Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
22:02 (GMT +7)

Nghĩ chuyện phong trào thanh niên

VNTN - Tháng 3 là tháng thanh niên, màu áo xanh hừng hực sức trẻ hiện diện ở khắp nơi với nhiều việc làm/chiến dịch lớn nhỏ: “Xung kích tình nguyện vì cộng đồng”, “Sáng tạo trẻ”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”…; thanh niên trồng cây; ngày chủ nhật xanh; giao lưu văn nghệ - thể thao… Không phủ nhận những đóng góp, tính thiết thực của các hoạt động này, nhưng đâu đó, câu chuyện phong trào thanh niên vẫn còn nhiều những nỗi băn khoăn, nghi ngại.

Kể từ năm 2006, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã triển khai dự án xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các xã đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2006 - 2010 có tổng kinh phí gần 500 tỉ đồng, đã có 970 hộ gia đình đến lập nghiệp; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.600 lao động. Giai đoạn 2013 - 2020 là hơn 850 tỷ đồng, dự án sẽ bố trí, sắp xếp 890 hộ dân cư tại chỗ, tiếp nhận 1.429 hộ thanh niên ở các địa phương khác đến lập nghiệp ổn định lâu dài; giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 lao động thường xuyên và khoảng 7.000 lao động thời vụ. Tính đến nay, sau 11 năm thực hiện, đã có 34 làng thanh niên trên cả nước với hàng ngàn gia đình trẻ.

Phải nói rằng, mục đích của dự án rất hợp lòng dân, vì góp phần khai thác tiềm năng đất đai còn hoang hóa ở các địa bàn dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các vùng đặc biệt khó khăn để đưa vào sử dụng, tạo việc làm ổn định cho một bộ phận thanh niên khu vực nông thôn và nhân dân trên địa bàn triển khai dự án; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, sau nhiều năm hoạt động, nhiều làng chưa phát huy hết tác dụng, một số đã dời làng do chưa có phương thức sản xuất hiệu quả.

Cụ thể, trong thời gian gần đây, nhiều báo, đài đã phản ánh thực trạng hoạt động của dự án với những tín hiệu buồn. Ví như chuyện ở Làng TNLN Sông Chàng (xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa); đã từng được kỳ vọng sẽ giúp thanh niên vững vàng làm giàu trên vùng kinh tế mới, song gần 10 năm qua làng vẫn gặp nhiều khó khăn. Trên diện tích 600 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 32 tỷ đồng, dự sẽ thu hút khoảng 150 hộ gia đình trẻ đến đây sinh sống, phát triển kinh tế; có nhà văn hóa, nhà trẻ, trạm y tế... Mỗi đoàn viên thanh niên (hoặc gia đình đoàn viên) vào định cư sẽ được cấp 400m2 đất ở, rồi đất trồng mía, cao su… Vậy nhưng, dường như mọi chuyện chỉ được tổ chức quan tâm ngày một ngày hai, để rồi những nỗi khó như: thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô; chưa được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; khó khăn trong vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế; không được thụ hưởng các chế độ ưu tiên dành cho người dân vùng 30a… không có người tháo gỡ, khiến khao khát an cư, sung túc của các hộ dân vẫn giậm chân tại chỗ.

Thêm một ví dụ nữa, là chuyện ở Làng TNLN huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế), sau 4 năm triển khai dự án, các hộ vẫn không được cấp đủ đất sản xuất. Mặc dù quỹ đất rừng ở đây không quá hạn hẹp, nhưng cho đến lúc này mỗi hộ dân cũng chỉ mới được cấp 0,7 ha đất rừng; số tiền hỗ trợ khai hoang và tiền giống cây trồng vẫn không được nhận như quy định ban đầu. Chính những bất cập này khiến nhiều gia đình phải rời nhà, bỏ đất hoang tìm kế sinh nhai nơi khác.

Câu chuyện Làng TNLN là một ví dụ điển hình để soi chiếu lại phong trào thanh niên trong thời đại mới. Ở Thái Nguyên, Tỉnh Đoàn cũng đã chỉ đạo, xây dựng nhiều hoạt động thiết thực trong dịp này: Triển khai cuộc thi viết tìm hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên; ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe - Tiến bước lên Đoàn”; Hội thi Giáo viên làm Cán bộ Đoàn giỏi; tổ chức định hướng, tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho các trường học; “Hành trình trí thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới”; Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông… Sôi nổi, ý nghĩa, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì đâu đó vẫn có những việc làm hình thức. Chẳng hạn như việc cả mấy trăm đoàn viên thanh niên “ra quân” trồng cây ở một khoảnh đất con con tại trường Trung cấp nghề Thái Nguyên; nhiều người với những bộ comple sạch sẽ tinh tươm; mặc váy, mang giày cao gót; đến để chụp ảnh tự sướng, “diễn” trước ống kính, máy quay…

Làm thế nào để phong trào thanh niên không là “trống dong cờ mở”, “trào” lên rồi tắt ngúm, không ai kiểm chứng, không ai chịu trách nhiệm, đó hẳn là điều khiến các cấp ngành liên quan, các cơ sở Đoàn, bản thân các đoàn viên thanh niên phải lưu tâm.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy