Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
11:36 (GMT +7)

Mùa thứ Năm

VNTN - Khởi đầu của năm là mùa Xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi. Tiếp đến là mùa hè đầy mưa, đầy nắng. Rồi mùa Thu mang tiết khí dịu nhẹ, man mác. Cuối cùng là mùa Đông. Đông đến là mùa lạnh, da thịt buốt giá, nhưng lòng ấm áp bởi mầm thiện được ươm ủ từ lòng người. Bởi thế mới nảy nở thêm mùa thứ Năm - mùa của yêu thương, sẻ chia. Mùa cho mọi người chung tay góp sức “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nghĩa là tất cả mọi người trong cộng đồng xã hội cùng đi trên con đường tìm đến hạnh phúc, no ấm. Nhưng trên hành trình của cuộc đời có đủ những ái, ố, hỷ, nộ và không ngoài chuyện áo, cơm. Và đường trường muôn thuở có người đuối sức, cần được bàn tay tình người nắm lấy, dìu đi tiếp trên dòng đời cam khổ. Một trong bao bàn tay đã mang lại cho những cảnh đời éo le đi qua tháng ngày gian khó là Quỹ Vì người nghèo.

Đại đức Thích Chúc Tiếp, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên trao số tiền 10 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh.

Quỹ Vì người nghèo của tỉnh là nơi gom lại tấm lòng vàng trong thiên hạ. Đã có hàng tỷ đồng xây dựng Quỹ mỗi năm. Rồi hằng năm cũng có hàng tỷ đồng đến tay người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhất là lúc mùa thứ Năm đến, lòng thiện nguyện của bao con người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, cả các nhà sư, cụ già, em nhỏ vượt lên mưa, lạnh, hối thúc nhau tìm đến những địa chỉ khó khăn nhất trong xã hội để chia sẻ, giúp đỡ. Trên dọc đường đi, “họ” kể cho nhau nghe về luật nhân quả, về biến đổi khí hậu, các vụ thiên tai kinh hoàng xảy ra ở miền núi; bão lũ kinh khủng ở miền Trung đẩy bao con người vào cảnh không nhà. Rồi trên lân núi vời vợi mù sương, thậm chí ở ngay trong lòng thành phố, thị xã đều còn đó người yếm thế đang rất cần tấm lòng thiện nguyện tìm về, cùng xẻ chia nhọc nhằn gánh nặng áo, cơm.

Ông Nguyễn Ngọc Yến (ngoài cùng bên phải), Trưởng Ban đại diện Hội Người Cao tuổi tỉnh tặng quà cho người cao tuổi sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. 

Việc giúp người khó nghèo gạo ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc chữa bệnh là truyền thống đạo lý có từ ngàn đời của dân tộc. Còn như lời Phật dạy thì đó là việc nên làm, năng làm và làm mỗi ngày. Việc hành thiện được xuất phát từ tâm, nhưng cuộc sống mỗi người đều mang nhiều lo toan, vướng bận, vậy mới có ngày “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ phát động.

Mà đã có ngày thì ắt có tháng, có mùa. Ngày, tháng và mùa ấy gọi là “thời khắc” cao điểm dành cho người nghèo. Vào “thời khắc” như thế, Quỹ “Vì người nghèo” gom được nhiều hơn lòng tốt trong thiên hạ. Những lòng tốt gặp nhau thì sản sinh ra chân, thiện, mĩ. Giản dị là tấm chăn ấm ngày đông, cuốn vở cho trẻ đến trường, hoặc như gói quà mừng xuân mới. Vì đồng nghĩ, cùng suy mà những ngày tận của năm cũ; cũng đồng thời là ngày cận kề năm tới, mọi người, mọi giới, sôi động hơn là các cơ quan Nhà nước thực hiện chủ trương của Trung ương MTTQ phát động: Mỗi người một ngày lương. Các doanh nhân, nhà hảo tâm lựa sức đăng ký ủng hộ với cơ quan chức năng về số lượng quà tết, để từ đó phân phối cho người nghèo, bảo đảm nhà nào cũng có tết.

Từ một năm nay, bà Hà Thị Thời (thứ 2 từ trái sang) tự nguyện giúp mẹ con bà Triệu Thị In (bên phải), xóm Khuôn Rây, xã Phủ Lý (Phú Lương) 15kg gạo/tháng.

Hành động chia sẻ yêu thương nở rộ vào những ngày cuối của mùa Đông. Và từ lâu đã trở thành một mặc định trong đời sống văn hóa, tinh thần của một dân tộc. Một dân tộc từng bị thực dân đô hộ trà đạp, cướp bóc làm nên nạn đói cướp đi hơn hai triệu sinh mạng con người. Cái nạn đói xảy ra vào năm một nghìn chín trăm bốn mươi nhăm, cũng là lúc mọi người nhận thức đầy đủ hơn về nỗi nhục mất nước, đã đồng lòng đi theo ngọn cờ của Đảng, bẻ gẫy xiềng gông, cùng tạo dựng nên một đất nước có độc lập chủ quyền, người người được no ấm.

Các hiền nhân dạy: Người nằm nệm êm thường nghĩ đến người thiếu chăn ấm. Kẻ được no cơm thương người cảnh bần hàn. Cái tình thương được xuất phát từ tâm, và trở thành hành động cụ thể. Điển hình là phong trào Tết cho người nghèo; chăn ấm cho người nghèo; cặp bánh chưng cho người nghèo. Giấc mơ của người nghèo giản đơn, giống bong bóng xà phòng, long lanh màu ngũ sắc cầu vồng, chạm vào là òa vỡ. Bởi họ là người yếu thế. Họ cần được mọi người trong cộng đồng xã hội giúp đỡ, tiếp thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

Nhưng với những người không bình thường, họ bị tàn phế tâm hồn, thể xác. Họ là những người nghèo nhất, khổ nhất trong xã hội. Vì bệnh tật, suốt cuộc đời họ phải chung sống với cảnh túng khó. Và lúc ngày Tết về đến ngõ, họ háo hức mong đợi một điều gì đó trong mơ hồ, ngay cả bản thân họ cũng không định dạng được. Họ chỉ biết trong mưa, lạnh có rất nhiều người tìm đến chia sẻ, động viên cùng lời chúc đón một mùa xuân an bình, hạnh phúc, no đủ.

Mùa thứ Năm, mùa gieo hạt thiện cho cuộc đời chăm bẵm, vỗ về bằng chắt chiu yêu thương. Để từ đó mầm hạnh phúc vươn lên, xanh tươi, ta gọi đó là cây đời. Cây đời là những thứ người trồng cho đi, hiến đi mà không mảy may đòi trả. Vì bởi suốt một mùa thứ Năm, dù mỗi người đều bận rộn với công việc riêng, chung, nhưng ai nấy háo hức cùng được gieo hạt thiện vào cánh đồng cuộc sống, với một niềm mong giản dị ở ngày sau, trên khắp mọi miền có thương yêu tràn ngập. Và trên cánh đồng của lòng người có thêm nhiều mầm thiện đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa và hiến tặng cho cuộc đời quả ngọt.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy