Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
05:09 (GMT +7)

Mỹ thuật và cách mạng 4.0

Mỹ thuật (nghệ thuật tạo hình) còn được gọi là nghệ thuật thị giác, bởi ngôn ngữ của loại hình này là ngôn ngữ hình ảnh. Khi cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu xuất hiện thì sự gắn kết giữa các nền công nghệ, làm xóa đi ranh giới giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa. Đó là các công nghệ internet vạn vật, in ba chiều, máy tính siêu thông minh,… và Mỹ thuật đa phương tiện xuất hiện.


Ảnh minh họa, nguồn: internet

Với Mỹ thuật lúc này không chỉ còn là nghệ thuật thị giác nữa mà phát triển thêm loại hình mới đó là Mỹ thuật đa phương tiện (Multimedia). Nó là sản phẩm được hòa hợp bởi 3 yếu tố: mỹ thuật, tư duy sáng tạo và các ứng dụng công nghệ. Không chỉ đơn thuần là thiết kế trên mặt không gian tĩnh như hội họa. Mỹ thuật đa phương tiện còn là những chuỗi hình ảnh động, âm thanh,… được thể hiện qua nhiều chiều không gian.

Theo Thạc sĩ Vũ Anh Đức Giám đốc Đào tạo của Arena Multimedia: Mỹ thuật Đa phương tiện là ngành học ứng dụng các phần mềm, công cụ máy tính để thiết kế sản phẩm đồ họa 2D trên bề mặt như sách, báo, biển quảng cáo, trang web, mạng xã hội,… và sản phẩm nội dung giải trí kỹ thuật số như phim, MV, hoạt động, trò chơi, kỹ xảo, sản phẩm tương tác,… máy chủ cho ngành truyền thông, quảng cáo, giáo dục, giải trí,…

Để hiểu rõ hơn chúng ta cũng cần hiểu khái quát gốc gác về Mỹ thuật truyền thống. Xuất phát điểm của Mỹ thuật ở đâu (?).

Những nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở trong lòng đất, trong các hang động,… là những nét vạch, hình vẽ, hình đục, chạm trên vách đá (hình con người, hình con thú…); là những dụng cụ lao động bằng đá, bằng đồng thau và sắt… Những hiện vật đó người xưa đã chế tạo khéo léo và đều mang tính thẩm mỹ cao. Ngoài tính thực dụng chúng còn là những tác phẩm mỹ thuật. Nhà nghiên cứu về lịch sử Mỹ thuật đã gọi thời kỳ này là “Mỹ thuật thời tiền sử”. Mục đích ban đầu của người xưa chỉ là tạo ra dụng cụ lao động sản xuất sao cho tiện lợi, rồi biết cải tiến, biết tạo dáng, trang trí những hoa văn ngày thêm tinh vi hơn, hấp dẫn hơn. Điều đó đã giúp cho người lao động hưng phấn khi làm việc, đồng thời đã góp phần làm tăng năng suất lao động, kéo theo đời sống xã hội phát triển đi lên. Vậy ngoài công năng lao động - phục vụ sinh hoạt thường ngày, đồ dùng/phương tiện sản xuất đó có tính thẩm mỹ cao nó còn có thêm giá trị thưởng thức, giải trí.

Khi các nền khoa học phát triển mạnh mẽ, kinh tế thị trường thay đổi, thì nghệ thuật thị giác rất được coi trọng và tất yếu Mỹ thuật ứng dụng lúc này là một ngành “hot”. Ngay lúc này, mỹ thuật đa phương tiện trở thành mắt xích không thể thiếu trong làng giải trí, điện ảnh. Những đoạn quảng cáo trên tivi, những thước phim kinh điển, những tờ tạp chí, poster, game,… tất cả đều là sản phẩm của mỹ thuật đa phương tiện. Và chúng ta là những người sử dụng nó mỗi ngày như một nhu cầu thiết yếu.

Ta biết rằng trong lĩnh vực Mỹ thuật tạo hình truyền thống bao gồm các loại hình chính như: Hội họa - Đồ họa - Điêu khắc. Vậy chuyển đổi số trong các lĩnh vực này thế nào?

Thứ nhất, với Hội họa

Hội họa là nói đến tranh vẽ, mỗi tác phẩm chỉ có một bản duy nhất (độc bản). Loại hình hội họa được chia làm hai loại thứ nhất là Hội họa giá vẽ - đó là tác phẩm được xây dựng với kích thước vừa phải có thể đặt trên giá; di chuyển được và treo trong phòng. Loại thứ hai là Hội họa hoành tráng - đó là những tác phẩm lớn về kích thước; được thiết kế xây dựng ở ngoài trời và loại tranh này liên quan mật thiết đến cảnh quan kiến trúc nơi đó (chất liệu có độ bền cao như tranh ghép gốm, tempera (hỗn hợp của chất màu và các chất kết dính dễ hòa tan trong nước như lòng đỏ trứng). Còn những tranh vẽ trên tường, vẽ ở tường rào, tường ngăn,… dù lớn cỡ nào cũng không gọi là hội họa hoành tráng, vì những tranh đó độc lập, hình thức và nội dung trong khuôn tranh không liên quan đến kiến trúc xung quanh.

Mỗi khi xây dựng tác phẩm hội họa các họa sĩ phải nghiên cứu nội dung, đi thực tế và phác thảo (thể hiện ý tưởng trên mặt phẳng). Thế hệ các họa sĩ tiền bối luôn có ý thức tự rèn kỹ năng vẽ ký họa với mục đích là luyện tay, luyện mắt; họ có thể vẽ mọi lúc, mọi nơi, bất cứ lúc nào khi có điều kiện. Đồng thời sản phẩm ký họa đó cũng là tư liệu để phục vụ công việc sáng tác sau này. Ngày nay, công nghệ số ra đời các họa sĩ đã có điều kiện ghi chép thực tế nhanh hơn, nhiều hơn bằng cách dùng máy ảnh số, điện thoại thông minh chụp ảnh… Ưu điểm của cách này ghi chép nhanh - trung thực, tuy nhiên nếu không vẽ trực tiếp thì sẽ mất đi cảm xúc của khoảnh khắc bất chợt. Bởi vậy thường là khi đi lấy tư liệu nếu có thời gian các họa sĩ vẫn có ý thức tốc ký (vẽ sơ lược rất nhanh) để lấy cảm xúc sau dùng máy ảnh số hoặc điện thoại thông minh để ghi chi tiết.

Để thành tác phẩm hội họa không có nghĩa là mang bức ảnh ra chép/ vẽ lại; hoặc in ra giấy, vải toan rồi tô màu phủ lên mà thành tác phẩm ngay được mà còn liên quan đến bố cục, ý tưởng... Làm theo cách này thường ít khi thành công. Bởi “mắt” máy ảnh phản ánh trung thực tuyệt đối với đối tượng trước mặt, nên nhiều bức ảnh khi chụp do chọn góc không tốt dễ dẫn đến sự chênh lệch giữa cảnh gần và cảnh xa. Để nguyên là bức ảnh thì chấp nhận được, nhưng nếu chép nguyên vào tranh thì nhìn rất phô. Còn khi quan sát và vẽ trực tiếp thì mắt con người lại biết điều chỉnh, thêm bớt ngay tức thì. Sao cho thấy thuận mắt - tạo cảm xúc thẩm mỹ chứ hoàn toàn không lệ thuộc vào hiện thực. Do vậy, để có tác phẩm tốt họa sĩ thường là chỉ dựa vào không gian khoảnh khắc có trong ảnh mà họ phải dày công sắp xếp, tính toán lại bố cục, rồi lồng ý tưởng,… thì thể hiện mới ra tranh - một tác phẩm hoàn thiện.

Một số họa sĩ có khả năng sử dụng công nghệ máy tính và biết khai thác các phần mềm đồ họa, họ có thể xây dựng phác thảo tranh ngay trên máy tính rất hiệu quả.

Thứ hai, với Đồ họa

Ở Việt Nam, việc dùng các thuật ngữ Đồ họa chỉ là tương đối, bởi việc đặt tên các thuật ngữ đồ họa là dựa trên ý nghĩa sử dụng của nó. Ví dụ: Đồ họa thương nghiệp, Đồ họa vẽ tem, Đồ họa quảng cáo v.v.. còn thiết kế đồ họa thực sự là gì vẫn đang còn tranh cãi. Một số trường đại học vẫn theo quan điểm đào tạo đồ họa là trang trí gần với hội họa, một số các trung tâm đào tạo về sử dụng phần mềm đồ họa coi đồ họa là một phần của tin học và một số trường lại tiếp nhận quan điểm của phương Tây coi đồ họa là một lĩnh vực truyền thông.

Vậy trong đồ họa trước đây được chia thành 3 nhóm: Đồ họa độc lập (Đồ họa giá vẽ, sản phẩm là tranh khắc gỗ, khắc kem, khắc thạch cao…); Đồ họa in ấn (sản phẩm là bìa sách/ báo, con tem, tranh cổ động…); Đồ họa máy tính (thiết kế quảng cáo, truyền thông đa phương tiện). Nếu như tác phẩm hội họa chỉ có một bản duy nhất (độc bản), thì đồ họa đa số là một tác phẩm lại có nhiều bản in khác nhau, nhưng giá trị như nhau. Ngày nay, đồ họa được chia thành hai nhóm chính là: Đồ họa tạo hình (tranh in) và Đồ họa ứng dụng (phục vụ lĩnh vực truyền thông đa phương tiện).

Đồ họa tạo hình cách lấy tư liệu, bố cục cũng như hội họa, chỉ có khác về ngôn ngữ biểu đạt mà thôi. Khi có công nghệ số ra đời, đa số các họa sĩ đồ họa độc lập sử dụng phần mềm đồ họa trên máy tính (ví dụ như: Paint Shop Pro, Adobe Photoshop, Corel DRAW…) để tạo ra bản mảng, nét (chế bản). Từ bản nét in ra giấy theo khuôn khổ tranh rồi in can lên ván gỗ, kim loại, thạch cao, cao su... Họa sĩ lựa chọn kỹ thuật (chất liệu),… và công đoạn quan trọng tiếp theo là thể hiện tác phẩm chính là khắc và in. Bản khắc có thể làm thủ công hay dùng dung dịch ăn mòn như a xít (với khắc kim loại), nếu dùng máy cắt Plasma CNC thì chỉ cần điều hành trên máy tính là tạo ra bản khắc mà không cần can hình sang ván gỗ.

Một số họa sĩ đồ họa sử dụng kỹ thuật in độc bản, hình ảnh tạo ra hoàn toàn ngẫu nhiên; làm bản in được chế qua khâu trung gian trên tấm nhựa/mi ca hoặc tấm kính; rồi in sang giấy, mỗi lần in sẽ được một bản khác nhau. Có thể in chồng nhiều lớp trên một bản in. Sự thành công của kỹ thuật này chỉ khi họa sĩ biết dừng đúng thời điểm. Như vậy, về quy trình cũng khá giống cách làm tranh in phá bản. Sản phẩm cuối cùng chỉ có một bản in duy nhất (tác phẩm), bản khắc không còn nguyên vẹn.

Với đồ họa ứng dụng là một phần nhỏ trong Mỹ thuật đa phương tiện. Nó là sản phẩm được hòa hợp bởi 3 yếu tố: mỹ thuật, tư duy sáng tạo và các ứng dụng công nghệ. Không chỉ đơn thuần là thiết kế trên mặt không gian tĩnh như hội họa. Mỹ thuật đa phương tiện còn là những chuỗi hình ảnh động, âm thanh,… được thể hiện qua nhiều chiều không gian. Nếu ngày xưa Mỹ thuật đa phương tiện là một khái niệm mơ hồ, thì giờ đây, nó đã chuyển mình và trở thành cụm từ được mọi người tìm kiếm khai thác với tốc độ chóng mặt.

Thứ ba, với Điêu khắc

Có thể nói đây là một lĩnh vực chuyên môn rất kén người học. Đến các trường đại học Mỹ thuật bao giờ khoa điêu khắc cũng ít hơn hội họa và đồ họa. Vì sáng tạo của điêu khắc là sáng tạo không gian ba chiều. Đòi hỏi người học phải biết cả tạo hình trên mặt phẳng (2D) và tạo hình trong không gian thực (3D).

Liệu điêu khắc có sự hỗ trợ của 4.0 không? Cũng như hội họa và đồ họa, muốn có tác phẩm điêu khắc tốt cũng phải có phác thảo. Nói cách khác nhà điêu khắc cũng phải rành cả hội họa và đồ họa. Điêu khắc truyền thống bao gồm tượng, phù điêu và chạm khắc. Tượng có hai nhóm: tượng nhỏ bày trong nhà, ngoài vườn và ngoài đường phố; tượng đài cũng như tranh hoành tráng muốn đặt ở đâu lại phải tính toán đến không gian kiến trúc - xây dựng ở nơi đó. Tuyệt nhiên không phải tượng to - cao đều gọi là tượng đài (chưa nói đến hình tượng đó phải thế nào). Phù điêu và chạm khắc cũng vậy, muốn đặt ở đâu cũng cần tính đến không gian, song cũng không quá lệ thuộc vào ngoại cảnh như tượng đài.

Vậy để có những khối phù điêu lớn hay tượng đài nhà điêu khắc đều phải dùng công nghệ 4.0 để dựng phác thảo dàn trước toàn cảnh bằng phần mềm đồ họa (chẳng hạn như phần mềm đồ họa Bonzai3D hay phần mềm vẽ tranh 3D chuyên nghiệp Sculptris).

Ngót mười năm trở lại đây chúng ta thấy có thêm thể loại Điêu khắc ánh sáng - một hình thức tạo hình mới ở Việt Nam. Nhà điêu khắc ánh sáng không đơn thuần tạo hình trên khối thực mà tạo cả khối ảo trên mặt phẳng liền kề (phần bóng của khối thực). Điêu khắc ánh sáng được xem là một trong những bộ môn nghệ thuật khác lạ. Không chỉ đòi hỏi người thiết kế có gu thẩm mỹ, có tư duy hình ảnh, sức tưởng tượng tốt mà còn cần tính cần cù, tỉ mỉ. Hiệu quả mang lại cho người xem là những điều “độc”, “lạ” của nghệ thuật này hướng tới chính là ánh sáng và nguồn chiếu sáng. Điêu khắc ánh sáng là một trường phái nghệ thuật được thể hiện bởi sự kết hợp giữa điêu khắc truyền thống với nguồn ánh sáng cố định. Nếu như trước đèn đơn giản chỉ để chiếu sáng thì nay ánh sáng được coi như là một “chất liệu” cho nghệ thuật điêu khắc.

Ngày nay, với xu thế phát triển của nghệ thuật thị giác, nhờ có công nghệ 4.0 mà chúng ta được biết thêm nhiều về nghệ thuật tạo hình mới. Ta có thể đến tham quan được các công trình nghệ thuật hay Bảo tàng Mỹ thuật trên khắp thế giới. Ngược lại những nền tảng như Facebook, meeting, zoom… dần trở thành xu hướng phát triển mới trong quá trình hội nhập số để tiến gần hơn với mục tiêu phát triển và xây dựng công dân toàn cầu - công dân số.

Từ sự vận dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 vào giáo dục - đào tạo thì người học dù đang ở bất cứ đâu đều có thể truy cập vào thư viện của nhà trường để tự học, tự nghiên cứu. Ở Việt Nam, mô hình học tập kết hợp giữa online và offline đã diễn ra vài năm gần đây. Thời gian vừa qua do đại dịch cả giáo viên và học sinh/sinh viên đã quen dần với việc dạy - học kiểu này. Dịch bệnh chỉ như một cú hích khiến việc chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục và đào tạo, đặc biệt là giáo dục - đào tạo Mỹ thuật rất cần sự hỗ trợ của công nghệ số, việc dạy - học truyền thống vẫn duy trì, song cũng cần thay đổi nội dung, phương pháp và cách tiếp cận kiến thức để phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy