Thứ tư, ngày 16 tháng 04 năm 2025
02:21 (GMT +7)

Nghe người nghiện “trình bày”

VNTN - Trước khi gặp họ tôi đã từng tiếp xúc không ít với người nghiện và vẫn đóng đinh một điều “Đừng nghe nghiện trình bày”, lần này thì khác.

Đối diện với những thanh niên tuy chỉ bằng tuổi đứa em mình nhưng đã đầy nét bặm trợn, gió sương, những con người với tấm thân vằn vện các hình thù gớm ghiếc kia… khi đã dứt ra được khỏi bàn tay ma túy họ lại lành hiền và thật sự yếu đuối. 

Cắt cơn

Căn phòng trống, có hai dãy bục xây lát gạch men làm gường, chăn màn sơ sài nhưng cũng gấp khá gọn gẽ. Đang giờ nghỉ các học viên tại khu đảo Kim Bảng (Hồ Núi Cốc) thuộc Cơ sở Tư vấn và Điều trị, cai nghiện ma túy Thái Nguyên túm tụm ngồi buôn chuyện, thần sắc ai nấy đều đã bớt lờ đờ uể oải. Thấy khách đến có cả máy ảnh, máy quay, cả phòng im lặng, ánh mắt dò xét hoài nghi. Tuy nhiên, sau vài câu dò la kiểu “nắn gân”, thấy khách dễ gần, các học viên lại trở về với vẻ hồn nhiên pha chút bất cần của mình. Họ thi nhau đùa: “Tối nay phòng mình được lên ti vi, hết cửa lấy vợ nhá! Anh ơi, phát ở kênh nào để em xem...”.

“Anh chụp ảnh đẹp không, lát chụp hội em ít ảnh làm kỷ niệm” - Đỗ Văn Hưng khá cao, rắn rỏi, khỏe mạnh nhất nhóm nhanh nhảu đề nghị. “Ô kê em”, tôi đáp không chút do dự và vào thẳng chủ đề. Biết Hưng nghiện đã 5 năm tôi đùa: “Ồ! Chơi ma túy ngần ấy năm mà vẫn khỏe mạnh nhỉ?”. “Vâng bây giờ em khỏe rồi, được 60 kg, chứ lúc mới vào em nói sợ anh không tin, bước đi gió bão còn bay cả người ấy. Mắt mờ chân chậm lắm anh ạ”. Nghe Hưng nói vậy, cả nhóm ồ lên cười đồng tình.

 

Các học viên đóng túi chè tại Cơ sở

Lúc này tôi mới trấn an Hưng rằng, em cứ yên tâm, chúng tôi sẽ giữ bí mật danh tính. Đôi chút lưỡng lự rồi Hưng thật thà: “Nghiện vào khổ lắm anh ạ. Mà nói chung bọn em ngoài xã hội chơi bời nghiện ngập, nó cũng chẳng có gì là ngại nữa cả”.

Mới hơn 20 tuổi, chưa vợ con nhưng thâm niên nghiện của Hưng so với đám đồng lứa trong phòng có lẽ là dài nhất. Con đường đến với ma túy tuy mỗi người một hoàn cảnh nhưng lại rất dễ dàng, Hưng cũng vậy. Sinh ra trong một gia đình thuần nông làm chè và lúa ở xã Thành Công - Phổ Yên, cuộc sống lam lũ, vất vả tưởng như sẽ tạo cho con người ta sự cứng cỏi, vậy mà chỉ vài lần không làm chủ được mình trước lời mời chào của đám bạn, mà Hưng mắc nghiện. Thoắt cái đã gần 5 năm, ngày ngày lúc tỉnh cũng như lúc phê, Hưng chỉ nghĩ đến ma túy rồi vật vã “quay tiền” để thỏa mãn cơn nghiện bằng mọi giá. Và trong một cơn phê thuốc cùng đám bạn nghiện Hưng bị bắt, đưa vào đây cưỡng chế cai nghiện. Hơn một năm điều trị, làm việc giờ Hưng đã hoàn toàn tỉnh táo, khỏe mạnh.

 

Nghiện dễ là vậy nhưng muốn từ bỏ thứ bùa mê chết người này cũng không hề đơn giản. Những học viên ở Đảo đều khẳng định: nếu không vào đây cai thì dù bản lĩnh thế nào cũng khó có thể vượt qua. Nhắc đến thời điểm mới cắt cơn Hưng vẫn không khỏi bàng hoàng: “Người như không còn sức lực. Ui, lúc đấy có mũi thuốc để chơi thì đúng là… phê”. Nghe Hưng nói chuẩn quá, cả bọn lại gật đầu và thi nhau cười tán thưởng.

“Bây giờ khỏe rồi, ở đây lâu em cũng không còn nghĩ đến nó nữa” - giọng chất phác hối lỗi, Hưng như đang về đúng bản ngã. Và cứ thế Hưng cùng cả nhóm đã miêu tả khá kỹ quá trình cai nghiện. Đúng cữ là bắt đầu lên cơn vật, gai ốc nổi đầy mình như người bị cảm. Người lúc nóng lúc lạnh, đau ê ẩm, cảm giác sống không bằng chết, sợ vô cùng. Rồi cơ thể hôi hám, nôn khan, đi ngoài liên tục, xương khớp buồn bực như có giòi bò… Ngày thứ hai, thứ ba vật thuốc còn dữ dội hơn, đa phần người nghiện nghĩ đến bỏ trốn để tìm thuốc. Thức trắng, tiếp tục đi ngoài, nhiều người còn muốn đâm đầu vào tường, nếu không có thuốc cắt cơn thì chẳng biết sẽ như thế nào.

Trong lúc vật vã, người nghiện thường rất sợ nước. Thế nhưng thực tế trong khi cai nghiện ngoài thuốc cắt cơn thì nước chính là thứ thuốc hiệu quả nhất. Lúc “vã thuốc” gai ốc nổi đầy mình mà vẫn phải dội nước lạnh lên người chẳng khác gì hành xác, nhưng lại đỡ vật một cách kỳ diệu. Tắm xong lại ngủ được một lúc, vật lên lại đi tắm. Cứ thế, học viên những ngày mới vào cắt cơn thường dội nước cả chục lần. Người nhanh độ dăm ngày, người chậm cỡ một tuần hoặc chục ngày là đỡ thèm thuốc. Đầu óc cũng đỡ u mê. Ai qua những ngày đó đều mới ngộ ra rằng, thực sự chả ai đói thuốc mà chết. Và đặc biệt, những lúc lên cơn mới bộc lộ hết cái phần thú tính trong con người, dễ hiểu tại sao nhiều con nghiện sẵn sàng kề dao vào cả cổ bố, mẹ để cướp tiền.

Em sợ lắm… liệu có làm lại được không anh?

Nghiện hê-rô-in thì vậy chứ nghiện ma túy đá còn liều lĩnh, điên loạn hơn. Đàm Văn Chiến, ở Pác Nặm (Bắc Kạn) là một điển hình. “Em 22 tuổi, vào đây đã gần hai năm”, Chiến kể, giọng buồn buồn, như chứa nhiều ẩn ức.

Chiến gầy nhỏ, da trắng mai mái kiểu cớm nắng lâu ngày. Tuy đầu cạo trọc, cánh tay và người cũng đầy những hình xăm nhưng vẫn chưa ra “chất giang hồ”, ngược lại, cái vẻ lành lành, cùng giọng nói lơ lớ đã lộ sự chân chất của một thanh niên miền núi. Dù nghiện “đá” mới chỉ 2 năm và đã ở trên đảo này gần 20 tháng nhưng mắt Chiến vẫn hoang hoải những nét buồn của một người bế tắc do ma túy.

Quê Chiến vốn là một huyện nghèo vùng cao, khó khăn đủ thứ, nhưng bù lại người dân thật thà, tình cảm. Theo làn sóng thoát ly để thoát nghèo, gần 17 tuổi Chiến xuống Hà Nội làm thuê cho một lò mổ trâu, bò tư nhân. Công việc vất vả lại làm việc đêm, từ 11h đêm đến 4h sáng, khiến một thanh niên mới lớn chẳng thể chịu đựng nổi. Đúng lúc đó lũ bạn cùng làm rủ: chơi vào mấy khói đá là nhẹ người và làm việc nhanh ngay. Thế là lúc mệt Chiến lại tìm đến ma túy đá. Khoảng ba tháng sau thì Chiến chơi liên tục. Thèm thuốc, người thì yếu đi rõ rệt, đầu lại hay quên và thỉnh thoảng hay có những ý nghĩ điên loạn, Chiến biết mình đã nghiện.

