Một công trình mang biểu tượng hội tụ văn hóa – nghệ thuật vùng Việt Bắc
Trong dòng lịch sử
Trải qua hành trình gần 7 thập kỷ, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc là một trong số ít đơn vị cho đến nay vẫn còn giữ lại được trong tên gọi của mình hai chữ “Việt Bắc” thân thương và chất chứa ký ức lịch sử.
Đội Văn công liên khu Miền núi Việt Bắc, được thành lập từ năm 1953, với sứ mệnh phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của thời kỳ kháng chiến, phục vụ nhân dân, bộ đội vùng Việt Bắc. Đội Văn công thuở ấy đã thực hiện hàng ngàn đêm biểu diễn phục vụ nhân dân, phục vụ trực tiếp cho công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta trong các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ địch, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng trong thời kỳ đổi mới của đất nước, đặc biệt là phục vụ đồng bào vùng sâu vùng xa, biên giới và chiến sĩ ngoài hải đảo. Trưởng thành cùng lịch sử, Đội Văn công được phát triển thành Đoàn Ca Múa dân gian Việt Bắc, và ngày nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc.
Bản vẽ phối cảnh Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc.
Với đặc thù đặt trong không gian văn hóa vùng Việt Bắc, qua chiều dài nhiều năm sưu tầm nghiên cứu, xây dựng và biểu diễn các chương trình nghệ thuật, Nhà hát đã dày công tạo dựng cho mình một “kho tàng” khá giàu có về văn hóa - nghệ thuật dân gian của các dân tộc miền núi khu vực phía Bắc. Đó là các làn điệu dân ca Tày, Nùng, Dao, Mông,… những điệu múa dân gian trong sinh hoạt lễ hội và trong nghi lễ thờ cúng của các dân tộc Lô Lô, Pà Thẻn, Dao, Sán Chí, Cao Lan, Thái,… cùng những bài khèn, kèn, trống, sáo... của các dân tộc Mông, Thái, Dao, Lô Lô...
Những con người tài hoa, tâm huyết qua nhiều thế hệ của Nhà hát như NSND Lê Khình, NSƯT Vương Thào, và gần hơn là NSƯT Nông Văn Khang, NSND Nông Xuân Ái, NSƯT Ngô Đình Thành, NSƯT Thúy Hồng... đã dàn dựng nhiều chương trình, nhiều tiết mục đặc sắc, chất lượng nghệ thuật cao, được ghi nhận, khẳng định bằng các giải thưởng nghệ thuật uy tín, chuyên nghiệp cấp toàn quốc. Trong số đó, nhiều tiết mục đã làm nên thương hiệu và trở thành di sản đáng quý của Nhà hát nói riêng, góp phần tô điểm cho khu vườn văn hóa Việt Bắc thêm thắm sắc hơn. Những người say mê văn hóa nghệ thuật dân tộc thiểu số và miền núi vẫn vô cùng trân trọng khi nhắc nhớ đến những tiết phẩm vang danh như: Đám cưới người Dao; Những cô gái Lô Lô; Những bông đỏ của rừng; Phiên chợ H'Mông; Múa Trống; Hành trình qua ba cõi; Tiếng vọng núi rừng; Hội then… hay những tác phẩm đầy ấn tượng như: Đợi nàng; Gọi anh; Tiếng gọi của rừng; Lời thương; Bức tranh thổ cẩm; Tiếng gọi Lủng Pảng...
Nhờ chính “phong cách” mang thế mạnh riêng từ những vẻ đẹp độc đáo của các tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc thiểu số miền núi, trong suốt gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, trong không khí hội nhập về văn hóa nghệ thuật quốc tế, Nhà hát luôn được mời tham gia các Festival nghệ thuật dân gian tại các nước Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan... Để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả nước ngoài, các diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát đã bằng cách của riêng mình để đem sắc màu văn hóa quê hương, dân tộc đến với bầu bạn bốn phương.
Tuy vậy, nhìn lại suốt hành trình bền bỉ đó, cũng vì những khó khăn chung, Nhà hát vẫn không có một “sân khấu” đúng nghĩa để thường xuyên biểu diễn nghệ thuật, mà vẫn chỉ là biểu diễn lưu động. Bên những cánh đồng thơm mùi lúa mới, những vạt rừng rì rào tiếng đại ngàn, trên mỗi nẻo đường quê, lời ca điệu múa cứ thế theo năm tháng vang vọng. Dù đã dành tất cả tâm sức để đem các chương trình nghệ thuật đến cho cộng đồng, nhưng với điều kiện lưu động, thiếu trang thiết bị, thiết chế văn hóa để thực hiện như vậy, các chương trình nghệ thuật lớn, có giá trị, mang tầm chuyên nghiệp của Nhà hát không thể đưa đến khán giả.
Công phu xây dựng Nhà hát
Mong ước về một công trình Nhà hát giờ đây đã trở thành hiện thực, đem lại niềm vui và hi vọng cũng như tự hào cho Thái Nguyên, cho Việt Bắc - đó là công trình kiến trúc - nghệ thuật chuyên biệt mang tên Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc.
Năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho chủ trương đầu tư xây dựng một rạp hát, với mong muốn trở thành nơi để Đoàn Ca Múa dân gian Việt Bắc thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị, phục vụ được đông đảo người xem, phát huy tốt hơn việc giữ gìn bản sắc dân tộc vùng Miền núi phía Bắc. Chủ trương nhận được sự đồng lòng ủng hộ lớn của giới văn nghệ sĩ, người dân và chính quyền địa phương. Tháng 10/2012, công trình chính thức được khởi công và đi vào xây dựng.
Khu vực được Tỉnh giao đất để xây dựng rạp hát là một trong những vị trí trung tâm và đẹp nhất của thành phố Thái Nguyên, nằm tại tổ 24 (nay là tổ 15) trên mặt trục đường Hoàng Văn Thụ. Với yêu cầu là một Nhà hát thuộc Bộ, có quy mô ban đầu là 900 chỗ, việc lựa chọn phương án kiến trúc cho công trình là một nhiệm vụ phức tạp, có sự tham góp của nhiều cấp, nhiều ngành. Hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này là cả một tập thể lớn các chuyên gia đầu ngành về Kiến trúc, không những các công ty trong nước mà các công ty của nước ngoài (Nhật Bản) đã tham gia. Sau ba lần thi tuyển, cuối cùng phương án kiến trúc của Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ xây dựng & Kiến trúc Á Châu được chọn, với thiết kế ấn tượng, điểm nhấn của công trình là những hình ảnh của ruộng bậc thang, cọn nước, vòm mái cong uốn lượn tượng trưng cho dòng suối mát lành của thượng nguồn Việt Bắc chảy mãi với thời gian.
Với mật độ xây dựng 45% trên tổng số 10.097m2 đất được cấp, công trình là một thiết chế văn hóa hoành tráng, có kết cấu phức tạp và hình thức kiến trúc nổi bật đặc trưng. Hệ vách kính nghiêng tạo điểm nhấn khác biệt cho công trình đã được các kỹ sư thiết kế và thi công với những kỹ thuật rất phức tạp, chính xác, đặc biệt là hình tượng cọn nước được đặt trên Thiên kiều (khoang treo) có cấu trúc bằng thép ống. Cọn nước là một phần biểu tượng đặc trưng cho vùng Việt Bắc, với vòm mái lượn cong tượng trưng cho dòng suối của vùng cao. Bên ngoài, bậc thang lên xuống cho khán giả cũng được thiết kế lấy cảm hứng từ những thửa ruộng bậc thang của vùng núi. Bao quanh, phía ngoài sân khấu biểu diễn chính là khu làm việc gồm 3 tầng dành cho việc quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống Nhà hát với các phòng, kho trang phục, khu hóa trang diễn viên, khu tiếp khách trước giờ biểu diễn, cùng đại sảnh có thể chứa hàng nghìn người cùng lúc. Tầng hầm, dưới khu đại sảnh được thiết kế xây dựng làm một khu vực rộng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Tòa nhà gồm phòng biểu diễn chính 1.200 chỗ, 2 phòng hội nghị, hội thảo mỗi phòng 200 chỗ, cùng với khán phòng sân khấu lớn, các dầm dự ứng lực được áp dụng cho việc thi công theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Hệ thống điều hòa, thông gió gồm một tổ hợp phức tạp trong thiết kế, thi công, với những trang thiết bị hiện đại được nhập khẩu từ Malaysia. Có tổng cộng 4 tổ máy với 48 máy nén khí công suất lớn cung cấp không khí lạnh cho 3 khu vực chính của Nhà hát, trên 40 máy điều hòa cục bộ cho các phòng, khu làm việc khác của rạp. Hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại của Nhà hát được sản xuất từ Italia, với những trang bị kỹ thuật tiên tiến.
Đối với việc thi công khán phòng chính, việc đáp ứng tiêu chuẩn về độ ồn được các kỹ sư tính toán kỹ lưỡng, sao cho khi hệ thống vận hành toàn bộ hệ thống vẫn không ảnh hưởng đến âm thanh của chương trình biểu diễn.
Sau khoảng thời gian kéo dài đáng tiếc với nhiều lý do, đến thời điểm này, một công trình kiến trúc - nghệ thuật - văn hóa hiện đại, tinh tế, đẳng cấp chuyên nghiệp đã đi vào công đoạn hoàn thiện cuối cùng, sẵn sàng chờ thời điểm chính thức sáng đèn đón khán giả vào thưởng lãm.
Khơi nguồn hi vọng
Thái Nguyên là một trong số rất ít tỉnh/thành trong cả nước (như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh) có công trình nhà hát. Về mặt kĩ thuật, đây là dạng công trình kiến trúc - nghệ thuật chuyên biệt, đáp ứng các yêu cầu cao và phức tạp, đảm bảo các điều kiện tốt nhất để có thể trình diễn những tác phẩm, chương trình nghệ thuật đỉnh cao, chuyên nghiệp. Về khía cạnh văn hóa, công trình nhà hát làm nên điểm nhấn sang trọng, ấn tượng cho diện mạo đời sống tinh thần của một thành phố. Nó là một chỉ dấu đáng tự hào cho sự phát triển trong văn hóa - xã hội của một địa phương.
Đối với giới trong nghề và các nghệ sĩ, đây là “đất diễn” để họ có thể toàn tâm toàn ý, thỏa sức sáng tạo và trình diễn những tác phẩm, chương trình nghệ thuật chất lượng cao, ở tầm chuyên nghiệp. Đó cũng là cách để họ đóng góp sản phẩm làm giàu thêm vào kho tàng văn hóa của quê nhà, rộng hơn là của cả khu vực. Song hành với đó, người dân với tư cách chủ thể văn hóa sẽ có cơ hội để hưởng thụ những sản phẩm nghệ thuật một cách trọn vẹn nhất, khi mà thị hiếu thẩm mĩ và nhu cầu của cộng đồng đang ngày càng nâng cao.
Sẽ là một sân khấu lớn cho những chương trình nghệ thuật, văn hóa của tỉnh, của khu vực và thậm chí của quốc gia, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc hướng tới trở thành một địa chỉ tin cậy, chuyên nghiệp, làm nên “thương hiệu” uy tín của Thái Nguyên cũng như Việt Bắc. Điều đó tất yếu cũng đặt ra đòi hỏi hướng đi chuyên môn của đơn vị cần được đầu tư với những yêu cầu cao hơn. Làm sao để đưa khán giả đến Nhà hát cũng như ngược lại làm sao đưa nghệ thuật đến với khán giả, đó là câu chuyện không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh nghệ thuật biểu diễn phải “cạnh tranh” với các yếu tố nghe nhìn, giải trí thuần túy…
Những họa tiết đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng Việt Bắc được sử dụng trang trí tạo ấn tượng cho khán giả.
Được biết, đội ngũ cán bộ quản lý và nghệ sĩ của Nhà hát đang tiến hành xây dựng các phương án trình cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch khai thác, phát huy hiệu quả công trình khi đưa vào sử dụng, bao gồm các nhiệm vụ cơ bản như: Kế hoạch biểu diễn những chương trình nghệ thuật tầm vóc lịch sử và đương đại, có giá trị nhân văn sâu sắc, có sức thu hút và tạo ảnh hưởng mạnh đến công chúng; Tổ chức những chương trình nghệ thuật kết hợp với các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài quốc doanh để phục vụ nhân dân; Tổ chức những sự kiện nhỏ và vừa, tăng nguồn thu, phục vụ cho việc tái đầu tư cho nghệ thuật, góp phần giảm ngân sách nhà nước cấp, nâng cao và giữ vững, tạo thương hiệu mạnh cho Nhà hát trong thời gian trung hạn và trong tương lai.
NSƯT Lê Khánh Toàn, Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc chia sẻ những dự định đang ấp ủ: “Trước hết, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch để đứng ra tổ chức một kiểu chương trình văn hóa nghệ thuật thường niên, thực sự đủ sức tạo nên uy tín và thương hiệu. Về con đường dài phía trước, chúng tôi mong muốn và sẽ nỗ lực để quay trở lại với các giá trị văn hóa dân gian dân tộc thiểu số miền núi, đưa nghệ thuật thực sự về gần với đời sống để phát huy giá trị sâu xa của nó. Hướng đi này có thể ban đầu sẽ kén chọn khán giả, nhưng cần nghĩ đến mục tiêu bảo tồn. Mỗi nghệ sĩ chúng tôi cần đặt mình vào trách nhiệm và tâm huyết của một nghệ nhân thì mới có thể khơi tìm, lưu giữ các giá trị đích thực trong đời sống dân gian. Chỉ có như vậy, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc mới có được phong cách, vị trí của riêng mình”.
Những dự định đầy tâm đắc này hẳn cũng là hi vọng, mong đợi của nhiều nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu mến nghệ thuật biểu diễn của Thái Nguyên.
Thanh An - Hải Anh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...