Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
15:27 (GMT +7)

Nghệ thuật pháp lam Huế

VNTN - Kể từ khi khai sinh cho tới lúc thất truyền, nghệ thuật pháp lam Huế chỉ tồn tại hơn 60 năm. Dù vậy thì những di sản còn lại vẫn khá phong phú, tạo ra nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất cố đô. Việc khôi phục lại nghệ thuật này đã và đang được thực hiện với nhiều bước chuyển tích cực, ứng dụng trên các sản phẩm hiện nay. 


Hành trình du nhập 

Đến với thành phố Huế dịu dàng, với dòng sông Hương thơ mộng, du khách vẫn thường lựa chọn trong lịch trình du ngoạn của mình những đền đài lăng tẩm cổ kính, nơi lưu giữ dấu tích của triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Hòa với vẻ uy nghi, trầm mặc, trên những cổng tam quan, diềm trang trí, trên những đồ thờ tự, lọ, bình, khay trang trí, màu men pháp lam vẫn níu giữ ánh nhìn du khách bởi vẻ tươi sáng, vương giả, trường tồn với thời gian.

Pháp lam Huế là tên để chỉ kỹ thuật tráng men màu trên kim loại - thường là kim loại đồng, xuất hiện và thịnh hành vào đời vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883), sa sút từ sau thời kỳ “tứ nguyệt tam vương” [1] và dù được phục hồi, chỉnh đốn dưới triều Đồng Khánh (1885-1889) song không phục hưng nổi mà rơi vào thoái trào rồi thất truyền. Giáo sư Nguyễn Du Chi đã nhận định: “pháp lam Huế đã mang tư cách về một hướng đi đầu tiên của nền hội họa Việt. Rất tiếc hướng đó không có điều kiện để phát triển dưới thời Pháp đô hộ”.

Đĩa pháp lam

Những sản phẩm đầu tiên xuất hiện tại Huế là đồ Họa pháp lang Trung Hoa do thuyền buôn mang tới, đã được sự đón nhận của giới quý tộc và dân chúng xứ Huế. Nhận thấy sự ưa thích đối với dòng sản phẩm mới này, ông Vũ Văn Mai-một người con xứ Huế đã lặn lội sang Quảng Đông học nghề. Khi về nước, ông tấu trình lên vua và được giao cho lập xưởng chế tác cho triều đình vào năm 1827. Tuy nhiên, nhà Nguyễn chọn từ “pháp lam” chứ không phải từ “Pháp lang” vì lý do kiêng kỵ quốc húy của triều Nguyễn.

Mặc dù nghề làm pháp lam được học từ Trung Hoa nhưng đó không phải cái nôi khai sinh ra kỹ thuật tráng men trên kim loại. Ngay từ thời Ai Cập với chiếc mặt nạ vàng của Pharaon Tutankhamun (vị vua vương triều thứ 18 của Ai Cập cổ đại) là minh chứng cho sự xuất hiện của kỹ thuật tráng men kim loại đầu tiên- kỹ thuật Cloisonne-với những lớp men màu được chia ô trám lên bề mặt kim loại vàng. Cùng trong thời cổ đại, tại châu Âu còn xuất hiện kỹ thuật tráng men kim loại khác có tên Champleve - phương pháp đổ đầy một lớp men đỏ, xanh lam, trắng hoặc xanh lục mờ đục lên chỗ lõm được đúc hoặc chạm khắc trên bề mặt kim loại.

Đến thế kỷ 15, bên cạnh các kỹ thuật Cloisonne, Champleve trong thời kỳ này còn xuất hiện thêm một kỹ thuật mới của tráng men kim loại là Plique a jour- sử dụng những chất men trong suốt trộn lẫn với nhau để hình thành một mảng gắn kết lan rộng theo chiều dài các ô hộc mà không cần bệ đỡ men và kỹ thuật Painted enamels - dùng bút lông để vẽ các họa tiết bằng men màu lên nền cốt đồng đã được xử lý bằng một lớp men lót, khởi nguyên từ vùng Limoges (Pháp) và vùng Battersea (Anh). Kỹ thuật này về sau được các nước Tây Âu khác như Đức, Hà Lan, Ý, thậm chí cả các nước ở Trung Cận Đông… bắt chước.

Các kỹ thuật tráng men kim loại đã tới Trung Hoa qua hai giai đoạn, giai đoạn 1 vào thế kỷ 13-14 qua ngã Tây Vực theo vó ngựa viễn chinh của quân Mông Cổ, và được người dân Trung Quốc gọi dưới cái tên Kháp ty pháp lang đối với kỹ thuật Cloisonne, Tạm thai pháp lang với kỹ thuật Champleve. Giai đoạn 2, kỹ thuật Plique a jour và Painted enamels tiếp tục theo chân các tu sỹ dòng Tên trong hành trình truyền giáo sang phương Đông du nhập vào Trung Quốc và được biết tới dưới tên Thấu minh pháp lang với kỹ thuật Plique-a-jour và Họa pháp lang với kỹ thuật Painted enamels.

Mặc dù có rất nhiều kỹ thuật tráng men kim loại, nhưng các sản phẩm do ông Vũ Văn Mai và môn đệ học được và chế tác đa phần áp dụng kỹ thuật Họa pháp lang do đây là những sản phẩm được người dân xứ Huế ưa chuộng. Dù thời gian tồn tại của kỹ nghệ pháp lam Huế, từ lúc khai sinh đến khi thất truyền, chỉ hơn 60 năm. Nhưng di sản pháp lam còn lại trên mảnh đất cố đô Huế khá đồ sộ, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình và kiểu thức.

Tranh pháp lam

Ứng dụng trên sản phẩm hiện nay

Luôn trăn trở về một nghề thủ công bị thất truyền, với những nghiên cứu của bản thân và đồng nghiệp, hiện nay nghề pháp lam đã được khôi phục lại bởi kỹ sư-thạc sỹ Đỗ Hữu Triết, tạo điều kiện tiếp tục gìn giữ và phát triển nghề thủ công độc đáo này. Hiện nay, kỹ thuật tráng men kim loại áp dụng trên các sản phẩm thường là kỹ thuật họa pháp lam (Painted enamels) và kỹ thuật ngăn ô chia hộc kháp ty pháp lam (Cloisonne). So với các sản phẩm pháp lam trước đây thường ở dạng đồ gia dụng tế tự, trang trí nội ngoại thất, các sản phẩm pháp lam hiện nay có cùng mục đích sử dụng nhưng thêm các dạng tranh treo tường và sản phẩm làm quà tặng lưu niệm. Có thể điểm qua các sản phẩm của kỹ thuật pháp lam hiện nay như:  các bức tranh treo tường đơn chiếc hoặc một bộ gồm nhiều tranh, các dạng đèn ngủ, đèn đường, bàn ghế, bình phong… trang trí nội ngoại thất, bình, lọ, bát pháp lam trang trí và các hộp đựng trang sức, mặt dây, vòng tay trang sức làm quà tặng.

Một số sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tráng men trên thế giới

Vẻ đẹp của sản phẩm pháp lam được bắt đầu với sự khéo léo của người nghệ nhân kim hoàn tạo khuôn cốt kim loại- thường pháp lam Huế dùng cốt bằng đồng thau do dễ gia công cắt gọt và tạo hình. Sau đó, cốt kim loại sẽ được tráng một lớp men nền - lớp men có vai trò liên kết giữa cốt kim loại và lớp men bên ngoài lên bề mặt cốt kim loại rồi đem nung ở nhiệt độ gần 900 độ C. Tùy theo kích thước sản phẩm mà được nung ở lò cỡ nhỏ, cỡ trung hay cỡ đại. Khi có được loại cốt đã tráng men, người nghệ nhân tùy theo việc sử dụng kỹ thuật kháp ty pháp lam (Cloisonne) hay họa pháp lam (Painted enamels) để tô riêng men màu - là lớp men trong và mỏng bên ngoài lớp men nền, dùng để vẽ trên bề mặt sản phẩm- bằng bút lông các cỡ lên từng ô đã chia hay vẽ trực tiếp lên nền men những hoa văn trang trí và để khô rồi nung một lần nữa ở nhiệt độ 900 độ C để hoàn thiện. Men màu sử dụng trong kỹ thuật pháp lam là men thủy tinh mỏng, thuộc dạng men nhẹ lửa. Màu men pháp lam rất phong phú với các màu như vàng, lục, xanh, đỏ, đen, nâu… Khi sử dụng, màu men được pha cùng nước theo tỷ lệ thích hợp, sao cho không quá loãng - sẽ không lấy được men gây màu nhạt, và không quá đặc gây tình trạng bút bị bết, không lên được màu men. Trong trường hợp màu men chưa ưng ý, người nghệ nhân có thể tiếp tục tô men thêm rồi để khô và nung tiếp, làm nhiều lần cho tới khi màu men ưng ý thì dừng lại. Sau cùng, sản phẩm được đem mài bằng giấy ráp thô các cỡ từ 200 đến 400 để lộ rõ lớp màu của sản phẩm và mài bóng để hoàn thiện.

Các sản phẩm pháp lam hiện nay bên cạnh kế thừa các chủ đề long phượng, hoa dây trong vốn cổ, cảnh sơn thủy… của thẩm mỹ cung đình, vừa tìm tòi chủ đề từ chính cuộc sống thường nhật như cảnh sinh hoạt, lao động, cảnh quan kiến trúc Huế khiến nhận định về sản phẩm pháp lam một thời là báu vật xa xỉ, quý hiếm, sang trọng, chỉ được dùng để trang trí ở những nơi cung điện, tôn miếu uy nghiêm đã trở nên thân thuộc gần gũi hơn với người sử dụng. Ngoài ra cũng xuất hiện một số phù điêu chủ đề Phật giáo được sử dụng kỹ thuật pháp lam, đóng vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian Huế. Sản phẩm pháp lam Huế mang tính địa phương cao, thể hiện tính thẩm mỹ và văn hóa xứ Huế nhưng đồng thời hòa chung trong nền văn hóa Việt Nam. Điều này giúp công chúng đón nhận sản phẩm được dễ dàng hơn.

Đèn pháp lam trang trí

Ưu điểm của pháp lam Huế những sản phẩm thủ công được thực hiện phần lớn trên đồng, chủ yếu được tạo thành từ bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người nghệ nhân, sản phẩm sử dụng kỹ thuật pháp lam màu sắc tươi sáng, phong phú, đa dạng và bền, trọng lượng không lớn, thuận tiện trong việc vận chuyển. Đặc biệt, pháp lam Huế đã được vinh danh trong Festival làng nghề truyền thống Huế năm 2009, cho thấy sự công nhận về một nghề truyền thống của Huế đã hồi sinh. Điều này khiến chúng ta kỳ vọng về sự phát triển của nó trong tương lai không xa với những quan tâm của các ban ngành có liên quan, không chỉ hướng tới thị trường trong nước mà cả quốc tế, tạo nên thương hiệu của một ngành nghề truyền thống mang trong mình cả những nét cổ truyền, văn hóa Việt hòa cùng những nét mới mẻ, hiện đại của thời đại hiện nay.

 

[1] Đây là giai đoạn lịch sử đen tối nhất của triều Nguyễn, sau khi vua Dục Đức bị truất phế, chỉ trong vòng 4 tháng mà hai quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã lập rồi truất phế thêm 2 người nữa là vua Hiệp Hòa và vua Kiến Phúc.

(Tư liệu ảnh: cung cấp bởi công ty TNHH Thái Hưng, địa chỉ 66 Chi Lăng, thành phố Huế)

Hương Ly

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy