Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
02:48 (GMT +7)
KỶ NIỆM 75 NĂM HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC

Một nền văn hóa thuần Việt và dân chủ

VNTN- Sáng 24 tháng 11 năm 1946, hồi 9 giờ sáng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc họp phiên khai mạc tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan, một nhân chứng lịch sử tham dự Hội nghị kể lại trong hồi ký của mình, cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu khai mạc. Cùng tham dự Hội nghị có cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội, và các Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ.

Rọi ánh sáng cho văn hóa

Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã sửa soạn trong gần một năm trước. Đã mấy lần gửi giấy tờ vận động đi khắp nước, đã mấy lần định họp hội nghị ở Thủ đô, nhưng vì tình thế phải hoãn lại mãi đến ngày 24-11-1946. Tạp chí Tiên Phong - cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa Cứu quốc - đăng bài viết nhan đề “Hoan nghênh Hội nghị Văn hóa toàn quốc" trên số 23 (ra ngày15-11-1946) cung cấp thông tin:

"Ngày 24 tháng 11 năm 1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ mở tại thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch sẽ khai mạc hội nghị long trọng này. Người sẽ đọc một bài diễn văn mà chúng ta chắc sẽ rọi ra rất nhiều ánh sáng cho giới văn hóa. Hồ Chủ tịch, người đã nói những câu: “Phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại"; “Chúng ta không chịu vay mà không trả"…” (chữ đậm là tác giả nhấn mạnh).

Hồ Chủ tịch là nhà văn hóa cao nhất của dân tộc. Việc Hồ Chủ tịch khai mạc Hội nghị Văn hóa Việt Nam toàn quốc là một cử chỉ ý nghĩa vô cùng.

Ông Trần Huy Liệu (diễn giả trên bục) - Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc nói chuyện về Đời sống mới (1946) - Tư liệu KMS.

Hơn một năm trời, Ủy ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã trì thủ giữ lấy ngọn lửa tin tưởng không mờ, cũng như lòng cố gắng không mệt. Bao nhiêu tháng đã qua, không có đủ điều kiện thuận tiện, Ủy ban đã phải âm ỉ làm việc; nếu không có một sự bền chí đặc biệt thì sao vượt hết những khó khăn.

Thời gian này, nhà văn Vũ Ngọc Phan làm biên tập và viết bài cho Tạp chí Tiên Phong. Nhà riêng của ông ở ấp Thái Hà, khi đó còn là ngoại thành, nên ông thường đi tàu điện từ Thái Hà vào nội thành làm việc, tối mịt mới về. Trong hồi ký của mình, ông nhớ lại:

“Chưa bao giờ tàu điện lại đông như thế. Trước kia, hành khách là tiểu công chức, là những người buôn bán nhỏ, thì bây giờ trên tàu đa số là công nhân, là nông dân ở ngoại thành. Dưới đường, người đi tấp nập như ngày hội. Họ vào thành phố xem phố xá có thay đổi gì không. Họ náo nức đi xem Bắc Bộ phủ, nơi Cụ Hồ ở và làm việc. Họ hy vọng sẽ được nhìn thấy Cụ Hồ đi xe qua phố. Nhiều người gầy yếu (nạn đói lúc bấy giờ vẫn còn trầm trọng) nhưng lòng tin tưởng ở Cách mạng làm cho mắt họ sáng hẳn lên.

Nhìn họ tôi nhớ ngay lời Hồ Chủ tịch căn dặn chúng tôi ít lâu sau ngày Tổng khởi nghĩa, hôm anh chị em văn hóa chúng tôi được phép lên gặp Người: “Các chú viết và vẽ thì phải chú ý đến công nông, phải viết về công nông, vẽ về công nông".

Nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng nhớ đến một sự việc trong cuộc Triển lãm Văn hóa do Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức tại trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức vào tháng 10 năm 1945. Khi đứng xem bức sơn mài lớn, vẽ những cô thiếu nữ thướt tha, huyền ảo, Hồ Chủ tịch hỏi các văn nghệ sĩ trong Ban Tổ chức đang đứng bên cạnh mình: “Đây là những cô tiên trên trời hay là gì? Còn nhiều người ở trần gian đáng vẽ, sao không vẽ?".

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự Triển lãm Tuần lễ Văn hóa (10-1945) - Tư liệu KMS.

Lúc đầu, Ban Tổ chức của Ủy ban vận động Hội nghị Văn hóa toàn quốc dự định thời gian Hội nghị là 7 ngày với một chương trình khá cồng kềnh về báo cáo và tham luận (9 bài báo cáo và 7 bài thuyết trình của những nhà văn hóa có tên tuổi); dự định về họp các tiểu ban xen vào khá nhiều tiết mục văn nghệ cũ và mới (Hai ban kịch Đông Phương và Hoa Lan cổ động ráo riết hai vở kịch lớn Kiều Loan và Lôi Vũ sẽ diễn trong dịp hội nghị); dự định một bài báo cáo sẽ rất sôi nổi về cải cách chữ Quốc ngữ của diễn giả Ngô Quang Châu... Ủy ban vận động còn dự định sẽ tổ chức một cơ quan văn hóa thường trực để dọn đường cho sự ra đời một Viện Văn hóa Việt Nam.

Trước Hội nghị mấy ngày, Nhà văn Vũ Ngọc Phan cùng Ban Tổ chức đến Bắc Bộ phủ, xin Chủ tịch Hồ Chí Minh bài diễn văn. Hồ Chủ tịch cho biết sẽ nói theo dàn bài, như thế có thể linh động, sẽ thích hợp với hoàn cảnh Hội nghị hơn.

Văn hóa phải soi đường cho Quốc dân đi

Tạp chí Tiên Phong, số 24, ra ngày 1-12-1946 đưa tin Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946) với mong muốn: “Tuần lễ Hội nghị sẽ là một tuần lễ rộn rịp. Kết quả của Hội nghị sẽ thỏa mãn sự chờ đợi và cố gắng trong một năm nay”.

Hơn một tháng trước, Hội nghị Văn hóa Cứu quốc toàn quốc đã họp, đã có kết quả tốt. Vì thế, các giới văn hóa đặt cả tin tưởng vào Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên này.

“Ngày hội nghị đến, trong tình thế mới bắt đầu nghiêm trọng vì các cuộc xung đột ở Lạng Sơn, Hải Phòng. - Tạp chí Tiên Phong đưa tin - Tuy vậy toàn thể đại biểu ở Thủ đô và các nơi về đều hăng hái sẵn sàng làm phận sự và tin chắc sự thành công của hội nghị”.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc khai mạc lúc 9 giờ sáng, ngày 24-11-1946, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Gần 200 đại biểu ba miền Bắc, Trung, Nam có mặt. Ngoài các đại biểu văn nghệ phần đông đã gặp ở Hội nghị Văn hóa Cứu quốc toàn quốc, Hội nghị lần này có mặt đông đủ đại biểu các ngành văn hóa khác, khoa học, triết học... như các ông: Hồ Hữu Tường, Đào Duy Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên...

Tiêu đề bài tường thuật Hội nghị Văn hóa toàn quốc trên Báo Cứu quốc (25-11-1946) - Tư liệu Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Tường thuật của báo Cứu quốc ra ngày 25-11-1946 còn cho biết thêm, các nhà văn hóa không về dự Hội nghị được đã đánh điện về chào mừng như: Đức cha Hồ Ngọc Cẩn, bác sĩ Trần Đình Nam - nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Nội các Đế quốc Việt Nam; nhóm văn nghệ sĩ trong đoàn sáng tác ở Nam Trung Bộ gồm nhà thơ Trần Mai Ninh, nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Sĩ Ngọc, nhà văn Nguyễn Đình Lạp, nhà thơ Xuân Diệu, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên đọc diễn văn khai mạc.

“Bằng một giọng thân mật, Cụ chúc Hội nghị thành công, chuyển lại lời của Hội nghị văn hóa toàn quốc Pháp chào thân ái các nhà văn hóa nước ta. Cụ đã tỏ ra rất thiết tha với văn hóa, trong khi nhắc lại ảnh hưởng của hai nền văn hóa Trung Hoa và Âu Tây ở nước ta và vạch một con đường văn hóa mới cho nước nhà”, Tạp chí Tiên Phong tường thuật.

Tác giả “Nhà văn Việt Nam hiện đại” nhớ lại: “Khi Hồ Chủ tịch bước lên diễn đàn, khai mạc Hội nghị, toàn thể Hội nghị đứng dậy hoan hô nhiệt liệt bằng những tràng vỗ tay không ngớt. Người gầy và xanh, nhưng tiếng nói của Người sang sảng như tiếng chuông, anh chị em văn hóa hết sức vui mừng và xúc động”.

Còn tường thuật của báo Cứu quốc ra ngày 25-11-1946 cho thấy: Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết tha mong muốn cho nền văn hóa mới của nước nhà sẽ lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở.

“Theo ý Người, có cái gì tốt của Đông phương hay Tây phương ta phải học lấy để tạo nên một nền văn hóa Việt Nam. Lại phải lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ”.

Hồ Chủ tịch lại nói thêm rằng, văn hóa có liên quan mật thiết với chính trị. Phải làm thế nào cho văn hóa ăn sâu vào tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, và phải lấy tự do, độc lập, làm gốc. Văn hóa phải làm cho mọi người có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng. Đối với xã hội, văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả nam và nữ, ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng những hạnh phúc mà mình đáng được hưởng. Số phận dân ta là ở trong tay ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”.

…Người nói với các đại biểu văn hóa: “Tôi tin văn hóa Việt Nam sẽ có một tương lai rực rỡ. Tôi lại thay mặt nhi đồng, kêu gọi các nhà văn hóa hãy chú ý đến nhi đồng...”.

Để kết luận, Người nói: “Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.

Chân dung và bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Họa sĩ Lê Phổ (8-1946) - Tư liệu KMS.

Sau khi Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo Nhà nước ra về, đại biểu của Ủy ban vận động báo cáo về lý do tổ chức Hội nghị văn hóa, thành phần và sự hoạt động của Ủy ban vận động trong một năm qua.

Tạp chí Tiên Phong tường thuật cụ thể: “Tiếp lời Cụ có bài diễn văn của ông Đào Duy Anh trong Ban vận động. Và sau đấy thì Hội nghị được một cái tin bất ngờ: Hội nghị chỉ họp trong một ngày hôm nay thôi”.

Vì lý do chiến sự lan rộng ở Lạng Sơn và Hải Phòng nên chương trình rộng lớn trong 7 ngày đành phải gác lại. Buổi chiều, trước khi bế mạc, Hội nghị bầu một Ủy ban Văn hóa toàn quốc để tiếp tục công việc vận động văn hóa và chờ dịp triệu tập một hội nghị thứ hai.

Hồi 18 giờ, ngày 24-11-1946, tại giảng đường trường Đại học phố Lê Thánh Tông, các đại biểu văn hóa họp và bầu Ủy ban Văn hóa toàn quốc gồm có 15 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết.

“Người nói Người thiết tha mong muốn cho nền văn hóa mới của nước nhà sẽ lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở. Theo ý Người, có cái gì tốt của Đông phương hay Tây phương ta phải học lấy để tạo nên một nền văn hóa Việt Nam. Lại phải lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam, hợp với tinh thần dân chủ”.

(Tường thuật của báo Cứu quốc ra ngày 25-11-1946)

4 người nhiều phiếu nhất trong 15 ủy viên chính thức là các ông Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh; tiếp đến là các ông Nguyễn Đình Thi, Hồ Hữu Tường, Bùi Công Trừng, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thiệu Lâu, Trương Tửu, Khái Hưng, Thế Lữ, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Huyên.

4 ủy viên dự khuyết: Lưu Hữu Phước, Hoàng Tích Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.

“Các đại biểu ra về, không thoả mãn. Trong tình thế nghiêm trọng, hội nghị không thể làm xong công việc, chỉ còn mong vào sự hăng hái của Ủy ban vừa bầu lên và sự cố gắng của toàn thể các nhà văn hóa khắp nơi để xây dựng một mặt trận văn hóa vững chắc”, Tạp chí Tiên Phong bình luận.

(Bài viết sử dụng tư liệu trên báo Cứu quốc ra ngày 25-11-1946; Hồi ký “Những năm tháng ấy” của Nhà văn Vũ Ngọc Phan; Sưu tập trọn bộ Tạp chí Tiên Phong 1945 - 1946 do Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm).

Kiều Mai Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy