Myanmar trong mắt tôi
VNTN - Nếu bạn muốn ngắm những tòa nhà chọc trời, thả bước trên đại lộ thênh thang, mãn nhãn với muôn gương mặt nhan sắc long lanh… thì bạn không nên đến nơi này. Còn nếu bạn muốn tẩy sạch lá phổi của mình bằng bầu khí quyển đầy ắp ô-xy, ngủ ngon trong hơi thở trời đất an lành, thong dong ngắm chùa chiền nghìn tuổi… thì đây sẽ là trải nghiệm hiếm có trong đời.
Ngỡ ngàng khác lạ
Myanmar đón bước chân đầu tiên của chúng tôi bằng hệ thống thảm len cực dày và êm ái. Nụ cười trên môi đội ngũ an ninh “soi” khách nhập cảnh, kèm theo câu “thank you” nhẹ nhàng là điểm khác lạ so với những chuyến ra nước ngoài trước của tôi.
Khi đặt tour đi Myanmar, tôi chỉ đơn thuần chọn thời điểm mình rỗi rãi. Bởi thế, khi nhập đoàn, tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người mặc áo dài hoặc trang phục lễ chùa. Hóa ra, tôi đã đến đất nước Phật giáo đúng vào ngày Rằm tháng 7, vào mùa Vu Lan báo hiếu. Và chuyến du lịch của tôi trở nên đặc biệt.
Chùa Vàng Myanmar
Tôi đã đọc để hiểu về Myanmar. Đất nước có tên gọi cũ là Miến Điện nằm ở phía Tây Bắc của Đông Nam Á. So với Việt Nam, Myanmar có diện tích lớn gấp đôi, nhưng dân số chỉ bằng 2/3. Xưa kia, Myanmar là đế chế hùng mạnh nhất Đông Nam Á do sở hữu nhiều mỏ năng lượng, đá quý, gỗ tếch, đồng và than đá. Đầu thế kỷ 19, Myanmar bị đế quốc Anh xâm lược. Sau khi giành được độc lập (1948), đất nước phát triển mạnh. Nhưng khi trở thành chế độ độc tài (1962), đất nước phồn thịnh này bị cô lập và thành quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Từ năm 2012, trước những cải cách mạnh mẽ của Myanmar, các nước từng bước bỏ cấm vận, xóa nợ, cung cấp ODA và Myanmar đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế.
Hiểu sơ qua về Myanmar như thế, nên tôi không ngạc nhiên khi thấy phố xá tại cố đô Yangon cũ kỹ, đường hẹp, nhà thấp và không nhiều biển hiệu rực rỡ sắc màu. Myanmar được mệnh danh là đất nước của phong cách “sống chậm”. Điều này tôi cảm nhận được ở dòng ô tô cổ lỗ “chảy” trên đường tịnh không một tiếng còi, không một ai bật đèn pha sáng quắc, không xe nào vượt đèn tín hiệu hoặc lấn làn đi ẩu. Có lẽ vì “sống chậm” mà họ ít tác động vào thiên nhiên. Những khoảnh rừng lớn được quây lại, thành phố chìm trong màu diệp lục, cây cỏ vô tư phát triển không cần tỉa cành xén lá; bồ câu hồn nhiên sinh nở đàn đàn lũ lũ, đậu kín dây điện, kín nóc nhà, dạn dĩ bay theo chân người. Sáng sớm, tôi bị đánh thức bởi những tiếng “quà quà”. Mở cửa sổ, tôi thấy bầy quạ tíu tít đập cánh trong các vòm cửa. Ở các góc phố, người ta treo giỏ thóc hoặc thịt nuôi chim. Màu đen của quạ pha lẫn màu ghi xám của chim bồ câu phủ kín vạt vỉa hè.
Gần 90% người dân Myanmar theo đạo Phật. Đây là quốc gia Phật giáo lớn nhất thế giới. Tư tưởng Phật giáo trở thành nếp sống của toàn xã hội, hơi thở Phật giáo thấm trong từng thớ phổi của người Myanmar.
Chùa nằm trên sông
Điệp là hướng dẫn viên du lịch của đoàn, đã sống tại Myanmar 7 năm kể cho chúng tôi nghe kỷ niệm thuở ban đầu cậu sang đất nước này: Những chiếc xe cà tàng “nhồi” khách nghẹt thở; đèn đỏ có chỗ dừng đến 10 phút; bác xe ôm nghèo từ chối lấy tiền khách vì “mỗi hôm tôi phải làm được việc tốt”… Chữ viết và tiếng Myanmar đều khó học cộng với điều kiện sống thiếu thốn nên không ít lần Điệp định xách va-li về nước. Thế rồi, cái “duyên” níu lại, dần dà, cậu “yêu” chốn này lúc nào không biết. Điệp kể không ngớt những đức tính đáng yêu của người dân nơi đây: Họ nhạy cảm và giàu tình thương, chỉ nhìn thấy con vật bị giết thịt là họ òa khóc; họ buông bỏ rất nhanh và ít khi giận hờn ai; họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại; họ coi bố mẹ là Phật sống và cung phụng hàng ngày, nhiều người không lấy chồng lấy vợ để dành thời gian chăm sóc bố mẹ. Nhưng khi bố mẹ qua đời, họ thiêu xác, rải tro ra biển để bố mẹ “trở về” bên Phật là không còn nặng lòng thương xót nữa...
Sắc vàng lóng lánh
Myanmar có lẽ là quốc gia lập kỷ lục thế giới về số lượng chùa và thiền viện. Cả nước có gần 200 nghìn ngôi chùa lớn nhỏ. Chùa là nơi chứa đựng toàn bộ đời sống tinh thần của người dân. Khi buồn, họ thổn thức giãi bày với Phật. Khi vui, họ đến nơi này cúng dường thể hiện lòng biết ơn. Tôi gặp các đại gia đình ôm hoa vào chùa. Họ ngồi im phắc mặc mọi thứ diễn ra xung quanh. Họ ngước ánh mắt hiền vuốt ve gương mặt Phật. Họ nhẹ nhàng dội từng gáo nước thơm tắm tượng Phật.
Có một ngôi chùa là biểu tượng Phật giáo thế giới, niềm ao ước được đến một lần trong đời của hơn 60 triệu dân đất nước này, là chùa Vàng Shwedagon tọa trên đỉnh đồi thiêng Singuttara, thành phố Yangon.
Chúng tôi hòa vào dòng người nườm nượp, gửi dép, nhận chai nước uống và khăn lạnh nhà chùa phát, đi qua máy soi an ninh, lên hai tầng thang cuốn để bước vào địa phận Chùa. Theo truyền thuyết, khoảng thế kỷ 6 trước công nguyên, có hai anh em nhà buôn tên là Tapussa và Bhallika sang Ấn Độ buôn bán và được giác ngộ về đạo Phật nên về Myanmar xây chùa. Hai nhà buôn được Đức Phật ban cho tám sợi tóc và một nhánh rễ cây bồ đề nơi Đức Phật chứng ngộ.
Vị trí trung tâm của chùa là tòa tháp hình quả chuông úp ngược. Lúc đầu tháp xây bằng gạch, cao 26m. Đến thế kỷ 15, một nữ vương cung tiến 41kg vàng, bằng đúng trọng lượng cơ thể của bà để dát lên tòa tháp. Từ đó, phong tục cung tiến vàng, ngọc dát lên tháp nhân lên theo thời gian. Hiện tại, tháp chùa Shwedagon cao 98,9m, được dát 70 tấn vàng và nạm gần 90 nghìn viên ngọc quý. Quả cầu trên đỉnh tháp nạm 1.600 viên kim cương, trong đó có viên kim cương tráng lệ nhất nặng 76 cara. Theo chỉ dẫn, chúng tôi chậm rãi đi từ trái sang phải, ngắm tháp vàng phát quang lóng lánh, dừng chân ở các bảo tháp, nhẩn nha tắm Phật, hưởng bóng mát dưới tán bồ đề truyền thuyết. Bắt chước người bản địa, tôi ngồi vào khu đất thiêng, nhắm mắt lắng nghe hàng vạn lá bồ đề vàng gõ vào những quả chuông vàng bé xíu treo quanh tháp, đang ngân lên chùm âm thanh huyền bí, ring rang… ring rang... ring rang…
Ở Myanmar, bước chân khỏi nhà là nhìn thấy màu vàng của chùa. Vàng với người Myanmar không mang giá trị vật chất mà là vật cúng tế biểu thị lòng tôn kính. Ở đây có những ngôi chùa rất đặc biệt. Như chùa Thaluyn nổi trên sông Yangon. Chùa chưa bao giờ bị ngập nước và quanh năm có một đàn cá “thần” bơi quanh quẩn trước chùa. Hay chùa Đá vàng xây dựng vào năm 574 trước công nguyên, nằm trên đỉnh Kyaiktiyo ở độ cao 3.615m so với mực nước biển. Chùa là một tảng đá khổng lồ được dát vàng tọa lạc trên một mỏm đá chênh vênh bên mép vực, luôn ở tư thế chuẩn bị rơi đã hàng ngàn năm nay…
Các nhà sư không ở chùa mà tập trung tu luyện trong các thiền viện. Chúng tôi đến Thiền viện Kyat Khat Wine (thiền viện lớn nhất Myanmar nằm ở thành phố Bago, cách Yangon 80km) lúc hơn 11 giờ trưa, chờ các chư tăng đi thọ trai (ăn trưa). Người tu hành ở Myanmar được ăn hai bữa vào 7 giờ sáng và trước 12 giờ trưa. Thiền viện Kyat Khat Wine có gần 700 nhà sư tu tập. Toàn bộ chi phí ăn, ở, học tập trông vào nguồn cúng dường của người dân. Lúc chúng tôi đến, đã có hàng trăm người chờ với các đồ vật trên tay: Chuối, thanh long, xoài, cơm trắng, mì tôm, gạo… Các chư tăng đi hàng một với bình bát bưng ngang bụng. Tôi đặt tờ 1.000 chạt (tương đương 18 nghìn đồng VNĐ) vào những chiếc bình bát màu đen. Có bình bát còn dính vài hạt cơm, dấu vết của bữa khất thực sáng nay…
Trên đường phố Myanmar, tôi thấy những chiếc ô tô mang biển số màu vàng. Điệp cho biết đó là xe dành cho các ngài Tam Tạng. Từ năm 1949, Myanmar bắt đầu tổ chức thi chọn Tam Tạng. 500.000 “thí sinh” là những chư đại đức tăng thành viên của giáo hội Tăng già trên khắp nước Myanmar trải qua kỳ thi đọc thuộc lòng, phân tích và tụng 8.026 trang kinh bằng tiếng Phạn ghi lại toàn bộ giáo huấn của Đức Phật. Đến nay có 14 vị, mệnh danh là thần đồng, được công nhận Tam Tạng và trở thành quốc bảo của đất nước này.
Trên đất Myanmar có duy nhất một ngôi chùa của người Việt Nam tên là chùa Đại Phước. Ngôi chùa này được ngài Tam Tạng Bảy đỡ đầu. Nhân Rằm tháng 7, Đại đức Thiện Ngọc trụ trì chùa Đại Phước tổ chức Lễ Vu lan báo hiếu và mời ngài Tam Tạng Bảy đến làm lễ, tham gia còn có ngài Tam Tạng Tám và Tam Tạng Mười. Hơn 40 tuổi, ngài Tam Tạng Bảy trẻ nhất trong 14 Tam Tạng ở Myanmar. Thầy có giọng nói trầm ấm, tác phong đường bệ, con người tỏa ra nguồn năng lượng an nhiên ấm áp. Duyên lành chưa hết, chúng tôi còn được gặp ngài Tam Tạng Ba tại Bảo tàng xá lợi Hsu Htoo Shin. 77 tuổi nhưng giọng nói vang khỏe, sau khi đọc kinh cầu an, ngài mang đĩa ngọc chứa bảo vật quốc gia là sợi tóc của Đức Phật ra cho chúng tôi chiêm bái.
Mở dung lượng trái tim để thêm quý, thêm yêu
Sau mỗi chuyến đi, tôi lại có chiêm nghiệm mới cho mình và có thêm những người bạn tuyệt vời. Nhân vật trung tâm của đoàn lần này là cặp “uyên ương” cụ ông 85 và cụ bà 83 tuổi, quê Phú Thọ. Quần áo gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn, hai cụ luôn khiến cả đoàn thán phục. Tôi lân la làm quen, cụ bà vui vẻ “khoe” mình tên Dần, còn “ông lão” tên Quế, ở làng Cao Du, thị xã Phú Thọ. Đây là chuyến ra nước ngoài thứ 9 của ông bà. Sang năm, ông bà định đi Pháp nữa. Qua thời “bĩ cực” vất vả nuôi 9 người con, nay các con của ông bà đều có công việc cho thu nhập khá. Có tiền con biếu, ông bà chi tiêu tiết kiệm, dồn lại được 4 tỉ đồng. Rồi ông bà gọi con về, họp gia đình, nêu ý nguyện: Làng mình trước kia có một ngôi đình, là nơi hội họp, sinh hoạt của làng, nhưng trải qua chiến tranh loạn lạc nay không còn nữa. Bố mẹ muốn tặng số tiền dưỡng già này góp cho làng xây lại ngôi đình xưa. Các con của ông bà nhất nhất đồng ý. Và tổ hợp đình - chùa làng Cao Du được xây dựng. “Vui nhất là anh em chúng nó thương quý nhau, vợ chồng tôi ở riêng, mỗi tháng con cháu tập hợp về thăm bố mẹ hai lần, mỗi lần làm 9 mâm cơm…”. Ông nhẩn nha kể như vậy. Nhìn ông bà tay trong tay, từng bước thanh thản (có 1 con và 1 cháu hộ tống), tôi cứ nghĩ đến quy luật cho và nhận. Ông bà đã dám “cho” đi của cải để nhận về phúc lành, đó là sức khỏe và cuộc sống thơ thới an nhiên. Khi chia tay chúng tôi ở sân bay, ông bà bịn rịn: Nhớ về Phú Thọ chơi nhé, đến thị xã hỏi ông bà Quế - Dần thể nào cũng có người đưa đến tận nhà…
Tác giả bên cây đàn truyền thống của Myanmar
Như những chuyến đi trước, tôi tĩnh tâm giở lại từng tấm ảnh, nghe lại từng file ghi âm để “thấm” thêm một lần nữa những điều mình thấy và cảm nhận nơi tôi vừa đến. Và tôi bỗng “ngộ” ra một điều rằng: Càng đi xa tôi càng yêu quý và trân trọng hơn giây phút được trở về.
MINH HẰNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...