Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024
14:28 (GMT +7)

Ngày Giêng nói chuyện “nhanh – chậm”

VNTN - Lâu nay, người ta nhắc nhiều đến chuyện sống nhanh, sống chậm. Đài truyền hình từng có hẳn một chương trình mang tên Sống chậm, học sinh phổ thông làm văn nghị luận xã hội lấy đề tài sống chậm làm một trong những nội dung ôn thi nòng cốt, báo chí viết về trào lưu nhanh - chậm khắp mọi nơi. Trong những trường hợp đó, “sống nhanh” thường đóng vai người xấu, “sống chậm” được phân vai người tốt. Sống chậm được cho là liều thuốc để tận hưởng hạnh phúc, chiêm nghiệm cuộc đời và giữ lại những giá trị truyền thống trong thời đại công nghệ vũ bão. Học thiền, tập Yoga, nghe nhạc cổ điển thính phòng, tĩnh tâm bằng trà đạo… là những cách thức sống chậm mà nhiều người đang áp dụng, nhất là ở các thành phố lớn.

Thế nhưng, liệu người Việt Nam thực sự đã đủ “nhanh” để uống thuốc “chậm”?

Nhìn từ văn hóa truyền thống, chúng ta vốn không hề nhanh, thậm chí rất chậm. Với đặc trưng “trọng tĩnh”, trong thói quen tư duy của cư dân nông nghiệp, yếu tố thời gian vẫn bị xem nhẹ. Chúng ta thường chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng mà bỏ qua vận tốc. Thế nên, trong giao tiếp hàng ngày, không thiếu những câu cửa miệng: “chậm mà chắc”, “từ từ rồi khoai sẽ nhừ”, “dục tốc bất đạt”, “Hà Nội không vội được đâu”, “có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn”, “chẳng chóng thì chày”, “cơm không ăn thì gạo còn đấy”, “vay nợ trả dần, cháo nóng húp quanh”, “quân tử trả thù… 10 năm chưa muộn”… Và điển hình nhất là câu ca dao quen thuộc: Đi đâu mà vội mà vàng/ Mà vấp phải đá mà choàng phải dây/ Thủng thẳng như chúng anh đây/ Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào choàng.

“Thủng thẳng” là phong cách sống của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, đôi khi, nó còn được coi là chuẩn mực. Các cụ xem tướng thường bảo, ai vội vàng, hấp tấp, chúi về phía trước mà đi là khổ, ai đủng đỉnh, khoan thai “sớm không vừa, trưa không vội” đích thị sung sướng cả đời.

Chúng ta đang bước vào những ngày xuân “thủng thẳng”. Người người đi lễ, nhà nhà “tết lại”, ngành ngành gặp gỡ đầu xuân. Ai nấy đều từ tốn và thảnh thơi trong niềm vui “quốc hội”. Một tháng trước tết mọi công việc đã được xếp lại để dành “ra Giêng ngày rộng tháng dài”. Nhưng rồi sau tết, ta lại có lí do để nhởn nhơ: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè”. Cảm hứng tết nhất chỉ nguội hẳn khi “Dưới trăng quyên đã gọi hè…” và non nửa năm dương lịch qua đi.

Mỗi nền văn hóa có lối ứng xử và cách đánh giá khác nhau. Người phương Đông chê cười kẻ vội vàng, hấp tấp “vừa đi vừa ăn” là vô duyên, phàm phu tục tử; ngược lại, người phương Tây ủng hộ cách tranh thủ thời gian này để nâng cao hiệu suất làm việc. Tiệc đứng đích thị là cách “vừa đi vừa ăn” mà người châu Á vốn vẫn chê cười. Khác biệt văn hóa cần được tôn trọng song thiết nghĩ, kỷ luật là nền tảng của một xã hội văn minh, bất chấp chúng ta đang ở đâu trên hành tinh này. Thật phiền, nếu một người “nhanh” phải “vừa đi vừa ăn” để đến công sở giải quyết công việc mà gặp một vị “chậm” đang túy lúy với chén rượu hay cuộc cờ hậu tết đầu xuân. Hàng loạt cơ quan, công sở đóng cửa đi chùa hoặc mở cửa một cách nửa vời theo kiểu “mở hàng lấy hên” suốt cả tháng Giêng không chỉ làm giảm hiệu suất lao động mà còn gây ra tâm lý bất an, thiếu niềm tin của đối tác và thói quen làm việc nhấp nhổm, thiếu kỷ luật của nhân viên.

Chậm là nền tảng của văn hóa nông nghiệp, nhanh là đặc trưng của văn minh công nghiệp. Thật khó phân định phải trái, đúng sai, có điều, hãy chậm và nhanh theo đúng kỷ luật và tinh thần văn hóa để tránh sự đụng chạm không đáng có giữa những ngày xuân hoan hỷ này.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy