Ngày hội của Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam
Tháng 3, những người làm điện ảnh và nhiếp ảnh lòng lại bồi hồi, nô nức hành hương về với khu Đồi Cọ (Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) - “miền đất thiêng” của 2 ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam.
Như cuộc trở về với “đất tổ”
Tròn 70 năm trước (ngày 15/3/1953), tại ATK Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam. Qua những chặng đường xây dựng và phát triển, Điện ảnh và Nhiếp ảnh đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân.
Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên trước bia lịch sử khu Đồi Cọ (Bản Bắc)
Ôn lại truyền thống vẻ vang đó và càng vui hơn bởi năm nay những người làm điện ảnh, nhiếp ảnh của Thái Nguyên và cả nước có chuyến về nguồn long trọng thăm lại khu Đồi Cọ, ATK Định Hóa - “đất tổ” của hai ngành. Chuyến hành hương đông đảo này có sự góp mặt của hàng trăm các nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi và những đại biểu quan trọng như: Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành; Cục trưởng Cục Mỹ Thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam Trần Thị Thu Đông; Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú… cùng lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên và những thành viên thuộc hai lực lượng Nhiếp ảnh và Điện ảnh - Truyền hình Thái Nguyên.
Các thành viên trong đoàn có người chưa về đây bao giờ, có người đã về lại nhiều lần nhưng vẫn muốn về nữa. Mọi người ai cũng xốn xang bao cảm xúc bởi khu Đồi Cọ này vốn đã rất thân quen đối với họ. Chỉ nghe tên ai cũng có cảm giác đây giống như nơi sinh ra những người làm điện ảnh và nhiếp ảnh.
NSƯT Quyền Linh sau khi cùng các thành viên trong đoàn dâng hương tại di tích lịch sử Nhà bia ở Đồi Cọ, anh xúc động: Tôi cũng về đây vài lần rồi nhưng chuyến đi lần này như một ngày hội vậy. Cùng đi trong đoàn có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh trên cả nước. Về Đồi Cọ, ATK Định Hóa, nơi khai sinh ra ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh tôi thấy bồi hồi như được trở về ký ức một thời điện ảnh của mình. Được hội ngộ với bao đồng nghiệp thân quen trong lĩnh vực điện ảnh, tôi rất vui. Đặc biệt xúc động và càng vui hơn khi chứng kiến sự chân thành, thiện cảm, mến mộ nghệ sĩ của những người dân Định Hóa.
Cùng từ những cảm xúc đặc biệt ấy, theo bật mí của NSƯT Quyền Linh: Trong chuyến đi anh em đạo diễn và diễn viên đã nảy ra một ý tưởng về một tác phẩm điện ảnh - sản xuất bộ phim truyện về Đồi Cọ. Và mọi người cùng chụm lại đưa ra những sáng kiến, phác thảo kịch bản, nội dung… Bộ phim ra đời sẽ đan cài cả ký ức và hiện tại với hình ảnh chủ đạo là đồi cọ, đồi chè. Và khi xem phim, nhìn hình ảnh cây cọ, đồi cọ, đồi chè người xem sẽ nghĩ đến ngay nơi những người làm điện ảnh “sinh ra”- nơi đó có tình yêu của những người làm điện ảnh với mảnh đất này. Và cũng từ bộ phim này làm sao để những người dân khi xem xong, cũng coi những người làm điện ảnh như chính người con ở nơi đây. Nhất định một ngày gần nhất tác phẩm điện ảnh về nơi khai sinh ra Nhiếp ảnh, Điện ảnh Việt Nam sẽ được ra đời.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Di tích đồi đồi Tỉn Keo nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc
Cùng chung cảm xúc với NSƯT Quyền Linh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh miền Nam, gồm các nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành, những người được giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh… đều rất vui sướng bởi đã là dân nhiếp ảnh thì ai cũng mong ước được một lần đến nơi đây. Đoàn NSNA miền Nam về nguồn lần này có tới 20 thành viên, do NSNA Hoàng Thạch Vân, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Phụ trách Văn phòng phía Nam dẫn đầu. Với họ cuộc trở về lần này quá hoành tráng, hiếm thấy về quy mô, kết hợp cả Nhiếp ảnh và Điện ảnh - “hai anh em song sinh” cùng thành lập trong một ngày. Việc phối hợp đó thật bổ ích, cả những người đã đóng góp, đang đóng góp và cả những người đang có một nội lực sáng tác dồi dào đều có mặt ở đây. Mọi người trong đoàn đều có cơ hội để giao lưu và ai ai cũng có một tâm trạng thật hạnh phúc khi về “miền đất tổ”.
NSNA Lý Hoàng Long, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội NSNA Việt Nam cho biết: Anh có may mắn về đây lần thứ 2. Giống như về nguồn cội, nơi đây thật gần gũi. Đặc biệt với cảnh quan thơ mộng của rừng cọ đồi chè khiến những người cầm máy trong chuyến trở về lần này đều thấy tiếc nuối. Tiếc vì thời gian không có nhiều, bởi khuôn khổ của chuyến hành trình không có nhiều để mà lưu trú và săn tìm khoảnh khắc. Giá như được ở đây sáng tác mấy ngày thì thực sự trọn vẹn. Đứng giữa rừng núi bao la anh thấy xúc động và tâm niệm chắc chắn sẽ có dịp trở về để sáng tác. “Tôi đã có ý tưởng sẽ sáng tác ở đây mấy ngày. Đặc trưng ở nơi đây là đồi chè, rừng cọ. Và tôi đã lóe lên rất nhiều thứ để chụp. Bản thân những lá cỏ khi phơi trên mái trước hiên nhà, nắng trên rừng cọ, đồi chè… đã là một đề tài tuyệt vời cho nhiếp ảnh”.
Còn với Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Trần Thị Thu Đông, khi tâm sự về điều chị ấn tượng nhất trong chuyến đi lần này chị cho biết: “Khi về tới địa phận Thái Nguyên thấy những băng rôn căng treo trên đường chào đón đoàn, anh em ai cũng xúc động vì tình cảm của Thái Nguyên. Rồi khi đoàn đi tới đâu cũng được trân trọng, được đón tiếp nồng hậu, chu đáo khiến mọi người trong đoàn ai cũng hả lòng hả dạ, chuyến về nguồn càng thêm ý nghĩa”.
Và tình cảm của những nghệ sĩ Thái Nguyên
May mắn và vinh dự là “chiếc nôi khai sinh” của Nhiếp ảnh, Điện ảnh cách mạng nước nhà, 70 năm qua Thái Nguyên đã có một đời sống nhiếp ảnh và điện ảnh đa dạng, phong phú.
Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống, anh chị em hoạt động nhiếp ảnh, điện ảnh, phát thanh và truyền hình của tỉnh rất phấn khởi. Càng vui hơn, khi năm nay Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh quan tâm nhiều hơn đến hoạt động này. Ngay từ đầu năm lãnh đạo Hội đã lên kế hoạch làm sao để tổ chức Lễ kỷ niệm trọng thể nhất, cũng như đón tiếp những người làm điện ảnh và nhiếp ảnh trong cả nước trở về một cách chu đáo nhất. Ngoài buổi gặp mặt kỷ niệm ngày 10/3 do Hội đứng ra tổ chức, để chuẩn bị cho ngày Lễ trọng đại này, Hội đã giao cho Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên tuyển chọn 70 tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu và xuất sắc của nghệ sĩ Thái Nguyên qua các thời kỳ để trưng bày tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK - Định Hóa.
Đây là những bức ảnh của các của lớp nghệ sĩ đi trước như: Chu Thi, Trần Thông Anh Sơn… và những tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Đa dạng về thể loại, qua triển lãm muốn mang đến cho người xem cái nhìn tổng quát về nhiếp ảnh nghệ thuật của Thái Nguyên cũng như những khoảnh khắc nghệ thuật mang đậm màu sắc của địa phương, của vùng miền.
Nói về sự kiện này NSNA Đỗ Anh Tuấn, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chúng tôi rất phấn khởi vì được Hội VHNT tỉnh năm nay chuẩn bị rất chu đáo cho sự kiện. 70 bức ảnh tại triển lãm được chúng tôi đã lựa rất kỹ từ trên 100 tác phẩm nhiếp ảnh gửi đến của anh chị em trong Chi hội. Triển lãm là một món quà tặng người xem và các bạn đồng nghiệp nhiếp ảnh, điện ảnh toàn quốc. Điểm nhấn của triển lãm là những bức ảnh chụp về Bác Hồ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Thi và những bức ảnh giành thành tích rất cao trong các cuộc thi của nghệ sĩ: An Sơn, Đồng Khắc Thọ, Vũ Kim Khoa, Đào Ngọc Long… Và qua triển lãm này mọi người sẽ hiểu hơn về nhiếp ảnh của Thái Nguyên - những đóng góp quan trọng của nhiếp ảnh Thái Nguyên đối với nhiếp ảnh khu vực và nhiếp ảnh cả nước trong suốt 70 năm qua.
Sau khi xem triển lãm nhiếp ảnh tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK - Định Hóa, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết: Anh chị em nhiếp ảnh của Thái Nguyên đã có một triển lãm rất kịp thời và ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành. Triển lãm là một trong những điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động mà Thái Nguyên đã làm rất tốt trong dịp kỷ niệm đặc biệt này.
Anh chị em nhiếp ảnh Thái Nguyên may mắn hơn những anh em nhiếp ảnh ở nơi khác vì đây là nơi Bác Hồ ở và làm việc. Cũng tại đây Bác đã ký sắc lệnh thành lập ngành. Từ truyền thống ấy anh em Thái Nguyên có rất nhiều nguồn động lực để sáng tác. Và khi xem các bức ảnh ở triển lãm tôi thấy đây đều là những tác phẩm đặc sắc với nhiều tác phẩm đã đoạt những giải cao. Phong phú về đề tài cuộc sống, những bức ảnh thể hiện sự tìm tòi học hỏi, chịu khó của những người cầm máy Thái Nguyên. Tôi rất mong rằng trên cơ sở truyền thống vẻ vang của vùng đất này anh chị em nhiếp ảnh của Thái Nguyên luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng nhau tìm tòi sáng tạo để có thêm nhiều hơn những tác phẩm đỉnh cao phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của đất nước.
Triển lãm nhiếp ảnh của Chi hội Nhiếp ảnh tỉnh Thái Nguyên tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam
Và không chỉ có Nhiếp ảnh, Điện ảnh Thái Nguyên 70 năm qua với hoạt động chiếu bóng, những người công tác này vẫn luôn tận tụy với sự nghiệp quảng bá tác phẩm điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và của nhân dân.
Ngoài ra, trong lĩnh vực Phát thanh - Truyền hình hơn 30 năm đổi mới, với sự phát triển của báo chí nói chung và ngành Phát thanh - Truyền hình nói riêng, đã cho ra đời nhiều bộ phim truyện, phim tài liệu truyền hình và phim điện ảnh về các danh nhân, các nhân vật, sự kiện nổi bật trong lịch sử địa phương.
Trong chuyến về nguồn cùng những nhân vật nổi tiếng như: NSND Trà Giang, NSƯT Chiều Xuân… những hội viên đang sinh hoạt tại Chi hội Điện ảnh và Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên rất vui mừng và phấn khởi. Nhà báo Phan Hữu Minh, Hội viên Chi hội chia sẻ: Đây là một cuộc về nguồn bổ ích và có ý nghĩa thiết thực. Thái Nguyên là vùng đất của di tích lịch sử, nếu những nhà quay phim của Thái Nguyên biết khai thác thì đã là một đề tài vô cùng phong phú, hấp dẫn. Qua chuyến đi chúng tôi cùng những người làm Điện ảnh của cả nước cũng bàn nhiều đến điều đó. Và đặc biệt, qua chuyến đi những nhà nhiếp ảnh và những nhà quay phim đã có những góp ý rằng: Trong những cụm di tích ở ATK Định Hóa nếu Thái Nguyên bảo tồn và giữ được những cảnh quan vốn có như: rừng cọ, đồi chè, nhà sàn… thì đây sẽ là một cảnh quan sinh động và là một phim trường vô cùng quý giá cho những người làm Điện ảnh với những mảng đề tài miền núi, nông thôn và cách mạng. Đây là những góp ý rất tốt để trong tương lai Thái Nguyên ngày càng phát triển.
Và cũng giống như bao nghệ sĩ khác những người làm Nhiếp ảnh và Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình của Thái Nguyên sau chuyến về nguồn đều có chung suy nghĩ: Biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một tầm nhìn rất xa để cho Nhiếp ảnh và Điện ảnh được ra đời và phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Đứng trước tấm bia lịch sử họ càng vinh dự và tự hào thấy mình đã đóng góp một phần công sức và trách nhiệm để tạo ra những tác phẩm phục vụ nhân dân phục vụ đất nước.
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...