kiên chỉ thực sự thay đổi sau lần nhập viện vào năm 2014. Kiên tình cờ gặp người quen và hẹn khi trở về sẽ đến thăm bạn. Xuất viện, lần đầu tiên sau 7 năm Kiên xin phép bố mẹ để ra ngoài gặp gỡ bạn bè. Kiên chẳng thể nào quên cái cảm giác khi bước lên xe buýt ngày hôm đó. Những bước chân vừa bỡ ngỡ, lạ lẫm, vừa hân hoan nhưng cũng đầy lo sợ, cho đến khi có người nhận ra em.

Kiên nhớ lại: Lên xe, khi em còn đang loay hoay thì có một em hỏi, anh có phải là anh Kiên không. Rồi em ấy giới thiệu là bạn của em gái em và nhường chỗ cho em ngồi. Cảm giác vui sướng khi ấy em không sao diễn tả được, em nhận ra ngoài xã hội còn rất nhiều người tốt và thông cảm với em. Họ không kỳ thị em như em nghĩ.

Chuyến đi hôm ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của Kiên. Kiên mở lòng đón nhận sự quan tâm của gia đình, bạn bè. Điều khiến Kiên suy nghĩ hơn cả là khi em chợt nhận ra bố mẹ đã già đi nhiều, mái tóc từ bao giờ đã có thêm nhiều sợi bạc. Kiên giận bản thân, chỉ vì sự yếu đuối và mặc cảm của mình đã làm bố, mẹ thêm lo lắng và cả một “đoạn dài” tuổi thanh xuân của bản thân đã trôi qua vô nghĩa.

Kiên tự nhủ, cho dù hình hài của mình có phần biến dạng đến đâu nhưng tâm hồn thì không thể vì thế mà khuyết thiếu theo.

Những chiếc đèn trung thu xinh xắn do Kiên làm được các em nhỏ đặc biệt yêu thích

Bình an trở lại

7 năm không giao tiếp với thế giới bên ngoài, những lúc đỡ mệt, Kiên chỉ làm duy nhất một việc là làm những ngôi nhà sàn bằng tre để “giết” thời gian. Bạn bè đến chơi, nhìn những mẫu nhà sàn mô hình của Kiên ai cũng trầm trồ thán phục và động viên Kiên nên làm để bán, điều mà trước đây Kiên chưa bao giờ nghĩ tới.

Với Kiên, những niềm vui nho nhỏ và bất chợt giống như việc được gặp thiên sứ mà ông trời phái xuống giúp mình vậy. Trước đây Kiên làm đồ handmade như những ngôi nhà chẳng hạn chỉ là để đỡ buồn. Cho đến khi được bạn bè động viên làm thành hàng hóa để bán, Kiên cũng bắt đầu ngẫm ngợi, cũng muốn làm cái gì đó để thấy bản thân là người có ích và chia sẻ gánh nặng với bố, mẹ.

“Thiên sứ” một lần nữa đến với Kiên là một người cai thầu xây dựng làm công trình gần nơi Kiên ở. Vị khách đó đến nhà Kiên chơi và nhìn thấy ngôi nhà sàn làm bằng tre bày trong tủ. Ông đặt vấn đề được mua lại nó, kèm theo câu nói “cả đời đi làm cai xây dựng mà tôi chưa tìm được một mô hình nhà sàn nào ưng ý để trưng bày, cho đến hôm nay thấy ngôi nhà này”. Vậy là Kiên sang tay cho vị khách đặc biệt ngôi nhà sàn mô hình với giá 3 triệu đồng và dành 3 tuần để làm hoàn thiện một ngôi nhà tương tự.

Bắt đầu từ bạn bè, rồi dần dần nhiều người là giáo viên mầm non tìm đến nhờ Kiên làm giáo cụ trực quan. Những sản phẩm Kiên làm ra không chỉ đáp ứng được tiêu chí an toàn cho trẻ, thân thiện với môi trường mà còn có tính thẩm mỹ cao, sát thực với nội dung bài giảng nên được đánh giá rất cao. Cũng nhờ những đơn hàng như thế Kiên có thêm thu nhập, phụ bố mẹ một phần chi phí sinh hoạt gia đình. Dù nguồn thu không đều đặn, tháng có, tháng không nhưng đó cũng là niềm vui của Kiên, là động lực để Kiên có thêm niềm tin vào bản thân mình.

Những tác phẩm của Kiên

3 năm trở lại đây, mùa Tết Trung thu đến, Kiên làm thêm đèn lồng để bán. Đèn của Kiên làm đẹp, với các nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh nên được trẻ nhỏ đặc biệt yêu thích. Đèn lồng được Kiên làm bằng len, cứng cáp nhờ keo sữa. Các chi tiết tạo hình nhân vật cho từng chiếc đèn được làm từ giấy mếch, an toàn cho trẻ. Sau năm đầu tiên có sản phẩm ra thị trường, năm thứ hai và thứ ba vừa qua, nhiều trường học, phụ huynh và cá nhân đã đặt đèn của Kiên cho học sinh, con em mình chơi và làm quà cho trẻ nhỏ trong các chuyến thiện nguyện. Bình quân, mỗi dịp như thế, mình Kiên nhận đơn đặt hàng khoảng 300 chiếc. Với giá bán 70 nghìn đồng/chiếc, lợi nhuận trên mỗi chiếc đèn không nhiều, nhưng với Kiên, khoản thu nhập vài triệu đồng trên tổng số đơn hàng ấy vô cùng quý giá. Nó khiến Kiên cảm thấy bản thân mình có ích.

Có thời điểm đơn hàng dồn nhiều, thời gian cần gấp, Kiên gần như thức trắng đêm để làm cho kịp chứ nhất định không nhờ ai cùng làm. Lý do là vì Kiên luôn tự đặt ra yêu cầu cao nhất cho sản phẩm của mình và chỉ có thể yên tâm khi chính tay mình quấn len và cắt, dán từng khâu một.

Kiên hồ hởi: Có lần vì thức cả đêm làm đèn để kịp cho đơn hàng đã đặt nên sáng ra em rất mệt. Nhưng sáng hôm ấy, có 2 mẹ con đèo nhau đi ngang qua nhà em, cháu bé chỉ vào nhà em hét lên, mẹ ơi nhà chú làm đèn Trung thu này! Vậy là bao mệt mỏi của em tan biến hết. Cũng có khi, các bạn em là giáo viên đi trường về kể, lúc bạn ấy bày giáo cụ ra dạy, mấy đứa học trò hân hoan khoe với các bạn, cái này do chú Kiên gần nhà tao làm đấy. Bọn trẻ trong xóm hay sang nhà em chơi, xem em làm nên có đứa nhận ra sản phẩm. Chỉ cần thế thôi với em đã là vui lắm rồi.

Rồi Kiên đúc kết: Hình như khi mình mở lòng đón nhận cuộc sống thì cuộc sống cũng ưu ái mình hơn ấy chị ạ. Từ khi em quyết định sống như “một người bình thường” thì có thêm rất nhiều người tin tưởng em nữa. Họ thường tâm sự, chia sẻ với em về những chuyện họ gặp phải và muốn nghe ý kiến của em. Bỗng dưng em thấy mình có ích hơn.

Và, những suy tư, những câu chuyện chất chứa trong lòng ấy Kiên đều gửi gắm vào các vần thơ. Cho đến nay Kiên đã viết hàng trăm bài thơ về tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống xung quanh mà Kiên cảm nhận được. Từ tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa, tâm sự của người giáo viên mầm non, về công tác phòng, chống dịch bệnh và về cả những sự kiện trọng đại của đất nước như bầu cử, đại hội Đảng…

Chuyện của Kiên và thơ cũng là một câu chuyện đẹp! Kiên ấp ủ mong muốn đến một ngày nào đó bản thân có đủ khả năng sẽ in một tập thơ của mình làm kỷ niệm. Mong ước đó, trong một lần tình cờ Kiên chia sẻ với một bạn tên Kết – là sinh viên Trường Kiến trúc. Kết ít hơn Kiên nhiều tuổi. Tưởng rằng, đó chỉ là một cuộc trò chuyện bình thường như bao cuộc trò chuyện khác, vì 2 anh em vẫn trò chuyện với nhau và sau đó Kết cũng vẫn đọc thơ của anh Kiên nhưng cả hai người cũng không có lần nào nhắc lại chuyện ước mơ ấy nữa.

Cho đến 3 năm sau, một ngày đầu tháng 4/2021, Kiên nhận được một món quà. Bên trong là tập thơ với tựa đề “Thơ của Kiên”. Bên ngoài là hình ảnh của một cậu bé trai với đôi nạng gỗ đang hạnh phúc giữa thiên nhiên an lành, kèm lời nhắn: 3 năm trước em không đủ sức để giúp anh thực hiện ước mơ của mình. Nay em và các bạn của mình đã cùng lên ý tưởng để in tập thơ của anh dành tặng anh. Chỉ tiếc chúng em không có khả năng để xin giấy phép xuất bản nên chỉ có thể in một vài bản để anh làm kỷ niệm. Chúng em mong rằng anh sẽ không từ bỏ ước mơ của mình, tiếp tục sáng tác những bài thơ hay hơn nữa và đến một ngày nào đó, giấc mơ xuất bản được một tập thơ của riêng anh sẽ thành hiện thực.

Tôi đọc được trong mặt Kiên sự xúc động và cả lòng biết ơn với những người bạn mà Kiên đang kể. Ngay cả tôi, đón tập thơ ấy từ tay Kiên trong lòng cũng trào dâng sự trân trọng dành cho Kiên và các bạn của em.

Kiên bảo rằng sức khỏe của em giờ yếu hơn thời điểm em mới phát hiện bệnh rất nhiều. Khi ngủ, Kiên chỉ có thể nằm nghiêng, muốn trở mình phải ngồi hẳn dậy, em không thể nằm ngửa được. Nằm nghiêng mỏi thì Kiên kê gối cao để dựa vào thành giường, chỉ có thể nửa ngồi, nửa nằm mà thôi. Lần đi khám gần đây nhất, bác sĩ ở bệnh viện trung ương kết luận em bị dính khớp háng và cột sống. Bác sĩ bảo, đây là căn bệnh chỉ có thể chữa trị hiệu quả khi mới phát hiện. Nhưng ở thời điểm Kiên biết mình bị bệnh thì y học lại chưa có phác đồ điều trị cho căn bệnh này.

Tuy thế, nhưng Kiên luôn kiên cường và lạc quan. Kiên tự nhủ, không thể vì thế mà bỏ cuộc. Hàng ngày, Kiên vẫn chăm chỉ làm đồ handmade từ giáo cụ, mô hình, thiệp hoa đến vót đũa, nuôi gà và chăm chỉ tập luyện để làm chậm lại quá trình phát triển của bệnh. Đặc biệt, tâm hồn thơ của Kiên vẫn đầy ăm ắp.

Kiên còn đến xóm trọ sinh viên, xin ở cùng người quen, để được một lần trải nghiệm cuộc sống đi học xa nhà, ở nhà trọ, ăn mỳ tôm trừ bữa… Cuộc sống của một sinh viên mà Kiên đã không có cơ hội thực hiện.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Kiên không mảy may oán trách số phận, ở chàng trai ấy chỉ toát lên khát vọng sống, khát vọng làm người có ích. Nghị lực của Kiên tựa như cái cây dù tổn thương sau bão giông vẫn hướng về phía mặt trời. Ở đó, có những điều kỳ diệu mà chính Kiên đã không ngừng nỗ lực mang lại cho mình…

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 4 ngày trước