Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:14 (GMT +7)

Một số mô tip và biểu tượng trong mỹ thuật Hàn Quốc

VNTN - Đến Hàn Quốc, ở bất cứ đâu ta cũng bắt gặp những mô típ, hình vẽ, hoa văn, ký tự đa sắc, đa dạng được lặp đi lặp lại tại nhiều điểm và thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có mỹ thuật. Không chỉ làm đẹp, chúng còn là những câu chuyện, biểu tượng thú vị về con người, đất nước cùng những khát khao, hoài bão của người dân xứ Hàn.

Các mô típ, hình vẽ, hoa văn Hàn Quốc được chia thành rất nhiều loại khác nhau như hoa cỏ, côn trùng, chim thú, thần tiên và con người. Trong mỗi mô típ lại có một mô típ khác nhỏ hơn, như cùng chủ đề hoa sen có sen với đàn cá vàng, sen với chim uyên ương hoặc vịt trời, sen với nhi đồng... Đặc biệt có những mô típ được tập hợp thành bộ như mô típ thập trường tượng (Ship-jangsaeng, mười biểu tượng trường thọ gồm mặt trời, mây, núi, cây thông, cây trúc, cây đào hoặc quả đào, nấm, chim hạc, hươu và rùa). 10 vật này thường xuyên xuất hiện trong tranh phong cảnh, quần áo, đồ dùng gia dụng. Lý giải điều này, người ta cho rằng con số 10 là số viên mãn đem lại sự vẹn toàn, bao quát nhờ hai nét bút ngang dọc chỉ bốn phương trời đất và các vật ở trên đều là vật sống lâu, có tuổi đời hơn tuổi thọ của người. Cũng hay gặp mô típ tứ quý (bốn loại cây đẹp biểu thị bốn mùa), tứ linh (bốn con vật mạnh tượng trưng cho sức mạnh tự nhiên). Ngoài ra còn các mô típ 3, 5, 12 thể hiện sự phát triển...

Trong các mô típ, hoa văn cây cỏ nổi bật phải kể đến hoa sen. Nhờ vươn cao trên bùn lầy hoa có nhiều lớp cánh, hơn thế còn cho quả cùng lúc sen là biểu tượng của sự trung thực, thuần khiết và sinh sôi. Khi sen kết hợp với hình ảnh đôi vịt đang bơi có thêm ý nghĩa hạnh phúc; sen với đàn cá tung tăng cho sự nhàn hạ và sen với đứa bé chỉ một tương lai tươi sáng.

Mô típ hoa mai cũng được thấy nhiều nhất. Mai chịu được rét, vào xuân ra hoa đẹp đem lại hương thơm dịu dàng tượng trưng cho sự liêm chính, thanh tú và được xếp vào bộ mô típ tứ quý. Cũng thuộc bộ này là tùng và trúc. Tùng chuyên mọc ở đỉnh núi chịu mọi khí hậu thời tiết nhưng lúc nào cũng xanh tươi, vươn cao tượng trưng cho sự kiên trung, dũng cảm và tuổi thọ. Trúc rỗng ruột song mọc khỏe và dai, vứt đâu xanh đó ngay cả chỗ úng ngập, sương tuyết là hiện sinh của sự vô tư, trẻ trung. Ngoài ra, trúc cũng biểu thị cho sự trừ tà và vận xấu.

Trái đào là mô típ đặc trưng nhất về tuổi thọ. Người ta tin đây là thứ quả trong vườn tiên khi ăn vào sống lâu muôn tuổi. Vì thế luôn vẽ tranh trái đào treo trong nhà. Ngoài ra là tranh tượng tam đa với hình ảnh ông thọ cầm trái đào to. Thời Silla, một ngọn núi phía tây ở kinh đô Gyeongju đã được đặt tên là Seondo-san (Đào tiên Sơn). Trong một bức tranh phong cảnh nổi tiếng Hàn Quốc của họa sĩ An Gyeon sáng tác năm 1447, tên là Mongyu-dowon-do (Mộng Du Đào Viên Đồ) cũng miêu tả một người ngủ mơ đã đi lạc vào vườn đào tiên. Tương tự đào, nấm đặc biệt là nấm Linh Chi cũng là sản vật ở xứ tiên đem tới sự bất tử cho bất cứ ai ăn nó. Các dây quả như dưa hấu và bầu cũng là mô típ thường gặp và vì cho nhiều quả và hạt thể hiện sự đông con và hạnh phúc.