Đầu óc trỗng rỗng, quên hết mọi thứ, lúc lúc nào cũng chỉ tính kiếm tiền để thỏa mãn cơn “đói thuốc” và Chiến lún sâu vào ma túy.

Lúc biết con mắc nghiện, bố mẹ Chiến buồn vô hạn. Nhưng dân miền núi thì thật thà và do nỗi xấu hổ với làng xóm còn đè nặng, nên họ chỉ biết im lặng, dứt ruột nhìn con mình hàng ngày đang chết mòn vì ma túy. Cơn nghiện hành hạ, không có tiền để thỏa mãn, trong lúc vật vã nhiều khi Chiến thấy sợ kinh khủng, nghĩ mình sẽ chết bờ chết bụi bất cứ lúc nào. Đầu Chiến le lói ý nghĩ: không thể chết ở nhà, như vậy sẽ mang nỗi nhục cho gia đình. Vậy là Chiến bỏ hẳn nhà xuống Hà Nội, tiếp tục vật vờ làm thuê trong lò mổ để sống qua ngày. “Em ở mãi chỗ làm, em về sợ bố mẹ em nhìn thấy lại buồn”, Chiến cúi đầu giọng nghèn nghẹn. Nghe Chiến kể, tôi chợt nhớ đến tâm sự của một người mẹ nghiện và làm gái mại dâm, trong những phút giây tỉnh táo, đau đớn bế tắc, cô đã từng nghĩ đến đứa con thơ và bố mẹ: Bố mẹ ơi! Con không về nhà nữa đâu. Nếu chết, con sẽ chết ngoài đường. Con sẽ không nói tên họ cho ai biết đâu. Họ sẽ không thể đem con về để người ta chê cười nhà mình có đứa con nghiện... Đời mẹ không còn gì để mất nhưng mẹ không muốn họ bảo con là con đứa nghiện, mẹ không muốn họ bảo con là con “con đĩ”.

 

Một góc đảo Kim Bảng

“Cố lên em”, vỗ vai Chiến tôi an ủi. Chiến buồn bã quay đi và hướng ánh nhìn vô định về phía mặt hồ: “Bố mẹ vẫn đến thăm em, và khuyên cố gắng từ bỏ, để làm lại cuộc đời. Bố mẹ không ghét bỏ gì đâu…”. Trong thời khắc hoàn toàn tỉnh táo này, tôi biết Chiến như muốn nói: Em sợ lắm… liệu có làm lại được không anh?

Chông chênh nẻo về

Không chỉ riêng Chiến, những học viên ở trên đảo này khi đã dứt cơn nghiện hầu như đều thấy ăn năn và chung tâm sự, khi quay về với xã hội liệu có bỏ được ma túy?

Hưng chia sẻ: “Anh em trong này người có cũng như người không, bọn em đùm bọc bảo ban nhau như anh em ruột thịt ấy. Những lúc rảnh rỗi có ấm chè, cả bọn lại quây quần trò chuyện, cùng khuyên nhau rời xa ma túy”.

Khi tôi hỏi, anh em nghĩ tương lai mình làm gì khi ra khỏi đây chưa, thì cả nhóm cúi đầu im lặng, riêng Hưng đăm chiêu, run rẩy: “Em chưa, đến lúc bước chân ra ngoài mình mới biết được tương lai sẽ thế nào anh ạ. Thật sự là giờ trong người vẫn còn khỏe mạnh thế này nhưng biết đâu qua đêm nay nó trái gió trở trời, bị làm sao thì mình đâu biết được?”. “Sao lại như vậy, giờ em cũng giống anh, khỏe mạnh bình thường như thế này rồi mà?”. “Vâng em khỏe mạnh rồi nhưng đêm hôm nhỡ “trúng gió” hay như thế nào ấy…” - Hưng ấp úng, yếu đuối. Triệu Văn Tiến ở Tân Linh, Đại Từ xen vào giọng ấm ức như thanh minh cho bạn. Tiến bảo, ở trong này trở về, chắc chắn ai cũng muốn từ bỏ ma túy nhưng ra ngoài xã hội rất phức tạp. Người nghiện sợ nhất là sự kỳ thị của làng xóm, người thân, dẫn đến tư tưởng không thoải mái rồi lại suy nghĩ buông xuôi: đằng nào cũng nghĩ thế rồi, nên lại nghiện. Mà đa số người nghiện không có công ăn việc làm ổn định, khi ra ngoài xã hội gặp bạn bè rủ rê tái nghiện rất dễ.

Tôi gay gắt: “Phải quyết tâm thôi em. Bây giờ mình trưởng thành rồi, là đàn ông mình phải có bản lĩnh của mình chứ… Cũng tại mình, lúc mình nghiện đã làm ảnh hưởng đến bao nhiêu người, làm khổ gia đình… giờ bằng sức lực và lý trí lấy lại niềm tin của mọi người đi”. Cả đám im lặng ý chừng đồng tình, quyết tâm lắm. Hưng thủ thỉ: “Mình muốn xã hội hay người thân tin tưởng thì trước hết phải vượt qua “cái ấy” đã…”.

Tôi lại bảo thêm, anh em ra ngoài xã hội phải quên hết bạn bè “cùng hoàn cảnh” đi. Dù bạn có tốt thật đấy nhưng nên quên hết đi. Không là lý trí con người cũng có giới hạn. Tiến xen vào phụ họa giọng trải đời lắm: “Vâng, đi ra ngoài bạn thì ít mà bè thì nhiều anh ạ”.

Nói về cuộc sống trên đảo, Hưng tếu táo: “Như đi an dưỡng thôi mà anh”. Cả bọn vui vẻ kể: 5h sáng trực sinh trên Ban xuống mở cửa, anh em dậy vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng. Ăn xong đi đóng túi chè, 10h lại được nghỉ. Chiều làm từ 2h đến 4h… Công việc chẳng có gì nặng nhọc. Ở trên đảo khí hậu trong lành lại sống điều độ, các thầy vừa nghiêm khắc vừa động viên bảo ban nhiều nên dần người nghiện cũng vượt qua được mặc cảm, gian khó.

Không giống tâm lý chung của những người nghiện, Nịnh Xuân Hùng, Yên Lạc - Phú Lương, mạnh mẽ và quyết tâm hơn. Gặp Hùng một mình tha thẩn chơi với mấy chú chó dưới gốc cây ở đảo. 31 tuổi Hùng nghiện cũng cỡ dăm năm và vào đây đã được 14 tháng. Hiền lành, ít nói, về nguyên nhân bị nghiện Hùng thành thật nhận, do mải chơi, theo bạn bè rồi nghiện.

Hùng khoe đã có vợ và hai con trai, cu lớn đã vào lớp 1. Được biết cũng vì có gia đình riêng, hoàn cảnh khó khăn nên Hùng phải đi làm cửu vạn ở bãi vàng rồi bị ma túy quyến rũ. Hùng nghiện mấy năm thì vợ mới biết nhưng cũng chỉ biết buồn, chứ không dám trách cứ nhiều. Tôi hỏi, bị nghiện có thấy ân hận không? Hùng cay đắng: “Có chứ anh. Bây giờ nếu không bước vào con đường này thì cuộc sống của em đã khác rồi”. Hùng kể, lúc bỏ bãi vàng về, sau đó Hùng đã có công ăn việc làm ổn định, đã đi lái xe tải được mấy năm rồi, nhưng ở nhà thì không thể cai nổi.

 

Hùng quyết tâm khi về với gia đình sẽ đoạn tuyệt ma túy

Dự định về tương lai, Hùng quả quyết: “Em rất muốn được chóng ra khỏi đây để về với gia đình. Trước mắt thì em chưa đi làm đâu cả, chỉ ở nhà phục vụ vợ con. Vợ em tốt tính lắm, giờ đã đi làm công nhân Samsung để lấy tiền nuôi con”.

Hồ Núi Cốc xanh thẳm, những con sóng miên man ì oạp vỗ bờ. Gần một ngày trên đảo, ngồi xuống nghe những người nghiện “trình bày”, tôi bỗng giật mình: Nếu họ là chính đứa em mình thì sao? Nhất định không thể buông tay được, dù còn chút hi vọng, dù khó khăn thế nào cũng phải tiếp thêm cho họ niềm tin, để họ có thêm nghị lực trên nẻo về gập ghềnh bởi bóng đen ma túy.

(Tên nhân vật đã thay đổi).

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những ngọn núi ký ức

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Đào Thanh Tịnh và nghiệp y võ

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Tuổi trẻ và khát vọng cống hiến

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Ngàn thu sự nghiệp nổi từ đây!

Xem tin nổi bật 2 tháng trước

Bài 4: Linh thiêng “hồn dân tộc” giữa biển trời Trường Sa

Hướng về biển đảo quê hương 2 tháng trước