Muôn chiêu trò “dụ” người tiêu dùng
Chúng tôi vào một cửa hàng thời trang khá lớn nằm trên đường Hoàng Văn Thụ. Đập ngay vào mắt là tấm băng zôn với nội dung “Thanh lý toàn bộ cửa hàng giá từ 30 - 50 - 70 - 100 - 150k”. Tôi đặc biệt chú ý đến cửa hàng này bởi những tấm băng zôn với nội dung tương tự như vậy đã được treo liên tục trong 2 năm trở lại đây, thỉnh thoảng gỡ xuống một thời gian ngắn rồi lại treo lên. Ở cửa là một vài ma nơ canh khoác những bộ trang phục rất đẹp, hỏi qua giá thì món rẻ nhất cũng hơn nhiều giá ghi trên băng zôn. Cửa hàng chia làm 2 gian, một to một nhỏ. Gian hàng to đều là những mẫu mã đẹp, hàng Việt Nam chất lượng cao, có cả hàng Trung Quốc kèm theo giá sản phẩm (cửa hàng bán đúng giá), chỉ có điều giá cả thì không hề như khuyến mại, cái tối thiểu cũng trên 200 ngàn.
Tôi hỏi cô nhân viên: Cửa hàng mình thanh lý hai năm rồi mà mãi chưa xong nhỉ, quy mô lại ngày càng lớn hơn nữa chứ? Những mặt hàng này anh đâu có thấy cái nào như giá treo ngoài cửa đâu?”. Cô nhân viên cười trừ: “Em cũng mới làm ở đây nên không rõ lắm, hàng thanh lý khuyến mại ở bên kia anh ạ” rồi chỉ tay qua bên gian hàng nhỏ. ở bên này, trang phục không được treo trên móc giá ngăn nắp và không niêm yết giá như bên gian hàng to. Quần áo bầy la liệt trên sạp, nhiều khách thử qua không ưng lại ném trở lại sạp một cách bừa bộn, nhân viên cũng ít để ý sắp xếp lại cho ngăn nắp. Nếu không có gian hàng to thì nhiều người sẽ nghĩ đây không khác gì quầy vỉa hè, bầy bán quần áo cũ mà mọi người vẫn hay gọi là “hàng second hand”. Cô bạn đi cùng tôi đã từng kinh doanh thời trang nên khá sành sỏi trong việc mua bán này bảo tôi: “Đây toàn là những mẫu mã cũ hoặc lỗi kỹ thuật, không có nhiều cỡ và màu sắc để lựa chọn, đấy là còn chưa nói chưa chắc rẻ hơn bên ngoài đâu nhé. Như cái quần ngố 70 ngàn kia lên trên khu Sư phạm cùng lắm 55 ngàn thôi, mà không hề có chương trình khuyến mại”.
Hoa quả được bày bán la liệt với giá rẻ nhưng nguồn gốc xuất xứ rất mập mờ
Để kiểm chứng nhận định của cô bạn tôi, chúng tôi vòng lên khu vực quanh đại học Sư phạm. Nơi đây có khá nhiều cửa hàng thời trang nhỏ, giá rẻ chủ yếu nhắm vào đối tượng sinh viên. Vào một cửa hàng ở đó, chúng tôi tìm ngay thấy chiếc quần ngố y chang vừa nãy, quả thực giá chỉ có 55 ngàn.
Ngay sát đó là một gian hàng nhỏ khác có treo biển “tất cả đồng giá 50k”. Cửa hàng có rất nhiều sản phẩm được treo trên giá, mỗi tội là tìm mỏi cả mắt mới thấy được vài ba cái có giá là 50 ngàn, còn lại đều cao hơn. Chị chủ quán phân trần: “Tại đắt hàng quá nên chỉ còn lại vài món 50 ngàn thôi, hai em mua tạm mấy cái kia, vừa tốt vừa đẹp hơn mà chỉ thêm có vài chục ngàn thôi mà”. Nhiều bạn thử xong mới biết món hàng đó giá không phải là 50 ngàn, nhưng vẫn tặc lưỡi mua, bởi đã thích nó rồi.
Chúng tôi tiếp tục tham khảo một số cửa hàng nơi có treo những băng zôn khuyến mại hấp dẫn, tập trung ở một số tuyến đường lớn như Hoàng Văn Thụ, Lương Ngọc Quyến… Cũng may là có cô bạn “hướng dẫn viên” nếu không thì tôi cũng khó có thể hiểu hết được những tấm băng zôn khá là “chơi chữ” này. Ví dụ như: “Khuyến mại 70 - 80%”, có nghĩa là sau khi khuyến mại, giá sản phẩm còn từ 70 đến 80% giá gốc. “Xả hàng giá chỉ từ 120k” (chữ “từ” nhỏ hơn hẳn những chữ khác), nghĩa là sản phẩm rẻ nhất ở đây là 120 ngàn và giá cao nhất thì… vào mua mới biết. Một vài cửa hàng lại có “chiêu” tăng giá gốc lên rồi khuyến mại. Ví dụ một chiếc áo sơ mi có giá 150 ngàn thì tăng lên thành 200 ngàn rồi khuyến mại giảm giá 20%, tức là khi khách mua phải trả 160 ngàn. Như vậy, dù đã “khuyến mại” rồi, vẫn còn thu lời thêm được 10 ngàn.
Không chỉ là quần áo, giầy dép mà ngay cả đồ gia đụng, điện tử được áp dụng các chương trình “khuyến mại” cũng chưa chắc giá cả đã rẻ hơn. Anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Trưng Vương) chia sẻ: “Vừa rồi nóng quá nên gia đình quyết định tìm mua một chiếc máy điều hòa, giá vừa phải. Tham khảo một số siêu thị điện máy thấy có chiếc Midea 1 chiều MS11D1A-09CR, ở siêu thị điện máy H. có giá là 4.490.000 đồng khuyến mại 24% so với giá niêm yết là 5.890.000, còn ở siêu thị M. cũng đang có khuyến mại giá là 4.580.000 đã bao gồm chi phí lắp đặt và VAT. Tôi quyết định chọn mua ở H. vì rẻ hơn một chút. Vài hôm sau tình cờ đi qua một cửa hàng điện máy nhỏ thì thấy đúng sản phẩm này, không khuyến mại mà giá rẻ hơn 200 ngàn đồng”.
Lập lờ, lẫn lộn
ở một vài khu vực như bệnh viện A, chợ Tân Long, Đồng Bẩm…, lại xuất hiện những xe tải nhỏ, lán tạm bán dưa hấu Sài Gòn cũng có những kiểu mời gọi rất hấp dẫn. Những tấm biển hiệu bắt mắt: Dưa hấu Sài Gòn giá 6k, chữ rất to. Chắc chắn nhiều người sẽ hứng thú tạt vào, và đến tận nơi mới thấy thêm dòng chữ “mini”: 8k-10k, được viết bên dưới. Vào mua dưa tại một xe tải nhỏ ở chợ xép gần Bệnh viện A, chị chủ quán vui vẻ chào mời tôi. Chỉ vào 3 đống dưa khác nhau, chị bảo đây là dưa Sài Gòn, loại 10 ngàn đồng/1kg là loại mới hái ngon nhất, loại 8 ngàn là ngon vừa, còn loại 6 ngàn nhỏ nhất thì hơi cũ và hơi bị nát trong quá trình vận chuyển. Để khách không nghi ngại về chất lượng, chị chủ quán mời tôi một miếng dưa ruột đỏ, vỏ mỏng đã được bổ ra từ trước. Tôi vô tư: “Trong Sài Gòn, dưa bán cũng ngang giá thế này, chị bán vậy thì không có lãi à?”. Thoáng lúng túng, chủ quán giải thích: “Dưa nhập với số lượng lớn, với lại đang vào mùa nên giá rẻ hơn”. Tuy nhiên, khi được hỏi dưa này thuộc vùng nào Sài Gòn, thì chủ quán chỉ ầm ừ rồi im lặng. Hỏi thêm một hai câu, chị ta tỏ thái độ khó chịu rồi lảng đi chỗ khác.
Dưa hấu Sài Gòn đã có thương hiệu, ruột đỏ thẫm, vỏ mỏng, vị ngọt lịm nên được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Nhiều tiểu thương lợi dụng điều này đã đội lốt thương hiệu và bán với giá rẻ hơn để chuộc lợi. Không ít người tiêu dùng vì ham đồ ngon và rẻ nên đã gặp thiệt thòi. Chị Thủy (phường Túc Duyên) bức xúc: “Tôi vừa mua dưa hấu trên khu chợ Tân Long, anh chủ quầy bảo đây là dưa hấu Sài Gòn, loại ngon nhất có giá 10k/1kg. Thấy nhiều người mua nên tôi cũng mua một quả. Nhưng khi về bổ ra thì màu dưa không phải đỏ tươi mà chuyển qua màu đỏ xỉn, ruột dưa rỗng, xốp”.
Theo chủ đại lý bán buôn, bán lẻ hoa quả Thu Huyền ở chợ Thái: “Dưa hấu Sài Gòn giá bán buôn là 11 đến 13 ngàn đồng. Khi đến các cửa hàng nhỏ lẻ thì giá bán trên 15 ngàn/1 kg. Các tiểu thương kia bán giá 8.000 đến 10.000 đồng thì tôi khẳng định đó chỉ là chiêu trò bịp bợm khách hàng để dễ bán. Dưa đó có khi là ở Gia Lai và Bình Định nhập với giá cực rẻ, mà có khi là dưa Trung Quốc cũng nên”.
Không chỉ dừng ở thời trang và hàng hoa quả mà cả với những loại hình dịch vụ thiết yếu, việc quảng cáo cũng rất dễ làm người mua bị lừa. Tại một số khu trung tâm như đường tròn Đồng Quang, ngã tư Minh Cầu thường có nhiều người bán bảo hiểm xe máy giá rẻ. Người bán thường đứng sau một tấm pa nô, trên viết dòng chữ “Bảo hiểm xe máy 20.000 đồng/năm” to tướng. Tuy nhiên, dòng chữ “Bảo hiểm tự nguyện người ngồi trên xe” lại được viết nhỏ xíu và đặt phía cuối bảng khiến nhiều người lầm tưởng bảo hiểm bắt buộc dành cho xe máy chỉ có giá 20 ngàn.
Ghé vào một điểm bán bảo hiểm rong tại ngã tư Minh Cầu, một thanh niên đon đả giới thiệu có người nhà làm trong công ty bảo hiểm nên khi mua ở đây rất đảm bảo. Rồi anh giải thích thêm, bảo hiểm xe máy gồm có 2 phần: một phần thuộc trách nhiệm dân sự bắt buộc chủ phương tiện phải mua với giá quy định là 66 ngàn đồng/năm, phần còn lại là bảo hiểm tự nguyện dành cho người ngồi trên xe với giá 10 ngàn đồng/năm.
Vậy tại sao lại treo giá 20 ngàn đồng/1 năm? Anh ta trả lời: Đó là mức bảo hiểm tự nguyện dành cho 2 người. Khi gặp tai nạn công ty bảo hiểm sẽ đền bù cho mỗi người lên đến 10 triệu đồng. Rồi anh ta ngập ngừng: “Loại này không bắt buộc và công an giao thông cũng không chấp nhận. Phải có bảo hiểm bắt buộc. Em cũng bán loại đó, anh mua ủng hộ em nhé”.
Anh Minh, chủ cửa hàng buôn bán xe máy cũ kiêm đại lý bảo hiểm đã nhiều năm, tại Mỏ Bạch cho biết: “Với những tấm pa nô “bí hiểm” đó, những người bán bảo hiểm ngoài đường có khi đắt hàng hơn đại lý như chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, mua ở vỉa hè, người mua sẽ gặp nhiều rủi ro, dễ bị lừa đảo, bởi theo Luật Bảo hiểm, thông tin người đăng ký phải được đăng ký trên hệ thống thông tin bảo hiểm. Nhưng tại các điểm bán bảo hiểm vỉa hè, người bán chỉ lấy bút ra điền thông tin trực tiếp trên giấy rồi đưa cho khách, thậm chí thời hạn bảo hiểm cũng ghi theo ý khách… người mua không phải khai thêm bất cứ chi tiết nào”.
Thêm một loại hình quảng cáo, bán hàng trong thời đại công nghệ thông tin, đó là trên các trang mạng và facebook, loại hình này thu hút những người trẻ tuổi như học sinh, sinh viên. Người bán đăng hình ảnh sản phẩm kèm theo những lời quảng cáo “không thể hấp dẫn hơn”, người mua kiểm chứng sản phẩm bằng hình ảnh, những bình luận, số lượng like... mà không hề được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm nên có không ít những rủi ro, có thể là về chất lượng, thậm chí bị lừa đảo hàng giả.
Chị Lê Thị Tuyết (TP Thái Nguyên) bức xúc: “Lướt facebook, mình ưng một chiếc váy của một bạn dưới Hà Nội bán. Nhìn trong ảnh, nó rất đẹp, giá cả cũng phải chăng nên quyết định mua. Nhưng khi nhận được hàng thì mới ngớ người ra, từ chất liệu đến màu sắc, hoa văn đều khác xa so với hình đã quảng cáo. Gọi điện phàn nàn thì người bán khẳng định đó đúng là sản phẩm mình đã đặt rồi lảng tránh”.
Anh Nguyễn Ngọc Chung (Định Hóa) chia sẻ: “Thấy trên mạng quảng cáo rất nhiều về bài thuốc cai thuốc lá của thầy Nghị ở trong miền Nam. Qua facebook, tôi mua được một chai thuốc giá 300 ngàn. Mỗi tội chẳng thấy dán mác gì, uống vào vị y như rượu, toàn mùi gừng với đinh lăng. Thuốc lá thì vẫn thèm, chỉ thấy chán ăn cơm. Nghi bị lừa, tôi kiểm tra lại trên mạng thì thấy la liệt người bán thuốc này, đặt nickname na ná giống người bán thật. Đúng là thật giả lẫn lộn, không biết đâu mà lần”.
Hãy tỉnh táo trong tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Đức Tiến - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Thái Nguyên: Thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể từng hình thức khuyến mại đến doanh nghiệp trên địa bàn để họ thực hiện đúng các quy trình về khuyến mại; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ người tiêu dùng (NTD) khi có yêu cầu. Hội cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý kịp thời những vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn gặp khó khăn trong việc xác định giá hàng hóa ngay trước thời điểm khuyến mại, vì giá sản phẩm do doanh nghiệp tự định giá (trừ các sản phẩm do nhà nước quy định giá); hay phát hiện những tình trạng nâng giá lên rồi thực hiện khuyến mại để thu hút người tiêu dùng.
Trước tình trạng hàng khuyến mại nhiều, những quảng cáo hấp dẫn có ở khắp mọi nơi thì người tiêu dùng cũng cần phải trang bị cho mình những kiến thức nhất định để không bị “hớ”, mua được đúng những sản phẩm tốt với giá rẻ. Trước nhu cầu cần mua một sản phẩm nào đó, có thể lên mạng hoặc tham khảo từ bạn bè người thân giá cả của sản phẩm, đồng thời tìm hiểu rõ xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm đó một cách kĩ càng. Nên chọn những cửa hàng, doanh nghiệp lớn đã thành thương hiệu lâu năm, được nhiều người tin tưởng.
Không chỉ cảnh giác với các chiêu thức của các cửa hàng, nhà kinh doanh mà chính tự bản thân cũng phải kiểm soát và cảnh giác chính bản thân mình khi đứng trước những sản phẩm khuyến mại, có quảng cáo hấp dẫn. Bởi cảm giác được lợi và ham rẻ sẽ khiến cho muốn mua hơn, bất chấp nó có cần thiết hay không và đôi khi còn quên đi chất lượng thật của nó. Đôi khi mua hàng về để thừa, ít thậm chí là không sử dụng đến. Đặc biệt là đối với chị em phụ nữ, thời trang khuyến mại luôn hấp dẫn họ, mọi người chen chúc nhau mua thật nhiều để rồi có khi đem về cất dưới đáy tủ bởi nó không hợp “style” của mình. Điều này không hề giúp tiết kiệm tiền mà còn gây tốn kém. Đồng thời cũng cần phải kiểm soát cảm giác sợ hết hàng. Các nhân viên kinh doanh thường có những “chiêu” khiến bạn chỉ muốn nhanh chóng mua hàng vì sợ ngày mai quay lại sản phẩm đã được bán hết. Điều này khiến bạn đôi khi mất tự chủ và tỉnh táo, dễ đưa ra những quyết định nhanh chóng mà chưa cân nhắc một cách hợp lý.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà bạn “quay lưng” hẳn với các chương trình khuyến mại bởi vì thực sự dịch vụ này cũng giúp bạn tiết kiệm được tiền bạc nếu bạn thực sự là một người tiêu dùng thông minh. Bên cạnh những chiêu “lừa” khách hàng, có những chương trình khuyến mại thực sự là chăm sóc, tri ân của các doanh nghiệp. Điều quan trọng là bạn đủ tỉnh táo, cẩn thận và cân nhắc để chọn mua được những sản phẩm có chất lượng và giá cả hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của bạn.
Khi bạn cảnh giác, tỉnh táo với những dịch vụ “dán mác” khuyến mại, những quảng cáo quá hấp dẫn thì đó cũng là cách bạn tự bảo vệ mình trước những thứ không biết là “lời” hay “lỗ”
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...