Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:24 (GMT +7)

Ngẫm về cơ hội và định mệnh trong nhiếp ảnh

Phải tới một thời điểm nào đó của cuộc đời, thì người ta mới chợt buột ra câu hỏi: Tại cớ gì mình lại gặp được con người ấy? Rồi sự kiện kia sao bỗng nhiên lại xảy đến với mình? Những gương mặt khác biệt cùng rời rạc bao nhiêu là chuyện vui buồn đã lần lượt diễn ra cứ tưởng thoáng chốc sẽ bay biến đi, nhưng lại được sợi chỉ thời gian âm thầm xâu kết thành vuông chiếu hay tấm thảm vô hình khi nâng đỡ, khi vặn thắt, khiến tấm thân lúc này thì thấy được phấn khích với cảm giác bay bổng; thăng hoa, lúc khác lại cảm thấu nỗi đau âm ỉ và tuyệt vọng khôn cùng.

“Sóng đời”
“Sóng đời”

Thời gian lẳng lặng trôi, nay một nhà nhiếp ảnh bỗng dưng nhìn lại dải phim âm bản cũ đã phai bạc cái sắc tím thuở ban đầu, anh ta chợt nhẹ tay, chậm lại… Ai hiểu được cái tâm trạng của một người đàn bà khi trang điểm nhìn vào gương, bần thần xoáy ánh mắt vào một sợi bạc lộ ra trong mớ tóc? Kỷ niệm thời xuân vốn mơ hồ, nỗi tiếc nuối bởi thế khó chỉ mặt, điểm tên. Cơ hội hình như đã tuột theo tiếng thở dài không thể kìm nén.

Nguyên cớ gì mà người ta lại cho rằng giọt nước mắt của một người trưởng thành thường mặn? Nhưng dù muốn, dù không, người ta phải chấp nhận chỉ có thể vùng vẫy trên cái khoảnh chiếu hoặc tấm thảm đã nâng đỡ số phận của mình. Bất kể người đời cho rằng nó đậm mùi trần thế hay ấm thơm vị nắng.

Tản mạn 1

Nói là nghề mình chọn, song khi đã được sinh ra ở vùng chiêm trũng miền châu thổ Sông Hồng, hay khi được chào đời giữa mùa nước nổi của đồng bằng sông Cửu Long, thì gần như người ta đã được mặc định trọn kiếp với nghề nông. Ngay một cậu trai mới lớn nếu may số phận nuông chiều mà lọt được vào Trường Đại học Bách khoa, thì cậu ta cũng chỉ có thể theo học một nghề nào đó trong trăm nghề mà xã hội cần. Ấy vậy mà rất nhiều những sinh viên sau khi tốt nghiệp, cũng không sống được bằng cái nghề được dạy dỗ. Người ta chẳng biết lý giải ra sao. Tại cụm chữ “bần nông” được thừa hưởng từ mấy đời bỗng như một ưu thế ghi đậm trong lý lịch, hay tại thần may mắn lười biếng, luôn bàng quan chỉ biết ngoảnh mặt làm ngơ? Hình như câu tục ngữ: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” cũng ở tùy thời và lại còn có thể bị mất thiêng.

“Nhà nông”
“Nhà nông”

 Ở Việt Nam xưa kia có làng Lai Xá được dân trong nghề gọi là “làng ảnh”. Theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì cái nghề để kiếm sống cho cả làng lại xuất phát từ một anh phụ bếp có tên Nguyễn Đình Khánh đã “quay ngang” sang nhiếp ảnh. Những bí quyết của nghề ảnh mà ông chủ người Hoa dạy bảo cho, đã được anh âm thầm nhân rộng ra cho lớp trẻ trong làng và chỉ một thời gian ngắn các hiệu ảnh có chủ nhân từ làng Lai Xá hiện diện ở khắp mọi thành phố trong nước và vươn cả ra nước ngoài. Ông Nguyễn Đình Khánh quả là một nghệ nhân mát tay, khi tạo được niềm cảm hứng khiến nhiều thế hệ người Lai Xá học tập và theo đuổi với nghiệp ảnh.

Rồi thời vận đổi thay, những hậu duệ của ông Nguyễn Đình Khánh khi có cơ hội mới lại biết “quay ngang” sang nghề khác… Vậy con số mà Wikipedia cho rằng: “vào năm 2009, có tới 60 - 70% thợ ảnh Việt Nam xuất xứ từ làng Lai Xá”- cần phải được kiểm chứng lại. Bởi người Việt những năm sáu mươi của thế kỉ hai mươi cho đến thời điểm năm 2009, ở cả hai miền Nam - Bắc đã có sự giao du rất sâu rộng với thế giới bên ngoài. Chính những du học sinh từ nhiều cách đã học được kiến thức, cùng với việc mua sắm các phương tiện nhiếp ảnh hiện đại, mới mẻ từ những quốc gia công nghiệp có nền khoa học phát triển. Khi quay trở về nước, họ đã nhanh chóng góp công làm thay đổi diện mạo cho nền nhiếp ảnh nước nhà.

Tản mạn 2

 Khi người ta chọn nghề, mục tiêu là để kiếm sống. Làm một anh thợ ảnh hay làm một phóng viên ảnh, là để hướng ống kính phục vụ theo nhu cầu của khách hàng hoặc theo yêu cầu của tòa báo. Họ được gọi là những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Người trả tiền hay cơ quan trả lương là “Thượng đế” của anh ta. Tuy vậy quyền hành của “Thượng đế” không phải là vô hạn, luật pháp chỉ cho phép sử dụng sức lao động một người trong mỗi ngày là tám tiếng, hai phần ba thời gian còn lại thuộc về cá nhân. Khoảng thời gian ấy người lao động được nghỉ ngơi hoặc tự do làm những gì mà mình thích. Người Việt lương thấp, nhưng không thấy ai kêu thiếu ăn, cũng không có cảnh sống vô gia cư, bởi thế thời gian, tiền bạc người ta dành cho thăm thú, du lịch ngày một nhiều. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, những điều mắt thấy, tai nghe hẳn đã mở ra không biết bao nhiêu ý tưởng cho một người năng động muốn đổi phận.

“Sinh tử”
“Sinh tử”

Tản mạn 3

Đối diện với số ít người việc làm nghề ảnh để kiếm sống, thì người “chơi ảnh” lại thuộc về số nhiều, khi họ hiện diện ở khắp mọi thành phần trong xã hội. Và bao giờ cũng thế: Những cung bậc của sự chơi thì chả bao giờ có mốc giới để hạn định. Nó bung nở, thay hình đổi dạng, nhuộm ám sắc màu, tham vọng còn sâu hơn đại dương và sự sáng tạo e rằng còn dám cạnh tranh cả với Chúa toàn năng.

Khi đã hình thành nghiệp chơi, người ta sẽ chẳng thể chơi được một mình. Các hội, nhóm chơi ảnh bởi thế đã tự sinh sôi. Nhu cầu giải trí trở thành bà đỡ nâng cánh cho những tham vọng trước mắt và lâu dài. Ngày nhàn hạ buồn tẻ ít dần đi, các nhà nhiếp ảnh tự cho mình lọc lõi; khôn ngoan, khi biết chọn phương tiện để đến trăm tuổi vẫn còn có cớ mà bay nhảy, học hỏi và có thể gặt hái cả thành công.

“Gianh giới”
“Ranh giới”

Làm nghệ thuật cũng như khi chơi thể thao, phải có sự thi đua, phải sinh lòng ganh tị để có động lực mà cố gắng. Câu nói: “hơn nhau tấm áo, manh quần” chắc có xuất xứ từ thời người Việt mới thoát ra khỏi bọc trứng của mẹ Âu Cơ. Trải qua bốn ngàn năm, hậu duệ các vua Hùng đã nhuộm xanh lời răn cổ như nhuộm “tấm lòng” bằng thứ nước rau muống luộc. Vinh hoa, hay bi kịch của con rồng, cháu tiên có thể cũng chỉ ở một chút xíu “hơn nhau”. Nếu chàng Công tử Bạc Liêu có đầu thai vào thời điểm này, thì sẽ mắc tật lác mắt khi liếc nhìn các tay chơi ảnh khoác theo hành trang của mình.

Chỉ hai chục năm trước người ta vẫn quen nghe chuyện các nhà nhiếp ảnh quanh bàn cà phê chỉ cho nhau cách sử dụng tối ưu những thiết bị thuộc hãng Nikon, hay Sony…, lớp người ấy nay đã bị coi là già cả, lạc hậu. Giả nếu họ giờ có giáp mặt, thì câu chuyện thường rủ rỉ vào tai nhau là cách sử dụng thuốc trị đau khớp, hay hãng dược chế ra thứ hoạt huyết dưỡng não rẻ mà công dụng tốt, hợp với thu nhập cá nhân. Họ khiếp đảm, khi nghe mấy bạn nhiếp ảnh trẻ ngồi bàn bên cạnh khoe nhau cái thành tích là đã rụng mất bao nhiêu chiếc Flycam!

Nhiều người quan sát những thiết bị ghi hình đeo trên cổ hay nằm trong cốp xe một nhà nhiếp ảnh thời nay mà ngầm khẳng định đẳng cấp về độ sâu, độ sang của một tay chơi ảnh. Lại có người cười thầm trong dạ, khi cho rằng chính đống thiết bị mới là vật chủ đang điều khiển nhà nhiếp ảnh. Thời điểm mà loài người đã lún chìm vào thế giới của công nghệ, lại cùng “phải lòng” với nàng trí tuệ nhân tạo sôi nổi trẻ trung, thì rồi chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Câu nói “Sinh nghề tử nghiệp” thực ra đã đủ nghĩa ở kiếp nhân sinh. Trong khi nghề và nghiệp có thể coi là hai từ trùng nghĩa, thì sinh – tử lại nằm ở những mốc giới đối chọi nhau. Nhưng nghề thì đơn tuyến mà nghiệp lại là biến số thăng trầm để khiến cả vạn người cùng theo một nghề mà lại có sự nghiệp hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, khi câu nói: “Người chọn nghề, hay nghề chọn người” luôn còn nằm trong thể giả định mơ hồ,  thì người ta vẫn có thể chọn cách, hoặc phương pháp để “tử nghiệp” thế nào.

Bài và ảnh: Tân Vũ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy