Ngày mới ở vùng chè Bình Minh
VNTN - Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi ngọn núi Hang Le cũng là lúc những nương chè ở xóm Bình Minh xã Minh Lập (Đồng Hỷ) rộn vang tiếng cười nói của các bà các chị đang thu hái. Nón trắng, áo nâu chàm thấp thoáng bên những chiếc ô lớn như tạo điểm nhấn sinh động cho những vạt chè xanh non mơn mởn. Loài cây này xuất hiện ở vùng đất Bình Minh từ bao giờ, không ai nhớ rõ. Chỉ biết rằng theo năm tháng, diện tích chè cứ dần vươn mình ôm trọn đất trung du, cao dần theo những ngọn núi nơi đây.
Đã 86 tuổi, mái tóc bạc trắng như cước, cụ bà Vi Thị Cháy ở xóm Bình Minh, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) bỏm bẻm kể: Từ trước năm 1945, gia đình tôi đã di cư từ vùng Cao Lộc, Lạng Sơn về đây. Lúc đó, rừng rậm um tùm, dân cư thưa thớt lắm. Vợ chồng tôi ngày đêm khai hoang ruộng đất, san phẳng nhiều đất bãi để trồng cây. Đầu tiên, gia đình trồng mía, sau thấy cây chè hợp đất, lại chuyển sang trồng chè. Diện tích chè mở rộng đến nay lên tới hàng mẫu chè cành xanh tốt.
Một nương chè xanh mướt mát tại xóm Bình Minh
Theo chân chị Triệu Thị Phượng con gái cụ bà Vi Thị Cháy, chúng tôi đến khu đồi trồng chè của gia đình. Những luống chè đều nhau tăm tắp, lượn sóng nhìn như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Búp chè đang độ được hái xanh non mơn mởn. Chị Phượng chia sẻ: Để có bãi chè phẳng phiu như thế này phải mất bao nhiêu mồ hôi công sức từ đời bố mẹ tôi, đời chúng tôi và cả đời các con cháu nữa. Yêu cây chè, gia đình tôi luôn chăm chút cho vườn chè không chỉ ngon mà còn đẹp mắt nữa. Vào vụ hái chè, có nhiều người đến đây chụp ảnh lắm.
Nhà chị Phượng hiện có hơn một mẫu đất trồng chè. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng giống chè trung du, sau thấy giống chè cành Lai xanh cho năng suất và chất lượng tốt hơn, chị thuê máy múc san ủi, cải tạo đất, trồng lại toàn bộ giống chè mới. Cả một đồi chè cành giống mới giờ đã cho thu hoạch đang xanh non mơn mởn. Mỗi lứa chè, chị phải thuê hàng chục người hái cho kịp lứa. Với giá bán 25 - 30 nghìn đồng/kg chè tươi, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình chị thu về hơn chục triệu đồng.
Cách nhà chị Phượng không xa là gia đình ông Nguyễn Văn Dũng. Vốn sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của xã Nga My (Phú Bình), những năm đầu 90 của thế kỷ trước, ông Dũng cùng một số trai làng lên vùng đất Minh Lập này để làm thuê, đóng gạch đốt lò. Làm giữa vùng chè lớn, uống nước trà thơm ngon ông “nghiện” trà lúc nào không hay. Khi đã có lưng vốn trong tay, năm 1998, ông mua thêm đất đồi rồi chuyển cả gia đình ở Nga My lên sinh sống. Ông Dũng kể: Tôi mua được dăm sào đất đồi, dựng ngôi nhà tạm bợ rồi đón vợ con lên đây ở. Những ngày đầu, gia đình gặp muôn vàn khó khăn. Con nhỏ, mình chân ướt chân ráo đến đây. Hai vợ chồng tự san đất, mở rộng vườn đồi. Năm đầu tiên, tôi trồng dăm sào chè ta. Đến nay, diện tích trồng chè ngày một mở rộng, hơn một mẫu đất đồi của gia đình được cải tạo trồng chè mang lại thu nhập ổn định.
Chị Triệu Thị Phượng cùng con cháu không ngừng mở rộng diện tích chè của gia đình
Bước ra vườn là chạm vào chè. Hương chè xanh mát dịu, thoang thoảng trong gió khiến bầu không khí luôn trong lành, dễ chịu. Chè với ông từ bao năm nay đã như người bạn không thể thiếu. Gần 70 tuổi, ông Dũng vẫn giữ được thói quen uống trà vào mỗi buổi sớm. Nhấp một ngụm trà, ông phóng tầm mắt ra xa là ngút ngàn cây xanh trước mặt. Những luống chè uốn lượn quanh triền đồi tạo nên một bức tranh tươi đẹp. Mấy năm gần đây, trong xóm nhiều hộ hoại bỏ giống chè trung du để trồng chè giống mới nhưng ông Dũng vẫn kiên trì giữ lại hơn hai sào chè ta. Bởi với ông, đó là thứ cây đong đầy kỷ niệm từ ngày gia đình ông mới lên đây khai hoang mở đất. Những gốc chè sần sùi to bằng bắp chân người lớn dù bị cưa đi cưa lại nhiều lần vẫn đâm chồi nảy lộc. Rễ chè vẫn bền bỉ bám xuống đất sâu như tấm lòng ông gắn bó với nơi đây.
Cả đồi chè hơn một mẫu, để thuận lợi cho việc chăm sóc và chế biến chè, ông Dũng đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng ngày một tăng lên. Ông còn sắm thêm máy sao, vò chè nên mọi công đoạn từ thu hái, chế biến đến đóng gói chè thành phẩm, gia đình đều chủ động. Bình quân mỗi tháng thu hái một lứa chè, chế biến được 70 đến 80 kg chè khô cho gia đình ông thu nhập hơn 10 triệu đồng. Chè ở vùng đất này rất dễ phân biệt so với chè vùng khác bởi vị rất đậm, nịnh hương, uống xong rồi thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi. Đặc biệt hơn, chè ở đây bền nước pha đến lần thứ ba, thứ tư mà màu nước vẫn sánh.
Nhiều năm trồng, chế biến chè nhưng khi sản lượng chè của xóm ngày một nhiều mà vẫn chưa có người đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm. Vừa rồi gia đình chị Lăng Thị Hiếu, dân tộc Nùng đầu tư trên 100 triệu để mua 5 máy sao chè, 6 máy vò, máy đóng gói ép chân không… Nhờ vậy, mỗi ngày dù có nhiều người dân mang chè tươi đến bán, chị vẫn kịp sao, vò, đóng chè thành phẩm. Chè tươi mang về được trải ra nền sạch để chè thoáng, bay hết hơi nước, sau đó đưa ngay vào sao, sấy, nếu để qua đêm khi búp chè đã héo, nhựa đã chảy thì dù có sao kiểu gì nước chè cũng vẫn bị đỏ.
Chị Hiếu chia sẻ: Trước năm 1945, ông bà nội chúng tôi là những người đầu tiên từ vùng Văn Lãng, Lạng Sơn di cư đến đây khai hoang lập nghiệp. Đến đây, các cụ đã trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng thấy cây chè là phù hợp hơn cả. Đến đời chúng tôi cũng vẫn giữ nghề làm chè mà các cụ để lại. Nhận thấy bà con ở đây làm chè nhiều nhưng không phải hộ nào cũng có điều kiện sắm máy chế biến chè, gia đình tôi đứng ra thu mua sản phẩm chè tươi cho bà con với giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày thu mua 4 đến 5 tạ chè tươi, bình quân một tháng, trừ chi phí gia đình thu nhập được khoảng 15 triệu đồng.
Đang trò chuyện với chị Hiếu thì một vài khách đến hỏi mua chè. Họ đi một vòng quanh những bao chè thành phẩm đang dậy hương ngào ngạt. Người phụ nữ nhúm một ít chè khô thả vào lòng bàn tay kia, dàn đều để cảm nhận, rồi ngắm nghía, đưa lên mũi ngửi. Tỏ vẻ ưng thuận, chị thả nhúm trà vào chén, mở phích rót nước sôi ngập trà rồi đổ đi, tiếp tục rót nước sôi ngập trà và lấy cái chén khác úp lên trên. Hãm chừng ít phút, người mua cầm hai chén trà lên đổ nước sang nhau để ngắm màu nước, ngửi hương, nhấp vài ngụm mà cảm nhận. Chị Hiếu cho biết: Sự cầu kỳ và tinh tế của những người mua chè chính là cách kiểm tra thủ công rất chính xác. Bắt đầu từ xem cánh chè, ngửi hương, ngắm màu nước trà, đánh giá vị và xem hình nõn trà qua bã sau khi ngâm nước.
Đi một vòng quanh xóm Bình Minh, xen giữa nương chè xanh mướt là những con đường, ngõ xóm đã được đổ bê tông sạch sẽ. Ông Hoàng Văn Vị, trưởng xóm Bình Minh vui mừng: Xóm có 314 hộ mới được gộp từ các xóm là, Cầu Mơn 1,2, La Dịa, La Đòa. Nhân dân trong xóm chủ yếu sống bằng trồng và chế biến chè. Đặc biệt, có tới 95% số hộ dân là dân tộc Nùng, quê gốc ở vùng núi cao Lạng Sơn di cư đến từ trước 1945. Qua nhiều đời, khai hoang lập ấp, sinh nhai và nhờ loại cây này mà đời sống người dân trong xóm ngày một nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xóm giảm, hiện chỉ còn 12 hộ. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong xóm đang chuẩn bị trồng mới 9,7ha chè giống mới. Mặc dù năm nay không được giá nhưng bà con vẫn tích cực chăm bón, hi vọng thời gian tới giá chè sẽ cải thiện hơn.
Rời vùng quê Nga My (Phú Bình), hơn 20 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, gắn bó máu thịt với cây chè xóm Bình Minh
Vùng chè Bình Minh không chỉ đặc biệt bởi chè có mùi hương cốm bay, nước sánh vàng mật ong, tổng hợp tất cả các vị đắng, ngọt, chát, hương thơm hoà quyện quyến rũ lòng người, mà còn bởi sản phẩm trà được nhiều hộ dân có quê gốc từ nơi khác đến định cư và gắn bó với cây chè. Thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia đang từng ngày làm cho mảnh đất này thêm khởi sắc.
Ông Nguyễn Quốc Lập, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lập huyện Đồng Hỷ cho biết: Bình Minh là xóm có diện tích chè lớn của xã. Cây chè luôn được xác định là cây kinh tế mũi nhọn nên cấp ủy, chính quyền xã tạo mọi điều kiện tốt nhất để chuyển đổi hàng trăm héc-ta đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng chè giống mới. Đến nay, toàn xã đã có trên 300ha chè kinh doanh và 40ha chè trồng mới, trong đó tỷ lệ chè giống mới chiếm trên 30% tổng diện tích. Nhờ cây chè, đến năm 2019, xã Minh Lập chỉ còn 1,67% hộ nghèo. Chúng tôi khuyến khích người dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Quy trình sản xuất mới này đã thay cho phương thức làm chè chưa có quy chuẩn như trước đây. Hiện, người dân đã tận dụng nguồn rơm rạ sẵn có để ủ thành phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây chè. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng được người làm chè tiến hành một cách cẩn thận, đúng liều lượng và thời gian quy định. Các thuốc trừ sâu bằng thảo dược và sinh học đã đang dần thay thế các loại thuốc hóa học, góp phần làm cho chất lượng chè ngon hơn, sản phẩm chè đạt mức an toàn và giá thành cao hơn trước.
Rời vùng chè Bình Minh, đi trên con đường đang được trải nhựa mở rộng. Con đường ấy sẽ kết nối người dân nơi khác với vùng chè nơi đây. Và chúng tôi cũng cảm nhận được sự kết nối vô hình nhưng rất quan trọng giữa ý Đảng với lòng dân Bình Minh đang hòa vào là một.
Minh Khôi
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...