Một nạn nhân tai nạn giao thông cần được cứu trợ
Nỗi đau
Đến Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình (CTCH), Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTW) Thái Nguyên hỏi tên chị Hà không ai không biết và cảm thương về hoàn cảnh đặc biệt một người mẹ trẻ không nhà cửa, có con bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, đã điều trị nhiều ngày tại đây.
Dù tai nạn xảy ra đã khá lâu nhưng khi kể lại khuôn mặt chị Hà - người phụ nữ có hoàn cảnh vô cùng éo le vẫn còn đầy hoang mang, lo lắng. Trong câu chuyện không ít lần chị phải quay đi ngăn không cho những dòng nước mắt chực trào ra trên khuôn mặt mệt mỏi. Chị bảo: “Giờ cần phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con, để con yên tâm dưỡng bệnh”.
Chị Vũ Thị Thu Hà (36 tuổi), sinh ra trong gia đình đông con (nhà chị có 4 anh em, chị là con út) và rất nghèo tại xóm Tân Đức I, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Năm 19 tuổi chị Hà lấy chồng, cuộc sống gia đình chưa được bao lâu vợ chồng chị liên tục lục đục và nhiều lần phải li thân. Cuối cùng vợ chồng chị cũng chia tay khi con gái chị - cháu Phan Vũ Hồng Hạnh chưa đầy 3 tuổi (nay, cháu đã 16 tuổi, đang học lớp 10 tại Trường THPT Thái Nguyên). Sau khi li hôn vì chưa có tài sản nên cũng không có gì làm vốn liếng, chị Hà nhận nuôi con và phải đưa con về sống nhờ nhà ngoại. Bố mẹ chị làm công nhân, về nghỉ không có chế độ, đất đai cũng không có chỉ có mỗi căn nhà nhỏ, không có ruộng vườn hay đồi bãi. Dù con cái đã có gia đình riêng nhưng ai cũng khó khăn không thể lo phụng dưỡng ông bà được; hàng ngày ông bà tuy đã già nhưng vẫn đi thu gom đồng nát, sắt vụn để trang trải cuộc sống. Về ở nhờ bố mẹ, chị Hà đi làm công nhân may. Nhưng do chị bị nhiều bệnh như: xoang, thoái hóa đốt sống… nên chị phải nghỉ việc để điều trị liên tục. 9 năm làm may thuê ở một công ty may trong thành phố mà tiền lương cũng không đủ nuôi con, có những tháng bị trừ, lương chị chỉ còn chưa đầy 1 triệu!?
Mệt mỏi và túng quẫn chị xin nghỉ và đi làm thuê ở chợ, ai thuê gì thì làm đấy, cốt sao kiếm được đồng ra đồng vào nuôi con. Trước đây, chồng chị mỗi tháng gửi cho chị 150 nghìn để chị lo cho con, nhưng mấy năm trở lại đây, hoàn cảnh nhà chồng chị cũng thiếu thốn nên không gửi được nữa, chị Hà phải lo liệu, xoay xở mọi thứ.
Năm 2015, được người thân giới thiệu, chị Hà quyết tâm xin đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập, với ước mong mấy năm có thể kiếm được chút vốn mang về để có thể làm căn nhà nhỏ hai mẹ con ở. Chị gửi lại con, nhờ ông bà ngoại trông nuôi giúp trong thời gian đi làm xa.
Mong ước nhỏ nhoi của chị Hà chẳng được bao lâu, khi chị vừa đi làm chưa đầy 5 tháng, thì đến tháng 12 năm 2015 chị nhận được tin dữ, con gái chị - cháu Phan Vũ Hồng Hạnh bị tai nạn giao thông rất nặng, đang bất tỉnh và có thể không thể qua khỏi. Rụng rời chân tay, đau đớn và thương con, gia đình lại neo người, không còn cách nào, chị phải xin phá hợp đồng lao động, vay mượn người thân, để về chăm con đang nằm viện.
Được các bác sĩ tại Bệnh viện A Thái Nguyên tận tình cứu chữa, cháu Hạnh đã tỉnh lại. Nhưng không may, bà ngoại cháu khi biết tình hình bệnh tật của cháu thì bị sốc và bị tai biến mạch máu não, dẫn tới bị liệt, phải vào cấp cứu trong bệnh viện; do không có người chăm sóc và không có tiền nằm viện nên gia đình đưa bà về nằm ở nhà. Còn cháu Hạnh sau đó được chuyển lên cấp cứu và điều trị tại BVĐKTW Thái Nguyên.
Nỗ lực tận tình của các bác sĩ
Nói về tình hình sức khỏe của cháu Hạnh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Ngoại CTCH, BVĐKTW Thái Nguyên, người trực tiếp theo dõi và điều trị cho biết: Bệnh nhân Phan Vũ Hồng Hạnh bị tai nạn xe máy và được cấp cứu tại Khoa cấp cứu BVĐKTW Thái Nguyên ngày 29/12/2015 trong tình trạng đa chấn thương, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng do: chấn thương ngực kín tràn máu, tràn khí khoang màng phổi trái; gãy hở độ IIIc 1/3 trên xương cánh tay phải, đứt toàn bộ bó mạch thần kinh cánh tay phải có nguy cơ cắt cụt cánh tay; gãy kín 1/3 giữa xương cánh tay trái; gãy kín liên mấu chuyển xương đùi phải; lóc rộng và mất phần mềm vùng chậu hông phải.
Trước tình trạng nguy kịch của cháu Hạnh, công tác cấp cứu và hội chẩn được tiến hành hết sức khẩn trương và đồng bộ, vừa hồi sức tích cực các bác sĩ vừa tiến hành phẫu thuật nhằm đưa người bệnh thoát khỏi nguy cơ tử vong, đồng thời cứu cánh tay phải thoát nguy cơ phải cắt cụt. Hai kíp phẫu thuật gồm các bác sỹ chuyên khoa CTCH và chuyên khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực (TMLN) phối hợp đã tiến hành dẫn lưu máu và khí khoang màng phổi trái, kết hợp xương cánh tay phải bằng khung cố định ngoại vi, ghép nối động và tĩnh mạch cánh tay phải, xử lý da lóc vùng vai - cánh tay phải và vùng chậu hông phải. Cánh tay trái và chân phải cháu Hạnh được bất động chờ toàn trạng ổn định sẽ phẫu thuật.
Sau phẫu thuật cấp cứu, cháu Hạnh được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và có sự phối hợp của các chuyên khoa liên quan, đặc biệt là hai Khoa CTCH và Ngoại TMLN. Đến ngày 07/01/2016 toàn trạng cháu ổn định và được chuyển đến Khoa CTCH điều trị tiếp. Tại đây, cháu Hạnh được phẫu thuật kết hợp xương cánh tay trái với nẹp vít, phẫu thuật xử lý phần mềm hoại tử tại các vùng: vai - cánh tay phải, chậu hông phải; đồng thời kéo nắn bất động xương đùi phải chờ phẫu thuật do phần mềm vùng chậu hông phải chưa cho phép phẫu thuật. Qua hơn 1 tháng điều trị và chăm sóc, cháu Hạnh dần ổn định, sức khỏe có biến chuyển tốt và được ra viện ngày 02/02/2016.
Cần lắm sự sẻ chia
Hạnh vẫn nằm một chỗ, không thể tự ngồi hay vận động được, cánh tay phải lạnh ngắt và gần như tê liệt. Khi hỏi mong muốn lớn nhất của cháu là gì? Cánh tay còn lành của Hạnh nắm chặt tay mẹ áp vào má mình buồn bã: “Tay chân cháu hỏng hết cả rồi, chẳng biết sau này cháu có đi học lại được nữa không… Cháu muốn hồi phục dù 70% cũng được, cháu sẽ đi học đi làm để giúp mẹ, cho mẹ đỡ khổ…”. Nghe cháu nói, tôi chỉ biết kể về một số tấm gương tật nguyền vượt khó để an ủi và giúp cháu thêm nghị lực, còn chị Hà lặng lẽ quay mặt đi giấu ánh mắt lo âu và những giọt nước mắt đang vội vàng rơi trên má.
Chị Hà cầm tấm phim bệnh viện mới chụp giải thích tình trạng bệnh cho con
Tôi hiểu điều lo âu của chị bởi trước mặt họ vẫn là một chặng đường dài. Thời gian tiếp theo cháu Hạnh cần được phẫu thuật điều trị vượt qua những di chứng như: Liệt cánh tay phải do tổn thương đám rối thần kinh, can lệch liên mấu chuyển xương đùi phải... Quá trình này không những phức tạp về mặt chuyên môn y khoa, kéo dài về thời gian điều trị và phục hồi chức năng, mà còn cần sự nỗ lực vượt qua bệnh tật của người bệnh cũng như sự chăm sóc hết sức chu đáo của gia đình. Và một điều quan trọng, với 20% viện phí mà người bệnh phải cùng chi trả với Bảo hiểm Y tế lúc này cũng là một vấn đề rất lớn đối với hoàn cảnh mẹ con chị Hà.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Vũ Thị Thu Hà, xóm Tân Đức I, xã Thịnh Đức, TP thái Nguyên Điện thoại: 0162 948 5457 Bệnh nhân Phan Vũ Hồng Hạnh, phòng cấp cứu 301, tầng 3, Khoa Ngoại CTCH, nhà 7 tầng, BVĐKTW Thái Nguyên, số 479 Lương Ngọc Quyến, TP Thái Nguyên |
Quang Khải
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...