Nâng cao trình độ và nhận thức của cán bộ về tác dụng và vai trò của văn học nghệ thuật (Phần 1)
Phần 1: Sự suy thoái của những kẻ quá ham vật chất và thích xiểm nịnh
Nhìn từ phương diện văn hóa, người Việt xưa, trong hệ văn hóa phương Đông, coi trọng nhân cách và phẩm chất con người. Người làm quan lại càng được coi là những mẫu mực. Những tiêu chí liêm khiết, cần kiệm liêm chính – chí công vô tư, được nhiều đời lấy làm chuẩn.
Tác giả: Nhà phê bình Ngô Thảo
Gần đây, nhiều người nhắc lại bài Tứ tôn châm, cụ Nguyễn Khắc Niêm dâng lên Vua Thành Thái năm 1907, sau khi đỗ Hoàng Giáp, như một kế dựng nước: Tôn tộc đại quy / Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy (Trần Đại Vinh dịch nghĩa: Tôn trọng nòi giống, ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc, tất đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng xiểm nịnh, ắt đại suy vong): Ý rất rõ là cảnh cáo những kẻ quá ham vật chất, và thích xiểm nịnh.
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nhưng khi nói đến những vấn đề tồn tại, đồng chí thẳng thắn chỉ rõ: “Về xã hội, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế và nhiều dịch vụ công ích khác còn không ít hạn chế; văn hóa, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, tội phạm và các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên”.
Thực tế, những năm qua, cho chúng ta thấy một nghịch lý, là số cán bộ, đảng viên vi phạm ấy, đều là người có quyền, có chức, nhiều người có quyền chức rất cao. Họ thuộc trong những người ưu tú, xuất sắc, được lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, qua nhiều cương vị công tác khác nhau, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhiều cơ quan nghiệp vụ khác nhau, vậy mà phạm những tội lớn đến khó ngờ. Một số người phạm tội rồi, mà do chưa xử lý kịp thời, nên vẫn được nâng lên những chức vụ cao hơn.
Điều này xảy ra, không chỉ riêng ở nước ta. Ở nước láng giềng Trung Quốc - cùng thể chế chính trị tương tự, mấy chục năm qua, thường xuyên có rất nhiều quan chức cao cấp bị “song khai” (Khai trừ Đảng và công chức), một số tội nặng đến tử hình. Mới nhất, ngày 5/11/2021, Viện Kiểm soát tối cao Trung Quốc quyết định bắt giữ Tôn Lập Quân, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Trước đó, ngày 30/9/2021, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc ra thông báo với vi phạm cụ thể: “Tôn Lập Quân chưa bao giờ thực sự có lý tưởng và niềm tin; tham vọng chính trị cực kỳ lớn, phẩm chất chính trị cực kỳ xấu xa, quan điểm về quyền lực và thành tích chính trị cực kỳ lệch lạc; không chỉ tùy tiện bác bỏ các chính sách lớn của Trung ương Đảng, còn tạo ra và lan truyền tin đồn chính trị, ngoài thuận trong nghịch, dối trên lừa dưới.
Để có được vốn liếng chính trị và đạt được các mục tiêu chính trị cá nhân, Tôn Lực Quân đã không từ thủ đoạn, thao túng quyền lực, kéo bè kết phái trong đảng, vun đắp quyền lực cá nhân, hình thành nhóm lợi ích, thậm chí chiếm giữ, cất giấu riêng tư số lượng lớn tài liệu bí mật; sử dụng các phương pháp điều tra của công an để chống lại công tác thẩm tra của tổ chức”.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công an được coi là trẻ nhất này còn: “Ra sức bán chức, cài cắm thân tín, phá hoại nghiêm trọng hệ sinh thái chính trị của hệ thống chính pháp công an, có lối sống sa đọa, trụy lạc, đã nhận số lượng lớn đồ vật có giá trị trong một thời gian dài, nhận lời mời tiệc tùng và hoạt động tiêu dùng cao cấp ảnh hưởng đến việc thực thi công bằng công vụ trong thời gian dài; sắp xếp cho các chủ doanh nghiệp tư nhân thuê sử dụng văn phòng cao cấp trong thời gian dài; chìm đắm trong sự sa đọa hưởng lạc không giữ ranh giới đạo đức; tham gia đổi quyền lấy sắc, đổi tiền lấy sắc, cực kỳ tham lam, ra sức đổi quyền lấy tiền, nhận bất hợp pháp số lượng tài sản khổng lồ.” (Báo Tiền Phong ngày 7/11/2021).
Những tội trạng đó diễn ra trong một thời gian dài, ở nhiều cấp, mà nhân vật này vẫn vượt qua nhiều sự kiểm soát, tiến thân rất nhanh, trong một thể chế chính trị chặt chẽ khá lý tưởng, nói lên sự nguy hiểm khi lựa chọn những cá nhân không đạt chuẩn cơ bản. Có rất nhiều cơ hội, cám dỗ, hoàn cảnh để một cá nhân ưu tú khi được cơ cấu vào hệ thống công quyền thay hình, đổi sắc để mưu lợi riêng.
Môi trường sinh thái chính trị - kinh tế ngày nay - cũng như không khí thở hàng ngày - nhiều chất ăn mòn mạnh đến nỗi không một loại thép đã tôi ở độ lửa cao nào không bị han rỉ. Mà đó là hiện tượng quốc tế.
Nhận thức được thực tế đó, Đảng ta đã luôn lấy việc xây dựng- chỉnh đốn Đảng làm nhiệm vụ trọng tâm. Mới đây, Đảng lại bổ sung Những việc Đảng viên không được làm.
Nhìn từ phương diện văn hóa, người Việt xưa, trong hệ văn hóa phương Đông, coi trọng nhân cách và phẩm chất con người. Người làm quan lại càng được coi là những mẫu mực. Những tiêu chí liêm khiết, cần kiệm liêm chính - chí công vô tư, được nhiều đời lấy làm chuẩn.
Gần đây, nhiều người nhắc lại bài Tứ tôn châm Cụ Nguyễn Khắc Niêm dâng lên Vua Thành Thái năm 1907, sau khi đỗ Hoàng Giáp , như một kế dựng nước: Tôn tộc đại quy / Tôn lộc đại nguy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy (Trần Đại Vinh dịch nghĩa: Tôn trọng nòi giống, ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bỗng lộc, tất đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng xiểm nịnh, ắt đại suy vong): Ý rất rõ là cảnh cáo những kẻ quá ham vật chất, và thích xiểm nịnh.
Bước sang thế kỷ XXI. Kinh tế nước ta phát triển với tốc độ nhanh. Bộ mặt đất nước, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi cũng như miền ngược đã thay đổi rất nhiều. Thu nhập bình quân được nâng cao. Điều kiện sống được cải thiện. Nhưng quan hệ xã hội có những thay đổi ngoài ý muốn.
Bước vào thời kỳ phát triển mới, xã hội thiếu những tiêu chí, chuẩn mực, quy chế ứng xử trong cộng đồng, và của từng đối tượng phù hợp với thuần phong mỹ tục truyền thống, mà vẫn theo kịp những di biến hiện đại.
Đất nước mở rộng giao lưu, bước vào thời kinh tế thị trường, sự phân biệt giàu nghèo, phân chia đẳng cấp được khôi phục, những khái niệm quen thuộc ngày nào như Chuyên chính vô sản, Đấu tranh giai cấp, Làm chủ tập thể, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho CNXH, xây dựng con người mới XHCN… được giải thể.
Quyền lợi vật chất và tiền bạc được công khai coi trọng. Hệ thống hành chính ngày càng nhiều quy định chế độ hưởng thụ ngoài lương gắn với các đặc quyền phụ thuộc cấp bậc, chức vụ, học hàm, học vị, ngôi thứ cũng tạo nên tâm lý cạnh tranh để có mức hưởng thụ ngày càng cao.
Trong tiểu thuyết O, Mari của Robert Enghibarian (NXB Văn học 2016), viết về xã hội Xô viết những năm cuối tồn tại, nêu khá rõ một nghịch lý, là nhiều những người vốn tử tế, trong sáng, phấn đấu để được vào làm viên chức nhà nước, với nguyện vọng đẹp đẽ: Cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Nhưng khi bước vào, ai cũng chỉ có một đồng lương không đủ sống. Vậy là bao nhiêu tâm sức dồn cho việc xoay xở, đẽo gọt, bớt xén thì giờ, của cải để có thêm thu nhập. Biết bóc xén của nhau là tàn nhẫn, thiếu lương tâm, nhưng không làm thế, thì không đủ sống. Ai không cam tâm làm những việc mờ ám đó, thì sớm muộn phải bật ra khỏi hệ thống.
Sự tha hóa nằm ở hệ thống, chứ không chỉ một vài cá nhân. Tất nhiên, hoàn cảnh xã hội VN đã có nhiều thay đổi. Nhưng đó vẫn là một nguy cơ nên biết để tránh…
(Còn nữa)
Ngô Thảo
(Theo: vanvn.vn)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...