Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
18:29 (GMT +7)

Nghề sáng của những người sống trong bóng tối

VNTN - Hiện nay, mát xa tẩm quất đang là một trong những nghề phổ biến giúp người khiếm thị vượt lên số phận. Trải nghiệm với dịch vụ tẩm quất mát xa của người khiếm thị ở Thái Nguyên tôi thực sự thấy thú vị, bởi những gì được nhận từ họ nhiều hơn tôi có thể hình dung.


Mát xa không… “mát gần”

Cuộc sống phức tạp, xô bồ, thật giả lẫn lộn khiến không biết từ bao giờ, nhiều người thường “dị ứng” với việc đi mát xa. Họ cho rằng, mát xa là thiếu lành mạnh, nó cũng tương tự như đi vũ trường, cafe đèn mờ… Tôi cũng hay nhìn cuộc sống với đôi chút nghi ngờ, chỉ đến khi được một người bạn rủ đi mát xa do người mù thực hiện thì suy nghĩ đó mới được thay đổi. Tôi được trải nghiệm và nhận ra đó là sự khác biệt về ranh giới giữa mát xa đúng nghĩa và “mát gần” mà người ta thường hay ám chỉ cho sự thiếu lành mạnh.

 

Chị Lê Thị Tình với những ngón nghề điêu luyện

Tôi đến một cơ sở mát xa của Hội Người mù Thái Nguyên ở đường Cách mạng Tháng Tám (đối diện Công an tỉnh). Quán yên tĩnh, tôi đi thẳng vào và giật mình khi nghe thấy tiếng chuông kiểu như báo động reo lên. Sau mới biết, do tất cả nhân viên đều khiếm thị nên ở cửa ra vào có chuông cảm ứng để báo có người ra vào. Căn phòng khoảng 20 mét vuông, thoáng mát sạch sẽ, có đầy đủ cả quạt và điều hòa, kê 4 giường mát xa.

Một em gái còn rất trẻ, quê ở Lạng Sơn mát xa cho tôi một cách thuần thục. Em bảo tên là Bình, sinh năm 1996. Phải công nhận em đẹp, vẻ đẹp khỏe khoắn của thiếu nữ tuổi đôi mươi. Chỉ có điều số phận trớ trêu đã cướp đi một mắt của em sau cơn bạo bệnh, dần dần thị lực của mắt còn lại cũng giảm xuống chỉ còn thấy mờ mờ. Quá tiếc cho em, tôi buột miệng: “Chắc em buồn lắm nhỉ?”. Giọng em nghẹn lại: “Thời gian đầu em đã rất tuyệt vọng. Mới bước vào đời mà mọi thứ như đã sụp đổ hoàn toàn, nhưng rồi nghĩ đến bố mẹ ngày đêm vất vả nên quyết định đi học mát xa để tự nuôi sống mình, giảm bớt gánh nặng cho gia đình”.

Chợt ân hận vì đã vô tình chạm vào nỗi đau của Bình, tôi lái ngay sang chuyện khác: Mát xa này tốt lắm em nhỉ, nghề này có cho em thu nhập ổn định không?

Sau lát trấn tĩnh, em nhanh nhảu: “Nhiều tác dụng lắm anh ạ! Cơ thể con người có 72 đại huyệt và nhiều huyệt nhỏ khác. Tác dụng của xoa bóp, bấm huyệt nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh, tăng miễn dịch… Nhiều “tiền bối” chỉ sờ một chút là phát hiện ngay ra bệnh như thấp khớp, thoái hóa cột sống… và chữa chúng bằng biện pháp xoa bóp, bấm huyệt, không cần dùng thuốc. Việc này người mắt sáng rất khó làm được”.

Giá một giờ mát xa là 60 ngàn đồng, nhân viên và chủ quán chia nhau mỗi người một nửa. Mỗi tháng thu nhập trung bình từ 1,5 đến - 2 triệu, dù không lớn nhưng cũng đủ chi tiêu những thứ tối thiểu cho người khiếm thị. Khách đa dạng, từ các cụ già đến người trung niên, trẻ tuổi, đôi khi còn là trẻ em. Nghề này rất mất sức, đòi hỏi phải có sự khéo léo và sức khỏe tốt, vì thế ít khi gặp người nào làm nghề này có thể béo tốt được. Hôm đông khách, mỗi nhân viên phải mát xa liên tục cho 7 đến 8 người, đến lúc nghỉ thì ai cũng rã rời chân tay.

Vừa trò chuyện cùng Bình tôi vừa được thưởng thức những bài mát xa thú vị, có bài lạ, độc đáo. Sau xoa bóp, bấm huyệt phần đầu là 36 bài khác nhau cho chân tay, lưng, toàn thân. Từng động tác đều được thực hiện thuần thục, chuẩn xác. Tôi cảm nhận được trong mỗi động tác ấy đều có “mắt”, có hồn, sự yêu nghề. Thỉnh thoảng em lại khẽ nói: “Nếu em mạnh tay quá thì anh bảo nhé!”. Tiếng đấm bóp bi bốp, tiếng lắc cắc của xương khớp vui tai xen lẫn những câu chuyện vui của cả khách và nhân viên làm cho tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên. Gần một tiếng trôi qua, sự mệt mỏi, đau nhức do thời tiết gay gắt của tháng bảy và áp lực công việc gây ra đã nhường chỗ cho sự khoan khoái, thoải mái lan tỏa khắp cơ thể. Nhẹ lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, em Bình hỏi: Còn một bài cuối nữa, anh có đi máy bay không? Thấy tôi ngạc nhiên, em chỉ sang giường bên cạnh: “như bên kia kìa”. Thì ra đó là cũng là một động tác mát xa. Nhân viên nằm xuống dưới dùng hai đùi kê vào lưng khách làm điểm tựa để nâng lên, nâng xuống và xoay hai bên. Khách nằm trên, tay chân thả lỏng hoàn toàn. Động tác này giúp khách cảm nhận được hết tất cả sự thoải mái, dễ chịu từ những động tác trước mang lại. Sau này trao đổi cùng bà Nguyễn Thị Minh (Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên) tôi mới biết không phải ai cũng làm được động tác đó, nó đòi hỏi sự cao tay, kinh nghiệm nếu không rất dễ làm đau khách. Bạn tôi gần… một tạ, vậy mà anh nhân viên dùng đùi nhấc lên phát một. Bình cười: “Mỗi ngày em cũng làm vài “chuyến” như thế này, gặp phải khách “quá khổ” thì quả là “ác mộng” anh ạ”.

Thấy tôi có chút ngượng ngùng, bác trung niên giường bên cạnh lên tiếng: “Lần đầu đi mát xa hả cháu? Khéo lần sau nhớ rồi lại đến đấy nhé”. Bác kể: “Mình hay bị đau nhức toàn thân nên thường xuyên đi xoa bóp, xông thuốc. Trước đây cứ hay đến những trung tâm lớn, tình cờ thử đi mát xa người mù một lần rồi “nghiện” luôn. Giá cả bình dân, đâu nhất thiết phải nhân viên “trai xinh, gái đẹp”, điều quan trọng là không khí dân dã, sự thân thiện và phục vụ chu đáo, bài bản không giống như nhiều khách sạn hoặc cả spa họ chỉ làm hời hợt, qua loa cho xong nhiệm vụ”.

Vượt qua bóng tối

Các cụ thường nói “giàu hai đôi mắt, khó đôi bàn tay”, không thấy ánh sáng quả là điều vô cùng khó khăn. Người khiếm thị sống được cuộc đời bình thường như mọi người đã khó, nhưng họ biết vươn lên khẳng định mình, sống có ích cho xã hội thì đó là điều đáng trân trọng.

Tôi để ý trên tường có treo khá nhiều chứng chỉ, bằng khen về nghề mát xa của chị chủ quán Lê Thị Tình. Chị Tình người đậm, khá khéo léo và hoạt bát. Năm 2 tuổi căn bệnh sởi quái ác đã khiến mắt chị không bao giờ còn nhìn thấy được ánh mặt trời, nhưng nghị lực vượt lên bóng tối và tinh thần ham học của chị thật đáng khâm phục. Học xong trường dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, chị Tình tiếp tục thi đỗ và theo học tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, khoa Tâm lý. Bốn năm học, chị đều đặn lên giảng đường, hàng ngày hình dung đến từng nét chữ của các thầy cô giáo, khuôn mặt của các bạn. Trong suốt những năm học xa nhà, chị phải tự bươn chải kiếm sống bằng nghề xoa bóp, bấm huyệt ở những cơ sở gần trường. Năm 2012, chị tốt nghiệp đại học và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố nên đã quyết định trở về Thái Nguyên: “Đây là nơi mình sinh ra lớn lên, dù không còn đôi mắt, khả năng bị hạn chế nhưng lúc nào mình cũng muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé để phát triển quê hương, giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh”.

Nhờ những nỗ lực không ngừng ấy, cuộc đời đã mỉm cười với chị, đến nay chị Tình có một gia đình êm ấm cùng với anh Lương Văn Linh. Anh Linh cũng là một người khiếm thị ở Lai Châu. Qua bạn bè giới thiệu, họ đã đồng cảm và sau một thời gian tìm hiểu, hai người nhận ra mình sinh ra là để dành cho nhau. Gia đình hai bên đều nghèo, không có của hồi môn, vợ chồng họ đã thuê ngôi nhà nhỏ ở ngõ 70 đường Cách mạng Tháng Tám làm chỗ ở đồng thời cũng là cơ sở mát xa, tẩm quất của mình. Anh chị còn nhận thêm 3 nhân viên khác cũng đều là người mù, chỉ duy nhất một người còn một mắt có thể nhìn thấy mờ mờ. Chị tâm sự: “Tôi chọn và gắn bó với nghề vì nó không phụ tôi và không đòi hỏi cái mà tôi không thể có, đó là đôi mắt. Không có nghề xấu mà chỉ có nhân cách khuyết tật và những suy nghĩ lệch lạc”.

Vừa tiếp chuyện tôi, chị Tình vừa tranh thủ làm việc nhà và chuẩn bị bữa trưa cho mọi người. Thấy chị di chuyển, làm việc nhà ít phải “mò mẫm”, tôi tò mò: “Cứ như là chị nhìn thấy…?”. Chị vui vẻ: “Nhìn như vậy thôi nhưng thật ra phải tập luyện nhớ vị trí từng đồ vật trong nhà rất lâu. Quanh quẩn trong căn phòng này còn được chứ đến nơi khác là chịu. Thức ăn là nhờ người mang đến, thỉnh thoảng bất đắc dĩ phải ra ngoài toàn đi xe ôm hoặc taxi, rất bất tiện. Dù sao mình cũng là phụ nữ, thiếu đôi mắt nhưng những việc tối thiểu như giặt giũ, quét dọn, bếp núc đều phải làm được”. Tuy không nhanh như các chị em nội trợ khác nhưng cũng chỉ một loáng, khi xong câu chuyện cũng là lúc một bữa cơm tươm tất có thịt, canh, rau được chị xếp ngay ngắn trên bàn.

Thiếu đôi mắt không thể ngăn được ý chí phấn đấu của người khiếm thị về một tương lai tốt đẹp, mặc dù để làm được điều đó họ cũng phải vượt qua không ít khó khăn.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em tại một vùng quê nghèo ở Tuyên Quang, anh Âu Văn Chính cũng bị căn bệnh sởi cướp đi đôi mắt năm 3 tuổi. Ngày đó, trong khi bạn bè cùng trang lứa đều được đến trường thì anh chỉ thường ngồi một mình để cảm nhận mơ hồ về cuộc sống từ những âm thanh, tiếng cười nói của mọi người. Việc vui chơi, học hành là quá “xa xỉ”. Thỉnh thoảng còn phải chịu đựng những câu nói mỉa mai, ác ý khiến anh không khỏi tủi thân, chạnh lòng. Trưởng thành, chỉ loanh quanh làm vài việc lặt vặt khiến anh thấy mình thật vô dụng. Được người thân giới thiệu, anh đã đi học mát xa tẩm quất tại một trung tâm dạy nghề cho người mù rồi “say” nghề luôn. Đến nay anh có kinh nghiệm 14 năm trong nghề, được nhiều cơ sở mát xa dưới Hà Nội chào đón. Chàng trai hiền lành, chăm chỉ ấy cũng đã gặp phải không ít trắc trở.

Hai năm trước, anh Chính trở về quê dùng số tiền dành dụm trong nhiều năm và vay mượn người thân để mở cửa hàng mát xa cho riêng mình. Lúc đó, anh luôn tự nhủ sẽ làm việc chăm chỉ, nếu có thể sẽ tìm một người phụ nữ nào đó đồng cảm với mình để lập gia đình. Nhưng rồi cửa hàng chỉ lác đác khách, kinh doanh không thuận lợi, nên đành phải đóng cửa. Anh ngậm ngùi: “Chắc do đây chỉ là một vùng quê, nhận thức về mát xa của người dân hạn chế, nhiều người còn thành kiến với nó”.

Vượt qua thất vọng, anh Chính xuống Thái Nguyên để tiếp tục gắn bó với nghề, bươn chải cuộc sống. Anh chia sẻ: “Đâu thể ủ rũ mãi được, cuộc đời là như vậy phải có những tương phản để biết trân trọng những gì mình đang có. Thật ra, tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Có người vĩnh viễn phải ngồi xe lăn, không thể vận động được. Ít nhất mình vẫn còn sức khỏe, có thể lao động. Tôi luôn quan niệm rằng hãy cứ sống, làm việc hết mình thì nhất định mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi”.

Vui buồn nghề mát xa

Để mưu sinh, kiếm ra đồng tiền bằng chính sức lao động của mình, những người khiếm thị phải chấp nhận nhiều rủi ro, gian nan. Họ dễ trở thành nạn nhân, mục tiêu của những kẻ xấu bởi mắt sáng thì có thể lường trước được mọi hành động mà tránh còn đã không thấy gì thì rất khó phản ứng kịp.

Tìm hiểu vài cơ sở mát xa của người mù trong thành phố, các chủ quán cho biết: Hàng ngày có nhiều khách đến hỏi xem có “dịch vụ từ A đến Z” không, khi nhận được câu trả lời thì họ bỏ đi. Nhưng cũng có những trường hợp đã “ngà ngà” rượu thì nghi ngờ, thậm chí còn chửi bới gây gổ cứ đòi bằng được, nên nhiều lúc rất đau đầu. Việc nhân viên bị khách sàm sỡ xảy ra thường xuyên, lúc đó họ phải rất khéo để vừa tự bảo vệ vừa không làm khách nổi xung. Cũng có những nhân viên biết mình bị lợi dụng, xúc phạm nhân phẩm, nhưng rồi chỉ âm thầm chịu đựng bởi sự mặc cảm, xấu hổ, không ai dám nói ra vì sợ bị khinh rẻ và coi thường.

Không chỉ có nữ, những nhân viên nam khiếm thị làm nghề tẩm quất cũng khó tránh khỏi bị khách dụ dỗ và quấy rối. Anh Tiến (cơ sở tẩm quất ở phường Gia Sàng) chia sẻ: “Có một số khách là “giới tính thứ ba”, sau khi tẩm quất xong còn đòi thêm “dịch vụ” khác và hứa sẽ trả thêm tiền. Mình khéo từ chối không được, đôi lúc phải có thái độ thẳng thừng thì mới thôi. Nhưng họ vẫn không quên để lại cho nhân viên thái độ giận dữ”.

Những cơ sở mát xa người mù hoặc người hoạt động tự do có dịch vụ phục vụ tại nhà khi khách gọi điện yêu cầu, khách sẽ chi trả tiền đi lại và thù lao sẽ được tăng thêm. Nhưng do nguy cơ rủi ro quá cao, nên dần dần các quán chỉ cử nhân viên đến khi đó là khách quen, địa chỉ thật đáng tin cậy.

Anh Dũng (phường Quang Vinh) kể: Ngày trước mình cũng hay đi đến tận nhà để phục vụ khách. Có người hài lòng, tốt bụng còn bo thêm chút tiền, mình rất vui. Nhưng cũng có khách giở trò, làm xong là lớn tiếng quát mắng rồi dọa dẫm và không thanh toán tiền công. Đến giờ, thỉnh thoảng nghĩ lại vẫn còn ghê.

Tỉnh Thái Nguyên có gần 2000 người khiếm thị, hầu hết đều không được học hành, ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, 70% thuộc gia đình nghèo và cận nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thế nhưng cả tỉnh mới chỉ có khoảng 14 cơ sở mát xa người mù, số lượng rất hạn chế. Những cơ sở này được miễn thuế, ít chịu sự soi xét từ các cơ quan chức năng nhưng được quản lí sát sao bởi Hội Người mù tỉnh và thành phố. Từ trước đến nay chưa có trường hợp nào vi phạm pháp luật. Cũng vì số lượng ít nên Thái Nguyên không có những vấn đề phức tạp như một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Theo bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Người mù tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, có những quán tẩm quất trá hình hoặc hoạt động theo kiểu chộp giật, câu khách. Mặc dù không mượn danh nghĩa của người mù nhưng cũng đã ảnh hưởng nhiều đến nghề mát xa tẩm quất chân chính của những người khiếm thị. Chúng làm nghề này trở nên méo mó, hơn nữa còn đe dọa miếng cơm manh áo của họ. Dư luận cần lên án mạnh mẽ và có cái nhìn, đánh giá thật chính xác. Bởi nghề mát xa của người mù vẫn luôn là nghề đàng hoàng, cần được cộng đồng hiểu và ủng hộ. Ngoài việc chữa trị một số bệnh đơn giản và xua tan mệt mỏi, công việc này của những người khiếm thị còn góp một tiếng nói để người đời hiểu đúng nghĩa về nghề mát xa lành mạnh.

Nếu các quý bạn đọc của tôi chưa từng biết những nơi này, hãy tìm đến! Bạn sẽ vừa được chăm sóc sức khỏe một cách dễ chịu sau những giờ lao động mệt nhọc, vừa được lắng lòng, thư thái trong cảm giác thương mến, nể phục những người suốt đời sống trong bóng tối nhưng không chịu đầu hàng bóng tối

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước