Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
06:48 (GMT +7)

Mùa ong

VNTN - Tháng Giêng, khi những bông hoa vải, hoa nhãn đầu tiên chớm nở, cả vùng đồi náo nức một mùa ong. Đâu đâu cũng nghe người ta nói về ong. Nhà này nói ong. Nhà kia nói ong. Người ta nói chuyện ong trong gia đình. Nói chuyện ong nơi công sở. Nói chuyện ong nơi lô mía, lô cam. Buổi lễ đầu năm, sau nén tâm nhang giải hạn, cầu may, người ta nói đến ong. Sau khi nâng chén rượu tiệc cưới mừng cho hạnh phúc lứa đôi, người ta nói về ong. Anh em, bạn bè, đồng niên, đồng tuế, đồng đội, đồng hương gặp nhau, sau cái bắt tay là những lời thăm hỏi: Bao nhiêu thùng ong? Đáp: Năm thùng. Mười thùng. Hai mươi thùng. Năm mươi thùng. Có nhà trăm thùng.

Biết tôi thích tìm hiểu về ong, anh Trịnh Văn Dực ở đồi Mọ, một giáo viên dạy thể dục nghỉ mất sức, được mệnh danh chuyên gia nuôi ong bảo hôm nào dỗi chú sang chơi nói chuyện ong cho vui.

Nhà anh có hơn một trăm thùng ong. Khu vườn gần 2500m2 không có cây lưu niên, đại thụ nhưng nhiều cây ăn quả như hồng xiêm, vải thiều, nhãn, táo, chanh, cam, xoài um tùm. Dưới gốc cây nào cũng thùng ong. Thùng ong nào cũng từ năm, sáu cầu trở lên. Chỉ duy nhất một giống ong mật thuần chủng. Anh bảo giống ong này cần cù, chịu khó, quen thủy thổ, quen khí hậu, hiền lành, vệ sinh chuồng tốt, chịu bệnh tật giỏi, làm mật tinh, thơm ngon. Cả vùng này không hề có một đàn ong lai. Ong lai hỗn, hung dữ, ăn nhiều, chịu bệnh tật kém, làm mật nhanh nhưng mật sống, không phù hợp quê mình. Nghe anh nói, tôi mới biết nghề ong không đơn giản chút nào. Ngẫu hứng, thích vui cảnh vui nhà, nuôi dăm ba đàn thì không có chuyện gì. Mất đàn này bổ sung đàn khác. Nhưng nuôi nhiều, nuôi để thành ông chủ, thành công ty thì vô cùng gian nan phức tạp. Anh nói về ong đầy cảm hứng như thi sĩ, như nhạc sĩ. Say sưa. Phấn khích. Toàn tâm. Sự hiểu biết, kiến thức của anh về ong như một bác sĩ, một tay thợ sành nghề, nhạy bén, lọc lõi. Tôi cứ tưởng ong phân đàn là mừng, là tốt. Lúc ong phân đàn là lúc hay mất ong nhất. Mình làm gì giúp ong phân đàn hiệu quả. Ong sinh ấu chúa thế nào. Phải để ý ấu chúa ra sao. Để mấy ấu, bỏ mấy ấu. Khi chia đàn, bao giờ chúa cũ cũng ưu tiên chúa mới ở lại tổ. Còn chúa cũ đi tìm xây tổ mới. Kẻ thù của ong cũng nhiều lắm.

Thời tiết, khí hậu, môi trường là sự sống của ong đồng thời là sự chết của ong. Nóng quá ong cũng chết. Rét quá ong cũng chết. Môi trường bẩn quá, nhiều thuốc trừ sâu quá, chật chội quá, bị quấy nhiễu nhiều đều không tốt cho ong. Ong bỏ đi hoặc ong chết. Con kiến, con thạch sùng, con nhán, con ong vò vẽ, ong bắp cày đều có thể bắt ong, giết chết đàn ong. Chính vì thế, đặt thùng ong cũng phải xem địa hình, địa thế, xem hướng cẩn thận.

Nguồn: Internet

Ong cũng lắm bệnh chứ không đơn giản. Anh kể một loạt bệnh: Bệnh ấu trùng túi, bệnh thối ấu trùng châu Âu, bệnh thối ấu trùng châu Mỹ, bệnh ỉa chảy, bệnh đầy bụng, bệnh nhiễm độc. Mỗi loại bệnh một loại thuốc. Cho uống thuốc kháng sinh thế nào, uống ra sao. Che mát cho ong, sưởi ấm cho ong. Cách chọn gỗ làm thùng ong. Gỗ nào có mùi phù hợp với ong. Gỗ nào không phù hợp. Khoan lỗ cho ong vào. Cho ong ăn khi hết mùa hoa thế nào.

Anh đem ra bao nhiêu là sách báo dạy nuôi ong. Những bài thuốc dạy cách phòng bệnh, chữa bệnh cho ong. Anh có đi học lớp kỹ thuật nuôi ong nào không mà hiểu biết nhiều về ong thế? Lại bao nhiêu sách nữa? Nghe tôi hỏi, anh cười. Mình là giáo viên thể dục. Chuyên đưa các em ra bãi cây tập chạy, tập nhảy, đá bóng. Bãi nằm trong một vườn đủ loại cây keo Đài Loan, nhãn, vải, sữa. Thấy ong kiếm mật nhiều quá. Mình thích. Thế là mình mua, sưu tầm tất cả các loại sách dạy, báo nói về kỹ thuật nuôi ong đọc. Khi điều kiện đến, mình xin về mất sức, ở nhà nuôi ong. Có học lớp kỹ thuật nào đâu.

Sớm hôm ấy, anh bảo tôi đi ủng, lội ra đồi. Hàng nghìn cây vải thiều hoa nở bung, bồng lên một màu nâu xốp nhạt. Văng vẳng bên tai tôi là những âm thanh mờ ảo, mỏng manh, mơ hồ giữa sương đục, vừa gần gũi, vừa xa xăm. Anh bạn tôi bảo Ong đấy! Ong siêng lắm. Nó đi kiếm ăn sớm lắm. Khi phát hiện được nguồn hoa,  nguồn mật dồi dào nó đi từ lúc tinh mơ. Mình mở mắt ra đã thấy ngàn ngạt ong quanh bông hoa, khóm hoa rồi. Nhà tôi có mấy chậu xương rồng cảnh, loại xương rồng sáu cạnh. Nó nở hoa vào ban đêm. Không biết bằng cách nào, những con ong mật nhận ra tinh tường thế. Mới bốn, năm giờ sáng, chưa trông rõ mặt người, mỗi đoá hoa đã có hàng trăm con ong bâu kín lấy nhị, lấy mật. Con nào cũng vê được hai cụng phấn vào chân sau vàng rực bay đi. Sáng hôm sau lặp lại y hệt thế. Không hiểu bằng cách nào nó biết hoa xương rồng nở trong khuya khoắt? Nó có đội quân trinh sát siêu nhạy. Anh khẳng định thế.

Anh dừng lại ở đỉnh đồi, đưa tay quạt gió đôi ba lần từ phía bông hoa vào mũi mình. Sao lại làm thế? Tôi hỏi. Anh bạn cười. Kiểm tra nồng độ thuốc trừ sâu ấy mà. Có kỳ ong chết hàng loạt. Đi kiếm ăn về, con nào cũng nặng ịch hai chân phấn. Nhưng khi kiểm tra thấy mật, phấn kiếm về có nhiều chất độc, ong gác cửa, ong chúa không cho vào tổ. Ong thợ cứ lượn trên trời, lượn mãi rồi rơi xuống chết. Có lần chết hàng loạt. Chết nhiều đến mức vợi cả đàn. Khi kiểm tra, nhìn phấn trên chân ong, ngắm hướng ong bay về, mình biết là vùng ấy vừa mới phun thuốc trừ sâu cho cam. Ong đi lấy nhị, lấy mật hoa cam bị dính thuốc trừ sâu. Không chỉ có cam, cà phê, chè, các vườn hoa, táo, ổi đều phun thuốc trừ sâu. Nồng độ rất nặng. Lịch phun rất dày. Người nuôi ong không tinh, không thực tế là trắng tay như chơi. Khum lòng bàn tay lại như một con thuyền nhỏ được gắn bằng năm ngón, anh vít cành vải thiều khẽ đập đập. Những giọt trong suốt, nhỏ xíu, long lanh như mắt nhện nằm sâu trong kẽ những cánh hoa mỏng li ti văng ra, lăn xuống lòng bàn tay sóng sánh. Anh nâng về phía mũi tôi. Ngửi xem. Anh bảo thế. Một mùi thơm phảng phất, lan toả êm dịu. Anh nói như tôi chưa kịp nhận ra: Mật đấy. Đã bao lần nhìn ngắm những chùm hoa vải thiều đầy những hạt nhỏ li ti long lanh tôi vẫn ngỡ là sương. Chấm đầu ngón tay vào những giọt sóng sánh anh vừa đập, hứng được từ cành hoa vải, đặt vào đầu lưỡi, tôi cảm thấy ngòn ngọt. Đúng là mật. Rồi anh đưa tay vẽ lên bầu trời, nếu thời tiết đẹp thế này, vụ mật hoa vải này nhà anh thu vài tạ mật là cầm chắc. Ngay sau vụ hoa vải là hoa nhãn. Hết thời vụ hoa nhãn là bắt đầu một mùa hoa cam. Mùa hoa bạch đàn tháng sáu chốt lại những chai mật cuối cùng trước khi bắt đầu một mùa giông bão. Thế là từ tháng sáu tới tháng hai sang năm không quay được một lứa mật nào nữa? Nghe tôi hỏi, anh đáp, còn một hai lần quay mật vụ đông nữa. Đó là đợt mật hoa núi. Anh giải thích. Nhà mình gần núi đồi. Cuối năm, hoa bông hôi, hoa ô dô, hoa sữa, hoa chè, hoa su su, các loại hoa rừng rất nhiều. Bà con mình bây giờ trồng nhiều su su, bầu bí lắm. Trời lại ít mưa. Mật ong đặc hơn cả mật hoa nhãn, hoa vải và tốt. Bình thường, một chai 650 ml (gọi là gù), mật ong chính vụ nặng 1,2kg. Nhưng một chai mật vụ đông phải nặng 1,4kg.

Nhân đang nói về mật, tôi hỏi mỗi năm gia đình anh thu hoạch được bao nhiêu. Số mật thu mỗi vụ không ổn định. Nó phụ thuộc vào vụ hoa từng năm. Anh nói thế. Năm nào đúng vụ hoa vải, hoa nhãn, hoa cam, hoa xoài mà không mưa thì năm ấy đại thắng. Năm nào hoa đang nở mà gặp mưa dầm thì thất bại. Có năm đầu mùa nhìn hoa tưởng cầm chắc ba bốn tạ mật. Đùng một cái, mưa. Thế là lượng mật giảm hơn một nửa. Thường cứ nhìn mùa hoa quanh vùng là ước lượng được lượng mật sẽ thu về. Người nuôi ong nhìn hoa cũng giống người trồng lúa nhìn cây lúa, người trồng sắn nhìn cây sắn. Trông cây biết quả. Trông cây biết củ. Năm nay anh ước thu được bao nhiêu? Tôi hỏi vui thế. Anh bảo chừng ba trăm chai. Quãng ba tạ rưỡi. Khi tôi hỏi trong vùng này có nhiều người thu hoạch mật với số lượng nhiều như thế không? Anh bảo vài ba tạ như tôi thấm gì. Số nhà thu hoạch bốn năm tạ không phải là ít. Rồi anh kể một loạt. Ông Tô Quang Nhang, ông Nguyễn Văn Lưu, ông Trịnh Văn Biền, chú Nam... Họ đều được mệnh danh là những đại gia ong, những chuyên gia về ong. Đặc biệt nhất là nhà anh Trịnh Văn Chiến. Có năm nhà anh thu gần một tấn rưỡi mật! Số mật thu trong chính vụ, từ tháng hai đến tháng sáu, là 1200kg. Số mật thu vụ hoa núi tháng 11, 12 là gần 300 kg. Chưa kể tiền bán ong giống san đàn, chỉ tính riêng tiền mật gia đình anh thu hàng trăm triệu đồng.

Nghe cái tên Chiến quen quen, ngờ ngợ tôi hỏi lại có phải Trịnh Văn Chiến ở đồi Mốc Trạch không? Anh Dực bảo phải. Thế thì tôi đến nhà rồi. Năm trước, khi nghe giới thiệu “vua ong” Trịnh Văn Chiến, tôi đến ngay. Cánh cửa mở, trước mắt chúng tôi là mấy chục chiếc can trắng loại 10 lít, 20 lít xếp hàng nọ nối hàng kia. Can nào cũng đóng đầy mật. Ngoài vườn đồi, dưới những gốc cam, gốc bưởi, dưới những gốc nhãn, gốc vải, đâu đâu cũng thấy thùng ong bày đặt. Nghe anh Chiến nói hay quá, tôi mua liền một can 20 lít về làm quà cho bạn bè. Nhưng mật mua chưa đầy tháng đã thấy đóng đường dày dần dưới đáy chai. Tôi ngán ngẩm. Thế là mất toi hơn triệu bạc. Đến tận nhà mua mà vẫn mua phải mật giả. Đau quá. Anh Dực bảo không phải mật giả. Chỉ không phải mật ong đích thực thôi. Rồi anh giải thích. Nhà anh Chiến ở giữa một vùng trồng mía mênh mông. Khi mía già, gióng mía nứt ra mật mía thơm nức. Ong cứ thế tha hồ lấy về. Đến khi các gia đình chặt mía, gốc mía, cây mía chảy mật đầm đìa cả tháng, cả quý. Ong tha hồ lấy mật. Cứ ba bốn ngày ong lại vít nắp. Ba bốn ngày lại vít nắp. Quay và quay. Tiếng là mật ong nhưng chẳng khác gì mật mía vừa sơ chế. Số đàn ong tăng vùn vụt. Một năm thu hàng tấn là thế. Kết quả là, sau một tháng, tất cả mấy chục can mật ấy đóng đường. Mật thật thành thành mật giả. Hàng trăm bọng ong phút chốc cũng tan. Tan vì nhiều lẽ. Trong đó có một lẽ, không ai đến mua mật nữa. Không bán mật cho ai được nữa. Không xóa được cái tiếng ông chủ mật ong giả. Nhiều chủ ong tự chết như thế.

Tôi tò mò hỏi vùng này có mật ong giả không? Anh bảo, đầy. Càng vùng ong càng nhiều mật ong giả. Chè Tuyên Quang, chè Phú Thọ, chè Vĩnh Phúc chẳng đã “trở thành chè Thái Nguyên” cả đấy sao? Lợi dụng uy tín vùng ong có tiếng, nhiều bọn tới tận nhà các chủ ong mặc cả bán mật ong của họ cho mình giá chỉ bằng 1/3 giá mình đang bán. Nó lại mua mật của mình nhích hơn giá hiện tại. Khách mua cho rằng đến tận chủ ong lớn mua mật thì mật thật 100%. Một số gia chủ hám lợi.  Khách vẫn bị lừa. Tôi nói 7 kinh nghiệm phát hiện mật ong thật, mật ong giả. Anh Dực phẩy tay. Giọt mật lăn trên vải mới không dính là mật ong thật chứ gì? Rỏ giọt mật ong vào cốc nước lạnh mà không tan là mật ong thật chứ gì? Đặt giọt mật vào đầu ngón tay, đầu lưỡi có cảm giác mát lịm, êm dịu là mật ong thật chứ gì? Không đơn giản thế đâu. Mật gấu, xương hổ, cao hổ, sừng tê giác còn làm giả được nữa là mật ong. Nó đem trăn đến tận nhà nấu cao bán cho chủ mà vẫn bị cao giả nữa là. Tóm lại mật ong giả rất dễ làm. Nó để cho thử thoải mái. Nếu để dăm ba ngày, một tháng, không mấy khi phát hiện được. Mật thật nhất là phải tin người. Chỉ có chủ ong mới nói chính xác chất lượng mật mà thôi.

Tôi còn một thắc mắc. Quanh vùng không thấy ai nói lấy được sữa ong chúa. Tại sao các cửa hàng dược, người đi bán rong chào bán nhiều sữa ong chúa thế? Sữa Ong Chúa thực ra không phải là sữa của loài ong. Anh giải thích. Đây là thuật ngữ mà người nuôi ong sử dụng để chỉ về dưỡng chất mà ong thợ tiết ra để nuôi dưỡng ong chúa và ấu trùng ong sau này sẽ trở thành ong chúa. Trong loại thức ăn đặc biệt này có chứa nhiều chất đạm, chất béo, khoáng chất và các loại sinh tố… giúp bồi bổ và tăng cường sức khỏe, đây cũng chính là lý do vì sao ong chúa có tuổi thọ cao hơn rất nhiều so với ong thợ (ong chúa sống được 6 năm, trong khi ong thợ chỉ sống được 6 tuần). Nó quý như thế cho nên nhiều người nghĩ ra chiêu lừa sữa ong chúa để kiếm lời. Tất cả những người nuôi ong nghiệp dư tự phát, không ai lấy được sữa ong chúa. Chỉ có xí nghiệp ong, ngành nuôi ong công nghiệp họ mới chiết suất được sữa ong chúa. Nó còn dám chào hàng cả tôi nữa là. Nó đem đến một số lọ rất đẹp giới thiệu sữa ong chúa. Tôi bảo, đây là mật ong nguyên chất mật hoa su su vùng Tam Đảo pha chế với với một số hóa chất khác, trong đó có chất tẩy trắng. Mật ong hoa su su có màu trắng ngà, hơi xanh. Khi cho chất tẩy vào, trắng như sữa nhưng vẫn giữ được hương, vị, độ sánh. Biết bị bắt thóp, nó cuốn gói chuồn thẳng.

Chiều hôm ấy, anh dẫn tôi lên phòng riêng trên tầng hai. Phòng trưng bày gần ba chục chai mật ong. Anh bảo, mỗi năm anh để lại một chai. Chai năm nào có nhãn ghi rõ ràng năm ấy. Anh xếp thứ tự chai từ năm đầu tiên đến năm gần nhất. Một mặt làm kỷ niệm. Một mặt để chứng minh mật ong tinh chất, đúng mùa hoa, không cho ăn đường, quay đúng tuổi nó có đóng đường không. Anh cứ lần lượt giơ cho tôi xem, chai mật năm đầu tiên cách đây gần ba mươi năm. Rồi chai thứ hai. Chai thứ ba. Mật trong chai vẫn trong suốt. Bao nhiêu năm cũng không hề có tí cặn đường.

Vui nhất với nghề nuôi ong là lúc quay mật. Tôi đã được chứng kiến bao nhiêu cuộc. Chuẩn bị quay mật ong, chủ nhà điện gọi bạn bè quen thân, hàng xóm tới. Sau khi quay xong, lọc, trút mật vào chai, còn lại dấu mật trong thùng, chủ nhà đổ mấy chai rượu nút lá chuối vào gọi là mật tráng thùng. Một vài chiếu trải ra, một ít mồi nhắm, chén chạm chén lách cách hì hà hỉ hả. Cái không khí đầm ấm, tươi vui, tình cảm, mộc mạc, dân dã nhưng hấp dẫn lạ kỳ. Anh Dực cũng làm vậy. Bạn bè tụ đến khá đông. Mặc dù đã mấy chục năm làm nghề nuôi ong, tự tay lấy mật, anh Dực vẫn cẩn thận đội mũ lưới che mặt. Dao hớt màng sáp mỏng, sắc. Anh khéo léo hớt những chỗ mật bịt đúng tuổi, đã già. Chỗ còn non để lại. Các cầu ong được giắt vào sa quay. Tiếng mật bắn ra te te va vào thành thùng. Vài phút một lần quay. Mật dưới đáy thùng dày dần lên. Trong mật có những xác ong. Nhìn thùng mật thì chẳng nhiều là bao. Anh Dực bảo, trông thế thôi, hơn mươi chai rồi đấy. Mùi mật ong tươi tỏa ra một mùi thơm dịu ngọt khó tả.

Khi được hỏi, anh có định tăng thêm số lượng đàn ong nữa không, giọng anh hơi chùng xuống. Anh bảo định giảm xuống vài chục thùng để đảm bảo an toàn. Trước kia, vùng bán sơn địa này bao la là bạch đàn, keo Đài Loan. Ngoài mấy trăm héc ta vải thiều, nhãn còn có mấy trăm héc ta cam, chanh. Trong bản, trong thung còn nhiều đồi chè. Nay keo, bạch đàn đã bị chặt gần hết. Nhãn chặt gần hết. Vải thu hẹp lại. Vùng cam cũng hẹp lại. Thuốc sâu quá nhiều. Hết mùa hoa vải, hoa nhãn phải thuê xe di chuyển đàn ong hết nơi này sang nơi khác. Có khi đi xa hàng chục, vài chục, năm chục ki-lô-mét mới có vùng hoa. Có phải đặt ong không đâu. Phải thuê người chăm sóc, thuê bảo vệ. Có khi một đêm bị kẻ trộm khoắng đi vài ba chục thùng. Rồi trả công, tạ ơn chủ nhà, chủ chùa, chủ trang trại. Chi phí cho ong cũng đắt đỏ lắm. Mấy tháng mùa mưa, mùa đông ken cho ong ăn cũng tương đối vất vả. Hàng tạ đường mỗi tháng đâu phải ít. Hơn nữa, mật làm ra đâu phải tiêu thụ được ngay. Trăm nhà bán. Người mua lẻ tẻ. Khách sộp, tin mình mới lấy được vài ba chục chai. Bán dần cũng mệt. Trước kia thì bán vô tư. Nay người mua cũng sợ bị mật ong giả. Mất một thùng ong bảy, tám cầu là mất tiền triệu như chơi. Được thì mật ngọt. Không được thì mật đắng. Hiệp với Hội họ bận việc ở Hà Nội, bận việc ở thành phố chứ họ bận gì tới chỗ này!

Tôi chợt nhận ra, một vùng ong tự phát. Một vùng ong không hợp tác xã. Một vùng ong không hiệp hội. Không tổ chức. Không định hướng. Không quy hoạch. Hệt như cái chuyện, khi hạn hán, cả làng thi nhau đào giếng. Mỗi nhà một cái giếng. Ba mét một cái giếng. Năm mét một cái giếng. Đến mùa mưa bão, giếng nào cũng ngập nước. Không đi lại thì không được. Mà đi lại sợ rơi xuống chính cái giếng mình đào!

Thoảng nghe trong gió ngan ngát  mùi hoa cam. Phải rồi, hoa cam bắt đầu nở. Mùa ong đã đi được nửa chặng đường. Hoa cam rụng như ngô nổ rắc trắng dưới gốc cây. Cánh ong đang rệt trên bầu trời nghe như tiếng nhị, tiếng líu, tiếng kèn lá mơ hồ, xa xăm, mỏng tang, lạng vào tâm trí người ta giữa chiều vương nắng nhạt. Ong ẩn hiện nơi đám hoa rụng đầy mặt đất. Ong chen vào nhau giữa các chùm hoa. Những cầu ong tiếp tục đầy mật lên, vít nắp. Nó không để ý đến những nỗi bức xúc của con người.

Bỗng nhiên, từ mấy chục thùng ong, gần như cùng một lúc, ong rộ ra, cuồn cuộn bay lên đen đặc cả trời. Hoảng quá, tôi kêu: Ong bùng kìa! Ong bùng kìa! Anh cười. Không phải ong bùng đâu. Nó đi vệ sinh đấy. Mấy phút nó xuống thôi. Gần hai mươi phút sau, mọi tổ ong, mọi đàn ong lại đâu vào đấy. Trông thấy anh chọn lựa một số thùng không, để sẵn, tôi hỏi làm gì? Anh đáp: Một số thùng tám, chín cầu quân đông lắm. Thấy ong chúa đã kiểm quân rồi. Chỉ nay, mai là nó phân đàn thôi. Tôi thầm nghĩ, có thể ngày mai, ngày kia, vùng này lại có thêm hàng chục, hàng trăm đàn ong nữa. Mùa ong vẫn còn dài, bởi vì, vẫn còn mấy trà hoa chưa nở…

Nguyễn Minh Khiêm

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước