Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi: Rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
VNTN - Có lẽ chưa khi nào, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung lại quyết liệt, mạnh mẽ như đối với dịch tả lợn Châu Phi. Với phương châm “nhà giữ cho nhà, xóm giữ cho xóm, xã giữ cho xã, huyện giữ cho huyện và tỉnh giữ cho tỉnh”, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai đồng thời nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do bệnh dịch này gây ra, đồng thời giữ ổn định tâm lý, tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Thái Nguyên là tỉnh thứ 10 xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, vào ngày 5-3. Nhưng phải sau đó 2 ngày, khi có kết quả xét nghiệm dương tính đối với mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Thạo, xóm Giữa, xã Úc Kỳ, Phú Bình thì tỉnh mới chính thức công bố xuất hiện dịch bệnh. Tính đến cuối tháng 3, toàn tỉnh có 4 hộ, thuộc 4 xã của huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi, với số lượng buộc phải tiêu hủy 112 con. Ngoài ra, số lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh tại các hộ liền kề ổ dịch, trong vùng dịch uy hiếp buộc phải tiêu hủy là 258 con. Tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 25.296kg. Tổng chi phí dành cho công tác phòng chống bệnh dịch này hiện là 12 tỷ đồng.
Đoàn công tác kiểm tra công tác chặn dịch tại các hộ chăn nuôi tại xóm Việt Cường, xã Đông Cao thị xã Phổ Yên
Có thể nói, số kinh phí dành cho công tác này đến nay không phải nhỏ, nhưng so với tổng thiệt hại chung của 23 tỉnh đã xuất hiện bệnh dịch (tính đến ngày 28-3) thì Thái Nguyên lại là địa phương có mức độ thiệt hại thấp. Bởi trên thực tế, đây là loại dịch bệnh có tốc độ lây lan cực kỳ nhanh và dễ dàng; nguyên nhân gây bệnh cũng chưa được xác định đầy đủ, chính xác. Cùng với đó là tình hình thời tiết những ngày qua nắng, mưa thất thường, độ ẩm không khí cao; quy mô chăn nuôi lại nhỏ, lẻ, phân tán; số lượng đàn vật nuôi lớn…
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh: Ngay từ khi chưa xuất hiện bệnh dịch này thì công tác phòng, chống đã được tỉnh chủ động triển khai với nhiều biện pháp, trong đó tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là người chăn nuôi cũng như cán bộ ngành nông nghiệp các địa phương hiểu được tính chất và mức độ nguy hiểm của bệnh dịch. Khi đã xuất hiện bệnh dịch, tỉnh đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp và ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo có liên quan theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành. Tính đến ngày 22-3, tỉnh đã Ban hành Quyết định công bố dịch tại các địa phương xuất hiện dịch; thực hiện lấy 70 mẫu; giám sát với tất cả đàn lợn khi có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn… nghi mắc dịch tả lợn châu Phi.
Hiện, tỉnh đã thành lập 39 chốt Kiểm dịch động vật tạm thời, trong đó có 4 chốt cấp tỉnh, còn lại là chốt cấp huyện với sự tham gia của các lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường nhằm kiểm soát chặt chẽ lợn và sản phẩm thịt lợn ra, vào 24/24 giờ; thành lập 8 đội kiểm tra liên ngành (1 đội cấp tỉnh, còn lại cấp huyện). Thực hiện quản lý chặt chẽ việc kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật. Tỉnh cũng đã cấp sử dụng trên 19,5 nghìn lít hóa chất và 281 tấn vôi bột để tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc ở cấp độ cao tại vùng có dịch, vùng uy hiếp và các vùng xung quanh hàng ngày, đồng thời rắc vôi bột tại các hộ chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, các hố tiêu hủy lợn.
Với quan điểm chỉ đạo giám sát tình hình dịch bệnh đến tận các hộ chăn nuôi, cơ sở thu gom, buôn bán, cơ sở giết mổ động vật, tỉnh yêu cầu các địa phương phải tuyên truyền tích cực để các hộ chăn nuôi thực hiện việc khai báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương khi phát hiện lợn có biểu hiện ốm, sốt, bỏ ăn để kiểm tra, xử lý tiêu hủy triệt để. Cùng với đó là phải tuyên truyên để người dân hiểu rõ dịch bệnh này không có khả năng lây sang người để người dân không quay lưng với thịt lợn an toàn, giúp việc tiêu thụ sản phẩm từ lợn của người chăn nuôi và doanh nghiệp tránh được những ảnh hưởng ở mức thấp nhất. Dẫu vậy, trên thực tế, bệnh dịch này đã và đang làm người chăn nuôi điêu đứng. Bằng chứng rõ rệt nhất là hiện giá thịt lợn hơi đã giảm từ 5-6 nghìn đồng/kg so với lúc dịch bệnh chưa xuất hiện tại tỉnh, còn nếu so với trước Tết Nguyên đán 2019, thì giá giảm khoảng 20 nghìn đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng hơn 30 nghìn đồng/kg.
Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cho biết: Cả 4 ổ dịch được phát hiện đều của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và số hộ bị ảnh hưởng, nằm trong vùng bị uy hiếp cũng không phải là các trang trại, gia trại lớn. Vì thế, mức độ thiệt hại do phải tiêu hủy lợn bệnh và nguy cơ nhiễm bệnh ít. Chỉ cần 1 trang trại với hàng nghìn con mà dương tính với loại bệnh dịch này thì có lẽ, số tiền mà tỉnh cấp từ ngân sách dự phòng năm 2019 là 39 tỷ đồng sẽ khó đủ đáp ứng. Chính vì thế, từ tỉnh tới cơ sở phải quán triệt và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “nhà giữ cho nhà, xóm giữ cho xóm, xã giữ cho xã, huyện giữ cho huyện và tỉnh giữ cho tỉnh”.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin thêm, hiện nay, cơ quan chuyên môn mới xác định được một nguyên nhân chính làm lây lan dịch tả lợn Châu phi, đó là qua đường hô hấp và tiêu hóa; qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo… Song có một thực tế là ở tỉnh Bắc Cạn, có một hộ dân sống cách biệt với các hộ dân khác, bản thân các thành viên trong gia đình một thời gian dài không tiếp xúc với người xung quanh nhưng vẫn có một con lợn bị chết do dịch tả lợn Châu phi. Và điều này có lẽ chỉ có thể được lý giải nguyên nhân từ loài chim di cư. Nói như vậy để thấy, nguyên nhân gây dịch bệnh đến từ rất nhiều nguồn và rất khó xác định.
Cũng vì tính chất nguy hiểm của dịch bệnh nên ngay sau khi bệnh dịch này xuất hiện, trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan đã tiến hành những buổi kiểm tra trực tiếp tại hộ chăn nuôi, chốt kiểm dịch và làm việc với lãnh đạo tỉnh. Mới đây nhất, ngày 26-3, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với tỉnh về nội dung này. Sau khi tiến hành kiểm tra tại chốt kiểm dịch cầu Ca, huyện Phú Bình, Đoàn đã làm việc với UBND tỉnh. Tại đây, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực và hiệu quả trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi mà tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Tổng ngành chăn nuôi của nước ta chiếm khoảng 5% tổng GDP cả nước, với lượng sản phẩm xuất khẩu ngày càng tăng cao. Nếu công tác kiểm dịch không tốt sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Thái Nguyên là một trong những vùng chăn nuôi trọng điểm, với 680 nghìn con, tổng sản lượng thịt hơi lên tới trên 155 nghìn tấn/năm; lại là tỉnh nằm ở trung tâm vùng, có nhiều tuyến đường trung chuyển giữa các tỉnh nên lượng người đến với Thái Nguyên hàng ngày rất lớn, trong đó có khách du lịch với thói quen mang theo thức ăn chế biến sẵn. Đây là những nguy cơ làm tình hình lây lan dịch bệnh gia tăng. Vì thế, tỉnh phải xử lý nghiêm khâu kiểm soát, vận chuyển. Cùng với đó, phải xử lý dịch bệnh đúng cách, nếu không nguy cơ phát tán dịch sẽ rất lớn.
Cũng theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An: Mặc dù Thái Nguyên đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị tỉnh mở rộng thêm hình thức thông tin tuyên truyền như trên zalo, twiter, facebook… để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn nữa. Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị, công tác đền bù thiệt hại cho người chăn nuôi phải được thực hiện công khai, minh bạch để họ không giấu dịch, cũng như không có cơ hội trục lợi từ chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình dập dịch nhanh chóng, hiệu quả.
Có thể nói, dịch bệnh tả lợn châu Phi đã và đang làm ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi nói riêng, đến nền kinh tế nước ta nói chung, cũng như tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội, an ninh trật tự. Vì thế, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp thì mỗi người dân, mỗi người chăn nuôi phải là những công dân có trách nhiệm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh dịch để loại dịch bệnh này sớm được đẩy lùi. Đó cũng chính là cách bảo vệ mình và người thân trước những ảnh hưởng mà loại dịch bệnh này có thể mang lại.
Hoài Vy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...