Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:31 (GMT +7)

Mỹ thuật trẻ: Cần “cú sốc” thẩm mỹ để đi đến tận cùng cái đẹp

VNTN - Dù có thời gian khởi động khá dài và được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú sốc” về thẩm mỹ không chỉ cho công chúng yêu hội họa mà ngay cả những họa sĩ đang gắn bó với nghề, song triển lãm Các tác phẩm mỹ thuật tham dự Festival Mỹ thuật trẻ 2020, vừa được diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hà Nội), đã không thể thỏa mãn cơn khát nghệ thuật nói trên mà còn mang đến sự tiếc nuối, thậm chí lo lắng trước một đời sống mỹ thuật trẻ kém sôi động, thiếu vắng ngôn ngữ đương đại...

Chiều sâu tư duy?

Theo số liệu thống kê từ Ban Tổ chức (BTC), từ khi phát động - chấm giải và tổ chức triển lãm đã nhận được 365 tác phẩm của 197 tác giả ở 36 tỉnh, thành phố gửi tham dự. BTC đã chọn được 91 tác phẩm của 74 tác giả để trưng bày triển lãm, trong đó 21 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải thưởng. Đây là con số được đánh giá là khá khiêm tốn so với 4 kỳ Festival và triển lãm trước đó (năm 2011 có 958 tác phẩm; năm 2015 có 762 tác phẩm; năm 2017 có 379 tác phẩm). Nguyên nhân được đưa ra cho số lượng tác phẩm, tác giả tham dự giải thấp là do những “Quỹ đầu tư” cho mỹ thuật trẻ đang dần trở nên cạn kiệt dưới tác động của sự suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó là những “sân chơi” như “Art in the forest” tại Flamingo Đại Lải Resort (tỉnh Vĩnh Phúc), “Mời bạn vào”, “Nghệ sĩ trẻ Việt Nam”... cũng đang “hút” các họa sĩ trẻ, khiến họ bị phân tán và buộc phải chọn lựa ý tưởng, tác phẩm có hay không gửi tới tham dự Festival Mỹ thuật trẻ 2020. Nhưng dù là vậy, thì với bất kỳ một lý do nào được đưa ra tại thời điểm hiện tại cũng buộc chúng ta phải thừa nhận, sức hút của Festival Mỹ thuật trẻ đang giảm sút, cho dù ba năm mới được tổ chức một lần.

 

Tác phẩm “Lò mổ 21” của tác giả Nguyễn Văn Đủ (Bà Rịa - Vũng Tàu), một trong hai giải Nhất tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ V.

Nói điều này sẽ có người cho rằng, đây là một nhận định có phần cực đoan thậm chí võ đoán, nhưng nếu nhìn nhận một cách sòng phẳng theo cả hai khía cạnh định tính và định lượng thì đây là một kết luận hoàn toàn có cơ sở.

Thứ nhất, nhìn tổng thể cuộc triển lãm với quy mô cấp quốc gia nhưng số lượng tác phẩm được triển lãm lại có sự chênh lệch khá lớn về thể loại khi có tới 281 tác phẩm hội họa, 42 tác phẩm đồ họa, 38 điêu khắc, 3 tác phẩm sắp đặt, chỉ có 1 tác phẩm video art. Vắng bóng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.

Thứ hai, trong khi BTC cho biết, hầu hết những tác phẩm được giải đều mang hơi thở đời sống đương đại nổi bật như: COVID-19; vấn đề môi trường; văn hóa tâm linh... cho thấy sự dấn thân và trách nhiệm của các họa sĩ trẻ trước những vấn đề nổi cộm của cuộc sống, quốc gia, dân tộc... Nhưng, nếu xét ở góc độ nghề và thưởng thức nghệ thuật đúng nghĩa thì những tác phẩm này chưa thực sự “thỏa mãn” thị giác của giới phê bình mỹ thuật cũng như người yêu hội họa, thậm chí còn đem đến cảm giác, các họa sĩ trẻ đang chạy theo tính thời sự, ít đầu tư cho những ý tưởng chuyên sâu để có thể có những tác phẩm đột phá gây “sốc” cho thị giác.

Đơn cử như tác phẩm “Lò mổ 21” của tác giả Nguyễn Văn Đủ (Bà Rịa - Vũng Tàu) dù đã sử dụng máu của bò làm chất liệu kiến tạo nên tác phẩm, nhưng mong muốn tạo cảm giác mạnh cho người xem về một ranh giới mong manh có phần dã man đang diễn ra tại lò mổ súc vật. Ở đó, con người giữ vai trò quyết định kéo dài hay chấm dứt sự sống của những con bò... trước khi có những hành động tiếp theo với những con bò khác... nhưng thông điệp mà người xem thu lượm được từ tác phẩm không nhiều ngoài hiểu rõ hơn về một quy trình giết mổ...

Đến tâm lý an toàn

Mong chờ sự đột phá trong ý tưởng, thể hiện... để có những tác phẩm hội họa đỉnh cao có thể trở thành tuyên ngôn sáng tác của lớp họa sĩ trẻ trong thời kỳ mới là tâm lý của hầu hết các nhà phê bình mỹ thuật gạo cội và công chúng yêu hội họa khi tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ V. Nhưng dù có vui khi đề tài sáng tác được mở rộng, biên độ cho các họa sĩ trẻ tự do thể hiện ý tưởng được xem là mở hết cỡ, thì những tác phẩm gây “sốc” cho thị giác vẫn chưa xuất hiện. Chưa kể sự lấn lướt của tác phẩm hội họa truyền thống khiến cho các loại loại hình nghệ thuật mới như video art, sắp đặt, trình diễn... bị lép vế đã phần nào gián tiếp nói lên sự cầu toàn và tâm lý mong muốn tìm đến những mảng đề tài đem lại sự an toàn về giá trị tư tưởng, thẩm mỹ lẫn giá trị kinh tế đang khá phổ biến trong hội họa trẻ hiện nay. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Festival lần thứ V, điều này phản ánh đời sống mỹ thuật trẻ hiện nay trầm lắng, ít sự táo bạo, mạnh dạn thể nghiệm hơn trước. Các tác phẩm dùng ngôn ngữ đương đại ở kỳ Festival năm nay còn ít.

Bên cạnh những nhận xét về mặt xu hướng sáng tác và kỹ thuật sáng tạo nghệ thuật trong mỗi tác phẩm tham dự triển lãm của nhà quản lý, giới phê bình, công chúng cũng nhận ra sự vắng bóng của các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, trong khi mỹ thuật ứng dụng đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa của nước ta. Nhất là gần đây, trong "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, đã đề ra mục tiêu là ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm phải đóng góp đạt 80 triệu đô la Mỹ (đến năm 2020) và 125 triệu đô la Mỹ (đến năm 2030). Để đạt được mục tiêu này, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, trong đó mỹ thuật ứng dụng là nòng cốt cần có nguồn nhân lực chất lượng cao có tư duy mới mẻ, hiện đại, có khả năng sáng tạo ra các tác phẩm tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng một lần nữa, sự lỗi hẹn của các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng tại Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ V đã không khỏi khiến người xem cảm thấy hụt hẫng. Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Mã Thế Anh cho biết, trong kỳ tới, Ban Tổ chức sẽ khắc phục những vấn đề còn tồn tại như thiếu phương tiện hiện đại để trình chiếu tác phẩm nghệ thuật đương đại và tổ chức nhiều hoạt động bên lề để nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, tương tác… Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, Ban Tổ chức sẽ kêu gọi xã hội hóa, phối hợp với các đơn vị có tiềm lực để tổ chức sự kiện quốc gia này.

Xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật, trong đó có triển lãm hội họa được xem sẽ là động lực mạnh mẽ cho việc quảng bá các tác phẩm, công trình nghệ thuật đến với công chúng. Đây cũng là nguốn vốn đối ứng an toàn nhất để những người hoạt động nghệ thuật nói chung, họa sĩ nói riêng toàn tâm, toàn ý cho ta đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải hoạt động nghệ thuật nào cũng có thể thu hút được nguồn lực xã hội hóa, mà đổi lại các cá nhân (trong đó không ngoại trừ các họa sĩ) phải tự bỏ kinh phí cho các hoạt động quảng bá tác phẩm của chính mình, dẫn đến hiệu ứng nghệ thuật cũng như sức lan tỏa của triển lãm không cao. Do đó, để đời sống mỹ thuật trẻ thực sự sôi động, hơn lúc nào hết cần sự đổi mới trong công tác quản lý hoạt động nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng; cần trao quyền nhiều hơn cho các họa sĩ trẻ trong việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghệ thuật của mình; linh hoạt và cởi mở hơn trong việc kết nối các không gian, trung tâm nghệ thuật đương đại để cùng tham gia tổ chức Festival Mỹ thuật trẻ có quy mô, tầm vóc tương xứng. Đồng thời tiếp tục có những chính sách, cơ chế đãi ngộ thỏa đáng nhằm hỗ trợ, động viên, khích lệ các nghệ sĩ trẻ, giúp họ mạnh dạn phát huy tối đa tài năng, trí tuệ và sự sáng tạo.

Song song với đổi mới trong công tác quản lý, định hướng sáng tác, phía các họa sĩ trẻ cũng cần mạnh dạn thoát khỏi tâm lý cầu toàn, mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”, để có thể tạo ra những bước đột phá trong ý tưởng, hành động, tạo nên những tác phẩm hay, xuất sắc mang đậm dấu ấn cá nhân.

Quay trở lại với Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ V, dù vẫn còn nhiều điều phải bàn về số lượng tác phẩm, chủ đề, phong cách thể hiện của các loại hình nghệ thuật đương đại góp mặt trong triển lãm, người yêu hội họa và giới phê bình mỹ thuật cũng ghi nhận đã và đang hình thành phong cách sáng tác mới trong các họa sĩ trẻ. Đó là dùng công nghệ để hỗ trợ quá trình sáng tạo tác phẩm. Đây phải chăng là một hướng đi mới, hứa hẹn sẽ tạo ra một đời sống mỹ thuật trẻ sôi động, đi đến tận cũng cái đẹp và tạo nên “cú sốc” thẩm mỹ cho người xem.

Nguyễn Vũ Khanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy