Ngày Không nói tục – tại sao không?
VNTN - Có thể nói, chưa bao giờ dư luận và báo chí lại có những động thái lên án tệ nói tục, chửi thề (sau đây gọi chung là nói tục) như thời gian gần đây. Điều đó không chỉ thể hiện sự bức xúc của các tầng lớp nhân dân, mà còn là đòi hỏi của công cuộc xây dựng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, thật đáng tiếc là, ngay cả người dân bình thường cũng thấy tệ nói tục chưa có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn có biểu hiện... lây lan. Những người có văn hóa một chút luôn cảm thấy xấu hổ và bức xúc với tình trạng nói tục trong đời sống người Việt hiện nay. Bởi có lẽ chưa bao giờ người ta phải chứng kiến, cùng với sự ô nhiễm rác thải thì ô nhiễm rác ngôn ngữ lại trầm trọng như bây giờ. Nói tục ở khắp mọi nơi, từ trong nhà, ra ngoài đường, đến trường học, bệnh viện, bến xe bến tàu, rạp chiếu bóng, thậm chí cả nơi công sở.
Nói tục từ trẻ con đến người có tuổi, nhất là lớp thanh niên. Người ta mang cả tệ nói tục trong đời sống vào mạng xã hội, một số người coi như một thú vui mới thể hiện năng lực của bản thân trong việc sử dụng ngôn ngữ thô tục. Tệ hại hơn nữa là, nói tục không chỉ làm bẩn môi trường văn hóa ngôn ngữ Việt, mà nhiều khi còn là lý do dẫn đến xung đột giữa các cá nhân. Đã có rất nhiều án mạng xảy ra từ những câu nói tục khiến người trong cuộc “nóng mắt”. Vì sao lại có tình trạng đáng buồn này?
Phải chăng, trong đời sống bộn bề nhiều lo toan, đua chen với việc làm kinh tế, chúng ta đã chấp nhận sự thô tục như một lẽ thường tình, coi nhẹ nét đẹp văn hóa ngôn ngữ giao tiếp như các cụ xưa vẫn dạy “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”?, do chúng ta đã dừng lại ở mức tuyên truyền vận động chung chung để rồi việc nhắc nhở cũng còn e ngại chứ chưa nói đến chuyện xử phạt theo chế tài?
Xin đừng ai nghĩ rằng, sự văn minh thanh lịch đâu chỉ thể hiện từ lời ăn tiếng nói, mà còn ở nhiều biểu hiện khác rồi... chấp nhận cho qua. Nhưng muốn ngăn chặn và đẩy lùi, tiến tới loại bỏ nó thì phải có cách làm thiết thực, cụ thể. Nên chăng, trước hết, hãy bắt đầu bằng Ngày không nói tục vào thứ Hai hàng tuần.
Như chúng ta đã biết, theo quy định của Chính phủ, các cơ quan đơn vị, trường học... đều tổ chức lễ chào cờ hàng tuần. Giá như trong lễ chào cờ thiêng liêng này, người chủ trì kết hợp thông báo kể từ nay, thứ Hai hàng tuần sẽ là Ngày không nói tục thì chắc chắn là được mọi người đều hưởng ứng. Và đến lúc đó, nếu có ai "vi phạm" thì người muốn nhắc nhở cũng chỉ cần nhẹ nhàng hỏi "có nhớ hôm nay là ngày gì không" là đủ. Trong quá khứ từng có Ngày không hút thuốc lá, Ngày không dùng túi nylon... Nhưng do cả năm mới có một lần cho nên tuy có tuyên truyền rầm rộ và tốn kém thì kết quả cũng hết sức... mơ hồ. Nhưng Ngày không nói tục thì chẳng cần đến khẩu hiệu hay pa nô, áp phích mà lại có kết quả tức thì. Như vậy, khi đã thực hiện được một ngày không nói tục, một tuần không nói tục thì "đầu xuôi đuôi lọt ", việc loại bỏ tệ nói tục là hoàn toàn nằm trong tầm tay .
Dĩ nhiên, một khi trong cơ quan, đơn vị ... không còn ai nói tục nữa thì ngày không nói tục cũng "đi vào lịch sử "Đồng thời, những cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên... không nói tục cũng sẽ là những tấm gương cụ thể để các thành viên khác trong gia đình, ngoài xã hội noi theo.
Người Pháp có câu: Bắt đầu làm là đã làm được một nửa công việc. Tệ nói tục sẽ không bao giờ bị loại bỏ nếu chúng ta vẫn tiếp tục do dự, chần chừ.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...