Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
22:58 (GMT +7)

Nắn đường

VNTN - Ông Túc tỏ ra tiếc của, xuýt xoa bảo tôi: - Chú ạ, anh ân hận quá. Giá cứ để mọi việc diễn ra thì anh có mấy tỷ chú ạ. Ai ngờ.

Nghe ông nói tôi rất muốn an ủi mà chưa biết làm thế nào. Là ông già suốt đời cuốc đất khai phá, kiếm tiền trăm, tiền chục, thì làm sao dám mơ đến tiền tỷ. Tiếc đứt ruột là phải.

Ông tâm sự:

Cách đây mấy năm, mọi người bàn tán Nhà nước sắp cho làm con đường lớn đi qua, nghe mà phấn khởi. Họ còn nói như rót mật: Nhà nào có đường đi qua còn được đền bù khối tiền, có người trở thành triệu phú.

Ông Túc đi đường về nhà, vừa đi vừa cầu trời khấn phật. Ông có mấy ngàn mét, có lấy đi vài trăm mét bõ bèn gì. Nếu được tiền ông sẽ chia cho các con rồi làm lại cái nhà khang trang.

Rồi việc đến thật. Xã mời mấy chục gia đình đến họp thông báo kế hoạch làm đường. Yêu cầu khi nào cán bộ dự án đến phải nghiêm túc phối hợp để dự án nhanh chóng vào thực hiện. Ông Túc báo cho các con. Cả nhà náo nức.

Thời gian chờ đợi bồn chồn gan ruột. Gần nửa năm sau anh Đức, Phó Chủ tịch xã dẫn hai anh cán bộ trẻ tuổi đến nhà ông, giới thiệu đó là chuyên viên dự án. Đúng là thời buổi trí tuệ, anh nào cũng trắng trẻo, đeo kính cận, nói năng nhỏ nhẹ. Một anh mở tờ vẽ sơ đồ to như cái chiếu ra giữa sân gạch rồi lấy bút chỉ vào một ô:

- Thưa ông, đây chính là sơ đồ con đường, cái ô đất cháu chỉ chính là nhà ông đang ở. Đất của ông đa phần vườn tạp. Nếu đền bù giá ấy sẽ không được bao nhiêu. Nếu muốn tăng lên chúng cháu sẽ có hướng giúp ông là thủ tục chuyển đổi một phần sang đất thổ cư. Mất dăm chục triệu nhưng sau đền bù vài trăm triệu thêm vào. Tính ra nếu thế ông sẽ có gần hai tỷ chứ không ít.

Nghe anh ta nói, ông cảm động. Tiền của Nhà nước, nhưng nếu có vận dụng thì dân sẽ được hưởng khá hơn. Mà lớp trẻ bây giờ có học thương người già, người lao động. Ông Túc chỉ còn biết vâng dạ. Ông bắt con gà chạy vườn, cút rượu ngô, mời các anh vui trưa đó.

Ông Túc viết thư cho các con nói về tiền, ông cụt hứng vì chúng toàn làm Nhà nước, lấy đâu ra tiền nộp hợp pháp đất lại còn nói rất vô trách nhiệm:

- Bố ạ, cứ nguyên thế, được bao nhiêu thì được, nộp tiền bây giờ nếu không làm đủ thủ tục, đòi ai đây.

Lại nửa năm sau. Vẫn các anh đến hôm trước nhưng có thêm một anh tuổi trung niên. Anh Đức giới thiệu đây là anh Tuấn, Phó Giám đốc dự án. Anh này lầm lầm ít nói, ít cười. Cấp cao thì chắc chắn hơn cấp dưới là đương nhiên. Anh Đức gọi ông ra sân nói ngắn:

- Thế này, cụ ạ. Đền bù có mấy loại giá. Cháu đang tính cho cụ giá loại 1 tính sơ sơ cụ có trên hai tỷ. Nhưng làm giá này có mấy người mới nên hội đồng. Vậy cụ cho chúng cháu xin mảnh có cái nhà ngang nhà bếp. Cụ mất có hai trăm mét, lại được thêm bao nhiêu tiền. Nếu cụ nhất trí lần sau có cán bộ đến cụ cho chữ ký.

Cụ bắt chặt tay anh Tuấn. Có quyền có khác, lời nói rõ ràng, sòng phẳng, không úp úp mở mở như cán bộ xã. Cụ Túc lại bàn với các con. Lại không đứa nào tán thành. Thằng cả còn dạy khôn:

- Biết thế nào hở bố, có ba rem, sau còn tội hối lộ mang tiếng.

Ông Túc ốm mấy ngày. Cán bộ đến ông trả lời không đồng ý. Anh cán bộ hầm hầm ra về.

Năm sau con đường to rộng khởi công còn cách nhà ông đường chim bay trên trăm mét. Thế là cụt hứng.

Hôm đó ông lững thững đi bộ ra xem họ san lấp. Thế nào lại gặp mấy anh cán bộ dự án. Ông định thắc mắc. Anh Tuấn cười nửa miệng bảo:

- Cụ không đồng ý phương án, nên chúng cháu mất bao nhiêu công nắn lại đấy cụ ạ. Nắn thế này đỡ tiền đền bù lại khoa học.

Nghe ông kể, biết thêm một kiểu kiếm chác lạ lùng từ tiền của nhà nước, tôi cũng ngỡ ngàng. Tôi an ủi ông:

 - Thời đại công nghệ, họ nắn được đường dễ như không bác ạ. Nhưng mà tôi thấy các cháu nhà bác xử sự đúng đấy. Bác tiếc làm gì, các cụ bảo rồi, đồng tiền bất chính rồi cũng đội nón mà đi thôi.

Ông Túc ậm ừ rồi không nói gì thêm. Nhưng tôi nghĩ là ông hiểu, những đồng tiền kiếm từ sự trục lợi vốn là thất đức thì có bao giờ bền.

Nguyễn Đình Tân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước