Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
07:02 (GMT +7)

Nghệ thuật vì cộng đồng

VNTN - Làm nghệ thuật không vì mục đích kinh tế mà chỉ đơn thuần là đem đến cho người yêu nghệ thuật món ăn tinh thần hoàn toàn “sạch” đã và đang trở thành xu hướng của những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực này, nhằm đưa nghệ thuật về đúng giá trị của cảm xúc. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực nói trên, đời sống nghệ thuật vẫn còn không ít những sản phẩm nghệ thuật phô trương, kệch cỡm cần phải được loại bỏ.

                                    den-vau-nau-an-cho-e-1690171627.jpg
Làm nghệ thuật còn đem đến cho người yêu nghệ thuật món ăn tinh thần hoàn toàn “sạch”. Cảnh trong MV gây quỹ “ Nấu ăn cho em” của Đen Vâu. Ảnh: Facebook Đen Vâu

Đưa nghệ thuật về đúng giá trị cảm xúc

Cuối tháng 5 vừa qua, đời sống âm nhạc ghi nhận dự án âm nhạc nhằm gây quỹ “Nấu ăn cho em” của Rapper Đen Vâu kết hợp với ca sĩ PiaLinh - Hương Linh tại Hà Nội. Ngay trong show diễn, 10.000 khán giả của Hà Nội đã không khỏi xúc động để rồi rơi nước mắt trước 16 em bé trong MV “Nấu ăn cho em” xuất hiện trên sân khấu. Theo chia sẻ, MV được quay tại 2 điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sá Tổng (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Và để có mặt trong show diễn, các em đã phải đi bộ 7km từ điểm trường mình tới điểm đón xe về Hà Nội (vì quãng đường này xe không thể di chuyển vào được)… Toàn bộ số tiền thu được từ đêm diễn được sung quỹ “Nấu ăn cho em”.

Trước show của Đen Vâu, nhiều dự án nghệ thuật hướng đến cộng đồng đã được thực hiện với cùng một điểm chung duy nhất, là để nghệ thuật gieo “hạt giống” nhân ái trong mỗi con người. Thực ra, không phải đến thời điểm hiện tại, vai trò của nghệ thuật trong đời sống nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung mới được coi trọng, mà trước đó, nghệ thuật đã chiếm một vị trí quan trọng trong giáo dục Chân - Thiện - Mỹ với mỗi con người. Từ khi sinh ra và lớn lên, nghệ thuật đã xuất hiện trong lời ru của bà, của mẹ và trong mỗi lời ăn tiếng nói, mỗi bài giảng thầy cô… để hun đúc, tôi rèn một con người hoàn thiện, mang trong mình vẻ đẹp Chân - Thiện - Mỹ. Tuy nhiên, sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật mà đỉnh cao của nó là internet và trí tuệ nhân tạo… đã ít nhiều làm biến dạng những giá trị truyền thống.

Không ít người quay lưng với thuần phong mỹ tục, đòi tẩy chay những giá trị vốn được xem là hồn cốt dân tộc, để thay vào đó là lối sống lai căng, trụy lạc, tha hóa về đạo đức. Một bộ phận không nhỏ trẻ em - độ tuổi đi học nhưng không lo học chỉ ăn chơi, lan truyền, cổ súy cho nạn bao lực học đường. Không ít người lớn thì tham ô, tham nhũng, cờ bạc, ma túy… Vòng quay của cuộc sống với những mối lo toan về cơm áo, gạo tiền đã khiến nhiều người không còn dành thời gian cho nghệ thuật. Và trong một chừng mục cụ thể, nghệ thuật đang trở thành thứ xa xỉ với không ít người lao động nghèo. Chính vì vậy, những dự án nghệ thuật dành cho cộng đồng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Để trẻ em có thể sống hồn nhiên, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã giới thiệu kênh YouTube 300 bài hát thiếu nhi và Dự án “Cùng con tập hát” với sự hướng dẫn của ca sĩ Duyên Quỳnh. Các ca khúc trong dự án của Nguyễn Văn Chung chủ yếu là những bài hát về nhà trường, gia đình, bạn bè và những câu chuyện cổ tích… Đây giống như một bộ sách dạy hát online đặc biệt không chỉ dành cho các em nhỏ thành phố mà còn dành cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó tiếp cận với các trường, lớp dạy nhạc chuyên nghiệp.

Đưa nghệ thuật đến công chúng, gieo hạt giống nhân ái cũng là công việc đang được Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện. Dự án “Nhà hát Kịch Việt Nam và hành trình xuyên biên giới 2023” đã đi được một quãng đường dài với 11 đêm diễn thu hút lượng khán giả lên đến trên 10.000 người.  Điều đáng nói, trong số khán giả có mặt tại các đêm diễn, không nhiều trong số đó biết đến sân khấu, biết đến những câu chuyện đời thực đã được các nghệ sĩ kịch hóa thân để truyền đến họ những thông điệp sống có ý nghĩa.

                                    ha-anh-tuan-1690171627.jpg
Ca sĩ Hà Anh Tuấn với Dự án “Chân trời rực rỡ”

Nghệ thuật không kén khán giả, không phân biệt tuổi tác, chỉ đơn thuần là dành những gì tinh túy nhất cho công chúng của mình. Thông điệp từ trái tim đến trái tim, chính là con đường mà nghệ thuật vì cộng đồng lựa chọn. Bỏ qua những lợi ích kinh tế, người làm nghệ thuật đang hướng đến những giá trị lớn lao hơn trong cuộc sống. Đó là những lợi ích mà cộng đồng được hưởng sau mỗi dự án nghệ thuật. Ca sĩ Hà Anh Tuấn đã cùng huyền thoại âm nhạc thế giới Kitaro (Nhật Bản) đến Rừng quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình thực hiện Dự án “Chân trời rực rỡ” trồng 1.500 cây xanh.  Đây là cánh rừng thứ 5 thuộc Dự án “Rừng Việt Nam” do ca sĩ này thực hiện từ năm 2019. Trước vấn nạn bức tử rừng đang xảy ra tràn lan khắp cả nước, dự án của ca sĩ không chỉ góp phần bảo vệ rừng mà còn giáo dục tinh thần, trách nhiệm bảo vệ rừng, lá phổi xanh của trái đất cho mỗi người dân Việt Nam.

Quan tâm đến cộng đồng, nghệ thuật đã  thực sự trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hiện nay, góp phần xoa dịu nỗi đau, sự thiếu thốn của  những người kém may mắn. Quỹ “Gieo nhà gặt nhà” của các họa sĩ nổi  nổi tiếng ba miền đã xây mới hàng trăm ngôi nhà cho người dân nghèo Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, từ chính tiền bán tranh qua các cuộc triển lãm của họ. Sự ấm áp của những mảng màu, những thông điệp của những đường nét hội họa, đã mang đến những mái ấm, những bữa cơm có thịt cho biết bao người nghèo khó.

Chỗ đứng của nghệ thuật chân chính

Bên cạnh những dự án nghệ thuật vì cộng đồng, đời sống văn hóa cũng tràn ngập những dự án “chọc tức” dư luận xã hội của không ít ca sĩ, nghệ sĩ. Họ dựa vào nghệ thuật để đánh bóng tên tuổi, gây sự chú ý của dư luận nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng. Đáng chú ý, là ngay cả những cái tên dù trước đó đã nhận được sự yêu mến của khán giả như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Sơn Tùng MTV… cũng có những sản phẩm nghệ thuật “chọc tức” dư luận xã hội. Họ ăn mặc, phát ngôn phản cảm, đưa vào MV những hình ảnh trái với thuần phong mỹ tục khiến khán giả đi từ tò mò đến phẫn nộ. Sản phẩm nghệ thuật của họ vô hình chung đã trở thành thảm họa chứ không phải nhờ đó mà họ nổi tiếng.

Những sản phẩm nghệ thuật “chọc tức” khán giả còn đến từ rất nhiều những ca sĩ, nghệ sĩ không chuyên. Họ lợi dụng mạng xã hội, tự do, dân chủ để dàn dựng MV - tác phẩm nghệ thuật và tự phát tán lên mạng xã hội. Sự không giới hạn - xóa nhòa khoảng cách của internet đã khiến cho những “sản phẩm lỗi” phát tán mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những lời lẽ nhảm nhí không chỉ được lan truyền nhanh chóng mà còn là câu nói cửa miệng của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ. MV “Ô mai chuối” với lời lẽ phản cảm của Sĩ Thanh là một ví dụ điển hình.

                                    nha-hat-kich-1690171628.jpg
Âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung là con đường ngắn nhất để chúng ta chuyển tải những giá trị sống nhân văn đến mỗi cá nhân trong cộng đồng. Ảnh: Một vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam trong chương trình lưu diễn “Hành trình Xuân Biên giới” tại thành phố Lào Cai

Thông thường để học thuộc một bài văn, thơ thì khó, nhưng thuộc một ca khúc trên mạng xã hội với nhiều người dễ như “ăn cơm” vậy. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật kèm theo Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 hướng dẫn mức xử phạt cụ thể, để ngăn chặn “rác” nghệ thuật. Tuy nhiên, để có một môi trường nghệ thuật lành mạnh và ngày càng có nhiều hơn những dự án nghệ thuật vì cộng đồng có lẽ vẫn cần thời gian và những chế tài đủ mạnh.

Ghi nhận từ thực tiễn, sau gần ba năm tạm thời yên ắng do dịch COVID-19, đời sống nghệ thuật đang khởi sắc và lấy lại phong độ là món ăn tinh thần không thể thiếu của đời sống người dân hiện nay. Bằng chứng là, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, hầu hết các chuyên ngành nghệ thuật đã tổ chức các cuộc thi quy mô ngành, khu vực và cả nước. Phía sau mỗi cuộc thi không chỉ là sự vinh danh cá nhân, đơn vị mà còn là sự khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của dòng nghệ thuật chính thống. Và đó còn là sự đầu tư bài bản, thái độ nghiêm túc của những người hoạt động trong nghề. Theo Nhạc sĩ Đức Trí, chỉ riêng lĩnh vực âm nhạc, việc ông tham gia vào ghế giám khảo Zing Music Awards là để hiểu hơn đời sống âm nhạc: “Qua giải thưởng, tôi muốn tìm hiểu thêm thị hiếu của người nghe nhạc, và nhiệm vụ của tôi là cùng với các thành viên hội đồng nghệ thuật cân bằng lại các bên, để người yêu âm nhạc có được một giải thưởng thành công nhất”.

Âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung là con đường ngắn nhất để chúng ta chuyển tải những giá trị sống nhân văn đến mỗi cá nhân trong cộng đồng. Những dự án như của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, Hà Anh Tuấn… sẽ kéo những trẻ em Việt ra khỏi thế giới ảo (game) để sống có ý nghĩa. Và cũng tương tự như vậy, dự án của Đen Vâu, của các họa sĩ ba miền đất nước, của  Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ thức tỉnh những con người vô cảm, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, biết nhìn ra xung quanh và sống vì cộng đồng, biết bỏ qua những cám dỗ về vật chất để cùng chung tay giúp các em nhỏ chỉ đơn thuần là những bữa cơm có thịt để các em no bụng học lấy cái chữ.

Nghệ thuật vì cộng đồng sẽ không có chỗ cho sự đánh bóng tên tuổi, càng không du nhập những sản phẩm lỗi để cá nhân nào đó vin vào tìm sự nổi tiếng. Hiện chúng ta đã có những chế tài để xử phạt đối với những sản phẩm và con người làm nên sản phẩm lỗi, nhưng chúng ta chưa thể làm trong sạch ngay môi trường nghệ thuật, vì chúng ta vẫn chưa hoàn thành tốt công tác giáo dục từ sớm, từ xa để mỗi người có được những kỹ năng cần thiết tự bảo vệ mình và tẩy chay những sản phẩm, con người “lỗi” đang nhân danh nghệ thuật để bức tử nghệ thuật. Và vì vậy, chúng ta có quyền hy vọng về một đời sống nghệ thuật vì cộng đồng sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và nảy mầm. Để làm được điều đó, hơn lúc nào hết, những người nổi tiếng, nghệ sĩ cần nhận thức về trách nhiệm của mình đối với công chúng, về việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cá nhân trong đời sống hiện nay.

Thảo Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy