Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
02:34 (GMT +7)

Ngày mai tươi sáng trong “Mùa đông trên cao nguyên”

VNTN - “Mùa đông trên cao nguyên” lành và hiền dịu như chính tác giả của nó - họa sĩ Dương Văn Chung. Bức tranh cho người xem lối bố cục khá lạ mắt, cách tư duy và tạo hình gợi nhiều hơn là tả. Người xem kỳ thực đã phải suy ngẫm thật nhiều để hiểu và đoán biết được ý đồ, thông điệp mà tác giả muốn nói. Tác phẩm này đã được trao giải Khuyến khích tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực 3 Tây Bắc - Việt Bắc tại tỉnh Sơn La Tháng 8 năm 2015 vừa qua.

Vốn là người dân tộc Nùng, Dương Văn Chung phần nào hiểu về cuộc sống, nếp sinh hoạt của đồng bào miền núi. “Mùa đông trên cao nguyên” được vẽ bằng chất liệu bút bi nước, cho thấy tác giả đã nghiên cứu và thấu hiểu cái rét cắt da, cắt thịt ở miền núi, đặc biệt là vùng cao nguyên đá. Mùa đông, khi lao động trên nương rẫy, đồng bào dân tộc được sưởi ấm bởi ánh nắng mặt trời hiếm hoi, về đến nhà thì sưởi ấm bằng bếp lửa. Rét trên dẻo cao thường đến sớm hơn và lại đi muộn hơn nơi khác, nên bà con sống ở đây thường sử dụng trang phục màu sẫm, chủ yếu là nhuộm đen và xanh chàm, có lẽ những đồ màu sẫm sẽ hấp thụ nhiệt tốt hơn màu sáng, do vậy khi mặc đồ sẫm màu sẽ ấm hơn.

“Mùa đông trên cao nguyên” - Tranh: Dương Văn Chung

“Mùa đông trên cao nguyên” đã sử dụng gam màu chủ đạo là chàm - đen. Những mảng hình bó chặt ở trung tâm bức tranh, khoảng trống buông lơi của nền giấy trắng đã gợi (hướng) cho người xem hình dung về cái lạnh giá của mùa đông phủ đầy băng tuyết. Con người phải co mình trong lớp áo sợi bông thật dầy, chỉ riêng những bàn chân trần gầy guộc, xù xì như cành củi khô thì vẫn trơ trọi trong suốt mùa đông dài. Rắn rỏi vượt bao nẻo đường xa, nhưng về bên bếp lửa những đôi chân trần kia lại hiền dịu - đôi khi trở nên yếu đuối, chúng “ôm ấp” lấy nhau thân mật, nhường nhau từng chút hơi ấm. Những ngón chân thuôn gầy cử động như đang thì thầm nói với nhau về những sự chịu đựng khổ ải - nhọc nhằn đã qua. Trong yên lặng ngắm nhìn những bàn chân, nét mặt trầm tư và con mắt nhìn xa xăm…, đã đủ để ta hiểu người miền núi sống thế nào trong mùa đông, họ khát khao trông đợi điều gì...

Bằng những trải nghiệm và ý thức luôn muốn tìm tòi cách biểu đạt cho riêng cho mình, Dương Văn Chung đã khéo khai thác đặc tính của chất liệu bút bi nước vẽ trên giấy. Cách tạo hình khá tinh xảo, những chấm màu lam và đen của bút bi nước kết hợp nhuần nhuyễn đã tạo được độ đậm nhạt tinh tế cho từng họa tiết trong tranh. Nhờ sắc chàm của màu nước phủ mỏng lớp ngoài đã làm bức tranh đằm thắm, giàu sắc thái. Sự nhấn nhá sắc đỏ đã giúp người xem thấy được phía trước nhân vật dường như có ánh lửa hồng bập bùng. Hy vọng, đó là dấu hiệu tốt đẹp của một ngày mai tươi sáng.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy