Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
10:03 (GMT +7)

Nặng tình

VNTN - Tôi lái xe đưa sếp đến họp phụ huynh. Trời nắng như đổ lửa ngồi ở ghế đá dưới bóng mát cây phượng vĩ vẫn không chịu được cái nóng của sân bê tông, tôi đành vào phòng bảo vệ để xin chén trà và góp chuyện. Ở đấy đã có mấy người đang chuyện trò vui vẻ. Thấy tôi, ông bảo vệ gợi chuyện:

- Xin chào, xe của sếp vào loại sang đấy.

- Đâu có, cũng bình thường thôi.

- Sếp to thế xe đẹp là phải.

- Sếp nhì của sở, nhiều nhan nhản ấy mà.

Ông bảo vệ “chuyển làn”:

- Bọn tôi thấy sếp cậu cũng chăm chỉ đi họp phụ huynh cho con ra trò.

- Vâng, không họp thì có mà toi, sếp năm nào cũng họp đôi kỳ, đóng góp gấp đôi người khác.

- Thật là quí, lớp nào cũng có vài phụ huynh vô tư như sếp cậu thì hay quá.

Tôi cay mũi, chẳng giấu diếm:

- Vô tư gì, con trai của sếp lười như hủi. Mấy năm sếp đi học buông lỏng nó hỏng mất rồi, chẳng biết gì. Giờ suốt ngày phải điện thoại nhờ cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đưa vào diện “nâng đỡ” làm sao để được lên lớp. Chính phòng học mà con sếp đang học còn được sếp “đầu tư” hai bộ điều hòa đấy. Nể quá.

Một ông tóc điểm bạc không biết là khách hay là chủ quay sang tôi cười nói to:

- Đó là chuyện thường ngày ở huyện. Trong trường này tôi dạy hai mấy năm có biết bao con giáo viên. Cậu không hiểu câu ca “con sếp thì láo, con thầy giáo thì dốt” à!? Lớp nào có đôi ba đứa là bọn tôi toát mồ hôi, không nâng điểm sao được.

Ông ta vừa nói xong, một cô đã đứng dậy, trông có phần đanh đá:

- Này, nói mồm mà có làm được đâu. Anh sắp về hưu cũng nên tỏ ra có chút tình. Đằng này cạn tình quá đấy. Vừa rồi tôi xin anh hai cháu mà giúp có một.

- Thế là 50% rồi. Còn phải để ra 50% để chứng minh chất lượng thật chứ. Ông giáo bực bội ngắt lời.

Cô kia chưa chịu:

- Này, anh có biết cháu bị anh xếp trung bình kia là cháu nội bác nguyên là hiệu trưởng không. Năm ngoái đã để trung bình, năm nay vẫn thế. Anh ấy nói thế này mọi người có mủi lòng không: Tôi làm hiệu trưởng mười năm, có 5 con giáo viên thiểu năng tuần hoàn não, vậy mà cứ cho học, cho lên lớp, cho tốt nghiệp. Vậy cứ coi cháu tôi vào dạng ấy đi, mặc dù cháu lành lặn.

- Đấy vấn đề ở chỗ đó, nó lành lặn thì phải học phải ghi chép bài, làm bài. Cụ ấy cũng bảo tôi, nhưng công ơn cụ ấy lại là chuyện khác.

Cô giáo ấy cụt hứng, tưởng là êm chuyện, nào ngờ một cô giáo trẻ hơn xán lại, cô ta cười rất duyên, nhìn ông giáo già kia cợt nhả:

- Nào, sợ chưa. Sợ thì em vạch ra cho anh xem. Anh nói đạo lý sống sượng quá. Chẳng qua thằng nhỏ không học thêm nên anh trù nó. Nó học thêm lớp em thì sao. Em kiến thức kém anh hay dạy tồi hơn anh. Hay em chưa cho anh sơ múi gì nên anh đá thúng đụng nia, giận cá chém thớt.

Ông giáo mặt đỏ bừng, cố đẩy cô giáo ra, mọi người cười vỡ bụng. Xem ra ông giáo bị “điểm huyệt”.

Nghe họ cự cãi, tự ái trong tôi nổi lên. Tôi khua tay xin phát biểu:

- Tôi chỉ là anh lái xe nhưng qua mấy đời sếp lớn. Nói thật, lo cho chất lượng con cái ai không lo. Muốn con hay chữ tất nhiên phải yêu quý thầy. Sếp tôi giỏi lắm đấy. Sếp tôi bảo phải nhìn xa. Bây giờ con sếp lớp 7 nhưng tiêu chí thi vào THPT thế nào, ai là hiệu trưởng mấy trường quanh đây, sếp đều đã có giao du, chứ chờ nước đến chân mới nhẩy là vứt.

Nói cho cùng ta sống với nhau phải nặng tình, lo cho nhau, nhìn nhau mà sống phải không các thầy cô. Trường học hơn các chỗ khác ở chỗ đó phải không?

Mấy người lặng phắc, bối rối nhìn nhau. Tôi cũng im lặng bỏ đi. Hình như tôi vừa nói toạc ra cái điều mà bản thân tôi cũng không muốn tin là nó có thật trên đời.

 

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Điều đàn ông sợ

Câu chuyện văn hóa 2 tháng trước

Hãy cứ “nghĩ hộ” con

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

"Của cho không bằng cách cho"

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước

Chồng hoang vợ vụng

Câu chuyện văn hóa 4 tháng trước