Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
03:13 (GMT +7)

Muốn đi xa phải đi cùng nhau

VNTN - Câu nói của người xưa vẫn còn nguyên ý nghĩa với việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác hiện nay. Thông qua Hợp tác xã (HTX), các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để ứng phó với các khó khăn.

Ngày cuối năm, nhìn những chuyến xe của HTX nhộn nhịp đi đi về về trong bến, ông Nguyễn Đức Điểm, Giám đốc HTX vận tải ô tô Tân Phú (phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên) cảm thấy vui vẻ và ấm áp vô cùng. Bởi khi những chiếc xe đều việc thì anh em công nhân sẽ được đón một cái Tết đủ đầy hơn. Ông Điểm luôn là vậy, quan tâm và coi những nggười lao động làm việc tại HTX như con em mình. Đó cũng là lý do để HTX vận tải ô tô Tân Phú tồn tại và phát triển bền vững suốt hơn 20 năm qua.

Được thành lập năm 1995, HTX vận tải ô tô Tân Phú nhanh chóng đa dạng hóa kinh doanh, bao gồm các ngành nghề chính vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, cẩu bốc xếp hàng hóa và lắp dựng công trình, cho thuê kho bãi và văn phòng, gia công cơ khí và sữa chữa ô tô, kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, nhà hàng khách sạn và hàng điện tử… Đến nay, HTX có 22 xã viên và 145 người lao động, hơn 40 đầu xe ô tô và xe cẩu các loại. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,2 triệu đồng/tháng, nộp ngân sách Nhà nước năm 2018 là 925 triệu đồng. HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện với số tiền trên 80 triệu đồng (năm 2018). Đặc biệt, HTX đã thành lập tổ chức công đoàn và luôn phát huy tốt vai trò của mình, thường xuyên quan tâm đến đời sống, điều kiện làm việc, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

 

Hệ thống xe và máy móc thiết bị được HTX vận tải ô tô Tân Phú trang bị ngày càng hiện đại.

Bên cạnh đó, HTX luôn chủ động mở rộng thị trường, đưa xe vận tải, máy cẩu, vật liệu sắt thép vào nhiều công trình lớn trong và ngoài tỉnh, như SamSung (Thái Nguyên), thép Hòa Phát (Hải Dương), lọc dầu ở Nghi Sơn (Thanh Hóa)... Đó là những dấu mốc khẳng định sự lớn mạnh một thương hiệu HTX, để từ đó, nâng cao đời sống thu nhập cho thành viên và người lao động.

Nhằm nâng cao năng lực phục vụ khách hàng một cách chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng thị trường với các đối tác mới, HTX đã huy động các nguồn vốn để đầu tư thêm các loại máy móc thiết bị tốt đáp ứng nhu cầu của khách hàng và HTX cũng đã nhận được sự ủng hộ và phản hồi rất tích cực từ phía khách hàng. Ngoài ra, HTX là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên đưa công nghệ thông tin vào ứng dụng trong công tác quản lý vận tải: lắp phần mềm kế toán, phần mềm định vị để giúp cho công tác quản lý tài chính cũng như quản lý vận tải được thuận lợi. Bên cạnh đó, HTX luôn quan tâm tạo điều kiện để người lao động được nâng cao trình độ, hỗ trợ kinh phí cho người lao động cập chuẩn bằng lái xe, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của HTX… Đặc biệt, HTX luôn kết nối, giao lưu học hỏi với các HTX khác trong và ngoài tỉnh. Với đặc thù là HTX vận tải nên có những thời điểm, HTX nhiều việc, phải kết nối với HTX khác và ngược lại tạo điều kiện công ăn việc làm cho công nhân. Đồng thời, HTX vận tải ô tô Tân Phú không ngừng giúp đỡ các HTX khác tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển… Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó cùng phát triển bền vững giữa các HTX với nhau.

Có được những kết quả trên phải kể đến vai trò của vị thuyền trưởng Nguyễn Đức Điểm. Ông đã từng là một người lính can trường trong trận mạc. Năm 1968, ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1972, ông bị thương, mất một cánh tay phải, tỷ lệ thương tật là 81%. Sau thời gian điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh, năm 1979 ông về địa phương, trải qua nhiều ngành nghề khác nhau: thợ may, buôn bán và cuối cùng bén duyên với HTX vận tải. Lúc đầu, HTX chỉ có 7 xã viên hoạt động rất khó khăn nhưng với bản lĩnh người lính cụ Hồ, ông Điểm và cộng sự đã cùng nhau vượt qua khó khăn để có được thành quả như ngày nay. Ông chia sẻ: Đất nước đang trên đà hội nhập, HTX phải liên tục đổi mới, áp dụng những tiến bộ công nghệ. Nếu HTX không liên kết lại sẽ rất khó để mà cùng nhau phát triển. Hơn nữa, sản phẩm của HTX phải đạt chuẩn, bảo đảm đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh, gìn giữ chữ Tín để nâng cao thương hiệu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kết nối, giao lưu với HTX khác để cùng nhau học hỏi, tựa vào nhau cùng phát triển bền vững.

Mỗi HTX có hướng đi và cách làm riêng nhưng điểm chung dễ nhận thấy đó là việc phát huy tính kết nối giữa các thành viên trong HTX và giữa các HTX với nhau. HTX Gà đồi Đông Thịnh (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình) thành lập năm 2014, hiện có 10 hộ thành viên cùng diện tích vườn đồi, chuồng trại chăn nuôi gà rộng trên 10 ha. Áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, với ưu thế đất đai rộng, HTX nhanh chóng xây dựng thương hiệu “Gà đồi Đông Thịnh”, bởi gà nuôi chạy nhảy nhiều, nên chất lượng thịt thơm ngon. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc HTX cho biết: Được sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh về vốn, hỗ trợ tập huấn, chúng tôi dần mở rộng và phát triển. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Hợp tác xã thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, Dự án xây dựng 4 mô hình gồm: Chăn nuôi gà sinh sản an toàn sinh học; chăn nuôi gà thịt đảm bảo an toàn sinh học; sản xuất thức ăn cho gà sinh sản, gà thịt; chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Dự án đã hợp đồng với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chuyển giao các quy trình kỹ thuật như chăn nuôi, phòng bệnh trong chăn nuôi gà sinh sản, gà thịt an toàn sinh học; sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gà sinh sản, gà thịt... Mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học với quy mô 50 nghìn con gà Ri lai thịt phát triển tốt, tỷ lệ sống đến khi xuất chuồng đạt 95,6%, trọng lượng xuất chuồng ở 15 tuần tuổi bình quân đạt gần 2kg/con.

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh đã tìm được hướng đi mới, ngày càng phát huy hiệu quả. Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực sáng tạo tìm tòi của các HTX thì việc hỗ trợ giúp đỡ của cơ quan chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng. Đến nay, các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị từng bước được hình thành trên địa bàn tỉnh. Đã có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và trở thành mô hình HTX điển hình tiên tiến toàn quốc và của tỉnh, như: HTX Chè Tân Hương, HTX Chè Minh Thu, HTX Chè Hảo Đạt (thành phố Thái Nguyên), HTX Chè La Bằng, HTX Rau an toàn Hùng Sơn (xã La Bằng, huyện Đại Từ), HTX Chè Tuyết Hương, HTX Miến Việt Cường, HTX Làng nghề chè Vô Tranh (xã Vô Tranh, huyện Phú Lương), HTX Chăn nuôi ngựa bạch xóm Phẩm (huyện Phú Bình), HTX dịch vụ Nông nghiệp và môi trường Hòa Bình (huyện Võ Nhai)...

Toàn tỉnh hiện có 509 HTX và 2 Liên hiệp HTX với trên 42.000 thành viên và người lao động, trong đó có trên 400 HTX hoạt động hiệu quả theo Luật Hợp tác xã năm 2012, có 62 mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến của tỉnh và toàn quốc. Doanh thu của các hợp tác xã năm 2019 đạt trên 3.100 tỷ đồng. Trong năm 2019, 22/25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP là của các HTX. Công tác kết nối cung cầu đã được quan tâm, nhiều hợp tác xã tích cực tham gia các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh. Các HTX đã cố gắng nỗ lực đẩy mạnh liên doanh liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX Thái Nguyên chia sẻ: Những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách thông qua các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực. Số HTX hoạt động hiệu quả về kinh tế xã hội không ngừng tăng lên, đời sống của thành viên, người lao động không ngừng được cải thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Với việc tổ chức thành công hội nghị và tuần lễ trưng bày, giới thiệu sản phẩm các HTX năm 2019, giúp tăng cường hợp tác đầu tư, kêu gọi các HTX và doanh nghiêp kết nối để tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên có một số sản phẩm nông sản chủ lực có thế mạnh, đạt tiêu chuẩn OCOP như: các sản phẩm từ cây chè, rau, củ quả, các mặt hàng nông sản, gia súc, gia cầm... Tuy nhiên, trên thực thực tế, các HTX còn hạn chế về khâu quảng bá, đầu mối tiêu thụ hàng hóa chưa nhiều. Tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, các tổ chức, các Hiệp hội, siêu thị, các trung tâm thương mại, thương nhân, các chợ đầu mối trên cả nước đến với Thái Nguyên, tiếp cận, kết nối và tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Trong thời đại hiện nay, việc sản xuất manh mún sẽ dần bị hạn chế, phát triển HTX đang là một xu thế tất yếu của người dân. Liên kết để phát triển HTX sẽ giúp nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi nhận thức, tư duy của người dân bởi như người xưa đã từng đúc kết: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy