Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
04:47 (GMT +7)

Mỹ thuật Thái Nguyên những bước thăng trầm

Thuở mới thành lập Chi hội

Năm 1987, Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên được thành lập. Ngày khởi đầu gồm 8 hội viên, thì có 7 họa sỹ (Dương Thị Nội, Lê Như Hạnh, Đỗ Tố, Nguyễn Văn Chính, Đặng Cử, Tuấn Vinh, Nguyễn Thế Hòa) và một nhà điêu khắc duy nhất là Hứa Tử Hoài, chưa đủ một nửa hội viên Trung ương.

Hơn ba mươi năm, Chi hội Mỹ thuật từng bước phát triển, đội ngũ hội viên khá mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhắc về các thế hệ Chi hội trưởng, phải kể đến đầu tiên là cố nữ họa sĩ Dương Thị Nội (nhiệm kỳ 1987 - 1992) - người tạo nền móng cho các hoạt động mỹ thuật đầu tiên, cũng là người có công không nhỏ trong việc phát triển hội viên những ngày đầu thành lập; thứ hai là họa sĩ Nguyễn Văn Chính (nhiệm kỳ 1992 - 1995) trầm tư và kỹ càng - vui mà triết lý - bao dung; thứ ba là họa sĩ Đặng Cử (nhiệm kỳ 1995 - 1997) dí dỏm và hài hước như tranh của ông vậy; thứ tư là họa sĩ Trần Tuấn Vinh (nhiệm kỳ 1997 - 2004) thông minh - linh hoạt - thành đạt và đa tài gây ấn tượng nhiều đến đồng nghiệp; kế tiếp là họa sĩ Nguyễn Thế Hòa (nhiệm kỳ 2004 - 2013) ngót mười năm làm Chi hội trưởng dày dạn, kinh nghiệm; và từ năm 2013 đến nay là họa sĩ Nguyễn Gia Bảy hơn một nhiệm kỳ cùng với hơn ba chục họa sĩ luôn mong mỏi một tương lai tốt đẹp hơn cho mỹ thuật tỉnh nhà.

Thuận lợi và thách thức

Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên hiện có 31 hội viên. Trong đó hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành hội họa và đồ họa, không có điêu khắc, chiếm một phần ba trên tổng số hội viên - là lực lượng nòng cốt trong Chi hội; ngót một phần tư là hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam thường xuyên được nhận giải thưởng - là nguồn động viên lớn cho Chi hội hoạt động. Chi hội trung bình mỗi năm kết nạp từ một đến ba hội viên, có thêm lực lượng trẻ, mạch tư duy thay đổi, hoạt động mỹ thuật có phần năng động hơn.

Trên ba chục hội viên nhưng có đến hai phần ba là công chức nhà nước, đây là nguyên nhân phần nào làm hạn chế đến sự tìm tòi sáng tạo vốn mang tính độc lập của các họa sĩ. Nhiều cuộc, các hội viên thống nhất cao tổ chức đi thực tế, nhưng đến ngày đi thì mỗi người lại vướng vào việc cơ quan hành chính nên lại phải hoãn. Dẫn đến, các hội viên thường hoạt động độc lập, ít có điều kiện đi sáng tác tập trung.

Các tác phẩm mĩ thuật tham gia Cuộc vận động sáng tác về Đại đội TNXP 915 Anh hùng được các họa sĩ tặng Tỉnh để trưng bày tại khu Di tích.

Sau hơn hai chục năm đổi mới, lượng thông tin thế giới đến với chúng ta từng giờ từng phút, nguyên vật liệu phục vụ cho sáng tạo của mỹ thuật khá đầy đủ và nhiều chủng loại, chất lượng khác nhau. Cơ hội có vậy thì cái còn lại, thiết nghĩ chính là sự đam mê và sức sáng tạo của họa sĩ đến đâu mà thôi. Mỹ thuật Thái Nguyên đã có giai đoạn chững lại, vắng bóng những đỉnh cao hội họa, đồ họa, đặc biệt là mảng lý luận phê bình mỹ thuật. Đối với điêu khắc đã từng có đỉnh cao là nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài (1942 - 2008), nhưng từ khi ông qua đời thì không còn người kế tục.

Khởi sắc và kì vọng

Năm năm trở lại đây, các họa sĩ Thái Nguyên luôn tích cực tìm tòi chất liệu, phong cách riêng cho mình. Không ngừng sáng tạo, khai thác đề tài ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Thái Nguyên cũng như khu vực Tây Bắc - Việt Bắc. Tập trung nhất vẫn là chất liệu sơn dầu, acrylic, lụa và khắc gỗ. Trong 5 năm (2013 - 2018), Mỹ thuật Thái Nguyên đã có 341 tác phẩm được công bố, có hàng chục cuộc triển lãm trong tỉnh và trong khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc). Triển lãm khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) tại tỉnh Sơn La (2015), tác phẩm Mùa đông trên cao nguyên của họa sĩ Dương Văn Chung đã được hội đồng nghệ thuật trao giải Khuyến khích. Cùng năm đó tại tỉnh tổ chức thi sáng tác Tranh cổ động về môi trường và Logo huyện Định Hóa. Các họa sĩ cũng hăng hái tham gia, thành quả mang về giải Nhất logo huyện Định Hóa thuộc về họa sĩ Thế Hòa; cùng nhiều giải khác về logo cũng như tranh cổ động cho các họa sĩ: Lê Quang Thái, Dương Văn Chung và Đỗ Hùng... Đến năm 2016, họa sĩ Lê Quang Thái được thêm giải Khuyến khích với bức khắc gỗ Chợ ven đê - Triển lãm khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) tại tỉnh Lai Châu, góp thêm thành tích cho Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên.

Những năm tháng cần mẫn lao động nghệ thuật giúp các họa sĩ thêm vững vàng về tay nghề, có nhiều biến chuyển về lối vẽ, khẳng định được phong cách, làm chủ được chất liệu. Năm 2018, Chi hội Mỹ thuật thu được những thành tích đáng kể như: Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải Ba cho tác phẩm “Hương rừng” của Dương Văn Chung; UBND tỉnh Thái Nguyên trao 9 giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm (2012 - 2016) cho Chi hội Mỹ thuật (trong đó 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 03 giải Khuyến khích); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã trao giải Nhì cho tác phẩm Ánh dương Khuôn Tát của họa sĩ Nguyễn Gia Bảy và giải Ba cho tác phẩm Bác Hồ với Thái Nguyên của họa sĩ Dương Văn Chung về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - một đề tài lớn không dễ gì thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình. Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915 Anh hùng có nhiều họa sĩ tham gia, có trên 10 tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và đạt giải thưởng như: giải A cho tác phẩm Thăm lại chiến trường xưa (Dương Văn Chung), giải C cho tác phẩm Những chặng đường vẻ vang Đại Đội 915 (Nguyễn Duy Nhiếp), giải Khuyến khích các tác phẩm: Đại đội 915 sống mãi trong lòng Tổ quốc (Đào Tuấn) và Mãi mãi tuổi 20 (Đỗ Hùng)...

Phát biểu ở Hội thảo của Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) năm 2018 tại tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương đã nhắc nhiều đến Thái Nguyên - cái nôi của nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ thành danh ở đây như nhà điêu khắc Hứa Tử Hoài. Nghĩ về chặng đường 32 năm phát triển của Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên, chưa dài nhưng cũng đủ để các họa sĩ có thời gian trải nghiệm, kế thừa và phát huy truyền thống Mỹ thuật Thái Nguyên trong những năm qua. Thiết nghĩ, Mỹ thuật Thái Nguyên đang có đà, do vậy các họa sĩ cần năng động hơn, bứt phá hơn, tích cực - sáng tạo hơn nữa để có thêm những tác phẩm lớn, gắn liền với đời sống văn hóa địa phương và cả nước, thì khi đó “vườn hoa” nghệ thuật Thái Nguyên sẽ đa sắc màu - mãn nhãn đông đảo công chúng, đáp ứng được công cuộc đổi mới xây dựng đất nước hiện nay.

Tuy nhiên, hiện tại Thái Nguyên chưa có chỗ dành riêng cho triển lãm tranh, giao lưu nghệ thuật. Thiết nghĩ với tinh thần nghị quyết số 23 - NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, một ngày không xa công chúng Thái Nguyên cũng như khách thập phương đến với Thái Nguyên sẽ được hưởng thụ không gian triển lãm chính đáng với những tác phẩm mỹ thuật chất lượng cao về nội dung và giá trị nghệ thuật.

Gia Bảy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy