Muôn nẻo điêu đứng vì giá lợn tụt dốc
VNTN - Từ sau Tết Nguyên đán, người nuôi lợn trên cả nước nói chung cũng như ở tỉnh ta đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Bán không ai mua, nuôi tiếp lại càng lỗ vì lợn không lớn được nữa mà tiền mua thức ăn không có. Họ chỉ biết cố cho lợn ăn cầm chừng chống chết với hy vọng nay mai giá lợn sẽ bình ổn trở lại. Nhưng chẳng biết họ còn trụ được bao lâu nữa!
Người nuôi lợn lâm cảnh trắng tay
Từ năm 2014, 2015 đến tháng 9/2016, giá thịt lợn hơi tăng mạnh (có thời điểm giá bán lên tới 56.000 - 57.000đ/kg lợn thịt hơi, 60.000-80.000đ/kg lợn giống), lãi lớn nên người người đổ xô vào đầu tư, mở nhiều trang trại, gia trại và tăng quy mô đàn, dẫn đến tình trạng "phát triển nóng", cung vượt quá cầu. Hơn nữa, lợn hơi của Việt Nam, ngoài phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước thì chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Toàn bộ khâu xuất khẩu đều theo đường tiểu ngạch, rủi ro rất lớn, nhất là khi thị trường Trung Quốc giảm mạnh do nguồn cung của họ đảm bảo. Từ cuối năm 2016, phía Trung Quốc ngừng và giảm nhập khẩu thịt lợn từ Việt Nam nên giá thịt lợn tụt dốc không phanh, rơi xuống mức giá thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây.
Thái Nguyên là một tỉnh có số lượng hộ, trang trại chăn nuôi lợn khá lớn nên bị ảnh hưởng nặng nề. Thời điểm này, giá lợn hơi tụt thấp nhất, dưới 20 ngàn/1kg. Đến một số địa phương tập trung nhiều hộ chăn nuôi lợn như Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ… chỉ thấy một không khí u ám bao trùm...
Ông P là một trong những người nổi tiếng nuôi lợn mát tay và thành công ở xã Nga My, huyện Phú Bình. Thế nhưng tìm tới ông chỉ thấy căn nhà khóa trái cửa và tiếng lợn kêu inh ỏi đòi ăn. Liên lạc với ông P chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời “Nhầm số rồi!”. Có vẻ như ông P đang lo sợ hay tránh né một điều gì đó.
Người nuôi chật vật chở lợn đi tìm bán cho các điểm thu mua nhưng không phải
lúc nào cũng bán được.
Sau vài lần thuyết phục, cuối cùng ông P cũng chịu trải lòng cùng chúng tôi. Sau mấy năm chăn nuôi lợn thấy hiệu quả, đem lại nguồn lợi kinh tế cao nên giữa năm 2016, ông P mạnh dạn vay ngân hàng và một số nguồn khác để đầu tư xây thêm chuồng trại, tăng số lượng đàn lợn. Nguồn tiêu thụ lợn chủ yếu của ông P là bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Nhưng giờ chẳng còn mấy thương lái đến mua, lại bị ép giá lỗ hơn 1 triệu một con. Từ cuối năm 2016 đến nay ông đã lỗ khoảng gần 500 triệu đồng và sắp tới có thể con số lại tăng thêm. Trong tiếng lợn kêu ra rả vì đói, ông P ngậm ngùi: “Ngày trước lợn chỉ ăn no rồi nằm, làm gì có chuyện kêu đòi ầm ĩ, cậy phá chuồng thế này! Dù đã cắt giảm một nửa lượng thức ăn, nhưng phải cố gắng lắm, đi vay mượn thêm mới có tiền mỗi ngày lo 2 triệu tiền thức ăn cho lợn”. Áp lực kinh tế đè nặng khiến vợ chồng ông P thường xuyên mâu thuẫn. Ông P rầu rĩ: “Đã trót đâm lao thì phải theo lao. Chỉ mong thời gian tới giá lợn bình ổn trở lại, chứ cứ cái đà này thì chẳng trụ được bao lâu nữa!”. Vừa đổ cám vào máng, nhìn cảnh đàn lợn nhao nhao tranh nhau ăn, ông P như tự nói một mình: “Lợn gặm gần hết sổ đỏ đến nơi rồi!”.
Trong bối cảnh này, nuôi ít lỗ ít, nuôi càng nhiều lỗ càng lớn. Không ít doanh nghiệp thua lỗ hàng tỉ đồng, như trường hợp trang trại lợn do công ty tư nhân Hà Tùng đầu tư ở huyện Phú Lương. Với vốn đầu tư lớn khoảng 6 tỷ đồng để chăn nuôi 2 nghìn con lợn. Đợt vừa qua, công ty phải chấp nhận bán giá rẻ, dù bị thiệt hại trên 2 tỷ đồng để có vốn tiếp tục duy trì trang trại.
Không phải người chăn nuôi lợn nào cũng đủ sức duy trì đàn lợn với hy vọng mong manh chờ đến khi giá lợn ổn định trở lại. Không ít hộ, trang trại sau khi đầu tư với số vốn không hề nhỏ đã phải chấp nhận bán tống bán tháo hết lợn, để chuồng trại bỏ không. Đáng buồn hơn là tại một số con đường vắng người ở Định Hóa, Phú Lương… đã có chuyện người ta đem xác lợn chết đói ra vứt.
Việc giảm giá lợn không chỉ khiến người chăn nuôi điêu đứng mà các đại lý kinh doanh cám và thuốc thú y cho lợn cũng bị khủng hoảng theo. Anh Hoàng Anh Bắc (phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên) cho biết: “Trước mỗi ngày có thể bán vài trăm bao cám, bây giờ số lượng giảm đi rất nhiều. Lượng khách cũng ít đi hẳn. Lại thêm việc cho vay cám đến khi xuất chuồng thì mới thu tiền, thành ra giờ khách nợ quá nhiều, chẳng có tiền trả. Tự nhiên giờ tôi ôm nợ vào người, cả gần tỉ đồng. Không chỉ mình tôi mà hầu như đại lý nào cũng bị thế cả!”.
Loay hoay tự “cứu” mình
Dọc các con đường lớn, chốc chốc chúng tôi lại bắt gặp những chiếc xe máy chở lợn đi bán “dạo”. Đó là những người nuôi lợn nhưng không có thương lái vào chuồng mua, họ phải chở lợn đi tìm bán cho những điểm thu mua hiếm hoi. Những điểm này chỉ thu mua với số lượng hạn chế khoảng 100 con mỗi ngày. Người bán xếp hàng dài trong khi chủ thu mua chê ỏng chê eo, yêu cầu lợn phải đẹp mã, cân nặng từ 20-30 kg mà chỉ trả đồng giá 350 nghìn đồng mỗi con.
Vất vả cả ngày đường, quần áo lấm lem bụi đất, ông Trần Văn Đông (xóm Hải Minh, xã Tân Kim, huyện Phú Bình) chở 10 con lợn cỡ nhỡ đi khắp các điểm thu mua của huyện mà chỉ bán được 7 con vẫn còn 3 con nằm ủ rũ trong lồng, lại phải chở về, mai đi tiếp. Để nuôi 10 con lợn nái cho ra khoảng trăm con lợn giống, ông Đông phải bỏ chi phí đầu tư hết 50 triệu đồng. Vậy mà giờ giá mỗi con lợn giống chỉ được 200 nghìn đồng trong khi ngày trước trung bình mỗi con bán được từ 1,5 - 1,8 triệu đồng. Lỗ nặng, mà đàn lợn hơn trăm con giống, không có thương lái vào mua, giờ đã quá lứa, ông Đông buộc phải chở lợn đi bán rong ngoài đường. “Lỗ nhiều quá, 10 con lợn nái ở nhà, chẳng có tiền cho chúng ăn cám nữa, chỉ cho ăn bèo cầm chừng thôi!”, ông Đông rầu rĩ.
Nuôi lợn nái đã thiệt hại, mấy chục con lợn thịt nhà ông cũng gần như mất trắng. Ông tiếp lời, giọng xót xa: “Sáng nay vừa mới xuất 12 con lợn thịt, con nào con nấy cũng tạ hai, tạ ba… thế mà người ta mua vo trả có 1 triệu một con, giá vào 8 nghìn bạc. Đau như đứt từng khúc ruột mà vẫn phải bán. Lợn to quá rồi, nuôi cũng chẳng tăng cân được nữa, mà càng để càng lỗ”.
Ông Đông dừng lời, đưa tay quệt những giọt mồ hôi rịn trên trán hay như để che đi đôi mắt ươn ướt của mình. Trong đôi mắt ấy, chúng tôi thấy sự cùng quẫn, tuyệt vọng!
Thợ thịt không mua, không ít người nuôi phải tự thịt lợn, nhờ người thân mua ủng hộ hoặc đem ra chợ bán, hòng thu lại được chút nào hay chút ấy.
Một sạp thịt lợn tự phát do người chăn nuôi tự thịt đem ra chợ bán.
Chúng tôi theo chân bà Nguyễn Thị Minh Huyền (nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đồng Hỷ) sang nhà người quen của bà là ông Nguyễn Văn Khôi (xóm Huống Trung, xã Huống Thượng) mua thịt ủng hộ. Gia đình ông hiện có gần 2 chục con lợn đã quá ngày xuất chuồng nhưng gọi mãi không có thợ mua, đành phải tự ngả thịt lợn bán. Ông Khôi bộc bạch: “nhờ người thân, bạn bè mua giúp nhưng cũng chẳng được là bao, nhà ai cũng đầy kín cả tủ thịt rồi. Thịt con gần tạ đến giờ mới chỉ bán được chưa đến một nửa. Còn cả một lũ quá lứa đang sắp phá tan cả chuồng vì thiếu ăn chưa biết giải quyết như thế nào. Hơn hai chục năm sống nhờ nghề nuôi lợn mà chưa năm nào tôi khốn đốn như bây giờ”.
Xếp thịt lên xe cho khách, ông Khôi không quên khuyến mại thêm lòng, lấy cả dưa muối trong vại cho mọi người đem về làm món lòng xào dưa. Ông còn chạy ra vườn, hái nắm rau, quả đỗ... dúi vào tay bà Huyền làm quà, như một lời cảm ơn. Trên đường về, bà Huyền đầy tâm trạng bảo chúng tôi: “Ở dưới này gần thành phố còn đỡ, chứ trên mấy xã vùng cao của huyện như Tân Long, Văn Lăng..., thịt một con lợn ra, dân làng mua ủng hộ nhưng không phải ai cũng có tiền để trả mà là đổi bằng thóc, đợi vụ mùa mới có thóc trả. Khổ đến thế là cùng!”.
Tìm ra khu vực chợ Thái, chợ Túc Duyên - khu chợ đông đúc nhất của tỉnh. Vẫn là cảnh chợ tấp nập như thường ngày, nhưng có một điều bất thường là dọc hai bên đường chợ xuất hiện la liệt các sạp thịt lợn. Đi một quãng độ hơn trăm mét mà có cả trăm sạp bày bán thịt lợn. Bên cạnh những sạp hàng với những phản inox bóng loáng, dao, thớt “chuyên nghiệp” lại có không ít những sạp tạm bợ, ông chủ bà chủ lóng ngóng mời chào khách.
Dừng chân ghé lại một sạp thịt lộ rõ vẻ “nghiệp dư”, chúng tôi hỏi chuyện. Chủ sạp là một đôi vợ chồng trẻ, chồng tên Nguyễn Đức Bình, vợ tên Lăng Thị Tám ở xóm Đầm Diền, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ. Gia đình thuộc hộ nghèo, anh chị vay vốn ngân hàng chính sách được 50 triệu đồng, cố vay thêm ở ngoài để đầu tư 200 triệu nuôi lợn bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái. Lứa lợn đầu tiên với gần 40 con lợn thịt, 5 con lợn sề, và mấy chục con lợn con vậy mà “đứt gánh”, giấc mơ thoát nghèo ngày một xa. Anh Bình trầm ngâm: “Thợ trả có 15 đến 18 nghìn một cân hơi mà cứ khất lần khất lượt, chả thấy đến bắt. Mỗi ngày hơn một triệu tiền cám, càng để càng lỗ. Đành phải thuê thợ thịt rồi tự đem ra chợ bán.” Chị Tám, vợ anh thêm vào: “Vợ chồng em phải dỡ cả cánh cửa sổ nhà ra làm phản bày thịt, đến cái kê cũng phải mượn hai cái sọt nhựa của cô bán rau bên cạnh”. Nói chuyện với chúng tôi, chị Tám vẫn không quên mời chào khách mua hàng. Có mặt ở chợ từ 5 giờ sáng, giờ đã gần trưa mà thịt còn ế ẩm, chẳng dám chào giá cao 40, 50 nghìn như lúc trước, chị rao giá 30 nghìn một cân, khách vẫn đòi hạ xuống 20, giá rẻ gần như cho, chị cũng đành… gật đầu!
Giá thịt lợn giảm, không cự nổi, những người nuôi tự thịt lợn đem bán mong gỡ gạc được đôi chút so với đem bán cho thợ thịt. Nhưng chính điều này lại làm cho giá thịt giảm hơn nữa. Bà Nguyễn Ngọc Minh tiểu thương ở chợ Túc Duyên có thâm niên bán thịt lợn 20 năm cho biết: “Trước trung bình tôi bán 2 tạ mỗi ngày bây giờ chỉ còn 70 - 80 cân. Giờ có quá nhiều người nuôi tự thịt lợn đem ra chợ bán với giá thấp khiến chúng tôi cũng phải giảm giá theo. Buộc lòng phải đòi lò mổ hạ giá”. Cứ như vậy thành cái vòng luẩn quẩn mà người chịu thiệt cuối cùng không ai khác là người chăn nuôi.
***
Giá thịt lợn giảm, ngành chăn nuôi lợn điêu đứng đang là vấn đề rất nóng. Người nuôi lợn đang khẩn thiết cầu cứu sự giúp đỡ, vào cuộc của các cấp quản lý. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng, tín dụng khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi; kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường thu mua, giết mổ cấp đông thịt lợn dự trữ cho các tháng hè sắp tới... Mới đây, Bộ cũng đã cử đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm ký kết hợp tác xuất khẩu thịt lợn qua con đường chính ngạch sang thị trường này. Hy vọng, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ được phía Trung Quốc chấp nhận.
Về phía tỉnh ta, chiều 27/4, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi. Tại hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi người dân chung tay chia sẻ khó khăn với các hộ chăn nuôi. Đồng thời, cảnh báo các hộ dân cần làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, tránh hiện tượng vứt xác động vật chết ra sông, suối. UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo tăng cường giám sát việc giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan và xử lý tình trạng bày bán thịt động vật trên vỉa hè, lòng đường. Ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn lên kế hoạch để lãnh đạo tỉnh làm việc với các doanh nghiệp lớn tiêu thụ sản phẩm, các trường học, công ty thức ăn chăn nuôi và các ngân hàng để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ người dân. Cùng với đó, rà soát lại quy hoạch chăn nuôi, xác định cung - cầu trên địa bàn tỉnh để cảnh báo cho người chăn nuôi...
Hy vọng rằng những giải pháp thiết thực trên sẽ nhanh chóng được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt để ngành chăn nuôi lợn sẽ sớm được “giải cứu”.
Anh Thắng - Bích Hồng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...