Nghệ thuật tạo hình của nhang án gỗ trong chùa thế kỷ 17
VNTN - Nhang án là một ban thờ mà bất kỳ di tích nào cũng cần đến. Nhang án gỗ trong chùa ở Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam có nhiều sự thay đổi phong phú qua các giai đoạn lịch sử khác nhau. Thế kỷ 17 là thời kỳ nhang án gỗ phát triển đạt trình độ cao nhất trong nghệ thuật tạo hình dân gian.
Nhang án và nhang án gỗ thế kỷ 17
Nhang án (bàn thờ, hương án) là sản phẩm phục vụ tín ngưỡng có chức năng đặt/ để bát hương và bày đồ thờ cúng. Nhang án với ý nghĩa truyền tải thông điệp, ước vọng của con người muốn gửi tới thần linh. Mặt khác nó góp phần xác định loại hình, giá trị của từng di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Đến nay ta đã gặp nhang án với ba chất liệu chủ yếu: đá, gốm và gỗ.
Hình dáng nhang án gỗ thế kỷ 17 ở chùa Keo
Thời Lý, hầu như không còn một nhang án cụ thể và đầy đủ, có chăng chỉ là những mảnh nhang án được trang trí còn sót lại của chùa Phật Tích hiện được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử. Sang thời Trần, đã có những bước phát triển nhất định, khi Nho giáo và tầng lớp Nho sĩ ngày một lớn mạnh, kéo theo sự ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Hoa, đây là sự mở đầu cho chuyển hóa của nghệ thuật tạo hình Đại Việt với nền văn hóa bản địa. Thế kỷ 13 tới nay chưa tìm thấy dấu vết nào của đồ thờ thông thường, cho đến nửa cuối thế kỷ 14 (sau thời kỳ chống Nguyên Mông), văn hóa làng xã được trỗi dậy, các ngôi chùa làng được dựng với chất liệu bền vững và đây là lúc hình thành dạng nhang án đá hình hộp chữ nhật lớn. Những nhang án có niên đại cụ thể được tập trung nhiều ở tả ngạn sông Đáy, nhất là ở các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa (của Hà Nội). Sang thời Lê sơ, dạng nhang án hình hộp chữ nhật vẫn duy trì, trong đó có chùa Thanh Sam - Ứng Hòa - Hà Nội. Thế kỷ XVI (thời Mạc) đây là giai đoạn điển hình cho sự kế thừa nhang án đá thời Trần (chùa Nhạn Tháp - Hưng Yên) niên đại năm 1573. Thời kỳ này nhang án cho thấy xu hướng yếu tố phương Nam đã được giải thể, bóng dáng Garuđa không xuất hiện nữa.
Như vậy về sự hình thành của nhang án có từ chất liệu đá, đất nung và đến thế kỷ 17 là thời kỳ nhang án được định hình rõ nhất trên chất liệu gỗ. Do đời sống văn hóa cùng nhu cầu tín ngưỡng theo đạo Phật có phần thay đổi, chùa của người Việt ngày càng nhiều, những chiếc nhang án đá thời trước đã không còn thích hợp mà thay vào nhang án được chuyển sang dùng chất liệu gỗ với sự thay đổi hình dáng phong phú hơn. Cũng như nhiều hiện vật gỗ khác, vì là chất liệu không bền vững nên trước thế kỷ 17 chưa tìm được đồ thờ bằng gỗ nào cho đến nay. Nhang án gỗ có niên đại sớm nhất từ thế kỷ 17 trở lại đây, trong chùa Keo, chùa Bút Tháp và chùa Thầy... Thế kỷ 17 cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật dân gian.
Mô típ trang trí hình phượng trên nhang án
Nhang án gỗ thế kỷ 17 trong chùa Việt Nam dường như không có sự phân định, chiếc nhang án (bàn thờ) của chùa cũng không khác nhiều so với đình hay đền... có nghĩa là không có nhang án nào riêng cho từng loại di tích tôn giáo. Tuy nhiên, sự khác nhau là khả năng và kỹ thuật tinh xảo của nghệ thuật chạm khắc cho từng nhang án, và sự khác nhau này lệ thuộc vào nhu cầu từng di tích cụ thể. Về cơ bản sự khác nhau của nhang án là tỷ lệ và nghệ thuật trang trí cầu kỳ, tỷ mỉ.
Dạng nhang án hình hộp chữ nhật được sử dụng nhiều, điển hình như là nhang án chùa Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Keo... Đây là những chùa có nhang án được chạm trổ kỹ và đẹp nhất nước ta. Nghệ thuật trang trí vẫn được kế thừa và phát triển, nhang án được chạm kỹ hơn, thể hiện dưới dạng chạm nổi và chạm thủng, người nghệ nhân xưa đã có ý thức thẩm mỹ sâu sắc khi chạm khắc và phối hợp trang trí với nhau để làm nổi bật đề tài.
Đến thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17 vị trí và chức năng của nhang án đã có sự thay đổi rõ rệt, về vị trí đặt của nhang án không ở một chỗ cố định như trước nữa bởi sự thay đổi về chất liệu được làm bằng gỗ, dễ dàng di chuyển và để phù hợp với từng loại hình di tích, ví dụ như nhang án gỗ chùa Keo được đặt ở điện Thánh. Trong chùa, lúc này nhang án gỗ được thấy nhiều hơn ở những vị trí linh thiêng khác nhau, không phải chỉ có một chiếc như ở thời kỳ trước.
Ngoài vị trí đặt của nhang án trong từng di tích tôn giáo thì chức năng của nhang án gỗ thời này là để bát hương và đồ thờ cúng. Ở đây, người xưa thường quan niệm, nhang án là một biểu tượng của thế giới bên trên, người ta tìm đến chốn linh thiêng như chùa để gửi gắm lời cầu nguyện cũng như tâm tư, tình cảm và cầu mong một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hình dáng, kết cấu và các họa tiết trang trí
Trong các ngôi chùa ở Bắc Bộ nước ta, những ngôi chùa hiện còn lưu giữ nhang án gỗ thế kỷ 17 không còn nhiều, nhưng còn lại đến nay đủ để có thể nhận biết được nghệ thuật trang trí nhang án thời này đặc sắc và đạt đến trình độ cao về giá trị nghệ thuật. Về cơ bản, những nhang án gỗ thế kỷ 17 trong chùa Bắc Bộ Việt Nam đều có kết cấu chung dạng hình hộp chữ nhật đứng với chân cao, nhiều trang trí bám theo nối từ phần gờ xuống đến chân của nhang án, tạo kiểu dáng khá riêng biệt, không hoàn toàn giống với nhang án đá ở thời Trần bằng chất liệu đá.
Hình dáng nhang án gỗ thế kỷ 17 chùa Thầy
Hình dáng chung của nhang án với kết cấu ba phần chính gồm phần trên cùng, bề mặt nhang án được thể hiện to bè bằng những miếng gỗ nổi gờ và chạm hình cánh sen, phần thân thót lại nhỏ hơn so với bề mặt, phần này có nhiều đồ án trang trí chính là điểm tập trung trên nhang án. Phía dưới cùng là phần chân, phần này thường có độ cong bám xuống nền chùa và là nơi được chạm các biểu tượng vật linh như: hổ phù, rồng...
Nghệ thuật trang trí nhang án gỗ thế kỷ 17 về cơ bản trang trí được gắn với ngôi chùa và các hiện vật trong chùa. Và nghệ thuật trang trí nhang án ở thời điểm này đánh dấu một giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật trang trí Phật giáo ở Việt Nam.
Trên một nhang án đã được kết hợp nhiều kiểu chạm khắc khác nhau, kiểu chạm bong, chạm kênh, chạm lộng, khối nổi, khối chìm... đồng thời, người nghệ nhân xưa khi thể hiện các chủ đề, môtip vẫn theo một quy tắc về sự sắp xếp các hình khối, họa tiết, đường nét một cách hài hòa để tạo nên một sự cân đối về thẩm mỹ và nghệ thuật cho nhang án.
Vẫn sử dụng những con vật linh trong trang trí mỹ thuật cổ như môtip hình rồng, phượng, lân, rùa... nhưng về hình dáng, rồng trở nên mập hơn, đa số có vẩy rõ ràng, cho thấy sự cân đối hơn ở các thời trước, đao rồng thường dài hơn, thân rồng chìm trong hệ thống đao mác... Thời này môtip hình rồng đao mác là đề tài chính ở hầu hết trên các mảng chạm khắc. Từ môtip hình rồng và cách tạo hình có thể xác định được niên đại cũng như phong cách giai đoạn lịch sử của nhang án.
Bên cạnh môtip con vật linh được hòa quyện với nhau một cách nhịp nhàng là môtip hoa lá: hình hoa sen cách điệu, hình mây, hoa cúc hay các dải đường diềm... Đây là những môtip được sử dụng thường xuyên trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, tuy nhiên trong quá trình phát triển lịch sử, mỗi thời sẽ có sự thích ứng với loại hình và có quan niệm khác nhau. Nói chung đề tài hoa lá thời này được thể hiện rõ ràng, hoa sen và hoa cúc được chạm một cách tỷ mỉ đều mang tính chất điển hình. Hoa sen thường được sử dụng rất nhiều trong nghệ thuật với cách thể hiện khác nhau, trải qua các thời kỳ hoa sen được biến đổi nhất là từ thế kỷ 17 kết hợp hoa, lá với nụ một cách tự nhiên hơn.
Như vậy, thế kỷ 17 là thời kỳ nhang án được định hình rõ ràng nhất trên chất liệu gỗ, vì dễ dàng trong việc di chuyển cũng như công năng sử dụng của nhang án trong từng di tích tôn giáo mà nghệ thuật trang trí nhang án thời này được gọi là thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình dân gian. Trên chất liệu đá, về tạo hình hay chạm khắc khó thể hiện, đơn giản bao nhiêu thì ở chất liệu gỗ lại chi tiết và tỷ mỉ bấy nhiêu. Người xưa có thể đưa vào đó những ý niệm và sự sâu xa về tín ngưỡng, tôn giáo thông qua đề tài chạm khắc trên nhang án, phần nào phản ánh được một số nhận thức về vũ trụ và nhân sinh. Trang trí nhang án thời kỳ này đa dạng, phản ánh được nhiều nét của lịch sử, về những bước đi đã qua và về nghệ thuật tạo hình dân tộc, tạo nên một vẻ đẹp riêng chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc, vốn có trong tín ngưỡng Việt Nam.
NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...