Trong mô típ côn trùng luôn gặp bướm. Mùa xuân bướm bay rợp trời và tự do tìm bạn không như những đôi trai gái bị sắp đặt gò bó là biểu trưng về tình yêu tự do và hạnh phúc, niềm vui, sự hoan lạc giữa chồng vợ. Hình ảnh bướm thường thấy trên các mành che, ri đô, khăn tay, vật dụng nữ giới. Khác với bướm, ve thường ở lỳ trên cây ăn khí trời và sương, hễ trời ấm lại ca hát cho sự vui vẻ, nhàn tản. Ve còn có thể lột xác sinh ra trong hình dạng mới biểu hiện của sự bất tử và phục sinh.

Trong mô típ chim, đầu danh sách là hạc trắng. Người ta cho rằng hạc sống cả nghìn năm, nhờ chỉ uống không ăn nên thân thể nhẹ bỗng và được thần tiên cưỡi mỗi khi ngao du, chúng cũng sống từng đôi chung thủy đến khi chết và là biểu tượng của sự thanh tao, chung thủy và tuổi thọ. Cùng mây, thông, hạc được vẽ khắc trên nhiều công trình kiến trúc, quần áo, văn phẩm và đồ mỹ nghệ bằng gỗ và sành sứ.

Công và trĩ lại tượng trưng cho sự tôn quý, quyền uy nhờ vẻ sặc sỡ, duyên dáng, bước đi thong thả, gần gũi mà không dung tục và luôn quay lại nơi cũ. Chúng thường được trang trí trên các cung cấm và đồ thêu hoàng gia.

Ngỗng trời luôn di chuyển theo mùa, từng đôi hoặc bầy. Ngỗng thường được vẽ với cây lau biểu thị cho hòa bình và bay cùng đàn báo tin tốt lành. Giống ngỗng trời, vịt cũng tượng trưng cho sự chung thủy, ngoài ra là sự đông con vì đẻ nhiều nên những cặp vợ chồng mới cưới đều sắm chăn màn, gối đệm có hình đôi vịt.

Trong các mô típ thú, hổ là đại diện phổ biến nhất. Nhờ to khỏe, dữ tợn và dũng mãnh, hổ là hiện sinh của uy quyền, thế lực. Người ta tin ai mơ thấy hổ sẽ trở thành quan nhân. Hình ảnh hổ thường thấy trong tranh dân gian và trên quân phục tướng lính cấp cao hoặc đại thần Hàn Quốc.

Ngược lại, hươu biểu trưng cho sự dịu dàng và bằng hữu. Chúng hiền lành, hay đi theo đàn và luôn ngóc đầu để dẫn dắt kẻ khác. Hươu còn có thể rụng lông, thay gạc hàng năm cho sự đổi mới và trường thọ.

Con cá không bao giờ nhắm mắt thậm chí khi chết do đó là biểu tượng của kỷ luật và tính chuyên cần. Cá thường được gắn với Phật giáo chỉ sự đạt độ Niết Bàn. Vì đông đúc, đi được xa, nhiều khi bay lượn được trên nước chúng còn là hiện sinh của sự giàu có, tự chủ và thành công. Nhiều đền chùa và nhà dân Hàn Quốc đều có tranh khắc và tượng gỗ cá.

Rùa là con vật sống lâu hơn cả, hiểu biết nhiều là biểu tượng của trường thọ và tài tiên đoán. Người ta thường dùng mu rùa để dự báo hậu vận. Hình ảnh rùa thường thấy ở chân đế tượng đài.

Trong mô típ thế giới thần tiên, rồng là sinh vật tưởng tượng được đề cập nhiều nhất. Đây được tin là con của phượng và hạc với sức mạnh tối linh nhờ hình dạng đặc biệt mang ưu thế các loài gồm đầu rắn, sừng hươu, mắt quỷ, tai trâu, cổ rắn, vảy cá chép, móng chim ưng, chân hổ... Và tượng trưng cho vương quyền, mưa bão và kỳ tích.

Phượng cũng có cấu tạo kỳ lạ gồm cổ rắn, cằm én, đuôi cá, lại có đặc tính không ăn sinh vật sống và chỉ làm tổ trên cao. Mọi loài chim đều tôn kính và bay sau. Nếu rồng tượng trưng cho vua thì phượng tượng trưng cho nữ hoàng, ngoài ra phượng còn cho vẻ đẹp thanh tú, may mắn và thịnh vượng.

Con giải (Haetae) có hình dạng giống sư tử, ăn được lửa là biểu tượng của sự chống lửa. Chúng cũng là biểu tượng của sự không bệnh và thần giám hộ trước các công trình kiến trúc và tòa nhà gỗ dễ bị cháy.

Nguồn ảnh: Korean Arts.

Trong các tranh phong cảnh, đặc biệt là thể loại thập trường tượng, thường thấy mô típ mặt trời, nhờ nguồn ánh sáng vĩnh cửu cũng là nguồn năng lượng quý giá cung cấp và nuôi dưỡng sự sống và là biểu tượng của trường thọ. Ngoài ra, còn thấy nước gồm sông hồ, thác ghềnh và con sóng theo đạo Lão thể hiện sự dịch chuyển linh hoạt giúp người tránh được tác hại. Hoặc mây là dạng nước trên trời có thể biến hóa, trôi nổi bất cứ đâu do nhẹ nên được các vị tiên dùng làm phương tiện đi lại. Người ta cũng tin rằng trong cuộc đời nếu tích được nhiều điều đức thì sẽ được cưỡi mây lên trời trở thành một vị phật ở thế giới tương lai. Mây vì vậy được thấy ở nhiều ngôi mộ và lăng tẩm.

Có nhiều mô típ không có dạng hình vật mà dưới dạng chữ như chữ hồi (hui) chỉ sự tái sinh; thọ (su) và phúc (bok) đem lại sự sống lâu và hạnh phúc; hỷ (hee) thể hiện mong ước vợ chồng luôn vui vẻ, thường thấy trong ngày cưới. Chữ vạn biểu thị sức mạnh thần thánh và vũ trụ. Các chữ dưới dạng bùa phù, nổi bật là phúc trạch (pujok) thường là chữ đỏ viết trên mảnh giấy có nền vàng. Người ta tin quỷ không thích màu vàng và đỏ tượng trưng cho lửa và máu đem tới sự sống và niềm vui nên thường gắn bùa phù vào áo quần, treo trên tường để làm phép thu nhận may mắn và xua đuổi tà ma.

Tại sao người Hàn Quốc lại sử dụng nhiều hình ảnh biểu trưng như vậy? - Là vì với họ, những mô típ, hoa văn ấy không chỉ là các câu chuyện viễn tưởng tồn tại trong tâm trí mà còn hiện hữu như có thật ở ngoài đời, có ý nghĩa quan trọng với đời sống tinh thần. Để nhà sạch đẹp, may mắn, phát tài nhà dân nào cũng treo tranh tứ quý, tứ linh. Khi mong muốn điều gì cũng treo vẽ tranh thể hiện điều ấy, như cần đỗ đạt thì treo tranh cá chép, công, hổ. Khi muốn sinh con thì treo hình quả lựu, đàn vịt…

Không chỉ sự vật mà màu sắc ở Hàn Quốc cũng giàu tính biểu tượng, thể hiện những quan niệm về đất - nước - lửa - không khí - cây cỏ, bốn mùa và ngũ phương. Nhiều họa tiết trang trí ở đền đài thực tế là kết quả lắp ghép một cách tinh tế các mảnh màu với nhau. Người ta thường dùng ba màu xanh, đỏ và vàng là các màu tươi sáng, rực rỡ biểu thị sự phát triển và phồn thịnh. Riêng với nhà Phật dùng tới năm màu xanh, đỏ, vàng, trắng và đen gọi là Đơn Thanh (Dancheong) dựa trên triết lý ngũ hành để vẽ tranh tượng Phật, trang trí trần nhà, cột kèo nhằm đem tới sự khai sáng. Khi sống quanh các mô típ, hoa văn như vậy nhà sư và người dân luôn cảm thấy nhẹ nhõm, lĩnh hội được tuệ mẫn, Phật pháp.

CHU MẠNH CƯỜNG Sưu tầm và biên dịch

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy