Một lần đi tàu
VNTN - Tôi rất ít đi chơi xa dù đã về nghỉ hưu mấy năm. Một phần vì ngại chen lấn, ngại ăn ngủ nơi xa lạ, cái chính là hay bị say xe. Mỗi lần đi xa về là mệt mỏi nằm như ốm mấy ngày.
Lần này, thằng cháu đánh xe đưa bà chị lên chơi và có nhã ý đón tôi xuống nhà vài hôm. Nể quá tôi nhận lời. Thằng cháu lái xe cẩn thận mà tôi vẫn bị say, nôn ọe. Bởi vậy lúc về tôi quyết định đi tàu hỏa.
Ảnh minh họa
Đến ga thấy vắng khách, chỉ có chục người xếp hàng lấy vé, đã thấy nhẹ nhõm thầm nghĩ quyết định đi tàu là quá đúng, khỏe người. Nhìn thấy tấm biển đề bán vé ưu tiên giảm giá người cao tuổi tôi rút chứng minh thư xuất trình. Ở tuổi gần 70 như tôi, sao chả được giảm. Chị bán vé tươi cười nhìn tôi, nhìn chứng minh thư rồi xé một tờ vé bảo: của cụ được giảm 6000 đồng ạ. Vé đã rẻ lại được giảm, quá hay, từ nay cứ đi tàu. Ngành đường sắt bây giờ lịch sự lại thu ít tiền.
Chọn một ghế mới có một người ngồi, tôi ngồi xuống, cất vé vào túi đề phòng họ kiểm tra. Ngồi ghế đằng trước là một bà già khoảng tuổi tôi. Tàu chạy một lúc, thấy buồn buồn, tôi mới làm quen với bà ta:
- Dạ, cụ có đi hết ga không ạ?
- Có, tôi đi hết ga, cụ ôn tồn trả lời.
- Dạ, cụ có mua vé ở ga không ạ? Đi tàu được giảm vé, hay quá cụ nhỉ!
Ngừng một phút cụ mới trả lời:
- Không, chắc ông mới đi tàu. Tôi thì tháng nào cũng đi chơi. Không bao giờ phải mua vé ở ga, đỡ xếp hàng, chen lấn. Thế ông được giảm mấy nghìn.
- Dạ, được giảm những 6000 đồng cụ ạ.
Bà cụ cười khó hiểu. Lại phút sau bà mới bảo:
- Lần sau ông đi không phải xếp hàng, cứ lên tàu sẽ có người đến bán vé ngay. Còn giảm đến 10.000 đồng.
Tôi ngạc nhiên:
- Thế là sao ạ? Vậy cụ có vé không?
- Có chứ sao không, ông xem đây.
Tôi cầm tấm vé của bà ta, nó cũng có đục lỗ còn nghiêm hơn vé của tôi. Rút kính ra xem, tôi giật mình. Vé này có bốn ga cuối. Lập tức tôi thắc mắc:
- Cụ ơi, nếu họ kiểm tra bây giờ thì sao?
Bà lại cười ra tiếng:
- Ông quá lạc hậu. Chẳng ai kiểm tra. Mà có kiểm tra họ cũng chẳng hỏi gì. Họ hiểu ngầm với nhau cả rồi.
Bà lão nói đúng. Vừa lúc đó, có hai nhân viên đến soát vé nhưng không ai nói gì.
Tàu vừa đến ga thì khách ùn ùn kéo lên, chủ yếu là các bà gồng gánh hoa quả, có cả lợn gà. Các ghế lập tức chật hết và kín cả sàn tàu. Mùi mít chín lẫn mùi hôi của lợn gà nồng nặc. Tôi phải lấy khăn bịt mũi. Hóa ra đi tàu cũng đông khách thế này thì ngành đường sắt thu cũng khá đây.
Như đoán được ý nghĩ của tôi, bà già cười hóm hỉnh:
- Ông tưởng đông khách thế này mà được “ăn” à. Các bà gồng gánh kia đều trả tiền khoán, cứ 15.000 đồng một người chẳng cần vé gì đâu.
Tôi nghe nhưng chưa tin:
- Cụ nói thế nào, tí xuống ga họ soát lại lòi ra, họ phạt cho chổng vó.
Bà xua tay cười ngặt nghẽo:
- Đúng là Khốt ta bít. Chẳng có ai kiểm tra. Tất cả đều thống nhất hết rồi. Không tin ông xuống ga xem nhé.
Quả như lời bà ta nói. Tôi đi thẳng qua cửa, chả ai thu vé. Các bà gồng gánh thì đã lần lượt xuống các ga trước rồi.
Đến bây giờ tôi vẫn đi tàu nhưng không dám mạo hiểm mua vé tắt như bà già nọ. Cũng giống như một số người, phần vì tự trọng không vì vài đồng mà làm việc xấu. Nhưng cứ ngẫm nghĩ không biết Nhà nước quản lý được bao nhiêu phần trăm vé tàu hỏa. Khách đã ít, giá vé đã rẻ lại quản lý lỏng lẻo, tạo cơ hội cho những người xấu bòn rút. Cứ thất thu thì lại bù lỗ mãi, bao giờ ngành đường sắt mới phát triển văn minh, hiện đại.
Tú Xuân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...