Ngẫu hứng và… “ngẫu hứng”
VNTN - Một trong những sự kiện xuất bản đáng chú ý từ đầu năm đến nay là việc nhạc sỹ Trần Tiến cho in cuốn “Ngẫu hứng” (NXB Hội Nhà văn) và đã nổi lên như một "hiện tượng" tạo được tiếng vang. Nhưng công bằng mà nói thì “Ngẫu hứng” sách không thể nào được nhiều người biết đến như “Ngẫu hứng phố”, “Ngẫu hứng lý ngựa ô”, “Ngẫu hứng sông Hồng”... của cùng tác giả.
Tuy nhiên, như một "phản xạ có điều kiện", tên gọi của cuốn sách lại dễ khiến bạn đọc liên tưởng đến những quy định có tính "ngẫu hứng" ở một số bộ, ngành, kiểu như: mỗi công dân chỉ được phép sở hữu 01 xe; người có ngực lép không được điều khiển xe máy; chỉ được bán thịt tươi sống trong vòng 08 giờ kể từ khi giết mổ; hoặc cộng thêm điểm thi vào Đại học cho đối tượng là... Mẹ Việt Nam anh hùng;…
Thật ra, các “tác giả” của những quy định kia đều xuất phát từ động cơ trong sáng, xây dựng, tất cả đều vì lợi ích chung của cộng đồng. Và dĩ nhiên là trước khi ban hành, nội dung văn bản phải được xem xét kỹ theo "đúng quy trình". Tiếc rằng, có vẻ như chúng được ra đời từ một sự... ngẫu hứng nào đó chứ không hề có sự điều tra, khảo sát, thăm dò, chưa nói đến việc phải tiến hành thí điểm trong phạm vi và thời gian cần thiết. Vì vậy mới sinh ra những quy định chẳng những không ai thực hiện mà lại còn có cơ hội để trở thành... giai thoại để đời.
Ông Tony Blair, một cựu Thủ tướng Anh quốc từng nói đại ý rằng, nếu cải cách mà không động chạm đến một ai thì cuộc cải cách đó sẽ thất bại. Thế nhưng, cũng có một thực tế khác là, cuộc cải cách "động chạm" tới tất cả các thành phần trong xã hội mà vẫn không thành công. Chẳng hạn như vào thập niên 80 của thế kỷ trước, có việc sáng tạo ra kiểu chữ viết một nét, không cần nét to nét nhỏ, cũng không phải nắn nót uốn lượn và hình như là không được viết nghiêng, dân gian quen gọi là "chữ cải cách" và cũng có người gọi là "kiểu chữ con giun". Chính cái kiểu chữ "sáng tạo" này đã khiến các bậc phụ huynh (kể cả những người có "hoa tay" chuyên viết bằng khen, giấy khen) phải học lại từ đầu, nghĩa là phải biết "truyền thần" theo mẫu trong sách giáo khoa để dạy con em mình tập viết (!). Bây giờ nhớ lại, có người coi đó là do “ngẫu hứng tập thể ". Chẳng biết có đúng thế không?
Đã xuất hiện một bài báo có nhan đề là “Đừng biến học sinh thành... chuột bạch” bên cạnh nhiều bài có nội dung tương tự khác. Lại có cả hý họa vẽ một số nhà cải cách giáo dục chuyên làm việc ở trên mây. Xem ra, sự thay đổi liên tục và khó lường rất dễ để "các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh" luôn bị ám ảnh về sự "ngẫu hứng".
Tuy vậy, cũng phải nói thêm rằng, vẫn có những chủ trương không ra đời từ sự ngẫu hứng nhưng do chưa được cân nhắc đầy đủ về mọi khía cạnh trước khi ban hành dẫn đến việc thực hiện lại mang tính... ngẫu hứng. Hẳn mọi người còn nhớ có dạo, một số thành phố quyết định đưa toàn nữ cảnh sát đến điều khiển giao thông ở các trọng điểm với mong muốn các “bóng hồng” này sẽ góp phần làm tình trạng giao thông bớt căng thẳng. Thế nhưng các bóng hồng cứ thưa vắng dần và đã có nơi gần như không muốn chị em phải vất vả như vậy nữa. Lại còn chuyện cảnh sát giao thông được trang bị loại mũ cối chuyên dùng và đã giới thiệu trên Đài truyền hình quốc gia, nhưng rồi loại mũ này đã nhanh chóng bị "lỗi mốt" nên đến nay có lẽ đã “đi vào lịch sử".
Gia tài của nhạc sỹ Trần Tiến còn có cả rất nhiều ca khúc "phi ngẫu hứng", nhưng hình như những tác phẩm ngẫu hứng của ông đều có cả sự xuất thần, dễ được công chúng yêu ca nhạc đón nhận. Đương nhiên, nếu các bộ, ngành mà lại "xuất thần" theo kiểu "ngẫu hứng" thì chắc chắn là người dân... lãnh đủ.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...